backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Cẩn thận với tình trạng xuất huyết tiền phòng!

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Châu · Ngày cập nhật: 09/02/2022

    Cẩn thận với tình trạng xuất huyết tiền phòng!

    Xuất huyết tiền phòng chắc hẳn là thuật ngữ còn khá xa lạ đối với nhiều người. Vậy tình trạng này là gì? Nguyên nhân và triệu chứng của mắt bị xuất huyết tiền phòng được thể hiện như thế nào? Quan trọng hơn hết là có nguy hiểm đến sức khỏe không? 

    Tiền phòng là khoảng không gian tính từ mặt sau giác mạc đến mặt trước của mống mắt. Bình thường, tiền phòng chứa một dung dịch trong suốt gọi là thuỷ dịch, có vai trò cung cấp chất dinh dưỡng cho các thành phần bên trong của mắt. 

    Xuất huyết tiền phòng là gì?

    triệu chứng xuất huyết tiền phòng

    Đây là hiện tượng thường xảy ra sau chấn thương, khi có sự tích tụ máu ở khoang trước của mắt do mạch máu bị vỡ. Tuy rằng đều là tình trạng chảy máu mắt, nhưng chảy máu tiền phòng không đơn giản và vô hại như chảy máu ở kết mạc. Sự nghiêm trọng của tình trạng này được phân thành nhiều mức độ dựa vào lượng máu tích tụ trong mắt. Có 5 phân độ xuất huyết tiền phòng gồm:

    • Độ 0 (vi mạch): Không nhìn thấy máu tụ, nhưng khi kiểm tra bằng đèn khe có thể thấy các tế bào hồng cầu trong khoang trước.
    • Độ 1: Lượng máu tụ ít hơn 1/3 tiền phòng
    • Độ 2: Lượng máu chiếm từ 1/3 đến 1/2 tiền phòng
    • Độ 3: Lượng máu lớn hơn 1/2 nhưng chưa chiếm hết tiền phòng
    • Độ 4: Toàn bộ tiền phòng bị ngập máu.  

    Mức độ càng cao, nguy cơ mất thị lực và tổn thương lâu dài cho mắt càng lớn. Máu có màu đỏ sẫm hoặc đen là nguy hiểm nhất, có liên quan đến việc giảm lưu thông thủy dịch và giảm oxy trong khoang trước của mắt.

    Triệu chứng chảy máu mắt

    Tùy vào mức độ xuất huyết mà biểu hiện có thể khác nhau ở từng bệnh nhân. Thông thường, xuất huyết tiền phòng mắt sẽ có các triệu chứng điển hình bao gồm:

    • Đau mắt (có thể xuất hiện do chấn thương hoặc do tăng nhãn áp)
    • Thị lực giảm
    • Tầm nhìn bị mờ, có mây che 
    • Nhạy cảm với ánh sáng
    • Quan sát thấy máu trong mắt

    Đặc biệt, người bệnh còn có thể cảm thấy đau đầu dữ dội trong trường hợp chảy máu tiền phòng làm tăng nhãn áp.

    Nguyên nhân gây xuất huyết

    xuất huyết tiền phòng

    Khoảng 70% tình trạng xuất huyết tiền phòng xảy ra ở trẻ em, đặc biệt là nam giới từ 10 đến 20 tuổi. Nguyên nhân phổ biến nhất là do chấn thương va đập nhãn cầu làm vỡ một số mạch máu trong mắt. Đây là lý do tại sao khi gặp phải chấn thương khiến mắt bầm tím hoặc đen thì bạn cần đến gặp bác sĩ nhãn khoa ngay lập tức. 

    Thường gặp nhất là chấn thương từ các hoạt động như chơi thể thao, tai nạn nghề nghiệp, té ngã, đánh nhau hoặc do bắn súng hơi. Mặc dù hiếm xảy ra hơn, nhưng một số trường hợp khác cũng có thể dẫn đến chảy máu mắt, bao gồm mổ đục thủy tinh thể, sự bất thường ở các mạch máu bên trong mắt, zona ở mắt, mống mắt bị viêm nặng, thiếu máu hồng cầu hình liềm.

    Ngoài ra, chảy máu tiền phòng cũng có thể xảy ra một cách tự phát, đặc biệt là ở những người đang dùng các thuốc chống đông máu (warfarin hoặc aspirin) và bệnh nhân bị rối loạn đông máu (bệnh ưa chảy máu). Bệnh đái tháo đường hoặc sự phát triển của khối u trong mắt cũng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu tiền phòng tự phát.

    Xuất huyết tiền phòng có nguy hiểm không?

    biến chứng xuất huyết tiền phòng

    Hầu hết các bệnh lý liên quan đến mắt nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách đều có thể dẫn đến các biến chứng xấu, xuất huyết tiền phòng cũng không ngoại lệ. Mức độ nghiêm trọng của biến chứng xuất huyết tiền phòng còn tùy thuộc vào lượng máu chảy ở mắt. Thông thường, nếu máu tích tụ trong khoang trước của mắt ít thì sẽ được cơ thể tái hấp thu mà không gây tổn thương lâu dài cho mắt.

    Ngược lại, nếu lượng máu nhiều và đông tụ sẽ làm các ống dẫn lưu ở góc mắt bị tắc nghẽn hoặc tổn thương cấu trúc. Điều này gây tắc nghẽn dòng chảy bình thường của thủy dịch ra khỏi mắt, gây tăng nhãn áp suốt đời hoặc nặng hơn là tổn thương dây thần kinh thị giác không thể phục hồi, dẫn đến mất thị lực. Đối với tình trạng này, bác sĩ nhãn khoa có thể sẽ nội soi để xác định xem tổn thương đã xảy ra hay chưa, từ đó quyết định phương pháp điều trị xuất huyết tiền phòng, cũng như biện pháp theo dõi lâu dài.

    Một số trường hợp, người bệnh có thể bị xuất huyết bên trong mắt lần thứ hai sau chấn thương ban đầu. Lần chảy máu mới này có thể nghiêm trọng và nguy hiểm hơn lần trước đó.

    Đối với bệnh nhân mắc bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm có nguy cơ bị tổn thương mắt do chảy máu tiền phòng cao hơn.  

    Điều trị xuất huyết tiền phòng hiệu quả

    điều trị xuất huyết tiền phòng

    Mục tiêu chính của việc điều trị xuất huyết là kích thích sự tiêu máu, cố gắng hạn chế tình trạng tăng nhãn áp và ngăn ngừa chảy máu thêm. Đa phần bệnh nhân sẽ được điều trị và theo dõi ngoại trú. Nhập viện điều trị dành cho các trường hợp xuất huyết nặng, tăng nhãn áp không thể điều chỉnh được bằng thuốc, nguy cơ chảy máu tái phát cao hoặc ở những đối tượng đặc biệt như trẻ em và người lớn tuổi không có khả năng tái khám định kỳ. Dựa vào mức độ xuất huyết và các yếu tố nguy cơ liên quan, bác sĩ nhãn khoa có thể chỉ định kết hợp các biện pháp phòng ngừa và điều trị như sau:

    • Hạn chế các hoạt động trong vài ngày
    • Dành thời gian nghỉ ngơi ở trên giường với tư thế đầu được kê cao, kể cả lúc ngủ
    • Đeo kính chắn để bảo vệ mắt, tránh bị thương cũng như tránh ánh sáng lọt vào
    • Dùng thuốc nhỏ mắt có tác dụng làm giãn đồng tử (atropin) để giúp cho thể mi được nghỉ ngơi, tạo điều kiện cho việc liền sẹo của các mạch máu bị tổn thương. Mặt khác giãn đồng tử cũng giúp hạn chế được biến chứng dính mống mắt
    • Corticoid nhỏ mắt tại chỗ được sử dụng để hạn chế tình trạng viêm nhiễm thường đi kèm trong xuất huyết tiền phòng sau chấn thương
    • Nếu có triệu chứng đau mắt, người bệnh có thể sử dụng thuốc giảm đau chẳng hạn như paracetamol để cảm thấy dễ chịu hơn, nhưng không nên dùng quá nhiều
    • Không sử dụng các thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như naproxen, ibuprofen hoặc bất kỳ loại thuốc nào có chứa aspirin vì những thuốc này có thể làm tăng nguy cơ chảy máu ở mắt
    • Ở những bệnh nhân đã điều trị nội khoa nhưng máu không sạch, tăng nhãn áp không kiểm soát được, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để loại bỏ máu.

    Nhìn chung, đa số các trường hợp chảy máu tiền phòng có thể tự cải thiện trong vòng vài ngày đến vài tuần. Tuy nhiên, bệnh nhân không nên tự ý chữa trị tại nhà vì điều đó có thể gây hại nhiều hơn là mang lại lợi ích. Để đảm bảo hiệu quả điều trị xuất huyết tiền phòng, điều quan trọng nhất là cần phải tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ. Trong thời gian điều trị ngoại trú, người bệnh nên tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ, trường hợp nếu cơn đau mắt trở nên dữ dội hơn thì bạn cần phải đến bệnh viện để tái khám ngay.

    Việc khám mắt định kỳ rất quan trọng khi chăm sóc bệnh nhân xuất huyết tiền phòng, vì khả năng mắc bệnh tăng nhãn áp cao hơn, thậm chí là nguy cơ này có thể kéo dài nhiều năm sau đó. Bên cạnh đó, cần lưu ý rằng chảy máu tiền phòng đôi khi không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Chính vì vậy, hãy đi khám bác sĩ nhãn khoa ngay lập tức nếu bạn bị chấn thương mắt, ngay cả khi mắt vẫn ổn và không nhận thấy các vấn đề bất thường về thị lực.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngân Châu · Ngày cập nhật: 09/02/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo