backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Cách trị ho bằng lá hẹ an toàn và hiệu quả tại nhà

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung · Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


Tác giả: Linh Do · Ngày cập nhật: 18/12/2023

    Cách trị ho bằng lá hẹ an toàn và hiệu quả tại nhà

    Ho là một triệu chứng rất phổ biến mà ai cũng mắc phải ít nhất một vài lần trong cuộc đời, đặc biệt trong giai đoạn thời tiết dần chuyển sang lạnh hơn. Đối tượng hay mắc triệu chứng ho nhiều hơn cả là người già, trẻ nhỏ hoặc người có bệnh mãn tính, suy giảm chức năng miễn dịch. Nguyên nhân gây ho cũng rất đa dạng: ho do viêm họng, viêm khí quản, viêm phổi, ho do trào ngược dạ dày thực quản…  Hiện nay, ngoài thuốc kháng sinh chống viêm, ức chế trung tâm gây ho của tân dược thì những cách điều trị sử dụng nguyên liệu tự nhiên cũng được ưu tiên để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, hạn chế tối đa tác dụng không mong muốn. Theo đó, sử dụng lá hẹ trị ho là một phương pháp đang nhận được rất nhiều sự quan tâm từ mọi người.

    Cùng tìm hiểu về công dụng của lá trị để trị ho và các bài thuốc trị ho từ lá hẹ qua bài viết sau đây nhé.

    Giới thiệu về lá hẹ

    Lá hẹ còn có tên tên gọi khác là cửu thái, cửu thái tử, khởi dương thảo, du thái tử…

    Tên khoa học: Allium ramosum L.

    Họ: Hành (Alliaceae).

    Hẹ là một loại rau ăn chứa rất nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe, rất phổ biến trong bữa cơm hàng ngày của người Việt. Ngoài ra loại thảo mộc này còn là cây thuốc Nam được sử dụng lâu đời thường để chữa các bệnh lý về hô hấp, suy giảm chức năng sinh lý nam. 

    Theo Y học cổ truyền, hẹ có vị cay, ngọt, tính ấm, có tác dụng ôn trung, trợ vị khí, điều hòa tạng phủ, hạ nghịch khí, cố thận tinh, tán ứ huyết. Hẹ có các tác dụng sau: 

    • Giải độc, chống viêm, giảm đau
    • Điều trị cảm mạo, ho khan, ho có đờm
    • Bổ thận, tráng dương
    • Chữa mộng tinh, điều trị di tinh
    • Cải thiện lưng gối yếu mềm;
    • Làm lành các vết thương;
    • Điều trị táo bón, trị giun.

    Theo Y học hiện đại, cây hẹ có các tác dụng dược lý như:

    1. Vitamin K và canxi trong hẹ có tác dụng bồi bổ xương, giúp xương chắc khỏe;
    2. Lưu huỳnh và flavonoid có khả năng ngăn chặn một số chứng bệnh ung thư (phổi, dạ dày, đại tràng, vú, tuyến tiền liệt), ngăn chặn các gốc tự do phát triển;
    3. Một số loại hóa chất như allcin, sulfit, odorin,… có trong hẹ có tác dụng như kháng sinh, giúp điều trị nhiễm trùng da, ngứa, ghẻ, giun kim ở trẻ nhỏ;
    4. Hẹ có tác dụng giảm lượng cholesterol trong máu và làm giảm cao huyết áp.

    Hiện nay, lá hẹ được khuyến khích sử dụng như một vị thuốc để điều trị ho, đuổi giun ký sinh và giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư.

    Công dụng của lá hẹ trong điều trị ho

    “Lá hẹ dùng để trị ho có tốt không” là thắc mắc khá phổ biến của nhiều người. Trên thực tế, lá hẹ rất giàu vitamin C vì vậy loại thảo mộc này có thể được sử dụng như một liệu pháp bổ sung cùng với phác đồ kháng virus để làm giảm các triệu chứng ho do cảm lạnh thông thường.

    Hơn nữa, vitamin C đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy các chức năng trong hệ thống miễn dịch để chống lại các bệnh nhiễm trùng do virus trong cơ thể. Việc bổ sung lá hẹ sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch và thúc đẩy quá trình điều trị ho nhanh hơn.

    Các bài thuốc từ lá hẹ trị ho an toàn và hiệu quả

    Nước ép lá hẹ

    Chuẩn bị: Lá hẹ tươi đủ dùng.

    Cách thực hiện:

    • Bước 1: Rửa sạch lá hẹ rồi ngâm với nước muối trong 15 phút. Sau đó, bạn vớt lá hẹ ra và để ráo nước.
    • Bước 2: Bạn cắt nhỏ lá hẹ cho vào máy xay sinh tố để xay nhuyễn. Thêm 1 ly nước ấm vào, khuấy đều hỗn hợp và lọc lấy nước cốt.
    • Bước 3: Chia nước lá hẹ thành 2 – 3 phần để uống trong ngày.

    Lá hẹ chưng đường phèn chữa ho hiệu quả

    lá hẹ trị ho

    Chuẩn bị: 100g lá hẹ tươi, 3 muỗng đường phèn.

    Cách thực hiện:

    • Bước 1: Rửa sạch lá hẹ, cắt thành từng khúc nhỏ và cho vào một cái bát. Đường phèn giã thành những hạt nhỏ và rải đều lên trên lá hẹ.
    • Bước 2: Mang hỗn hợp lá hẹ và đường phèn hấp cách thủy trong 30 phút.
    • Bước 3: Chia hỗn hợp thành 2 lần ăn, hãy ăn luôn phần lá hẹ để trị ho nhanh hơn.

    Lá hẹ nấu cháo ăn trị ho

    Chuẩn bị: 100g lá hẹ tươi, 50g gạo tẻ.

    Cách thực hiện:

    • Bước 1: Rửa lá hẹ sạch và cắt thành những khúc vừa đủ ăn.
    • Bước 2: Vo gạo tẻ (khoảng 2-3 lần nước), rồi bắc bếp để nấu cho đến khi chín nhừ. Khi gạo đã chín, bạn có thể nêm nếm gia vị cho vừa miệng và cho lá hẹ vào trong nồi, nấu thêm khoảng 2 phút trước khi tắt bếp. Bước 3: Ăn ngay khi còn nóng để giúp làm ấm và xoa dịu cổ họng, đồng thời, cải thiện tình trạng đau rát và khó chịu khi bị ho.

    Lá hẹ hấp gừng để trị ho

    Chuẩn bị: 250g lá hẹ tươi và 25g gừng củ.

    Cách thực hiện:

    • Bước 1: Lá hẹ rửa sạch, ngâm nước muối và cắt thành từng khúc nhỏ. Củ gừng gọt vỏ, rửa sạch và đập dập.
    • Bước 2: Cho lá hẹ và gừng vào một bát sứ rồi mang đi hấp cách thủy trong 30 phút.
    • Bước 3: Sau khi hấp xong, ăn hỗn hợp lá hẹ và gừng để trị ho, dùng khoảng 3 lần mỗi ngày.
    • Bước 4: Sử dụng liên tục trong vòng 5 ngày để điều trị ho do lạnh, cảm mạo.

    Lá hẹ kết hợp nghệ và chanh dùng trị ho

    Chuẩn bị: 10g lá hẹ tươi, 20g củ nghệ, 1 quả chanh và đường.

    Cách thực hiện:

  • Bước 1: Nướng chín nghệ, lột vỏ và giã nát trong cối.
  • Bước 2: Rửa sạch lá hẹ, ngâm với nước muối pha loãng, cắt thành khúc ngắn.
  • Bước 3: Cắt chanh thành lát mỏng, sau đó cho vào chén với nghệ và lá hẹ, thêm một ít đường phèn.
  • Bước 4: Hấp cách thủy trong vòng khoảng 20-30 phút, chú ý đến khi đường tan hết là sử dụng được.
  • Bước 5: Chắt lấy nước và uống 2 lần mỗi ngày trước khi ăn.
  • Lá hẹ, hoa đu đủ đực và hạt chanh

    Chuẩn bị: 15g lá hẹ tươi, 15g hoa đu đủ đực, 10g hạt chanh.

    Cách thực hiện:

    • Bước 1: Các nguyên liệu rửa sạch và xay nhuyễn với nước.
    • Bước 2: Sau đó, đổ hỗn hợp vào chén và thêm một ít đường và mật ong, trộn đều và đem hấp chín.
    • Bước 3: Uống hỗn hợp 3 lần/ngày để đạt hiệu quả trị ho.
    • Bước 4: Kiên trì sử dụng vài ngày sẽ giúp cải thiện tình trạng ho.

    Chườm lá hẹ để trị ho

    Chuẩn bị: Lá hẹ tươi.

    Cách thực hiện:

    • Bước 1: Rửa sạch lá hẹ và hơ nóng. Đắp lá hẹ trực tiếp lên cổ họng, cần chú ý để canh độ nóng vừa phải để tránh bị bỏng.
    • Bước 2: Khi lá hẹ không còn nóng, lấy lá mới hơ và đắp tiếp tục theo cách tương tự.
    • Bước 3: Áp dụng 2 – 3 lần mỗi ngày, mỗi lần khoảng 15 phút.
    • Bước 4: Phương pháp này phù hợp với những người bị ho nhiều đờm, sưng và đau nhiều ở cổ họng.

    Siro lá hẹ, húng chanh

    Chuẩn bị: Lá hẹ tươi, lá húng chanh tươi, gừng tươi, trái tắc tươi, đường phèn.

    Cách thực hiện: 

    • Bước 1: Rửa sạch  tất cả các nguyên liệu, cắt nhỏ, gừng bào vỏ thái lát.
    • Bước 2: Cho tất cả các nguyên liệu vào nồi, đổ nước vừa đủ ngập nguyên liệu.
    • Bước 3: Đun lửa nhỏ khoảng 60 phút, sau đó vớt bã nguyên liệu ra. Tiếp tục đun cô đặc lại. 
    • Bước 4:  Tắt bếp, bảo quản ngăn mát tủ lạnh. Mỗi lần uống khoảng 5- 15ml pha nước ấm, ngày 3 lần. 

    Kinh nghiệm và lưu ý khi sử dụng lá hẹ trị ho

    lá hẹ trị ho

    • Nên chọn lá hẹ tươi, không bị dập nát.
    • Dùng lá hẹ chỉ hiệu quả trong giai đoạn đầu của cơn ho.
    • Nên ăn lá hẹ hấp khi còn nóng để phát huy hiệu quả tốt nhất.
    • Nên uống nước ép lá hẹ ngay sau khi ép để giữ được các chất dinh dưỡng.
    • Lá hẹ có tính nhiệt, vị cay, không phù hợp cho những người có thể âm suy hoặc bốc hỏa.
    • Hẹ kỵ thịt trâu, mật ong.
    • Hẹ chứa nhiều chất xơ, nếu ăn quá nhiều có thể gây khó chịu trong dạ dày. Không nên ăn quá nhiều hẹ cùng một lúc.
    • Nếu bạn từng bị dị ứng với các thực phẩm cùng họ như hành lá hay hành tây, hãy thận trọng và tham khảo ý kiến ​​bác sĩ trước khi sử dụng lá hẹ.

    Việc sử dụng lá hẹ trị ho không phải lúc nào cũng có hiệu quả với tất cả mọi người. Hơn nữa, các phương pháp tự nhiên cũng cần sử dụng trong một thời gian nhất định trước khi thấy được hiệu quả. Do đó, bạn hãy hỏi bác sĩ để tìm ra cách trị ho phù hợp với thể trạng và nhu cầu của mình nhé.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung

    Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


    Tác giả: Linh Do · Ngày cập nhật: 18/12/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo