backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Bà bầu nên uống sắt trước hay sau khi ăn: Dùng sao cho hiệu quả?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Văn Thu Uyên · Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 4 tuần trước

    Bà bầu nên uống sắt trước hay sau khi ăn: Dùng sao cho hiệu quả?

    Bà bầu nên uống sắt trước hay sau khi ăn để tăng hiệu quả sử dụng, giảm thiểu các tác dụng phụ là băn khoăn thường gặp của không ít chị em phụ nữ mang thai. 

    Trong bài viết dưới đây, Hello Bacsi sẽ tổng hợp các thông tin liên quan nhằm giải đáp thắc mắc này. Mời các bạn cùng tìm hiểu!

    Tại sao bà bầu cần bổ sung sắt khi mang thai 

    Sắt là một khoáng chất thiết yếu cho cơ thể, đặc biệt là đối với phụ nữ mang thai. Sắt là thành phần quan trọng của hemoglobin, một loại protein có trong hồng cầu giúp vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Trong quá trình mang thai, nhu cầu sắt của mẹ bầu tăng lên đáng kể là do:

    • Thai nhi cần được cung cấp đủ khoáng chất sắt để phát triển mô và các cơ quan. 
    • Cơ thể người mẹ cần sắt để sản xuất một lượng lớn khối hồng cầu, đáp ứng nhu cầu của mẹ và bé.

    Thiếu sắt trong thai kỳ có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu do thiếu sắt gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, chóng mặt, khó thở… Ngoài ra, tình trạng thiếu máu thiếu sắt kéo dài còn có thể làm tăng nguy cơ sinh non, trẻ sơ sinh nhẹ cân… Do đó, phụ nữ mang thai cần bổ sung đủ lượng khoáng chất sắt để đáp ứng nhu cầu trong suốt thai kỳ.

    Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phụ nữ mang thai cần uống viên bổ sung khoáng chất sắt mỗi ngày trong suốt thai kỳ và kéo dài 1 tháng sau sinh và tốt nhất là tới khi mẹ ngừng cho em bé bú. Việc dùng viên uống bổ sung sắt là một cách phổ biến và hiệu quả để bà bầu nhận đủ lượng sắt cần thiết cho thai kỳ. Vậy, bà bầu nên uống viên bổ sung sắt trước hay sau khi ăn để nhận được tối đa các lợi ích? 

    Giải đáp: Bà bầu nên uống viên bổ sung sắt trước hay sau khi ăn?

    bà bầu nên uống sắt trước hay sau khi ăn

    Bà bầu nên uống viên bổ sung sắt trước hay sau khi ăn? Theo các chuyên gia sản khoa, bà bầu nên uống viên bổ sung sắt trước khi ăn 30 phút hoặc sau khi ăn từ khoảng 1-2 giờ.

  • Uống viên bổ sung sắt trước khi ăn giúp cơ thể hấp thu sắt tốt hơn. Bởi vì khi bụng đói, lượng axit trong dạ dày cao hơn, giúp cơ thể hấp thu sắt tốt hơn. Tuy nhiên, mẹ bầu uống viên bổ sung sắt trước khi ăn có thể gây ra các tác dụng phụ như táo bón, buồn nôn…
  • Uống viên bổ sung sắt sau khi ăn giúp giảm nguy cơ tác dụng phụ của sắt, chẳng hạn như táo bón. Tuy nhiên, uống viên bổ sung sắt sau khi ăn có thể làm giảm sự hấp thu sắt của cơ thể. 
  • Nhiều ý kiến cho rằng các mẹ bầu không nên uống viên bổ sung sắt trước khi đi ngủ. Nguyên nhân là bởi việc này có thể khiến bà bầu bị trào ngược dạ dày, gây khó ngủ, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.

    Một số lưu ý khi uống viên bổ sung sắt cho bà bầu

    bà bầu nên uống sắt trước hay sau khi ăn

    Xoay quanh việc dùng bổ sung sắt cho bà bầu, nhiều chị em phụ nữ mang thai cũng băn khoăn không biết sắt bổ sung cho bà bầu có mấy loại, dùng sao để tăng hiệu quả, giảm tác dụng phụ. Câu trả lời sẽ có ở ngay dưới đây:

    1. Thuốc bổ sung sắt cho phụ nữ mang thai có mấy loại?

    Viên sắt cho bà bầu được chia thành hai loại chính là:

    • Sắt vô cơ: Sắt vô cơ là loại sắt phổ biến nhất hiện nay. Sắt vô cơ có cấu tạo từ phân tử sắt và muối gốc vô cơ chẳng hạn như sắt sulfat. Sắt vô cơ có ưu điểm là giá thành rẻ, dễ hấp thu và có hàm lượng sắt cao. Tuy nhiên, sắt vô cơ cũng có nhược điểm là có thể gây ra các tác dụng phụ như táo bón, buồn nôn…
    • Sắt hữu cơ: Sắt hữu cơ là dạng muối sắt kết hợp với gốc hữu cơ như amin, polymaltose, gluconate, fumarate.  Sắt hữu cơ có ưu điểm là ít gây ra các tác dụng phụ như táo bón, buồn nôn… Tuy nhiên, sắt hữu cơ cũng có nhược điểm là giá thành cao hơn sắt vô cơ và thường có hàm lượng sắt thấp hơn.

    Ngoài hai loại chính trên, sắt cho bà bầu còn được chia theo dạng bào chế, chẳng hạn như:

    • Viên uống bổ sung sắt dạng viên nén
    • Viên uống bổ sung sắt dạng viên nang
    • Sản phẩm bổ sung sắt dạng siro

    Viên sắt dạng viên nén và viên nang là dạng bào chế phổ biến nhất. Sản phẩm bổ sung sắt dạng siro thường được sử dụng cho những bà bầu gặp khó khăn với việc nuốt viên thuốc.

    2. Cách dùng thuốc bổ sung sắt cho bà bầu

    Để tránh “lợi bất cập hại” trong việc dùng thuốc bổ sung sắt, các mẹ bầu cần chú ý mấy điều sau:

    • Tuân thủ chỉ định của bác sĩ: Bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng sức khỏe của mẹ bầu cũng như xét nghiệm máu gần nhất và các loại vitamin mẹ bầu đang dùng để chỉ định liều lượng và loại viên bổ sung sắt phù hợp.
    • Uống viên bổ sung sắt với nhiều nước: Việc uống viên bổ sung sắt với nhiều nước sẽ giúp cơ thể hấp thu sắt tốt hơn.
    • Không dùng thuốc sắt cho bà bầu cùng thời điểm với sữa, thuốc bổ sung canxi hay thực phẩm giàu canxi: Nguyên do là vì canxi làm cản trở khả năng hấp thụ sắt. Do đó, mẹ bầu cần uống canxi và thuốc bổ sung sắt cách xa nhau từ 1-2 giờ.
    • Bổ sung thêm vitamin C để giúp tăng cường sự hấp thu sắt: Vitamin C là một chất chống oxy hóa giúp cơ thể hấp thu sắt tốt hơn. Vitamin C có nhiều trong các loại quả có múi như cam, quýt, bưởi..
    • Tránh uống viên bổ sung sắt cùng với sữa, trà, cà phê…: Các chất này có thể làm giảm sự hấp thu sắt.

    Nếu việc bổ sung sắt khiến mẹ bầu gặp phải các tác dụng phụ như táo bón, buồn nôn… hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn cách khắc phục.

    3. Kết hợp với các thực phẩm giàu sắt 

    Ngoài việc uống viên bổ sung sắt, bà bầu cũng có thể bổ sung sắt từ các nguồn thực phẩm như:

    • Thịt đỏ, thịt gia cầm, cá 
    • Nội tạng động vật (gan, tim, cật)
    • Các loại đậu (đậu đen, đậu xanh, đậu đỏ, đậu nành)
    • Các loại hạt (hạt óc chó, hạt hạnh nhân, hạt chia)
    • Rau ăn lá có màu xanh đậm

    Lời khuyên là các mẹ bầu nên ăn đa dạng các loại thực phẩm giàu sắt để đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu sắt cho cơ thể.

    Hello Bacsi tin rằng đến đây bạn đã có được câu trả lời cho thắc mắc bà bầu nên uống sắt trước hay sau khi ăn và có thể bổ sung các thực phẩm giàu sắt vào chế độ ăn để gia tăng khả năng hấp thu nhé.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Văn Thu Uyên

    Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


    Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 4 tuần trước

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo