backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Tìm hiểu về rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ nhỏ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 13/07/2020

    Tìm hiểu về rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ nhỏ

    Rối loạn phổ tự kỷ (ASD) là tình trạng rối loạn xảy ra trong sự phát triển não bộ, từ đó tác động đến cách trẻ nhỏ nhận thức và giao tiếp cũng như gây ra các vấn đề kèm theo. Các rối loạn cũng bao gồm những hạn chế trong hành vi và tính lặp đi lặp lại của chúng.

    Bài viết sau, Hello Bacsi sẽ giới thiệu đến bạn những thông tin liên quan đến rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ nhỏ mà bạn có thể quan tâm.

    Nguyên nhân gây bệnh

    Các chuyên gia vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây nên tình trạng rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ nhỏ. Căn bệnh này có thể xuất hiện do gene hoặc bé gặp vấn đề với cấu trúc não cũng như các hóa chất trong não tiết ra bất thường.

    Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết rằng cách bố mẹ nuôi dạy con không phải là nguyên nhân gây ra rối loạn phổ tự kỷ.

    Bên cạnh đó, một số thủ phạm có thể gây ra chứng rối loạn phổ tự kỷ bao gồm:

    • Tiếp xúc với độc tố trong môi trường trước hoặc sau khi sinh
    • Nhiễm trùng nặng như viêm màng não hoặc viêm não dẫn đến tổn thương não
    • Vấn đề trong quá trình sinh nở
    • Nhiễm trùng trước khi sinh.

    Dấu hiệu rối loạn phổ tự kỷ

    Có một số dấu hiệu rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ sơ sinh, chẳng hạn như giảm giao tiếp bằng mắt, thiếu phản ứng khi được gọi tên hoặc thờ ơ với người chăm sóc.

    Một số bé có thể phát triển bình thường trong vài tháng hoặc vài năm đầu đời, nhưng sau đó đột nhiên quá trình phát triển bị chững lại, bé trở nên hung hăng hoặc mất các kỹ năng ngôn ngữ đã đạt được.

    Các dấu hiệu rối loạn phổ tự kỷ thường được nhìn thấy khi trẻ nhỏ chạm mốc 2 tuổi.

    Trẻ nhỏ bị rối loạn phổ tự kỷ thường có một mô hình hành vi lặp đi lặp lại nhất định, từ nhẹ cho đến nghiêm trọng. Bên cạnh đó, nếu con mắc phải chứng rối loạn thần kinh này, bé sẽ gặp khó khăn trong học tập và một số trẻ có chỉ số thông minh thấp hơn so với bình thường.

    Trong các trường hợp khác, bé sẽ tỏ ra tiếp thu kiến thức bài vở rất nhanh nhưng lại gặp khó khăn trong giao tiếp cũng như không biết áp dụng những gì mình biết trong cuộc sống hàng ngày để phản ứng với các tình huống thông thường.

    Do các triệu chứng ở mỗi đứa trẻ đều có sự đa dạng nhất định nên mức độ nghiêm trọng của tình trạng rối loạn thần kinh đôi khi có thể khó xác định. Dưới đây là một số dấu hiệu phổ biến xuất hiện ở những người bị rối loạn phổ tự kỷ.

    Đối với giao tiếp xã hội và tương tác

    rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ nhỏ

    Trẻ em hoặc người lớn bị rối loạn phổ tự kỷ có thể gặp vấn đề với các kỹ năng giao tiếp và giao tiếp xã hội, bao gồm bất kỳ dấu hiệu nào sau đây:

    • Đôi khi không phản ứng khi được người khác gọi tên hoặc thậm chí không nghe thấy bạn gọi
    • Không thích các động chạm thân mật như âu yếm và nắm tay
    • Dường như thích chơi và rút lui vào thế giới của riêng mình
    • Giao tiếp bằng mắt kém và thiếu biểu cảm trên khuôn mặt
    • Không nói hoặc chậm nói, không có khả năng nói một câu hoàn chỉnh
    • Không thể bắt đầu một cuộc trò chuyện hoặc tiếp tục một cuộc trò chuyện
    • Nói với giọng điệu hoặc nhịp điệu bất thường. Bé có thể sử dụng giọng nói giống như robot
    • Lặp lại nguyên văn các từ hoặc cụm từ nhưng lại không hiểu cách sử dụng chúng trong tình huống như thế nào
    • Không tỏ ra hiểu các câu hỏi hoặc chỉ dẫn đơn giản
    • Không thể hiện cảm xúc và dường như tỏ ra vô cảm trước cảm xúc của người khác
    • Không biết nói về điều mình đang hứng thú
    • Gặp khó khăn khi nhận ra tín hiệu phi ngôn ngữ, chẳng hạn như diễn giải nét mặt, tư thế cơ thể hoặc giọng nói của người khác.

    Đối với mô hình hành vi

    Trẻ em hoặc người lớn bị rối loạn phổ tự kỷ có thể có các kiểu hành vi, sở thích hoặc hoạt động hạn chế, lặp đi lặp lại, bao gồm bất kỳ dấu hiệu nào sau đây:

  • Thực hiện các động tác lặp đi lặp lại, chẳng hạn như lắc lư, xoay tròn hoặc vỗ tay
  • Thực hiện các hoạt động có thể gây hại cho bản thân, chẳng hạn như cắn hoặc đập đầu vào tường
  • Phát triển các thói quen cụ thể và trở nên băn khoăn với sự thay đổi nhỏ nhất
  • Có vấn đề với sự phối hợp hoặc có các kiểu di chuyển kỳ lạ, chẳng hạn như vụng về hoặc chỉ thích đi bằng cách nhón chân cũng như có ngôn ngữ cơ thể kỳ quặc hoặc cường điệu
  • Bị mê hoặc bởi các chi tiết của một vật thể, chẳng hạn như bánh xe quay của một chiếc xe đồ chơi, nhưng không hiểu mục đích hay chức năng tổng thể của vật thể
  • Nhạy cảm bất thường với ánh sáng, âm thanh hoặc các động chạm, nhưng lại tỏ ra thờ ơ với xúc cảm đau hoặc khi chạm vào vật có nhiệt độ bất thường
  • Không tham gia vào trò chơi bắt chước hoặc giả lập nào để tăng tinh thần đồng đội
  • Cố định sự chú ý vào một đối tượng hoặc hoạt động với cường độ bất thường
  • Có sở thích thực phẩm cụ thể, chẳng hạn như chỉ ăn một vài loại thực phẩm hoặc từ chối thực phẩm nếu có kết cấu hay mùi vị không phù hợp với bản thân.
  • Khi trưởng thành, một số trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ có thể trở nên gắn bó hơn với mọi người và ít biểu hiện rối loạn trong hành vi, từ đó tạo điều kiện để hòa nhập cuộc sống bình thường.

    Tuy nhiên, vẫn có những bé sẽ tiếp tục gặp khó khăn với các kỹ năng ngôn ngữ hoặc xã hội và những năm phát triển ở độ tuổi thiếu niên có thể gây ra những vấn đề về hành vi và cảm xúc tồi tệ hơn.

    Chẩn đoán bệnh cho trẻ nhỏ

    cho trẻ tiêm vắc xin để phòng bệnh thủy đậu

    Các bác sĩ sẽ dựa trên một số hướng dẫn để giúp chẩn đoán tình trạng rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em trước 2 tuổi. Trẻ được chẩn đoán sớm có thể được điều trị ngay lập tức.

    Nhiều chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên tất cả trẻ em nên được kiểm tra rối loạn phổ tự kỷ cũng như các rối loạn phát triển khác trước tuổi lên 2 và thường tìm kiếm các vấn đề sau đây khi khám cho bé:

    • Không bập bẹ, chỉ trỏ hoặc có cử chỉ khi 12 tháng tuổi
    • Không nói được từ nào khi được 16 tháng tuổi
    • Không biết dùng cụm từ 2 từ khi đến mốc 24 tháng tuổi hoặc chỉ lặp lại từ ngữ, bắt chước âm thanh của người, vật xung quanh
    • Không giao tiếp bằng ánh mắt dẫu đã được 3-4 tháng tuổi.

    Nếu bé có bất kỳ vấn đề nào ở trên, bác sĩ cũng sẽ tiến hành sàng lọc nhiều hơn đi kèm với một số hình thức xét nghiệm khác như:

    • Xét nghiệm hệ thần kinh
    • Xét nghiệm sức khỏe tâm thần
    • Các xét nghiệm hình ảnh như chụp CT, quét MRI hoặc PET
    • Xét nghiệm di truyền để tìm kiếm các vấn đề gene gây ra rối loạn phổ tự kỷ hoặc các rối loạn phát triển khác.

    Biện pháp chữa bệnh cho bé

    Mỗi trẻ mắc phải hội chứng phổ tự kỷ cần chương trình điều trị đặc biệt riêng bởi mức độ nghiêm trọng về rối loạn ở từng cá nhân là rất khác nhau. Tuy nhiên nhìn chung, biện pháp chữa bệnh cho bé thường sẽ bao gồm:

    • Chương trình thay đổi hành vi: Các chương trình này sẽ dạy các kỹ năng xã hội, kỹ năng vận động và kỹ năng tư duy (nhận thức). Các chuyên gia cũng có thể giúp một đứa trẻ nhận thức hành vi vấn đề và thay đổi chúng.
    • Chương trình giáo dục đặc biệt: Các chương trình này tập trung vào những kỹ năng xã hội, lời nói, ngôn ngữ, tự chăm sóc và kỹ năng học tập, làm việc.
    • Thuốc: Một số trẻ em cần dùng đến thuốc để giúp điều trị một số triệu chứng của hội chứng rối loạn phổ tự kỷ.

    Hy vọng với những thông tin được chia sẻ ở trên, bạn đã có cái nhìn tổng quan về rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ nhỏ, từ đó có cách chăm sóc bé hợp lý.

    Phương Uyên/HELLO BACSI

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 13/07/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo