backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Lá tía tô trị ho có hiệu quả không? Cách nấu lá tía tô trị ho

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung · Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


Tác giả: Nguyễn Ngọc Phượng · Ngày cập nhật: 25/12/2023

    Lá tía tô trị ho có hiệu quả không? Cách nấu lá tía tô trị ho

    Cây tía tô hay còn có tên khác là tử tô, xích tô, é tía;  tên khoa học: Perilla frutescens Lamiaceae; Họ: Lamiaceae (Bạc hà). Lá tía tô được sử dụng rộng rãi trong ẩm thực người Việt như một loại gia vị hay rau thơm. Trong y học cổ truyền, vị thuốc này được gọi là tô diệp. Tô diệp có vị cay, tính ấm, quy vào kinh tỳ, phế. Nó có tác dụng phát biểu tán hàn (giải cảm lạnh, hạ sốt), lý khí hòa trung, giải uất (điều hòa chức năng tiêu hóa), giải độc cua cá và an thai. Sử dụng lá tía tô trị ho là cách chữa ho hiệu quả được truyền tai nhau trong dân gian.

    Cùng tìm hiểu các tác dụng trên đường hô hấp của lá tía tô và cách trị ho bằng lá tía tô qua bài viết sau đây!

    Lá tía tô trị ho nhờ thành phần nào?

    lá tía tô

    Hiện tại ở nước ta có 2 loại tía tô là tía tô có lá màu tím hung, có tên khoa học là Perilla ocymoides var. purpurascens và thứ tía tô có lá màu lục, chỉ có gân màu hung có tên khoa học là Perilla ocymoides var..bicolor. Loại tía tô mép lá quăn (Perilla ocymoides L. var. bicolor) có mùi thơm đặc trưng, hương thơm đậm, lá nhỏ và có giá trị sử dụng cao hơn.

     Cây tía tô thường được trồng ở mùa xuân và thu hái ở mùa hè, lúc này dược chất của lá tía tô là cao nhất. Bào chế bằng cách loại bỏ tạp chất, phơi trong bóng râm hoặc sấy nhẹ đến khô. Loại bỏ tạp chất và cành già, phun nước cho mềm, thái vụn hoặc để nguyên lá, phơi khô.  Bảo quản bằng cách giữ trong hộp hoặc đóng túi để nơi khô thoáng và dùng dần. Tác dụng của lá tía tô phơi khô và lá tía tô tươi là giống nhau. Ngoài lá thì cành và hạt tía tô cũng là 2 vị thuốc rất nổi tiếng của y học cổ truyền. 

     Theo y học cổ truyền, lá tía tô (tô diệp) thuộc nhóm thuốc tân ôn giải biểu, có tác dụng chữa cảm mạo phong hàn, chữa ho, hóa đờm, hỗ trợ  tiêu hoá, chữa đau bụng nôn mửa, giảm đau, giải độc cua cá.  Tô diệp thường xuyên xuất hiện trong các bài thuốc trị cảm mạo phong hàn, điều trị chứng khái thấu,…

    Theo y học hiện đại, công dụng chữa cảm sốt của lá tía tô là do thành phần tinh dầu có tác dụng làm giãn mạch, ra mồ hôi. Trong lá tía tô có chứa 0,3-0,5% tinh dầu và khoảng 20% citral. Tinh dầu chứa các thành phần hóa học như linalool perillaldehyd, β-cargophylen, L-perrilla alcohol, perillaldehyde, α-pinen, elsholtziaceton,…

    Các tinh dầu trong tía tô còn cho thấy khả năng kháng khuẩn, kháng viêm như một loại kháng sinh tự nhiên. Các nghiên cứu về hoạt tính kháng khuẩn của tinh dầu từ lá tía tô, đặc biệt là perillaldehyde, trên vi khuẩn gram dương và gram âm cho thấy hiệu quả của loại tinh dầu này trong việc ức chế sự phát triển của vi khuẩn. Gần đây hơn, vào tháng 6 năm 2021 một nghiên cứu đã chứng minh chiết xuất lá tía tô có khả năng ngăn ngừa virus SARS-CoV-2. Điều này góp phần chứng minh tác dụng hiệu quả của lá tía tô với các triệu chứng ho do viêm nhiễm đường hô hấp.

    Đặc biệt, nhiều mẹ truyền tai nhau bí quyết dân gian đó là cho trẻ uống nước lá tía tô trước tiêm để phòng ngừa sốt và đau sau tiêm chủng. Hiện chưa có đủ bằng chứng khoa học khẳng định công dụng này, có thể giải thích bằng ý kiến do nước sắc  lá tía tô có tác dụng giãn mạch ngoài da, kích thích tiết mồ hôi. Tuy nhiên nhiều người đã sử dụng và cho thấy hiệu quả tốt.

    Cách dùng lá tía tô 

    Lá tía tô có thể dùng tươi, dạng thuốc sắc, chiết lấy tinh dầu hoặc dạng bột mịn.

  • Đối với trường hợp dùng tươi, có thể dùng ở liều cao. 
  • Nếu dùng trong các bài thuốc, liều dùng chỉ nên từ 4 – 12g. 
  • Ngày dùng 5-9g lá, dạng thuốc sắc. 
  • Đối với nước sắc có chứa cả lá và hạt, liều dùng chỉ nên dưới 10g/ ngày. 
  • Cách nấu lá tía tô trị ho và uống hàng ngày

    Bạn có thể nấu nước lá tía tô theo cách sau: 

    1. Lá tía tô ngâm với nước muối pha loãng rồi rửa sạch. 
    2. Đun sôi 2,5 lít nước lọc rồi cho lá tía tô vào. Do tô diệp rất giàu tinh dầu nên khi nấu cần đậy kín nắp, nấu lửa to, để hỗn hợp sôi khoảng 2 phút thì tắt bếp, để nguội. 
    3. Sau đó, cho 3 lát chanh tươi vào bình, đậy nắp, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh để uống suốt cả ngày. Không nên để nước sắc tía tô qua đêm.

    Nên uống trước ba bữa chính khoảng 10-30 phút để ngăn ngừa hấp thu chất béo, đồng thời giảm lượng thức ăn nạp vào.

    Trong lá tía tô đã có thành phần hoạt chất tạo vị ngọt, ngọt gấp 2000 lần đường nhưng dễ phân hủy ở nhiệt độ cao, nên sau khi đun sôi nếu cảm thấy khó uống có thể thêm vào 1 ít đường phèn để tạo vị ngọt.

    lá tía tô trị ho

    Nấu cháo lá tía tô giải cảm

    Thời tiết giao mùa cuối thu đầu đông là thời điểm dễ mắc các bệnh lý cảm cúm. Các triệu chứng sẽ bao gồm nghẹt mũi, chảy nước mắt nước mũi, hắt xì liên tục, sốt, mệt mỏi, ho khan hoặc ho có đờm,…Nấu cháo kết hợp trứng gà và lá tía tô cũng hữu ích để chữa ho, giải cảm. Bạn có thể thử làm theo các bước sau:

    1. Chuẩn bị 40g gạo tẻ, 2 quả trứng gà, 10g lá tía tô tươi.
    2. Nấu gạo với 300ml nước.
    3. Khi cháo chín, đập trứng vào nồi, trộn đều. Khi nào thấy cháo sôi lần nữa thì bạn cho lá tía tô đã được thái nhỏ vào. Có thể thêm hành hoặc gừng để tăng hương vị và tác dụng.
    4. Nêm nếm gia vị vừa ăn rồi tắt bếp. 

    Ăn nóng, ngày 2 – 3 lần, mỗi lần 1 bát nhỏ. Ăn xong đắp chăn ấm nằm nghỉ.

    Bài thuốc trị ho có lá tía tô

    • Bài thuốc tiêu đờm giảm ho: Tía tô 6 – 12g, bạch giới tử 6 – 8g, la bạc tử từ 8 – 12g sắc uống mỗi ngày 1 tháng. Nước sắc đem chia thành 2 lần uống. Cách khác: Tô diệp 15g, gừng khô 3g sắc uống mỗi ngày. Nước sắc đem chia thành 2 lần uống.
    • Bài thuốc giải cảm phong hàn: Tô diệp 8g, trần bì 6g, hương phụ 8g, cam thảo 4g, gừng tươi 2 lát đem sắc uống. Hoặc có thể dùng để xông khi còn nóng. Cách khác: Lấy vỏ một quả quýt cạo rửa sạch cùng 3 lát gừng dày và một nắm lá tía tô tươi hoặc khô cho vào nồi, thêm vào một bát nước, đun sôi kỹ, uống nóng và đắp chăn ấm.
    • Chữa bệnh cảm mạo, sốt, nhức đầu, đau các khớp xương: Bài thuốc Sâm tô ẩm bao gồm: Lá tía tô, nhân sâm, trần bì, chỉ xác, cát cánh, cam thảo, mộc hương, bán hạ, can khương, tiền hổ mỗi vị 2g, nước 600ml. Sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.
    • Bài thuốc chữa hen suyễn, ho nhiều đờm: Hạt tía tô, hạt cải thìa, hạt củ cải, liều lượng bằng nhau, tán bột, trộn đều. Ngày uống 9g, chia 3 lần.
    • Bài thuốc chữa ho, tức thở: Lấy cành lá tía tô và đoạn vỏ rễ cây dâu bóc trắng đun lấy độ một chén nước uống.

    Những lưu ý khi trị ho bằng lá tía tô

    Kiêng kỵ: Ho khan, ho ra máu, người âm hư,  nhiệt hoặc nóng trong, mồ hôi ra nhiều. Không phải ngoại cảm phong hàn không nên dùng.

    Để đạt hiệu quả tốt nhất, bạn hãy chú ý một số điều sau:

    • Chỉ nên sử dụng nước lá tía tô trong vòng 24 giờ sau khi chế biến.
    • Không nên đun sôi quá 15 phút vì có thể làm bốc hơi lượng tinh dầu vốn có trong lá.
    • Chỉ nên uống một lượng nước lá tía tô vừa phải. Nếu uống quá nhiều trong thời gian dài có thể gây chướng bụng, khó tiêu.

    Lá tía tô có thể được sử dụng hàng ngày để mang lại các lợi ích cho sức khỏe. Ghi lại các công thức và bài thuốc trên để sử dụng lá tía tô trị ho hiệu quả nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung

    Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


    Tác giả: Nguyễn Ngọc Phượng · Ngày cập nhật: 25/12/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo