backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

10 băn khoăn không biết tỏ cùng ai trong việc nuôi dạy trẻ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 18/06/2020

    10 băn khoăn không biết tỏ cùng ai trong việc nuôi dạy trẻ

    Quá trình nuôi dạy trẻ là một chặng đường đầy khó khăn nhưng cũng vô cùng thú vị. Trong hành trình này, bạn sẽ gặp vô vàn những thắc mắc không biết chia sẻ cùng ai nên tự bản thân phải đi tìm câu trả lời.

    Đã là cha là mẹ thì ai cũng mong con mình lớn lên khỏe mạnh, vui vẻ và trở thành người có ích cho xã hội. Mong ước này có vẻ giản đơn nhưng thực tế lại khó thực hiện hơn bạn nghĩ rất nhiều. Nếu bạn lần đầu làm cha mẹ, sự khó khăn này có thể tăng lên gấp bội với muôn vàn những thắc mắc mà không ai có thể đưa ra lời giải đáp rõ ràng. Bạn có đang gặp phải những vướng mắc trong việc nuôi dạy trẻ? Dưới đây là 10 thắc mắc phổ biến, hãy cùng xem qua để xem đây có phải là vấn đề đang làm bạn đau đầu không nhé.

    1. Làm thế nào để dỗ trẻ sơ sinh ngủ?

    Đây là một trong những câu hỏi rất thường gặp ở các bậc cha mẹ, đặc biệt là những ba mẹ mới. Tất nhiên, không có câu trả lời chính xác giúp mẹ tháo gỡ vấn đề này. Mỗi bé là một cá thể riêng với những đặc điểm khác nhau, vì vậy mỗi bé sẽ cần một cách dỗ khác nhau.

    Để giúp bé dễ dàng liên kết với việc đi ngủ, hãy đặt bé vào cũi/nôi hay giường mỗi khi bé có các dấu hiệu buồn ngủ. Ngoài ra, bạn cũng có thể bắt đầu xây dựng cho bé các thói quen ngủ tốt khi bé được khoảng 6 tháng tuổi bằng việc cho bé đi ngủ vào một khung giờ nhất định sau khi con đã tắm sạch, thay tã mới và bú no.

    Bạn có thể quan tâm bài viết Mẹo dỗ bé ngủ ngon cho mẹ nhàn tênh

    2. Ai sẽ trông bé khi bạn đi làm?

    Đây là vấn đề khiến nhiều cha mẹ vô cùng đau đầu khi nuôi dạy trẻ. Cả hai vợ chồng đều có sự nghiệp riêng nhưng nếu cả hai cùng đi làm, ai sẽ lo cho bé, đặc biệt là trong tình huống bé còn quá nhỏ và việc gửi nhà trẻ khiến bạn không an tâm?

    Nếu rơi vào tình huống này, một trong hai bạn cần hy sinh ở nhà một thời gian hoặc nghĩ đến việc nhờ ông bà, người thân hay tìm một người trông trẻ đáng tin cậy để chăm sóc bé.

    3. Làm thế nào để các bé không ganh ghét nhau?

    Sự ganh đua giữa anh chị em là điều mà gia đình nào cũng gặp phải. Chính vì vậy, hầu hết các bậc cha mẹ đều coi đây là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, nếu điều này xảy ra trong một thời gian dài thì có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.

    Nếu thấy các bé cãi nhau hoặc thậm chí là đánh nhau, bạn cần nhắc nhở cả hai chứ đừng nghiêng về bé nhỏ hơn. Tránh thể hiện tình cảm quá mức với một bé, thay vào đó hãy thể hiện sự yêu thương đồng đều cho tất cả. Bạn cũng có thể để trẻ tự thống nhất cách giải quyết, thậm chí là đưa ra một hình phạt nào đó cho tất cả nếu chúng còn đánh nhau.

    Ngoài ra, các quy tắc mà bạn đặt ra cũng cần phải được tuân thủ nghiêm ngặt bởi tất cả các bé, không có đặc quyền cho bé nhỏ hơn hoặc bé trai hay bé gái. Bạn cần xử lý các trận cãi vã, đánh nhau một cách bình tĩnh, công bằng và kiên quyết.

    nuôi dạy trẻ

    4. Khi nào nên cho bé hẹn hò?

    “Hẹn hò”, “có bạn trai/bạn gái” là điều đang dần trở nên phổ biến đối với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, đôi lúc, trẻ chỉ nói chứ không hiểu ý nghĩa thật sự của điều này. Một đứa trẻ 10 tuổi có thể cho rằng hẹn hò là phải nhắn tin với bạn thật nhiều.

    Thực tế là rất khó để đưa ra một độ tuổi cụ thể khi nào bạn nên cho bé hẹn hò bởi mỗi đứa trẻ sẽ có sự trưởng thành về mặt cảm xúc ở những độ tuổi khác nhau. Quan trọng là bạn phải giải thích cho trẻ hiểu về sự khác biệt giữa tình bạn và tình yêu. Với một cuộc trò chuyện cởi mở, cả bạn và bé sẽ có thể tự xác định được đâu thời điểm phù hợp để bé có thể hẹn hò với một người bạn nào đó.

    5. Khi nào là thời điểm thích hợp để nói chuyện với trẻ về tình dục?

    Đây là một trong những chủ đề nhạy cảm, khó nói nhưng lại vô cùng quan trọng trong việc nuôi dạy trẻ. Tò mò là bản tính tự nhiên của trẻ và trẻ sẽ sớm hỏi bạn về cơ thể và việc mình được tạo thành như thế nào.

    Nếu bé còn nhỏ, bạn có thể giải thích bằng cách bắt đầu bằng các phép ẩn dụ như gieo hạt, sau khi bé lớn hơn một chút, bạn có thể giải thích cho bé biết hạt giống đến từ đâu.

    Ngoài ra, khi bé đã gần bước vào độ tuổi dậy thì, bạn cũng nên nói thêm với trẻ về tình yêu, tầm quan trọng của việc quan hệ tình dục an toàn để tránh mang thai ngoài ý muốn và các bệnh lây nhiễm qua đường sinh dục.

    6. Làm gì khi trẻ bị các bạn cùng lớp bắt nạt?

    Bắt nạt có rất nhiều hình thức chứ không chỉ giới hạn ở mặt thể chất. Nếu nhận thấy con bị bắt nạt, bạn hãy đến trường gặp giáo viên để có biện pháp can thiệp phù hợp. Nhưng quan trọng là bạn cần ủng hộ, khích lệ con để trẻ tự đứng lên và không bao giờ được phép để người khác coi thường mình.

    Một cách khác để dạy con khá hữu ích là bạn có thể cho trẻ đi học võ để biết tự bảo vệ bản thân và rèn luyện sự tự tin, bình tĩnh khi xử lý các tình huống khó khăn.

    7. Điểm số có quyết định tương lai của trẻ?

    Hiện nay, nhiều cha mẹ đã ý thức được rằng điểm số không phải là yếu tố quyết định tương lai của trẻ bởi mỗi trẻ sẽ có một khả năng khác nhau. Sự thành công của trẻ chỉ được quyết định bởi 2 yếu tố đó là khả năng sẵn sàng học hỏi những điều mới và sự chăm chỉ để đạt được điều gì đó.

    Tuy nhiên, dù điểm số không quyết định tương lai nhưng lại có thể đưa đến các vấn đề khác, chẳng hạn như việc trẻ gặp khó khăn trong học tập hoặc trẻ thiếu tự tin.

    8. Có nên thưởng tiền cho trẻ không?

    nuôi dạy con cần dạy trẻ tiết kiệm tiền

    Việc thưởng tiền cho trẻ khi bé còn nhỏ có thể góp phần dần hình thành một thói quen xấu. Để tránh tình trạng này, trước khi dùng tiền làm phần thưởng, bạn cần dạy cho trẻ tầm quan trọng của việc giúp đỡ và chia sẻ công việc. Khi trẻ đã dần hiểu và lớn hơn một chút, bạn có thể cho trẻ tiền tiêu vặt và hướng dẫn trẻ cách chi tiêu hợp lý.

    9. Làm thế nào khi trẻ cãi lời?

    Con chống đối, cãi lời cha mẹ là tình trạng mà đa phần các phụ huynh đều gặp phải. Câu hỏi đặt ra là bạn nên giải quyết vấn đề này như thế nào? Trong những lúc này, bạn cần tôn trọng ý kiến ​​của trẻ, giữ bình tĩnh, hỏi trẻ tại sao và kiên nhẫn lắng nghe trẻ nói.

    Ngoài ra, khi bạn yêu cầu trẻ làm điều gì đó, hãy giải thích cho trẻ biết lý do và lợi ích của điều đó chứ đừng la mắng hay áp đặt nếu không muốn làm tình hình phức tạp thêm. Chẳng hạn, hãy giải thích cho trẻ hiểu nếu con làm bài tập về nhà sớm hơn, bé sẽ có nhiều thời gian để chơi hơn.

    10. Nuôi dạy trẻ như thế nào khi bạn và người ấy đã chia tay?

    Khi hai bạn chia tay và chấm dứt hôn nhân, vấn đề nuôi dạy trẻ cái sẽ là điều mà cả hai cần cân nhắc. Bạn và người ấy cần ngồi lại với nhau, thảo luận về các câu hỏi như:

    • Bé sẽ ở với ai?
    • Mỗi tháng bạn hay người kia sẽ chu cấp cho bé bao nhiêu % chi phí?
    • Nếu có các bất đồng trong việc nuôi dạy trẻ thì sẽ giải quyết như thế nào?
    • Làm thế nào để hạn chế việc trẻ sử dụng phương tiện truyền thông xã hội hoặc điện thoại di động khi trẻ cần những thiết bị này để liên hệ với bạn hay người kia?

    Làm cha mẹ là một hành trình với vô vàn điều thú vị nhưng cũng vô cùng gian nan. Những câu hỏi của bạn về việc nuôi dạy trẻ sẽ không bao giờ có câu trả lời chính xác và rõ ràng, tất cả sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào bạn và bé. Hy vọng những thông tin trên sẽ là những gợi ý để bạn tìm ra cách nuôi dạy trẻ phù hợp nhất.

    Ngân Phạm/HELLO BACSI

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 18/06/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo