backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Nấm phổi - bệnh lý nhiễm trùng phổi nguy hiểm cần được quan tâm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Phạm Thị Hồng Phượng · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh viện quận Bình Thạnh


Tác giả: Nguyễn Ngọc Phượng · Ngày cập nhật: 3 tuần trước

Nấm phổi - bệnh lý nhiễm trùng phổi nguy hiểm cần được quan tâm

Nấm phổi là bệnh lý nhiễm trùng phổi nguy hiểm gây ra do nấm. Bệnh lý này chỉ chiếm 0,02% các bệnh lý về phổi nhưng tỷ lệ tử vong có thể lên đến hơn 50% nếu không được điều trị kịp thời. Theo ước tính, Việt Nam có khoảng 55 nghìn người mắc nấm phổi, nhưng mới chỉ có dưới 5 nghìn người được tầm soát.

Nấm phổi được nhiều người cho là căn bệnh hiếm gặp nhưng thực tế nó khá phổ biến ở Việt Nam. Theo ước tính, Việt Nam có khoảng 15.000 ca nấm phổi xâm nhập mỗi năm, nấm phổi mạn tính do Aspergillus có trên 50.000 trường hợp mỗi năm. Tuy nhiên, số người được chẩn đoán vô cùng ít ỏi, chỉ khoảng 1/1000 ca bệnh. Vậy, nấm phổi là gì, có lây không, có nguy hiểm không và có chữa được không? Cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.

Bệnh nấm phổi là gì?

Nấm là một loại sinh vật đa hình dạng, kích cỡ, tồn tại rất nhiều trong môi trường xung quanh. Đa số các loài nấm không gây hại cho con người. Tuy nhiên, một số loại vi nấm có thể gây nhiễm trùng ở người, ví dụ như ở bệnh tưa miệng, nấm âm đạo, nấm da,… Đôi khi, các bệnh lý do nấm có thể trở nên nghiêm trọng, đặc biệt nếu chúng ảnh hưởng đến phổi.

Nấm phổi là một bệnh nhiễm trùng ở phổi gây ra do vi nấm. Vi nấm xuất hiện khắp nơi trong môi trường tự nhiên và môi trường sống của chúng ta nếu không được vệ sinh sạch sẽ. Khi hít thở, ta hít cả những bào tử nấm vào cơ thể, sau đó, chúng có thể nhân lên và lây lan bên trong đường hô hấp. Ở người khỏe mạnh, hệ thống miễn dịch sẽ tự động loại bỏ chúng. Tuy nhiên, ở một số đối tượng, nấm có cơ hội phát triển mạnh mẽ và gây bệnh. Vì vậy, bệnh do nấm còn gọi là bệnh nhiễm trùng cơ hội.

Nấm gây bệnh ở phổi theo 2 cách. Cách thứ nhất là do bào tử nấm gây kích ứng và viêm đường hô hấp (thường gặp ở những người mắc bệnh hen suyễn) và cách thứ hai là gây bệnh trực tiếp ở phổi (thường gặp ở những người có hệ miễn dịch yếu).

nấm phổi là gì?

Triệu chứng

Các triệu chứng của nấm phổi khá giống với các bệnh hô hấp khác, bao gồm:

  • Sốt kéo dài
  • Ho, thường là ho khan, thỉnh thoảng ho có đờm
  • Khó thở, đặc biệt là khó thở thì hít vào
  • Khó chịu ở ngực, đau ngực tăng khi hít thở
  • Ốm yếu
  • Mệt mỏi
  • Sụt cân.

Tất cả các triệu chứng này đều không đặc hiệu, dễ nhầm lẫn với các bệnh hô hấp khác, gây khó khăn trong việc chẩn đoán. Ngoài ra, các tác nhân gây bệnh khác nhau có thể gây ra các triệu chứng khác nhau.

Bạn có thể quan tâm:

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây nấm phổi

Các loài nấm chủ yếu gây nhiễm trùng phổi là Aspergillus, Cryptococcus, Candida. Trong đó, hay gặp nhất là các loại Aspergillus như A. fumigatus, A. flavus, A. niger

  • Nấm Aspergillus là một trong những loài nấm phổ biến nhất. Chúng thường được tìm thấy trong đất, bụi bẩn và các công trình xây dựng. Nấm Aspergillus gây bệnh ở phổi có 3 thể: nấm Aspergillus phổi mạn tính, nấm phổi phế quản dị ứng và nấm Aspergillus phổi xâm nhập. Mặc dù mọi người thường hít phải loại nấm này từ không khí, nhưng chúng thường chỉ ảnh hưởng đến những người có hệ miễn dịch suy giảm nặng như bệnh nhân ung thư, suy giảm miễn dịch như HIV, sau cấy ghép tạng hoặc điều trị các thuốc ức chế miễn dịch dài ngày dẫn đến bệnh nấm Aspergillus xâm nhập. Loại nấm này cũng có thể gây bệnh ở những người đã/đang có bệnh tại phổi như lao phổi, hen suyễn hay xơ nang phổi… dẫn đến bệnh nấm Aspergillus phổi mạn tính.
  • Nấm Cryptococcus, trong đó có C. neoformans – phân bố rộng rãi, đặc biệt là trong đất và khu vực nuôi gia cầm, trong phân chim bồ câu. Cryptococcus gây ra biến chứng viêm màng não do có thể phát tán từ phổi xâm nhập vào não bằng cách vượt qua hàng rào máu não.
  • Khác với các loài trên, Candida là nấm men. Đây là tác nhân thường gặp nhất gây nhiễm nấm xâm nhập.

Các loài khác gồm:

  • Mucormycetes: tồn tại khắp nơi. Chúng sống trong đất và trong các vật chất hữu cơ đang phân hủy như lá cây, phân trộn hoặc gỗ mục.
  • Pneumocystis jirovecii là bệnh nấm trên bệnh nhân AIDS phổ biến nhất.
  • Các loài đặc hữu khác như Histoplasma, Coccidioides, Blastomyces, Paracoccidioides.

Yếu tố nguy cơ

nguyên nhân gây nấm phổi

Bệnh nấm là một bệnh nhiễm trùng cơ hội, vì vậy, bệnh thường gặp ở những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch toàn thân hoặc suy giảm miễn dịch tại chỗ. Các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh bao gồm:

  • Những người có hệ miễn dịch suy yếu do các bệnh khác như HIV, xơ gan, nghiện rượu, người mắc ung thư,…
  • Những người đã từng mắc lao phổi, hen suyễn, xơ nang phổi, giãn phế quản, hoặc mắc những bệnh lý khác để lại xơ sẹo ở phổi,…
  • Những người đang dùng thuốc ức chế hệ thống miễn dịch, ví dụ như steroid, thuốc trị ung thư, thuốc chống thải ghép,…
  • Người cao tuổi.

Với người khỏe mạnh, nấm rất khó có thể xâm nhập và gây bệnh. Tuy nhiên, chỉ cần sau một trận ốm, bị COVID-19 hay sau một đợt bị bệnh viêm đường hô hấp …. cũng có thể làm suy giảm hệ miễn dịch, tạo điều kiện cho nấm phát triển.

Bệnh nấm phổi có lây không? 

Nấm phổi không lây giữa người với người qua tiếp xúc bình thường. Nấm nhiễm vào cơ thể do hít phải bào tử nấm trong không khí. Các loại nấm cơ hội như Aspergillus, Cryptococcus, Candida có thể tồn tại trong cơ thể và chỉ tấn công khi hệ miễn dịch của một người bị suy yếu. Một số loài nấm được tìm thấy ở các địa điểm nhất định, hoặc trong phân dơi, phân chim như Histoplasma, phân chim bồ câu như C. neoformans. Chúng được gọi là nấm đặc hữu, chỉ thường gặp ở một số nước ở châu Mỹ và châu Phi.

Biến chứng

Bệnh nấm phổi có nguy hiểm không?

Nếu nấm phổi không được phát hiện và điều trị kịp thời, các biến chứng có thể xảy ra là:

  • Các bào tử nấm có thể lan sang các cơ quan khác như não, màng não, da, gan, thận, tuyến thượng thận, tim, mắt, lách
  • Suy hô hấp tiến triển
  • Nhiễm nấm huyết toàn thân và sốc nhiễm trùng
  • Xâm lấn mạch máu gây ho ra máu ồ ạt, nhồi máu phổi, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não/thuyên tắc mạch
  • Viêm phổi do nấm đặc hữu gây ra tình trạng thấp khớp/viêm màng ngoài tim phức hợp
  • Tạo hang phổi
  • Sự phát triển của u nấm trong khoang phổi
  • Tổn thương phổi cục bộ gây rò phế quản màng phổi hoặc khí quản thực quản, xơ hóa trung thất, vôi hóa phổi, bệnh phổi mạn tính
  • Phản ứng miễn dịch với kháng nguyên nấm
  • Viêm nội tâm mạc do nấm.

Tiên lượng bệnh

  • Tỷ lệ tử vong của bệnh nấm phổi xâm nhập rất cao, từ 30-80% số người mắc bệnh. Tùy theo tình trạng sức khỏe tổng thể và các bệnh lý nền mắc kèm mà người bệnh có tiên lượng xấu ít hay nhiều. Nếu nấm phổi xâm nhập không được điều trị, 100% bệnh nhân sẽ tử vong. Bệnh có thể gây tử vong nhanh, chỉ trong một thời gian ngắn 30-90 ngày.
  • Trên thế giới, tỷ lệ sống của bệnh nhân nấm Aspergillus phổi mạn tính sau 1 năm, 5 năm, 10 năm tương ứng là 86%, 62%, 47%. Nếu không điều trị, sau 5 năm tỷ lệ tử vong xấp xỉ 50%. 
  • Tỷ lệ tử vong do nấm Histoplasmosis lan tỏa không được điều trị là gần 80%, giảm xuống còn gần 25% khi điều trị.
  • Aspergillosis và mucormycosis có tỷ lệ tử vong từ 50-85% ở những người được ghép tạng, đặc biệt là sau khi ghép tủy xương.
  • Coccidioidomycosis có tỷ lệ tử vong cao tới 70% ở bệnh nhân AIDS.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Nấm phổi được chẩn đoán thế nào?

chẩn đoán và điều trị nấm phổi

Do các triệu chứng của bệnh nấm phổi không đặc hiệu, giống với các bệnh hô hấp khác như lao, viêm phổi do vi khuẩn/virus,… nên rất khó khăn trong chẩn đoán. Thực tế, nhiều ca nấm phổi được phát hiện do chẩn đoán viêm phổi nhưng điều trị kháng sinh không khỏi.

Để chẩn đoán nhiễm nấm, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng như:

  • Chụp X-quang ngực: hình ảnh trên phim cho thấy một vùng bị che khuất do nhiễm trùng. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định chụp CT hoặc chụp MRI.
  • Xét nghiệm máu, xét nghiệm miễn dịch, xét nghiệm tìm kháng thể đặc hiệu.
  • Cấy máu, đờm hoặc dịch rửa phế quản.
  • Xét nghiệm tìm nấm trong đờm, dịch phế quản.
  • Sinh thiết phổi phát hiện các dấu vết của nấm trong phổi.
  • Nội soi phế quản lấy mẫu bệnh phẩm (dịch rửa/sinh thiết) dùng nhuộm và nuôi cấy nấm.

Bệnh nấm phổi có chữa được không?

Việc điều trị sẽ tùy thuộc vào con đường gây bệnh, loại nấm gây bệnh và thể bệnh. Hầu hết các trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc kháng nấm. Các thuốc thường được sử dụng bao gồm amphotericin B, itraconazolevoriconazole. Nếu có bệnh nền mắc kèm, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng cách phối hợp thuốc.

Ở những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, các yếu tố góp phần gây bệnh chẳng hạn như hóa trị, steroid, ống thông tĩnh mạch trong,… cần được loại bỏ nếu có thể. Phương pháp phẫu thuật cũng được áp dụng trong một số trường hợp cụ thể (ví dụ như u nấm phổi Aspergilloma) hoặc nếu bệnh nhân không đáp ứng điều trị nội khoa. Ngoài ra, các bác sĩ sẽ chỉ định điều trị hỗ trợ cho bệnh nhân bằng các biện pháp: thở oxy, dinh dưỡng,…

Việc điều trị nấm ở nước ta gặp nhiều khó khăn do chi phí cao và thời gian điều trị kéo dài. Với bệnh nấm phổi xâm nhập, bác sĩ thường dùng phác đồ điều trị tấn công trong 2 tuần, sau đó, điều trị duy trì từ 6-12 tuần. Với bệnh nấm phổi mạn tính, bệnh nhân cần phải điều trị trong ít nhất 12 tháng. Bảo hiểm Y tế không chi trả tất cả các loại thuốc nấm, vì vậy, việc điều trị trở thành gánh nặng kinh tế cho rất nhiều người bệnh.

Phòng ngừa

Bạn có thể phòng ngừa nấm phổi bằng những cách sau:

  • Giữ gìn vệ sinh môi trường sống. Đồ đạc sắp xếp gọn gàng; không gian sống đủ ánh nắng, thông gió, tránh bụi bẩn, tránh ẩm ướt; những đoạn tường có nấm mốc cần phải cạo đi và phủ bằng sơn chống bám; không để thực phẩm rơi vãi trong nhà tạo điều kiện cho nấm sinh sôi; giữ vệ sinh nhà cửa sạch sẽ đặc biệt là nhà vệ sinh và bồn rửa bát.
  • Tránh tiếp xúc với môi trường nấm mốc. Khi vệ sinh nhà cửa, cần mang khẩu trang để tránh hít phải bụi nấm.
  • Tăng cường sức đề kháng. Thay đổi thói quen sinh hoạt khoa học hơn để giúp nâng cao thể trạng như ăn uống đầy đủ, tăng cường rau xanh và trái cây tươi; hạn chế thuốc lá, rượu bia; vận động thể chất đều đặn. 
  • Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Các đối tượng nguy cơ có thể được kê đơn thuốc dự phòng.
  • Điều trị tốt bệnh lý nền. Thăm khám sức khỏe định kỳ nếu có bệnh lý nền về phổi.
  • Không tự điều trị các bệnh hô hấp tại nhà nếu có dấu hiệu nặng. Khi bệnh nhân có dấu hiệu ho kèm theo đau tức ngực, khó thở, sốt thì nên đến khám tại các cơ sở y tế. Tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc hay dùng thuốc mà không có hướng dẫn của bác sĩ.

Nấm phổi là bệnh lý nghiêm trọng nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Việc khó khăn trong chẩn đoán và điều trị tốn kém dẫn đến tiên lượng bệnh xấu, tỷ lệ tử vong cao. Vì vậy, tốt nhất là nên đảm bảo thực hiện các biện pháp ngừa để tránh nguy cơ mắc phải bệnh lý này.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Phạm Thị Hồng Phượng

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh viện quận Bình Thạnh


Tác giả: Nguyễn Ngọc Phượng · Ngày cập nhật: 3 tuần trước

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo