backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Tất tần tật thông tin về các rối loạn thần kinh ở trẻ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 12/03/2021

    Tất tần tật thông tin về các rối loạn thần kinh ở trẻ

    Tình trạng rối loạn thần kinh ở trẻ em rất đáng lo ngại bởi các bệnh này có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển trí não, quá trình phát triển và thậm chí là cả cuộc sống của trẻ trong tương lai.

    Rối loạn thần kinh là thuật ngữ dùng để chỉ các rối loạn chức năng ở não hoặc hệ thần kinh, dẫn đến các triệu chứng về thể chất hoặc tâm thần. Về cơ bản, đây là thuật ngữ có phạm vi rất rộng và có thể có nhiều nguyên nhân, biến chứng.

    Tình trạng rối loạn thần kinh có thể ảnh hưởng đến tất cả các nhóm tuổi. Có những rối loạn có thể biểu hiện dưới dạng dị tật bẩm sinh nhưng cũng có những rối loạn mà các triệu chứng chỉ xuất hiện khi trẻ không đạt được các cột mốc phát triển hoặc khi trẻ bị chấn thương, nhiễm trùng.

    Có rất nhiều tình trạng rối loạn thần kinh ở trẻ nhỏ, trong đó tự kỷ, động kinh, bại não, chấn thương sọ não, đau đầu là những rối loạn thần kinh thường gặp nhất.

    Các dấu hiệu cảnh báo tình trạng rối loạn thần kinh ở trẻ em

    Bạn có thể nghi ngờ trẻ mắc phải các rối loạn thần kinh nếu trẻ có các triệu chứng như:

    • Khả năng phối hợp kém: Điều này có thể thấy vào khoảng thời gian trẻ bắt đầu tập bò hoặc tập đi
    • Không đạt được các cột mốc phát triển dù đã qua một thời gian dài
    • Kích thước đầu phát triển quá nhanh hoặc quá chậm
    • Gặp vấn đề về ngôn ngữ hoặc vận động
    • Co thắt/co giật không kiểm soát ở một chi hoặc toàn bộ cơ thể
    • Không thể kiểm soát tay và chân, các cơ mềm mại như thú nhồi bông
    • Các vấn đề về tập trung, trẻ không thể tập trung vào bất cứ điều gì trong thời gian dài hoặc trẻ tập trung quá mức vào 1 thứ mà không chú ý đến môi trường xung quanh.
    • Đau đầu dai dẳng, dữ dội, mất cảm giác, ngứa ran hoặc thay đổi thị giác.

    Nguyên nhân gây ra rối loạn thần kinh ở trẻ

    bệnh rối loạn thần kinh

    Có nhiều triệu chứng rối loạn thần kinh là bẩm sinh nhưng cũng có một số tình trạng phát triển sau khi sinh. Với những tình trạng bẩm sinh thì nguyên nhân có thể là do:

    • Các yếu tố di truyền
    • Bất thường gen
    • Bất thường nhiễm sắc thể
    • Rối loạn chuyển hóa
    • Độc tố và các yếu tố từ môi trường như rượu, chì, thủy ngân và một số phụ gia thực phẩm
    • Thiếu hụt dinh dưỡng trong ba tháng cuối thai kỳ có thể giảm số lượng tế bào não
    • Các bệnh nhiễm trùng TORCH bao gồm Toxoplasmosis, viêm gan B, giang mai, virus varicella-Zoster, HIV và Parovirus B19, Rubella, Cytomegalovirus và virus Herpes simplex
    • Các biến chứng trong quá trình sinh nở
    • Trẻ sinh non hoặc sinh nhẹ cân

    Còn với những trường hợp rối loạn thần kinh phát triển sau sinh thì nguyên nhân có thể là do:

    • Rối loạn miễn dịch, chẳng hạn như viêm não tự miễn
    • Viêm não do nhiễm trùng
    • Viêm màng não do nhiễm khuẩn hoặc virus
    • Chấn thương sọ não
    • Tổn thương tủy sống
    • Xuất hiện khối u trong não hoặc tủy sống.

    7 tình trạng rối loạn thần kinh thường gặp ở trẻ nhỏ

    rối loạn thần kinh ở trẻ

    1. Tự kỷ – Rối loạn thần kinh có chiều hướng tăng nhanh

    Tự kỷ là chứng rối loạn phát triển thần kinh phổ biến với 3 đặc trưng chính là suy giảm tương tác xã hội, suy giảm khả năng giao tiếp và có các hành vi lặp đi lặp lại. Tùy thuộc vào độ tuổi và sự phát triển của trẻ mà sẽ có những cách điều trị tự kỷ khác nhau như dùng thuốc, điều trị hành vi hoặc kết hợp cả hai.

    2. Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)

    Rối loạn tăng động giảm chú ý là một trong những rối loạn thần kinh phổ biến nhất ở trẻ em với các biểu hiện mà ít người ngờ đến bởi rất quen thuộc ở trẻ nhỏ như nghịch ngợm, hay quên, hiếu động…

    Để chẩn đoán ADHD, trẻ cần được đi khám để các chuyên gia đánh giá dựa theo các tiêu chí cụ thể bởi không phải mọi đứa trẻ hiếu động, nghịch ngợm đều được coi là mắc ADHD. Đa phần, các triệu chứng ADHD có thể được điều trị bằng thuốc và các liệu pháp.

    3. Chứng khó phối hợp động tác Dyspraxia

    Một bệnh rối loạn thần kinh khá phổ biến ở trẻ em nhưng ít khi được biết đến. Dyspraxia hay còn gọi là rối loạn vận động là tình trạng trẻ gặp khó khăn trong việc phối hợp các động tác khiến trẻ khó giữ tư thế và thăng bằng. Hiện chưa rõ nguyên nhân gây ra nhưng nhiều nghiên cứu cho rằng có thể là do xuất hiện vấn đề trong hệ thống xử lý thông tin của não bộ. Chứng khó phối hợp động tác Dyspraxia có thể được điều trị nếu được phát hiện và can thiệp sớm bằng các liệu pháp nghề nghiệp định hướng.

    4. Động kinh

    Động kinh là một rối loạn của hệ thống thần kinh trung ương, xảy ra do sự rối loạn hoạt động điên thần kinh, không kiểm soát của một nhóm các tế bào thần kinh của vỏ não, làm xuất hiện các cơn co giật lặp đi lặp lại nhiều lần với những thay đổi từ nhận thức, cảm giác đến hành vi vận động và chức năng của nhiều cơ quan trong cơ thể. Động kinh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng trẻ em là đối tượng thường gặp nhất (50% trường hợp dưới 10 tuổi và 75% dưới 20 tuổi). Các phương pháp điều trị động kinh ở trẻ chủ yếu là dùng thuốc và các biện pháp can thiệp lối sống.

    5. Đau đầu

    Đau đầu là triệu chứng rất thường gặp nhưng cũng có trường hợp là triệu chứng của bệnh rối loạn thần kinh nghiêm trọng. Triệu chứng này xảy ra có thể do những thay đổi trong não hoặc cơ thể gửi thông điệp về cơn đau đến não và dẫn đến đau đầu. Khi trẻ bị đau đầu, bạn cần chú ý theo dõi, đặc biệt nếu trẻ có các triệu khác như nôn mửa, giảm sự tỉnh táo, thiếu nhanh nhẹn…

    6. Chứng khó đọc

    Chứng khó đọc là một dạng rối loạn thần kinh liên quan đến khuyết tật học tập phổ biến ở trẻ em. Trẻ mắc chứng này sẽ khó phát âm, đánh vần, viết và đọc. Nguyên nhân chính xác gây ra tình trạng vẫn chưa được xác định. Trẻ mắc chứng khó đọc có thể được điều trị bằng các phương pháp giảng dạy đặc biệt.

    7. Bại não – Rối loạn thần kinh phổ biến nhất ở trẻ

    Bại não khiến trẻ gặp khó khăn trong việc phối hợp và thực hiện các hoạt động như đứng, đi, ăn, uống, đi vệ sinh và thậm chí là nói chuyện. Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác gây ra tình trạng này nhưng nhiều người cho rằng có thể là do trong quá trình mang thai, thai nhi không phát triển bình thường hoặc bị tổn thương não. Bại não không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng việc điều trị sớm có thể giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh.

    Phát hiện sớm các bệnh rối loạn thần kinh sẽ giúp trẻ dễ dàng hòa nhập và có cuộc sống bình thường. Nhiều rối loạn thần kinh ở trẻ em sẽ cần điều trị suốt đời nhưng nếu can thiệp sớm giúp giảm thiểu các vấn đề liên quan. Nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường này hay sự chậm phát triển nào ở con, hãy đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 12/03/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo