backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Hiện tượng giãn ruột ở trẻ sơ sinh: Dấu hiệu nhận biết và cách chăm sóc

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc · Nhi khoa · Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM


Tác giả: Như Vũ · Ngày cập nhật: 15/11/2022

    Hiện tượng giãn ruột ở trẻ sơ sinh: Dấu hiệu nhận biết và cách chăm sóc

    Khi hiện tượng giãn ruột ở trẻ sơ sinh xảy ra với bé cưng nhà bạn, con có thể không đi ngoài trong nhiều ngày liền làm bạn nhầm lẫn với tình trạng táo bón. Điều này khiến ba mẹ lo lắng thắc mắc con không đi tiêu nhiều ngày có sao không. Thật ra, đây là hiện tượng bình thường và không gây khó chịu cho bé nên bạn không cần quá băn khoăn.

    Hiện tượng giãn ruột ở trẻ sơ sinh là hiện tượng sinh lý bình thường và không gây khó chịu cho bé nhưng lại dễ bị nhầm lẫn với chứng táo bón. Vậy bạn đã biết cách nhận biết tình trạng giãn ruột sinh lý này và những mẹo giúp bé cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa chưa?

    Tìm hiểu hiện tượng giãn ruột ở trẻ sơ sinh

    Hiện tượng giãn ruột ở trẻ sơ sinh hay còn gọi là giãn ruột sinh lý là tình trạng thể tích ruột của bé phát triển hơn mức bình thường. Nhìn chung, đây là một tình trạng không đáng lo.

    Tình trạng giãn ruột sinh lý thường sẽ xuất hiện khi bé được khoảng 2 tháng tuổi. Tuy nhiên, thời điểm tình trạng giãn ruột xuất hiện có thể khác nhau tùy theo tốc độ phát triển của từng trẻ.

    Thời kỳ giãn ruột ở trẻ sơ sinh kéo dài bao lâu? Thông thường, hiện tượng giãn ruột ở trẻ sơ sinh sẽ kéo dài trong khoảng 2-3 tháng. 

    Dấu hiệu nhận biết tình trạng giãn ruột ở trẻ sơ sinh

    Hiện tượng giãn ruột ở trẻ sơ sinh thường dễ bị nhầm với chứng táo bón vì cả hai tình trạng này đều khiến bé không đi ngoài trong nhiều ngày. Tuy nhiên, bạn có thể phân biệt hai tình trạng này bằng cách quan sát các dấu hiệu giãn ruột sinh lý như sau: 

    1. Bé không đi ngoài nhiều ngày

    Khi đang gặp tình trạng giãn ruột sinh lý, đường ruột của trẻ sẽ tăng kích thước so với bình thường nên sẽ chứa được nhiều phân hơn. Vậy nên, bé sẽ mất nhiều thời gian hơn để có thể đi ngoài. Thời gian không đi ngoài cụ thể cho trẻ bú sữa mẹ và trẻ uống sữa công thức là:

    • Đối với trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn: Bé có thể không đi ngoài từ 7-10 ngày.
    • Đối với trẻ uống sữa công thức: Bé có thể không đi ngoài 3-5 ngày.

    Tìm hiểu thêm Hỏi đáp Bác sĩ: Bé không đi ị nhiều ngày phải làm sao? 

    2. Dấu hiệu của hiện tượng giãn ruột ở trẻ sơ sinh: Bé thường rặn và gồng mình

    hiện tượng giãn ruột ở trẻ sơ sinh

    Việc rặn và gồng mình là biểu hiện bình thường khi bé đang tập thói quen đẩy chất thải ra khỏi cơ thể. Ngoài ra, bé còn có thể có các biểu hiện khác như đỏ mặt, xì hơi…

    Tìm hiểu thêm Bé sơ sinh xì hơi nhiều nhưng không ị phải làm sao?

    3. Dấu hiệu giãn ruột ở trẻ sơ sinh: Phân mềm

    Sữa mẹ và sữa công thức chủ yếu là nước nên phân của bé sẽ mềm. Vậy nên, khi xảy ra hiện tượng giãn ruột ở trẻ sơ sinh, trẻ đi ngoài thì phân thường mềm và sệt. Ngoài ra, phân sẽ có màu vàng nâu hoặc vàng nhạt nếu bé bú sữa công thức và sẽ có màu vàng tươi nếu bé bú sữa mẹ. Ngược lại, bé bị táo bón thường đi phân cứng và có màu xanh hoặc đen.

    Có thể bạn quan tâm Theo dõi phân trẻ sơ sinh qua từng giai đoạn: Khi nào là bất thường?

    4. Bé ăn và ngủ tốt

    Khi kích thước ruột tăng, dạ dày của bé có thể cũng sẽ nhanh rỗng hơn khi xảy ra hiện tượng giãn ruột ở trẻ sơ sinh, nên bé có thể bú nhiều hơn và lâu hơn. Khi bé bú xong, dạ dày sẽ co bóp nên máu ở các cơ quan sẽ dồn về dạ dày để giúp quá trình tiêu hóa diễn ra được tốt hơn và bé hấp thu các dưỡng chất cần thiết. Vậy nên, lượng máu ở não và các cơ quan khác sẽ giảm đi, từ đó làm cho trẻ ngủ tốt hơn.

    5. Dấu hiệu của hiện tượng giãn ruột ở trẻ sơ sinh: Bé vui chơi bình thường

    Việc bé yêu gặp phải hiện tượng giãn ruột ở trẻ sơ sinh tuy không đi ngoài trong nhiều ngày nhưng thường sẽ không khó chịu. Nguyên nhân là do phân tích tụ trong ruột chưa nhiều nên chưa đào thải được. Khi lượng phân tích tụ đủ nhiều, nhu động ruột sẽ tự động đẩy chất thải ra. Do đó, bé sẽ vẫn vui chơi bình thường không có biểu hiện khác thường nào.

    Điều này khác với bé không đi ngoài do bị táo bón. Nếu không đi ngoài được do táo bón, bé  thường sẽ hay cáu kỉnh, khóc hay có biểu hiện khó chịu. 

    Phân biệt giãn ruột sinh lý ở trẻ sơ sinh và táo bón

    Giãn ruột sinh lý ở trẻ sơ sinh thường bị nhiều phụ huynh lầm tưởng thành trẻ bị táo bón. Vậy, làm sao để giãn ruột sinh lý và táo bón ở trẻ sơ sinh? Cách phân biệt hai tình trạng này như sau:

    • Giãn ruột sinh lý ở trẻ sơ sinh: Giãn ruột sinh lý xảy ra ở trẻ từ 2 – 3 tháng tuổi. Mặc dù trẻ có thể không đại tiện từ 7 – 10 ngày hoặc thậm chí là 13 – 15 ngày, nhưng bé vẫn bú mẹ bình thường. Đối với trẻ uống sữa công thức thì bé có thể không đại tiện từ 3 – 5 ngày. Mặc dù không đại tiện nhưng trẻ vẫn đi phân mềm và đều màu. Bé cũng không có bất kỳ biểu hiện bất thường nào, ăn ngủ và sinh hoạt đều bình thường.
    • Trẻ bị táo bón: Táo bón có thể xảy ra ở trẻ thuộc bất kỳ độ tuổi nào, đặc biệt là những trẻ uống sữa công thức hoàn toàn. Khác với hiện tượng giãn ruột ở trẻ sơ sinh, táo bón là tình trạng trẻ đi ngoài phân cứng và khô, phân có màu nâu đen. Khi bị táo bón, trẻ cảm thấy đau rát ở hậu môn khi đại tiện. Trẻ cũng có thể bỏ bú, hay xì hơi và thường cảm thấy đau bụng hoặc khó chịu khi muốn đại tiện.

    Mách cha mẹ 7 cách hỗ trợ bé bị giãn ruột sinh lý

    Tuy hiện tượng giãn ruột ở trẻ sơ sinh không đáng lo và không làm cho bé khó chịu nhưng ba mẹ vẫn có thể áp dụng một số cách giúp hệ tiêu hóa của bé khỏe hơn, từ đó đi ngoài dễ dàng hơn.

    1. Bổ sung lợi khuẩn trong giai đoạn giãn ruột ở trẻ sơ sinh

    Khi con gặp hiện tượng giãn ruột ở trẻ sơ sinh, ba mẹ có thể bổ sung các lợi khuẩn đường ruột hay còn gọi là probiotic cho trẻ. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có thể dùng một số chủng lợi khuẩn có hiệu quả cao trong việc hỗ trợ cải thiện tình trạng táo bón và khả năng tiêu hóa ở trẻ sơ sinh. Bởi các chủng lợi khuẩn này có thể đem lại một số tác dụng như:

  • Hỗ trợ điều hòa tính thấm ở đại tràng, từ đó giúp phân mềm và xốp để dễ đẩy ra ngoài hơn. Nhờ vậy, bạn cũng có thể phòng ngừa tình trạng táo bón cho bé.
  • Hỗ trợ tiết chất nhầy sinh học, giúp tăng độ trơn bên trong ống tiêu hóa để phân dễ di chuyển ra ngoài hơn.
  • Giúp điều hòa nhu động ruột, tạo sóng co bóp để đẩy phân ra khỏi đường ruột.
  • Hỗ trợ tiết enzyme tiêu hóa để hấp thu triệt để nguồn dinh dưỡng. Từ đó, bé sẽ ăn ngon miệng và phát triển tốt hơn.
  • Hỗ trợ tăng cường sức đề kháng cho bé
  • 2. Massage bụng cho con 

    Việc massage bụng khi xảy ra hiện tượng giãn ruột ở trẻ sơ sinh sẽ giúp trẻ dễ chịu hơn đồng thời cũng kích thích nhu động ruột để bé dễ đi ngoài hơn. Hơn nữa, động tác massage cũng giúp hệ tiêu hóa của trẻ luôn khỏe mạnh, từ đó tránh được tình trạng táo bón và đầy hơi ở trẻ.

    Bạn có thể cho bé nằm ở nơi ấm áp, kín gió, thư giãn rồi thực hiện các bước massage bụng như sau:

    • Massage theo vòng tròn. Bạn chia bụng trẻ thành 4 phần rồi đặt tay vào một phần bụng và xoa bóp theo chiều kim đồng hồ trong khoảng 10-15 giây. Bạn lần lượt thực hiện thao tác này với 3 phần bụng còn lại theo chiều kim đồng hồ.
    • Massage theo chiều dọc. Bạn dùng hai tay nhẹ nhàng massage từ ngực dọc xuống bụng 10 lần.
    • Massage hai chiều ngược nhau. Bạn đặt hai tay lên bụng của trẻ, một tay vuốt theo hướng lên trên và một tay vuốt xuống dưới khoảng 20 lần. Khi massage, bạn cần đảm bảo các thao tác nhẹ nhàng và đều đặn.

    Bạn nên massage cho bé khi con không quá no và một ngày có thể thực hiện 1-2 lần.

    3. Tắm nước ấm cho trẻ trong giai đoạn giãn ruột của bé sơ sinh

    hiện tượng giãn ruột ở trẻ sơ sinh

    Tắm nước ấm cho bé gặp phải hiện tượng giãn ruột ở trẻ sơ sinh sẽ giúp bé thư giãn, dễ ngủ, tăng tuần hoàn máu… Bạn có thể nhỏ vài giọt tinh dầu tràm vào nước tắm của bé để làm ấm cơ thể và chữa chứng đầy bụng, khó tiêu.

    Nước tắm cho bé nên rơi vào khoảng 35 độ C để vừa đủ ấm mà vẫn an toàn cho làn da của bé. Bạn có thể kiểm tra nhiệt độ của nước tắm bằng khuỷu tay hoặc nhiệt kế. Bên cạnh đó, bạn cũng cần giữ phòng tắm ấm và không có gió.

    4. Cho con tập thể dục nhẹ nhàng khi có hiện tượng giãn ruột ở trẻ sơ sinh

    Việc tập thể dục nhẹ nhàng sẽ giúp tăng nhu động ruột để trẻ đi ngoài dễ dàng hơn và ngừa được tình trạng táo bón. Ngoài ra, việc tập luyện thường xuyên còn giúp bé ăn ngon miệng và đúng giờ hơn nữa đấy. Bạn có thể tập cho bé theo những động tác sau:

    • Cho bé nằm ngửa, nắm nhẹ phần đầu gối của bé rồi di chuyển đầu gối lên xuống về hướng bụng. Bạn lần lượt co từng gối của bé như động tác đạp xe. 
    • Cho bé nằm ngửa, giữ hai chân của con rồi xoay tròn chân từ bụng sang hai bên rồi xuống dưới. 

    Bạn hãy tập cho con lúc trẻ đang cảm thấy thoải mái, thư giãn và tập trong khoảng 5-10 phút.

    5. Bổ sung chất xơ cho bé bị hiện tượng giãn ruột ở trẻ sơ sinh

    Chất xơ có thể giúp làm mềm phân, từ đó phân sẽ di chuyển dễ dàng hơn trong ruột. Bên cạnh đó, thời gian đi ngoài của trẻ cũng sẽ ngắn hơn. Nếu trẻ uống sữa công thức, bạn có thể lựa cho con những loại sữa bổ sung chất xơ có bán trên thị trường. Nếu bé bú mẹ, bạn có thể tăng chất lượng sữa mẹ bằng cách áp dụng chế độ ăn giàu chất xơ từ khoai lang, chuối, lê, rau lang, rau mồng tơi, rau chân vịt, bơ…

    6. Vệ sinh không gian quanh trẻ

    Nhà cửa, đồ chơi, đồ dùng của trẻ có thể có virus, vi khuẩn, nấm mốc… gây rối loạn tiêu hóa, đau bụng, táo bón, tiêu chảy… Vậy nên, bạn cần thường xuyên vệ sinh những nơi hay những vật bé thường tiếp xúc để bảo vệ hệ tiêu hóa của bé.

    7. Chườm ấm khi trẻ bị hiện tượng giãn ruột ở trẻ sơ sinh

    Khi được chườm ấm vùng bụng, bé sẽ thấy dễ chịu hơn nhờ có sức nóng và sức nặng của khăn đẩy hết hơi trong bụng ra ngoài. 

    Bạn cần chuẩn bị hai chiếc khăn rồi nhúng khăn vào nước nóng. Sau đó, bạn vắt khô, mở khăn ra và đợi cho tới khi khăn có độ ấm phù hợp, không làm bỏng da trẻ. Khi này, bạn gấp nhỏ một chiếc khăn rồi đặt lên bụng trẻ còn khăn kia quấn quanh bụng để cố định.

    Hi vọng với những thông tin được chia sẻ trong bài, các bậc cha mẹ đã hiểu hơn về hiện tượng giãn ruột ở trẻ sơ sinh và biết cách hỗ trợ để đi tiêu đều đặn hơn.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc

    Nhi khoa · Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM


    Tác giả: Như Vũ · Ngày cập nhật: 15/11/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo