backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Trẻ bị chân tay miệng có được tắm không? Cách tắm khoa học cho bé

Thông tin kiểm chứng bởi: Tố Quyên


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 20/03/2024

Trẻ bị chân tay miệng có được tắm không? Cách tắm khoa học cho bé

Có quan điểm cho rằng trẻ bị tay chân miệng cần kiêng gió, kiêng nước để bệnh không trở nặng. Điều này khiến nhiều cha mẹ thắc mắc không biết trẻ bị chân tay miệng có được tắm không?

Một số phụ huynh sợ rằng việc tắm rửa có thể khiến các mụn nước ở trẻ bị tay chân miệng vỡ ra. Liệu điều này có đúng không? Để biết được trẻ bị chân tay miệng có được tắm không, mời bạn tham khảo bài viết dưới đây của Hello Bacsi. Bài viết cũng hướng dẫn bạn cách chăm sóc trẻ bị tay chân miệng khoa học, giúp bệnh mau khỏi, tránh để lại biến chứng.

Trẻ bị chân tay miệng có được tắm không?

Tay chân miệng là bệnh do virus gây ra, đặc trưng bởi các vết mụn nước nhỏ nổi ở miệng, bàn tay và bàn chân. Những mụn nước này nếu vỡ ra vừa khiến bệnh nhi đau đớn, làm tăng nguy cơ bội nhiễm nếu không xử lý đúng cách, vừa có thể lây lan cho những người xung quanh. Cũng vì vậy mà một số cha mẹ không dám tắm cho trẻ. Vậy, trẻ bị chân tay miệng có kiêng tắm không?

Đối với vấn đề “Trẻ bị chân tay miệng có được tắm không?”, các chuyên gia sức khỏe đều trả lời là “Có”. Việc tắm rửa cho bé bị tay chân miệng là cần thiết để:

  • Giảm cảm giác ngứa ngáy, khó chịu: Tắm gội là cách giảm ngứa cho trẻ bị tay chân miệng hiệu quả. Trẻ bị tay chân miệng thường phát sốt khiến cơ thể đổ nhiều mồ hôi. Nếu không được tắm rửa, bé sẽ cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu, dẫn đến gãi không tự chủ và làm vỡ mụn nước.
  • Hạn chế tình trạng nhiễm trùng da, bội nhiễm: Tắm rửa sạch sẽ giúp hạn chế sự tích tụ của vi khuẩn trên da, nhờ đó mà phòng ngừa tình trạng nhiễm trùng da và bội nhiễm do vi trùng xâm nhập vào cơ thể thông qua các vết loét, mụn nước. Nếu để bé bị nhiễm trùng da, nguy cơ để lại sẹo sau khi khỏi bệnh tay chân miệng là rất cao.
  • Hạ sốt cho trẻ: Với những trẻ bị tay chân miệng đang có biểu hiện sốt nhẹ, việc tắm rửa khiến da thoáng mát, hỗ trợ hạ sốt hiệu quả.

Hướng dẫn cách tắm cho trẻ bị tay chân miệng

cách tắm cho trẻ bị tay chân miệng

Như vậy là bạn đã biết được câu trả lời cho thắc mắc “Trẻ bị chân tay miệng có được tắm không?”. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần tuân thủ các hướng dẫn sau đây để đảm bảo an toàn khi tắm cho bé bị tay chân miệng:

  • Sử dụng nước ấm vừa phải và xà phòng sát khuẩn để tắm cho trẻ
  • Lau rửa một cách nhẹ nhàng để da sạch sẽ nhưng vẫn không làm vỡ mụn nước
  • Không chà xát, kì cọ mạnh hay tự ý chọc vỡ mụn nước
  • Tắm nhanh cho trẻ, không để bé ngâm mình trong nước quá lâu
  • Không tự ý tắm bằng muối, chanh, cũng như không đắp lá lên mụn nước khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ
  • Lau khô người bé nhẹ nhàng và mặc quần áo rộng rãi sau khi tắm
  • Sau khi tắm cho bé, bạn có thể bôi Betadin 3% lên da trẻ để phòng ngừa nhiễm trùng da.

Bạn có thể quan tâm:

Một số lưu ý khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng

Mặc dù lời đáp cho vấn đề “Trẻ bị tay chân miệng có nên tắm không?” là “Nên”, nhưng vẫn có một số lưu ý mà phụ huynh cần ghi nhớ khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng, cụ thể:

1. Vệ sinh cho trẻ đúng cách

Không chỉ nên quan tâm đến việc trẻ bị tay chân miệng có tắm được không, các bậc phụ huynh cũng cần vệ sinh vùng miệng cho trẻ để sát khuẩn, phòng ngừa nhiễm trùng.

Các vết loét, mụn nước trong miệng của trẻ có thể gây đau đớn, khiến trẻ chán ăn, bỏ uống. Cách tốt nhất để vừa sát khuẩn làm sạch, vừa giảm đau trong khoang miệng cho trẻ bị tay chân miệng là để bé súc miệng nhẹ nhàng với nước muối sinh lý 0,9%. Nếu không có sẵn nước muối sinh lý, bạn có thể tự pha nước muối 0,9% theo tỉ lệ 5g muối : 240ml nước ấm.

Ở trẻ nhỏ chưa biết tự súc miệng, cha mẹ có thể dùng tay quấn gạc mềm để vệ sinh răng lưỡi cho bé. Tuy nhiên, cần cẩn thận tránh làm vỡ mụn nước trong miệng bé.

Ngoài ra, bạn có thể hỏi bác sĩ về các loại thuốc giảm đau vùng miệng cho trẻ bị tay chân miệng. Bác sĩ có thể cho bé bôi Glycerin borat, Zytee… vào các vết mụn nước để giảm đau, giúp trẻ ăn uống dễ dàng hơn.

2. Kiểm soát tình trạng sốt ở trẻ bị tay chân miệng

sốt ở trẻ bị tay chân miệng

Ngoài vấn đề trẻ bị tay chân miệng có được tắm không, việc kiểm soát cơn sốt cho trẻ cũng cần được cha mẹ quan tâm. Sốt là triệu chứng thường gặp ở trẻ bị tay chân miệng. Nếu trẻ sốt cao hơn 38,5 độ C, bạn cần áp dụng một số biện pháp hạ sốt an toàn cho trẻ, bao gồm:

  • Chườm ấm để hạ nhiệt và giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn. Lưu ý là khi chườm ấm, bạn không nên làm ướt quần áo của bé để tránh gây nhiễm lạnh.
  • Cho trẻ uống thuốc hạ sốt chứa paracetamol với liều lượng phù hợp, khoảng 10-15mg/kg thể trọng/lần, uống tối đa 4 lần/ngày, mỗi lần cách nhau 4-6 giờ. Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể cho trẻ dùng ibuprofen theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
  • Cho trẻ uống nhiều chất lỏng để tránh mất nước, bao gồm nước lọc, nước điện giải, nước ép trái cây, nước canh, nước súp, Oresol…
  • Đưa trẻ đi khám nếu bé vẫn tiếp tục sốt cao không hạ.

3. Nhận biết những dấu hiệu tay chân miệng trở nặng

Thực tế, việc kịp thời nhận biết các dấu hiệu tay chân miệng trở nặng còn quan trọng hơn việc đi tìm lời đáp cho vấn đề “Trẻ bị chân tay miệng có được tắm không?”. Chính vì vậy mà cha mẹ cần ghi nhớ những triệu chứng cảnh báo bệnh trở nặng sau đây để kịp đưa bé đi bệnh viện:

  • Sốt cao không giảm sau khi dùng thuốc: Nếu trẻ sốt trên 38,5°C và không giảm thân nhiệt dù đã uống thuốc hạ sốt thì bạn cần đưa bé đi khám.
  • Sốt kéo dài: Nếu trẻ sốt trên 38°C kéo dài trên 72 giờ thì bạn nên đưa trẻ đi khám.
  • Giật mình: Đây là dấu hiệu cho thấy trẻ bị nhiễm độc thần kinh. Cha mẹ cần chú ý đến tần suất giật mình của trẻ để thông báo với bác sĩ.
  • Các triệu chứng không cải thiện theo thời gian: Nếu các triệu chứng tay chân miệng ở trẻ không cải thiện sau 7-10 ngày thì nghĩa là bé đang mắc bệnh nặng.
  • Mất nước: Nếu trẻ có biểu hiện mất nước như ít đi tiểu, nước tiểu màu vàng đậm, môi khô, da khô, tim đập nhanh, thở nhanh, mắt trũng… thì bạn nên đưa bé đi cấp cứu.
  • Các dấu hiệu khác: Nếu trẻ có những dấu hiệu sau thì bạn cũng cần cảnh giác, bao gồm mệt mỏi quá mức, ngủ nhiều, lừ đừ, cáu kính quá mức, khó đi đứng, quấy khóc dai dẳng kéo dài, khó thở, nôn nhiều…

Một số câu hỏi thường gặp về bệnh tay chân miệng ở trẻ em

1. Trẻ bị tay chân miệng tắm lá gì?

Trẻ bị tay chân miệng tắm lá gì?

Bên cạnh băn khoăn trẻ bị chân tay miệng có được tắm không, nhiều phụ huynh cũng thắc mắc không biết trẻ bị tay chân miệng tắm lá gì để mau khỏi bệnh. Theo dân gian, có một số loại lá tắm có thể phù hợp với trẻ bị tay chân miệng, bao gồm:

  • Lá chè xanh
  • Lá diếp cá
  • Lá kinh giới
  • Lá bạc hà

Tuy nhiên, cha mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tắm nước lá cho trẻ bị tay chân miệng.

Để hiểu rõ hơn về cách tắm lá cho trẻ bị tay chân miệng, bạn có thể tham khảo bài viết: Trẻ bị tay chân miệng tắm lá gì? 4 loại nước lá tắm hiệu quả, an toàn nhất.

2. Trẻ bị chân tay miệng có kiêng gió không?

Một số người cho rằng trẻ bị tay chân miệng cần kiêng gió để tránh nhiễm lạnh. Liệu điều này có đúng không? Câu trả lời là trẻ bị tay chân miệng không cần kiêng gió tuyệt đối. Việc giữ trẻ trong không gian kín gió hoàn toàn có thể gây bức bối, khó chịu, thậm chí là tích tụ vi trùng.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là cha mẹ có thể cho bé tiếp xúc thoải mái với gió lớn. Trẻ bị tay chân miệng có thể trạng yếu, nếu tiếp xúc nhiều với gió, nhất là gió lớn thì bé có thể nhiễm lạnh, rùng mình, không có lợi cho sức khỏe mà còn làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề khác.

Hi vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết được trẻ bị chân tay miệng có được tắm không. Việc kiêng tắm rửa cho trẻ bị tay chân miệng là không cần thiết, thậm chí là có thể mang lại nhiều bất lợi. Do đó, cha mẹ cần tuân thủ cách tắm khoa học cho trẻ bị tay chân miệng đã được hướng dẫn trong bài để bé mau khỏi bệnh nhé!

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Thông tin kiểm chứng bởi:

Tố Quyên


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 20/03/2024

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo