backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Mẹ bầu bị viêm gan B có ảnh hưởng đến con? Mẹ nên làm thế nào?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 11/10/2022

    Mẹ bầu bị viêm gan B có ảnh hưởng đến con? Mẹ nên làm thế nào?

    Mẹ bầu bị viêm gan B không chỉ lo lắng sẽ truyền sang con mà còn phải đối mặt với những biến chứng thai kỳ nguy hiểm như sinh non, sảy thai.

    Viêm gan B là bệnh do virus HBV gây ra. Đối với người bình thường, đây không phải là bệnh quá nguy hiểm nhưng nếu bị viêm gan B khi mang thai thì sẽ có nguy cơ cao lây nhiễm sang bé. Bà bầu bị viêm gan B có sao không? Mẹ bị viêm gan B có lây cho con không? Câu trả lời sẽ có trong những chia sẻ dưới đây của Hello Bacsi. 

    Mẹ bị viêm gan B có lây cho con không?

    Viêm gan siêu vi B là bệnh có thể lây truyền từ mẹ sang con. Do đó, mẹ bầu bị viêm gan B đều rất lo sợ bé sẽ bị nhiễm. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra tỷ lệ trẻ sinh ra bị lây nhiễm viêm gan B từ người mẹ chỉ khoảng 40% và không phải trẻ nào cũng mang mầm bệnh đến suốt đời.

    Ngoài ra, thời gian nhiễm bệnh trong thai kỳ cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ lây nhiễm đến thai nhi. Nếu mẹ bầu bị viêm gan B trong 3 tháng đầu thì bé có nguy cơ bị nhiễm thấp hơn. Càng vào giai đoạn sau thì tỷ lệ bé nhiễm càng cao, tam cá nguyệt thứ 2 là khoảng 10% còn tam cá nguyệt thứ 3 có thể lên đến 60 hoặc 70%.

    Viêm gan B có thể khiến chức năng gan của bé bị ảnh hưởng, về lâu dài có thể phát triển thành viêm gan mạn tính, xơ gan. Ngoài ra, viêm gan B ở trẻ sơ sinh cũng có thể gây ra hiện tượng vàng da sơ sinh.

    Mẹ bầu bị viêm gan B có thể có nguy cơ cao gặp phải các biến chứng thai kỳ như:

    • Tăng nguy cơ sinh non và sẩy thai
    • Tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ
    • Tăng nguy cơ sinh con thiếu cân
    • Gây tổn thương gan của bé trong giai đoạn bào thai.

    Mẹ bầu bị viêm gan B nên sinh thường hay sinh mổ?

    Trước đây, bạn thường nghe thai phụ bị viêm gan B sẽ phải sinh mổ để hạn chế lây nhiễm cho con? Thực tế là trong trường hợp này, bạn không nhất thiết phải sinh mổ. Nguyên nhân là do virus viêm gan B có thể lây sang bé nhưng căn nguyên của tình trạng lây nhiễm này là do virus có trong các hỗn hợp chất lỏng của cơ thể bạn được truyền qua bé khi sinh. Do đó, dù sinh thường hay sinh mổ thì bé cưng vẫn có nguy cơ lây nhiễm. Đa số các nghiên cứu đều nói rằng bạn vẫn có thể cho con bú khi bị viêm gan B miễn là bé được tiêm ngừa đầy đủ, đúng lịch.

    Thuốc điều trị viêm gan B cho bà bầu? Làm thế nào để tránh lây nhiễm cho bé?

    bà bầu bị viêm gan b

    Mẹ bầu bị viêm gan B nên làm gì? Trước tiên, nếu nghi ngờ mình bị viêm gan B, bạn nên đi xét nghiệm máu để biết mình có bị viêm gan B hay không. Nếu kết quả cho thấy mẹ bầu bị viêm gan B, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện các xét nghiệm sâu hơn để kiểm tra nồng độ virus viêm gan B trong máu.

    • Nếu nồng độ virus cao, bác sĩ có thể khuyến cáo điều trị bằng Tenofovir. Tenofovir đã được chứng minh là an toàn cho bà bầu và mẹ đang cho con bú. Trong trường hợp tenofovir không hiệu quả, bác sĩ có thể kê toa Telbivudine hoặc Lamivudine
    • Nếu bạn bị viêm gan B mạn muốn có thai thì phải ngừng thuốc Entecavir trước khi có thai trong vòng 2 tháng, sau đó chuyển sang dùng thuốc Tenofovir. Nếu bất ngờ có thai thì cũng được chỉ định sử dụng Tenofovir, vào các tháng cuối có thể chuyển sang Lamivudine.

    Để bảo vệ bé khỏi nguy cơ bị lây viêm gan B từ mẹ, bé bắt buộc phải tiêm ngừa sau sinh. Bé sẽ được tiêm hai liều: một liều vắc-xin viêm gan B (liều 5 mcg) và một liều globulin miễn dịch viêm gan B (HBIG, liều 0,5 ml). Hai mũi tiêm này sẽ được tiêm ở các chi khác nhau. Thời gian tiêm thường là 12 – 24 giờ đầu sau khi sinh và sẽ tiêm lại khi bé được một tháng, hai tháng và 1 tuổi. Ngoài ra, bé cũng có thể phải tiêm lại khi được 5 tuổi.

    Cách chăm sóc bà bầu bị viêm gan B

    Hoang mang, lo lắng là điều không thể tránh khỏi khi nghe tin mình bị viêm gan B khi mang thai. Tuy nhiên, bạn đừng quá hoảng hốt, lo lắng mà hãy bình tĩnh và làm theo đúng hướng dẫn của bác sĩ:

    • Mẹ bầu bị viêm gan B nên ăn gì? Bạn vẫn nên duy trì chế độ ăn giàu dinh dưỡng, đa dạng thực phẩm với các loại rau xanh, sữa, các loại hạt… Tránh ăn các thực phẩm nhiều dầu mỡ, các món ăn nhiều đường như kẹo, nước ngọt…
    • Thư giãn, nghỉ ngơi, hạn chế căng thẳng, tránh làm việc quá sức do viêm gan B khiến mẹ bầu thường xuyên mệt mỏi
    • Tuân thủ đúng chế độ chăm sóc phụ nữ mang thai bị viêm gan B theo chỉ định của bác sĩ.

    “Bỏ túi” một số thông tin về viêm gan B hữu ích cho mẹ bầu

    mẹ bầu bị viêm gan B

    Viêm gan B là bệnh gan truyền nhiễm do virus HBV gây ra. Virus này lây truyền từ người này sang người khác thông qua đường máu và dịch cơ thể của người bị nhiễm như: tinh dịch, chất tiết ra từ âm đạo, sữa mẹ, nước bọt, máu mủ từ vết thương.

    Ở giai đoạn đầu, phụ nữ mang thai bị viêm gan B cũng không có nhiều triệu chứng rõ ràng. Nếu có thì những triệu chứng này cũng giống với các triệu chứng thai kỳ khác nên rất khó phát hiện. Đó là lý do tại sao bạn nên đi kiểm tra sớm nếu nghi ngờ mình bị viêm gan B. Dưới đây là một số triệu chứng thường gặp:

    • Đau và nhức mỏi, triệu chứng này khá giống với các triệu chứng cảm, cúm thông thường
    • Mất cảm giác ngon miệng và buồn nôn
    • Mệt mỏi
    • Vàng da, vàng mắt, nước tiểu vàng
    • Sốt nhẹ.

    Bà bầu bị viêm gan B trong thai kỳ không nên quá lo lắng. Nếu làm đúng theo hướng dẫn của bác sĩ, bạn có thể dễ dàng bảo vệ bé khỏi nguy cơ mắc phải căn bệnh này.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 11/10/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo