backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Thuốc bôi chống muỗi cho bà bầu có an toàn? Mẹ cần lưu ý điều gì?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Văn Thu Uyên · Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 30/01/2023

    Thuốc bôi chống muỗi cho bà bầu có an toàn? Mẹ cần lưu ý điều gì?

    Trên thực tế, việc dùng thuốc bôi hoặc thuốc xịt chống muỗi là giải pháp ngăn ngừa muỗi đốt rất phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, nếu đang trong giai đoạn bầu bí, nhiều chị em không tránh khỏi lo lắng liệu có nên dùng thuốc xịt, thuốc bôi chống muỗi cho bà bầu? Các loại thuốc này có an toàn cho thai kỳ hay không?

    Đối với phụ nữ mang thai, việc thận trọng khi dùng thuốc luôn là điều được khuyến khích, bao gồm cả thuốc bôi hoặc thuốc xịt lên da. Vì vậy, nếu bạn quan tâm đến vấn đề về việc dùng thuốc bôi chống muỗi trong thai kỳ, đừng bỏ qua những thông tin và lưu ý trong bài viết sau của Hello Bacsi nhé!

    Mẹ bầu bị muỗi đốt có sao không?

    Trên thực tế, bạn có thể nghĩ rằng bị muỗi đốt là “chuyện nhỏ” và không đáng lo ngại. Thế nhưng, việc bị muỗi đốt không chỉ dừng lại ở tình trạng khiến bạn cảm thấy đau, ngứa, khó chịu ở vết đốt. Điều đáng quan tâm hơn là muỗi còn có thể góp phần lây lan nhiều bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, sốt rét, bệnh do nhiễm virus Zika… Đối với mẹ bầu, những căn bệnh kể trên thường đặc biệt nguy hiểm vì có thể gây hại cho em bé đang phát triển.

    Thậm chí, những rủi ro đối với mẹ và thai nhi do nhiễm các bệnh mà muỗi gây ra có thể lớn hơn nhiều so với rủi ro của việc dùng thuốc chống muỗi trong thai kỳ. Điển hình như virus Zika có thể liên quan đến chứng đầu nhỏ ở thai nhi và nhiều dị tật về não khác; virus gây bệnh sốt rét có thể làm tăng nguy cơ sinh non, sinh trẻ nhẹ cân, tăng nguy cơ thiếu máu trong thai kỳ…

    Vì vậy, nhiều tổ chức y tế lớn như Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG)… đều khuyến nghị mẹ bầu nên dùng thuốc chống côn trùng nói chung và thuốc chống muỗi nói riêng để ngăn ngừa nguy cơ muỗi đốt và truyền virus gây bệnh.

    Thuốc bôi chống muỗi cho bà bầu có an toàn không?

    thuốc bôi chống muỗi cho bà bầu

    Việc dùng thuốc, bao gồm cả thuốc bôi ngoài da trong thai kỳ luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Đối với câu hỏi việc dùng thuốc bôi chống muỗi cho bà bầu có an toàn không? Câu trả lời là hầu hết các loại thuốc chống côn trùng nói chung và thuốc chống muỗi nói riêng hiện nay đều không gây hại cho mẹ bầu và thai nhi. Bởi tuy cơ thể mẹ bầu vẫn có thể hấp thụ thuốc qua da nhưng chỉ với một lượng rất nhỏ và không đủ để tác động đến em bé đang phát triển.

    Bên cạnh đó, nhà sản xuất có thể sử dụng nhiều thành phần khác nhau đối với các loại thuốc chống muỗi, nhưng bạn nên ưu tiên sản phẩm có chứa các thành phần đã được Cục Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) phê duyệt, bao gồm:

    DEET (N,N-diethyl-meta-toluaamide)

    Sản phẩm chứa DEET được khuyến nghị sử dụng cho phụ nữ mang thai khi đi du lịch đến những khu vực có bệnh sốt rét và bệnh do virus Zika. Bên cạnh đó, mẹ bầu tham gia các hoạt động hoặc làm việc ngoài trời cũng có thể sử dụng thuốc chứa DEET để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh Lyme do bọ chét cắn.

    Về cơ bản, sử dụng sản phẩm chứa DEET với nồng độ từ 15 – 30% thường cung cấp khả năng bảo vệ trong vòng 6 – 12 giờ. Nếu nồng độ này thấp hơn thì khả năng bảo vệ của thuốc chỉ kéo dài khoảng 2 giờ. Đối với thắc mắc rằng DEET có gây hại cho thai nhi không? Hiện nay chưa có nghiên cứu khoa học nào tìm hiểu cụ thể về vấn đề này. Tuy nhiên, nhìn chung thì không có nghiên cứu nào tìm thấy mối liên hệ giữa việc mẹ bầu tiếp xúc với DEET và nguy cơ dị tật bẩm sinh, sinh con nhẹ cân hoặc có sự phát triển bất thường của trẻ sau sinh.

    Thuốc bôi chống muỗi cho bà bầu có chứa picaridin

    thuốc bôi chống muỗi cho bà bầu

    Sản phẩm chứa picaridin cũng có tác dụng chống côn trùng, chống muỗi tương tự như DEET. Thuốc chứa picaridin với nồng độ 10 – 20% có khả năng bảo vệ có thể kéo dài trong vòng 6 đến 12 giờ.

    Đối với phụ nữ mang thai dùng thuốc chống muỗi chứa picaridin, hiện chưa có nghiên cứu nào được thực hiện để kiểm tra tác động của thành phần này đối với thai nhi. Trong một số trường hợp nhất định, mẹ có thể dùng picaridin để thay thế DEET nếu có nguy cơ bị muỗi đốt hoặc bị côn trùng cắn.

    Thuốc bôi chống muỗi chứa PMD

    PMD (p-Menthane-3,8-diol) là hợp chất có trong dầu bạch đàn chanh. Thành phần này đã được chứng minh là có tác dụng bảo vệ tương tự như sản phẩm chứa 20 – 30% DEET nhưng trong thời gian ngắn hơn. Thuốc chống muỗi chứa 30% PMD có thể bảo vệ bạn chống lại một số côn trùng trong khoảng 6 giờ.

    Thuốc bôi chống muỗi chứa IR3535

    IR3535 (3-[N-Butyl-N-acetyl]-aminopropionic acid, ethyl ester) là một loại axit amin tổng hợp (nhân tạo) có tác dụng xua đuổi côn trùng bằng cách làm rối loạn khứu giác của chúng. IR3535 thường có hiệu quả đối với muỗi mang virus West Nile, virus Zika và virus gây bệnh chikungunya nhưng lại kém hiệu quả trong việc chống muỗi mang mầm bệnh sốt rét.

    IR3535 với nồng độ có sẵn là khoảng 7.5% và 20%. Nồng độ 10% hoặc cao hơn có thể mang đến hiệu quả chống muỗi trong vài giờ. Ngược lại, nồng độ 7.5% thường hạn chế hơn về khả năng bảo vệ, xua đuổi côn trùng.

    Thuốc chống muỗi cho bà bầu chứa thành phần 2 undecanone

    2 undecanone thường được sản xuất tổng hợp nhưng cũng có thể được tìm thấy tự nhiên trong một số loại thực vật như cây cửu lý hương, cà chua, gừng và đinh hương. Sản phẩm với nồng độ 2-undecanone là 8% có thể bảo vệ chống muỗi trong 3 – 5 giờ.

    Sử dụng thuốc bôi chống muỗi cho bà bầu cần lưu ý những gì?

    thuốc bôi chống muỗi cho bà bầu

    Trong hầu hết trường hợp, việc sử dụng thuốc bôi chống muỗi cho bà bầu là điều cần thiết và an toàn. Thế nhưng, thai kỳ là một giai đoạn nhạy cảm nên mẹ hãy thận trọng và nên tìm hiểu kỹ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào. Sau đây là một số lưu ý không thể bỏ qua khi mẹ có nhu cầu dùng thuốc bôi chống muỗi hoặc thuốc xua đuổi côn trùng:

    • Luôn đọc kỹ và tuân thủ hướng dẫn có trên bao bì của sản phẩm.
    • Chỉ nên xịt hay bôi thuốc chống muỗi lên vùng da hở ra bên ngoài hoặc xịt lên quần áo, không bôi thuốc lên vùng da bên dưới quần áo.
    • Đảm bảo rằng mẹ không bôi thuốc chống muỗi lên vùng da có vết thương hở hoặc đang bị kích ứng.
    • Không bôi thuốc chống muỗi ở những khu vực gần mũi, miệng hoặc mắt. Nếu mẹ muốn thoa thuốc lên mặt, lưu ý là hãy thoa đều lên tay trước rồi mới dùng tay áp lên mặt, tránh thoa hoặc xịt thuốc trực tiếp lên mặt.
    • Nếu dùng thuốc chống muỗi dạng xịt, mẹ bầu nên xịt thuốc ở nơi thông thoáng; tránh nơi kín đáo, chật hẹp để giảm thiểu nguy cơ hít phải nhiều mùi thuốc.
    • Mẹ nên rửa tay bằng xà phòng và nước sau khi bôi thuốc chống muỗi nhằm giảm nguy cơ tiếp xúc với thuốc qua miệng hoặc mắt.
    • Mẹ cần tắm rửa sạch sẽ sau một ngày để loại bỏ thuốc còn trên da. Đồng thời, cần đảm bảo giặt giũ quần áo trước khi mặc lại lần nữa.
    • Nếu sử dụng thêm kem chống nắng, mẹ hãy ưu tiên bôi kem chống nắng trước rồi mới đến thuốc bôi hoặc thuốc xịt chống muỗi.
    • Nếu mẹ cảm thấy nóng rát trên da hoặc có các triệu chứng bất thường sau khi dùng thuốc chống muỗi thì nên ngưng sử dụng và sớm đi khám.

    Bên cạnh những lưu ý khi sử dụng thuốc chống muỗi cho bà bầu, mẹ cũng có thể “bỏ túi” thêm một số mẹo sau để ngăn ngừa muỗi đốt:

    • Hạn chế ra ngoài vào lúc trời chập tối vì đây là thời điểm muỗi hoạt động mạnh
    • Mặc áo dài tay và quần dài để ngăn da thịt lộ ra ngoài quá nhiều, ưu tiên trang phục sáng màu để giảm thu hút muỗi
    • Sử dụng màn/ mùng khi ngủ (kể cả ban ngày) cũng rất hữu ích để ngăn muỗi cắn.
    • Đảm bảo vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, loại bỏ nước tù đọng để ngăn muỗi sinh sản nhiều, nhanh chóng.
    • Đối với những sản phẩm như dầu gội, xà phòng, chất khử mùi, tinh dầu thơm cho phòng ở… bạn nên ưu tiên chọn mùi có tác dụng xua đuổi muỗi như bạc hà cay, đinh hương, sả… hoặc ít nhất là mùi đó không thu hút muỗi.
    • Nếu tham gia các hoạt động ngoài trời, nơi có nhiều cây cối thì mẹ không nên dùng nước hoa vì mùi thơm này có thể thu hút muỗi.

    Nhìn chung, việc dùng thuốc bôi chống muỗi cho bà bầu là giải pháp cần thiết để ngăn muỗi đốt và truyền những căn bệnh nguy hiểm cho thai kỳ. Tuy nhiên, mẹ vẫn có thể hỏi thêm ý kiến bác sĩ để được tư vấn, cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro khi dùng thuốc nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Văn Thu Uyên

    Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


    Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 30/01/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo