backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Tiêm chủng vaccine bại liệt: Mẹ cần biết những gì?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 21/04/2022

    Tiêm chủng vaccine bại liệt: Mẹ cần biết những gì?

    Bại liệt là bệnh lý nguy hiểm và có thể gây ra nhiều hậu quả nặng nề. Sử dụng vaccine bại liệt là biện pháp phòng bệnh an toàn và hiệu quả nhất cho trẻ nhỏ. 

    Bệnh bại liệt là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do virus poliovirus gây ra, chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ dưới 5 tuổi và rất dễ lây lan. Bệnh có thể gây liệt các chi, liệt nửa người, liệt các cơ hô hấp và thậm chí dẫn đến tử vong. Virus bại liệt có 3 type là type 1, type 2 và type 3. Cả 3 type đều có thể gây bệnh nhưng type 1 là phổ biến nhất với 90% các trường hợp.

    Tiêm phòng bại liệt cho trẻ sơ sinh bằng vắc xin nào?

    Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo trẻ em nên được chủng ngừa bại liệt để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh. Hiện có 2 loại vaccine phòng bệnh bại liệt, cụ thể:

    • Vaccine bại liệt bất hoạt dạng tiêm (IPV): Chứa các virus bại liệt chết đã được xử lý nhằm kích thích cơ thể tạo miễn dịch. Tùy thuộc vào độ tuổi mà có thể tiêm ở cánh tay hoặc chân. Vắc xin bại liệt dạng tiêm (IPV) chứa kháng nguyên của cả 3 type virus bại liệt 1, 2, 3. Hiện vắc xin này đang được tiêm cùng với vắc xin bại liệt dạng uống để tăng cường miễn dịch bảo vệ toàn diện.
    • Vaccine sống giảm động lực dạng uống (OPV): Chứa virus bại liệt sống đã làm suy yếu, trong đó tOPV chứa kháng nguyên bại liệt type 1, 2, 3 và bOPV chứa kháng nguyên bại liệt type 1 và 3. Từ năm 2015, vắc xin bOPV  được sử dụng thay cho tOPV vì WHO đã công bố loại bỏ bại liệt type 2.

    Hiện cả vắc xin bại liệt (vacxin bại liệt) dạng uống và dạng tiêm đều có nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Quan trọng nhất vẫn là bạn cần cho bé yêu tiêm đủ mũi, uống đủ liều để đạt hiệu quả phòng bệnh tối đa.

    Đối tượng nào cần tiêm vaccine bại liệt?

    Theo Thông tư số 38/2017/TT-BYT ngày 17/10/2017 của Bộ Y tế Việt Nam về ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc thì vắc xin bại liệt là vắc xin bắt buộc phải tiêm cho trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên.

    Đa phần, người lớn sẽ không cần tiêm vắc xin bại liệt vì đã được tiêm khi còn nhỏ. Tuy nhiên, nếu thuộc 3 nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao, bạn nên cân nhắc tiêm lại:

    • Chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh bại liệt trước đây
    • Đang sống hoặc có kế hoạch đi đến địa phương có dịch bại liệt
    • Đang làm việc trong phòng thí nghiệm hoặc xử lý mẫu vật có chứa virus bại liệt
    • Đang làm các công việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ ở các nhà trẻ, trại trẻ mồ côi, nhân viên y tế đang chăm sóc cho nhiều đối tượng bệnh nhân

    Trẻ không nên tiêm vắc xin bại liệt khi nào?

    vắc xin bại liệt

    Việc tiêm hoặc uống vaccine ngừa bại liệt không được khuyến cáo cho trẻ:

    • Đã từng có phản ứng nặng với lần tiêm trước đó
    • Dị ứng nghiêm trọng với các thành phần của vắc xin hoặc dị ứng với neomycin, streptomycin, polymycine B
    • Mắc phải các bệnh lý nghiêm trọng như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy thận, suy gan…

    Hoãn dùng vắc xin nếu trẻ:

    • Đang mắc các bệnh nhiễm trùng hoặc bệnh cấp tính như cảm lạnh
    • Sốt hơn 38°C hoặc có thân nhiệt thấp hơn 35,5°C
    • Vừa mới điều trị bằng corticoid liều cao
    • Vừa truyền máu, các sản phẩm từ máu hoặc dùng các sản phẩm globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng (trừ trường hợp dùng globulin miễn dịch để điều trị viêm gan B)

    Trẻ cần uống hoặc tiêm bao nhiêu mũi vắc xin bại liệt?

    Hiện lịch tiêm chủng vaccine phòng bại liệt cho trẻ dưới 1 tuổi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng được thực hiện như sau:

    • 2 tháng tuổi: uống bOPV lần 1
    • 3 tháng tuổi: uống bOPV lần 2
    • 4 tháng tuổi: uống bOPV lần 3
    • 5 tháng tuổi: tiêm 1 mũi phòng vắc xin bại liệt IPV

    Trường hợp không theo đúng lịch kể trên, bạn nên cho trẻ uống hoặc tiêm sau đó càng sớm càng tốt. Vắc xin phòng bại liệt có thể tiêm cùng với các loại vắc xin khác trong cùng 1 buổi tiêm chủng.

    Để biết được các mũi tiêm và lịch tiêm ngừa phù hợp cho độ tuổi của bé, bạn có thể tham khảo Công cụ theo dõi lịch tiêm chủng cho trẻ của Hello Bacsi dưới đây:

    Uống hoặc tiêm vaccine bại liệt ở đâu, giá bao nhiêu?

    Việc tiêm phòng bại liệt cho trẻ thường được thực hiện tại các cơ sở sản khoa, các trung tâm y tế phường xã, các trung tâm y tế thành phố… trong chương tiêm chủng mở rộng quốc gia hoàn toàn miễn phí.

    Ngoài ra, bạn cũng có thể cho trẻ tiêm phòng dịch vụ tại các cơ sở y tế, bệnh viện, phòng khám hoặc các trung tâm tiêm chủng chất lượng, an toàn.

    Đối với chương trình tiêm chủng dịch vụ, bạn có thể cho trẻ tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bại liệt và nhiều loại bệnh khác trong một mũi tiêm:

    • Vắc xin 6 trong 1: phòng 6 bệnh Bạch hầu – Uốn ván – Ho gà – Bại liệt – Hib – Viêm gan B
    • Vắc xin 5 trong 1: phòng 5 bệnh Bạch hầu – Uốn ván – Ho gà – Bại liệt- Hib

    Sau khi uống hoặc tiêm vắc xin bại liệt, trẻ có thể gặp tác dụng phụ?

    vắc xin bại liệt

    Vaccine bại liệt rất an toàn. Thế nhưng, bất kỳ loại thuốc hoặc vắc xin cũng đều có nguy cơ gây ra tác dụng phụ nhưng đa phần thường nhẹ và tự khỏi, rất hiếm khi xảy ra các phản ứng nghiêm trọng.

    • Trẻ có thể bị dị ứng với thành phần của vắc xin. Các dấu hiệu dị ứng thường là nổi mề đay, phù mặt, sốc phản vệ… Tuy nhiên, trường hợp này rất hiếm và thường xảy ra trong vài phút đến vài giờ sau khi uống hoặc tiêm
    • Đối với vắc xin bại liệt dạng tiêm, trẻ có thể bị đau, xuất hiện quầng đỏ, sưng ở vị trí tiêm, sốt nhẹ. Các triệu chứng này thường biến mất sau 1 – 3 ngày mà không cần điều trị.

    Chăm sóc sau chủng ngừa vaccine bại liệt như thế nào?

    Ở lại trung tâm y tế khoảng 30 phút sau khi uống hoặc tiêm vắc xin bại liệt để nhân viên y tế theo dõi và xử lý kịp thời những triệu chứng bất thường.

    Bế và quan sát trẻ thường xuyên. Không chạm tay vào chỗ tiêm, không đắp bất cứ thứ gì vào chỗ tiêm. Cho trẻ ăn đủ bữa và thường xuyên kiểm tra trẻ vào ban đêm.

    Chú ý theo dõi trẻ ít nhất 24 – 48 giờ sau khi tiêm. Đưa trẻ đi khám ngay nếu trẻ có các dấu hiệu như:

    • Co giật, phát ban
    • Nôn trớ, bú kém, bỏ bú
    • Tay chân lạnh, da nổi vân tím
    • Sốt cao hơn 39°C
    • Khó thở, thở thanh, môi tím, có dấu hiệu rút lõm lồng ngực.

    Nếu vùng da chỗ vết tiêm bị kích ứng nghiêm trọng, bị tổn thương, chảy dịch, hãy đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 21/04/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo