backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

6 mẹo dân gian chữa đau đầu cho bà bầu và những lưu ý cần nhớ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung · Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: Tuần trước

6 mẹo dân gian chữa đau đầu cho bà bầu và những lưu ý cần nhớ

Đau đầu là tình trạng phổ biến khi mang thai. Để điều trị, bác sĩ vẫn có thể kê thuốc cho thai phụ. Nhưng cũng có những cách làm giảm đau đầu nhưng không sử dụng thuốc, nhiều chị em áp dụng các mẹo dân gian chữa đau đầu cho bà bầu. 

Theo thống kê thì có hơn 80% phụ nữ bị đau đầu trong thời gian mang bầu. Vào giai đoạn đầu của thai kỳ, cơ thể chưa quen với sự thay đổi về hormone, do đó đau đầu trong những tháng đầu thai kỳ chiếm gần 60% trên tổng số trường hợp. Đau đầu ở những tháng cuối của thai kỳ có thể do tình trạng lên cân nhanh chóng làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh và quá trình lưu thông máu lên não. Những cơn đau đầu thường xuyên xuất hiện khiến mẹ bầu khó chịu, mệt mỏi. Để khắc phục tình trạng này, các chị em bầu bí đã truyền tai nhau những mẹo dân gian chữa đau đầu cho bà bầu. Liệu cách làm này có an toàn và hiệu quả? Mời bạn tham khảo bài viết tổng hợp thông tin dưới đây của Hello Bacsi để hiểu rõ về những cách giảm đau đầu cho bà bầu theo mẹo dân gian.

Vì sao mẹ bầu thường bị đau đầu khi mang thai?

Trước khi tìm hiểu những mẹo dân gian chữa đau đầu cho bà bầu, cùng điểm qua một số nguyên nhân điển hình gây đau đầu khi mang thai:

  • Thay đổi hormone: Trong thai kỳ, cơ thể sản xuất một lượng lớn hormone estrogen và progesterone. Sự thay đổi hormone có thể “kích hoạt” những cơn đau đầu ở mẹ bầu, nhất là trong những tháng đầu mang thai.
  • Tăng huyết áp: Việc bị đau đầu thường xuyên sau tuần thứ 20 của thai kỳ có thể thể là dấu hiệu tăng huyết áp. Nếu không kịp thời khắc phục vấn đề này, mẹ bầu có nguy cơ cao gặp phải biến chứng thai kỳ như tiền sản giật. Tin tốt là theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC Hoa Kỳ), tăng huyết áp khi mang thai có thể phòng ngừa và điều trị được.
  • Căng thẳng: Căng thẳng, lo lắng có thể khiến chị em bầu bí bị đau đầu. Trong trường hợp này, cơn đau đầu được xếp vào đau đầu do căng thẳng, cơn đau thường nhẹ và ở cả hai bên đầu.
  • Các nguyên nhân khác: Một số bệnh lý như viêm xoang, nhiễm trùng tai, cảm cúm, phình động mạch, đột quỵ… có thể khiến mẹ bầu bị đau đầu. Ngoài ra, tình trạng thiếu ngủ, buồn nôn, tiêu thụ nhiều caffeine (có trong cà phê, trà, socola…), lượng đường trong máu thấp, mất nước… cũng có thể gây đau đầu khi mang thai.
  • 6 mẹo dân gian chữa đau đầu cho bà bầu an toàn, hiệu quả

    1. Mẹo dân gian chữa đau đầu cho bà bầu bằng tỏi

    Mẹo dân gian chữa đau đầu cho bà bầu bằng tỏi
    Mẹo dân gian chữa đau đầu cho bà bầu bằng tỏi

    Theo nghiên cứu, tỏi chứa các hợp chất hữu cơ rất tốt cho hệ miễn dịch. Các hợp chất chứa lưu huỳnh như alliin, diallyl sulfides và allicin có hoạt tính kháng khuẩn, giúp tỏi trở thành một loại thuốc kháng sinh tự nhiên.

    Hơn nữa, tỏi cũng có thể làm giảm căng thẳng oxy hóa và giảm huyết áp, từ đó ngăn ngừa tiền sản giật. Theo Đông y, tỏi có vị cay, tính ôn có thể giúp thanh nhiệt, giảm đau, sát khuẩn… thường được dùng để điều trị đau đầu, cảm cúm, sổ mũi… Do đó, chị em bầu bí có thể áp dụng các mẹo dân gian chữa đau đầu cho bà bầu bằng tỏi sau đây:

    1.1. Cứu ngải qua lát tỏi 

    Cách chữa đau đầu cho bà bầu này phù hợp cho tình trạng đau đầu do căng thẳng, đau đầu do lạnh, do viêm xoang…Cách làm như sau:

    • Bóc vỏ tép tỏi có kích thước lớn lớn và cắt thành những lát mỏng.
    • Để trên da ở những vị trí của huyệt đạo như ấn đường, toản trúc, thái dương, nghinh hương, khúc trì và tiến hành đốt nhang ngải cứu và cứu qua lát tỏi.

    Sức nóng từ  ngải cứu sẽ qua lát tỏi  làm tăng tác dụng điều trị bệnh lý đau đầu do cảm nhiễm phong hàn giúp mẹ bầu cảm thấy dễ chịu và bớt cảm giác đau đầu sau vài phút.

    1.2. Cháo tỏi

    Ăn cháo tỏi là cách trị nhức đầu cho bà bầu an toàn. Theo đó, mẹ bầu chỉ cần chuẩn bị:

    • 2 chén gạo nếp
    • 3 củ tỏi
    • 10 cây hành

    Mẹo dân gian chữa đau đầu cho bà bầu với cháo tỏi được thực hiện như sau:

    • Vo sạch gạo rồi nấu thành cháo.
    • Khi cháo sắp chín, cho hành, tỏi đã cắt nhỏ vào nồi cháo, nấu cho sôi là được.

    Mẹ bầu bị đau đầu nên ăn cháo tỏi khi còn nóng. Sau khi ăn, có thể đắp chăn để cơ thể thoát mồ hôi.

    Bạn có thể quan tâm:

    1.3. Đắp tỏi giảm đau đầu cho bà bầu

    Ngoài cách ăn cháo tỏi và cứu ngải qua lát tỏi, bạn cũng có thể áp dụng cách đắp tỏi ngoài da để trị đau đầu cho bà bầu.

    Cách thực hiện như sau:

    • Lột bỏ vỏ một củ tỏi rồi giã nát
    • Bọc tỏi trong miếng khăn sạch, mỏng rồi đắp lên trán.

    Thực hiện mẹo dân gian đắp tỏi chữa đau đầu cho bà bầu 1 lần/ngày trước khi đi ngủ để cơn đau thuyên giảm.

    Cần lưu ý rằng hoạt chất allicin có trong tỏi sẽ khá nóng và có thể làm bỏng da. Vì vậy, mẹ bầu cần thử làm vài điểm nhỏ trên da trước khi là đắp lên vùng da rộng. Nếu có kích ứng nên rửa mặt ngay bằng nước sạch.

    2. Cách trị đau đầu cho bà bầu bằng tâm sen

    Mẹo dân gian chữa đau đầu cho bà bầu bằng tâm sen

    Theo y học cổ truyền Trung Hoa, tâm sen ( hay còn gọi là là liên tâm) có vị đắng ngọt, tính mát, quy kinh tâm; có tác dụng thanh nhiệt, định tâm an thần, bổ khí, cầm máu. Nhờ đó mà từ xa xưa, tâm sen đã được sử dụng phổ biến để làm dịu tâm trí. Hiệu quả của tâm sen được cho là phù hợp với các nguyên tắc điều trị các bệnh về tim mạch và hệ thần kinh.

    Cho đến nay, hơn 130 hóa chất có trong tâm sen đã được phân lập và xác định, bao gồm các alkaloid, flavonoid, sterol, polysaccharides và dầu dễ bay hơi. Với những dược tính này, các mẹ bầu bị đau đầu do căng thẳng thần kinh có thể áp dụng mẹo dân gian chữa đau đầu bằng tâm sen.

    2.1. Uống trà tâm sen

    Tâm sen là vị thuốc an toàn cho mẹ bầu để điều trị đau đầu, hồi hộp, mất ngủ. Để áp dụng mẹo dân gian chữa đau đầu cho bà bầu bằng tâm sen, các chị em có thể uống trà tâm sen khô. Không chỉ mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, trà tâm sen còn có hương thơm dễ chịu và dễ chế biến.

    Cách thực hiện:

    Mỗi ngày, lấy 5-10g tâm sen rồi cho vào bình trà, thêm nước sôi để hãm trà, sau đó chắt lấy nước uống.

    2.2. Bài thuốc từ tâm sen

    Ngoài cách uống trà tâm sen trị đau đầu cho bà bầu, phụ nữ mang thai cũng có thể tham khảo bài thuốc dân gian kết hợp tâm sen với các dược liệu khác. Cụ thể:

    Chuẩn bị:

    • 5g tâm sen khô
    • 10g toan táo nhân
    • 10g hoa nhài
    • 10g lá vông

    Cách thực hiện:

    • Đun sôi các nguyên liệu với 1,2 lít nước.
    • Chắt lấy nước, bỏ bã rồi uống khi còn ấm.
    Lá vông, toan táo nhân có tác dụng an thần, chữa mất ngủ, kết hợp với tâm sen và các dược liệu khác có thể khắc phục chứng đau đầu khi mang thai.  Cần nhớ rằng, bài thuốc phải sử dụng vị thuốc toan táo nhân để có tác dụng an thần giúp dễ ngủ. Nếu sử dụng táo nhân sống sẽ có độc tính, gây bồn chồn, nguy hiểm cho mẹ bầu và thai nhi.

    3. Mẹo dân gian chữa đau đầu cho bà bầu bằng gừng

    Mẹo dân gian chữa đau đầu cho bà bầu bằng gừng
    Mẹo dân gian chữa đau đầu cho bà bầu bằng gừng

    Gừng  (hay còn gọi là sinh khương) không chỉ là một loại gia vị phổ biến mà còn được biết đến như một vị thuốc quý. Theo y học cổ truyền, gừng là vị thuốc vị cay, tính ấm, có tác dụng phát tán phong hàn, chỉ trung, cầm nôn. Y học hiện đại nghiên cứu được rằng, củ gừng có chứa hai phức hợp hoạt động là gingerol và shogaol, có tác dụng kháng khuẩn, chống oxy hóa, kháng viêm và chống dị ứng.

    Hơn nữa, gừng còn được biết đến với vai trò như thuốc chống nôn tăng nhu động ruột tự nhiên. Tác dụng này của gừng làm giảm thời gian thức ăn “lưu trú” trong đường ruột từ đó giảm các vấn đề tiêu hóa như nôn mửa. Gừng cũng ức chế vasopressin, chất có thể gây buồn nôn ở mức độ cao.

    Mặt khác, buồn nôn, nôn mửa trong thời kỳ đầu mang thai có thể dẫn đến mất nước, gây đau đầu cho mẹ bầu. Chính vì vậy mà việc sử dụng gừng được xem là cách giảm đau đầu cho bà bầu, hạn chế nôn do ốm nghén 3 tháng đầu.

    3.1. Uống trà gừng

    Mẹo dân gian chữa đau đầu cho bà bầu bằng gừng đầu tiên mà các chị em bầu bí có thể áp dụng là uống trà gừng.

    Cách thực hiện:

  • Thái một vài lát gừng tươi rồi đem đun sôi với nước.
  • Nếu muốn tăng thêm hương vị, mẹ bầu có thể thêm mật ong hoặc một vài lát chanh vào trà gừng.
  • Mỗi ngày, phụ nữ mang thai có thể uống từ 1-2 ly nước gừng nhỏ để các hoạt chất trong gừng phát huy tối đa công dụng.

    Lưu ý

    • Liều dùng gừng tươi mỗi ngày chỉ nên khoảng 3-10g.
    • Trong trường hợp thai phụ bị tăng huyết áp thì không nên dùng gừng.
    • Không thêm mật ong vào trà gừng đang còn nóng vì nhiệt độ cao có thể làm giảm công dụng của mật ong.

    3.2. Gừng ngâm mật ong

    Phụ nữ mang thai cũng có thể áp dụng cách giảm đau đầu cho bà bầu sau đây:

    • Rửa sạch gừng, thái lát mỏng.
    • Cho gừng vào lọ thủy tinh sạch, đổ mật ong vào sao cho mật ong ngập gừng, đậy kín nắp.
    • Bảo quản lọ gừng ngâm mật ong ở nơi khô ráo, thoáng mát hoặc trong ngăn mát tủ lạnh để dùng dần.
    • Quan sát thấy miếng gừng teo săn lại thì lấy một lượng vừa đủ, pha với nước ấm để uống trong ngày.

    3.3. Ngậm gừng tươi

    Mẹo dân gian chữa đau đầu cho bà bầu bằng gừng đơn giản nhất là ngậm gừng tươi để giảm cảm giác buồn nôn gây đau nửa đầu. Chỉ cần rửa sạch một củ gừng tươi, gọt vỏ và thái lát nhỏ, mỏng, sau đó ngậm 1 vài lát trong khoảng ít nhất 30 phút để cơn đau thuyên giảm là được.

    Ngoài ra, để tiện lợi hơn, mẹ bầu cũng có thể chọn mua các sản phẩm có chiết xuất gừng như kẹo ngậm làm từ gừng.

    4. Giảm đau đầu cho bà bầu bằng cách massage

    Mẹo dân gian chữa đau đầu cho bà bầu bằng massage

    Massage là phương pháp trị liệu giảm đau đầu cho bà bầu được nhiều chuyên gia khuyến cáo. Với những cơn đau đầu nhẹ, mẹ bầu có thể khắc phục tại nhà bằng cách massage đầu, quanh vai và cổ.

    Mẹo chữa đau đầu cho bà bầu này không chỉ an toàn mà còn giúp thư giãn, giảm mức độ căng thẳng. Các chị em bầu bí có thể đến các trung tâm làm đẹp, bệnh viện có dịch vụ massage vùng đầu, cổ vai gáy để giúp máu lưu thông và giảm đau đầu hiệu quả.

    Các mẹ bầu nên nhớ tìm hiểu thật kỹ các trung tâm massage trước khi đến trị liệu. Bởi tay nghề các kỹ thuật viên là điều quan trọng nhất đảm bảo hiệu quả điều trị. Một số huyệt chống chỉ định day ấn khi điều trị cho phụ nữ có thai như kiên tỉnh, hợp cốc.

    5. Mẹo dân gian chữa đau đầu cho bà bầu bằng túi chườm

    Chườm nóng và chườm lạnh đều là những mẹo dân gian chữa đau đầu cho bà bầu được áp dụng từ xa xưa. Chườm nóng giúp tăng nhiệt tuần hoàn máu nuôi, giãn cơ và dây chằng, giảm kích thích lên hệ thần kinh và xoa dịu cơn đau. Trong khi đó, chườm lạnh có thể khiến mạch máu co lại, giảm tuần hoàn tại chỗ, hạn chế cảm giác đau nhức và phản ứng sưng viêm.

    Do đó, phụ nữ bị đau đầu khi mang thai có thể áp dụng cả biện pháp chườm nóng và chườm lạnh tùy trường hợp. Theo một số khuyến cáo, mẹ bầu có thể:

    • Chườm ấm quanh mắt và mũi đối với chứng đau đầu do viêm xoang. Đối với chườm ấm, mẹ bầu có thể áp dụng các phương pháp như dùng muối rang, muối rang gừng, muối rang ngải cứu, muối rang lá lốt… để làm tăng hiệu quả điều trị.
    • Chườm lạnh ở gáy đối với chứng đau đầu do căng thẳng. Thông thường, chườm lạnh sẽ ít được áp dụng hơn so với chườm nóng khi điều trị đau đầu cho thai phụ.

    6. Dùng ngải cứu chữa đau đầu cho bà bầu

    Theo Đông y, ngải cứu có vị đắng – cay, tính ấm có tác dụng điều hòa khí huyết, giảm đau, chống viêm, cầm máu, tăng cường sức khỏe cho phụ nữ sau sinh… Ngoài tra, ngải cứu còn có công dụng trừ hàn thấp, hỗ trợ lưu thông khí huyết nên ngải cứu thường sử dụng để chữa đau đầu tại nhà.

    Cách dùng ngải cứu chữa đau đầu cho bà bầu được thực hiện như sau: 

    • Cách 1 – Đắp lá ngải cứu: Rửa sạch 1 nắm ngải cứu, hong cho ráo nước rồi thái nhỏ, sao trên lửa nhỏ đến khi chuyển sang màu vàng. Sau đó, bọc ngải cứu trong một chiếc khăn, đắp lên đầu đến khi nguội. Lặp lại 2 – 3 lần để thấy hiệu quả.
    • Cách 2 – Chườm lá ngải cứu: Sao lá ngải cứu với một ít muối hột đến khi ngải cứu chuyển sang vàng. Dùng khăn mỏng bọc hỗn hợp này rồi chườm lên vùng trán, 2 bên thái dương đến khi nguội. Lặp lại nếu cần.

    Bạn có thể quan tâm:

    Lưu ý khi áp dụng các mẹo dân gian chữa đau đầu cho bà bầu

    lưu ý khi áp dụng mẹo dân gian chữa đau đầu cho bà bầu

    Nhìn chung, các mẹo dân gian chữa đau đầu cho bà bầu được xem là mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, không phải bất kỳ phụ nữ mang thai nào cũng có thể áp dụng tất cả những cách trị đau đầu cho bà bầu này. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, mẹ bầu nên lưu ý một số điều sau mỗi khi muốn thực hiện các mẹo chữa đau đầu:

    • Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng các mẹo dân gian chữa đau đầu cho bà bầu. Một số mẹo dân gian vẫn chưa được kiểm chứng khoa học về mức độ an toàn đối với phụ nữ mang thai.
    • Những mẹ bầu có làn da nhạy cảm không nên áp dụng các biện pháp như đắp tỏi lên da. Hơi nóng từ tỏi có thể gây bỏng da và kích ứng da cho mẹ bầu.
    • Nên chọn bệnh viện hoặc trung tâm làm đẹp uy tín để massage vùng đầu cổ vai gáy. Đây là những vị trí có nhiều huyệt đạo nhạy cảm. Massage sai cách có thể khiến tình trạng đau đầu khi mang thai trở nặng.
    • Với những cơn đau đầu nhẹ, các chị em bầu bí có thể áp dụng các mẹo dân gian chữa đau đầu cho bà bầu đã đề cập trong bài. Tuy nhiên, nếu đau đầu dữ dội hoặc diễn ra dai dẳng, mẹ bầu nên đến bệnh viện để được khám và chẩn đoán kịp thời, từ đó có biện pháp điều trị phù hợp.

    Trên đây là những mẹo dân gian chữa đau đầu cho bà bầu được nhiều người áp dụng. Trong quá trình mang thai, mẹ bầu cần chú ý chăm sóc sức khỏe để đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh như đảm bảo dinh dưỡng, uống đủ nước, ngủ đủ giấc, tập thể dục nhẹ nhàng… . Đừng chủ quan trước những cơn đau đầu nhẹ mà không điều trị. Hãy đảm bảo cơ thể luôn trong trạng thái tốt nhất để bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và bé.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung

    Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


    Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: Tuần trước

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo