Cột mốc phát triển nhận thức ở trẻ 5 tuổi
Trẻ trong độ tuổi này bắt đầu hiểu sự khác biệt giữa “đúng” và “sai”. Trẻ cũng hiểu rõ các quy tắc cơ bản và muốn tuân theo để làm bạn hài lòng.
Ngoài ra, một đứa trẻ 5 tuổi cũng có rất nhiều thắc mắc, tò mò về thế giới xung quanh. Bé luôn háo hức được khám phá và học hỏi những điều mới mẻ. Chính vì vậy, bạn sẽ thấy bé sẵn sàng tháo tung mọi thứ để xem chúng hoạt động ra sao. Bé cũng rất hứng thú với các hình khối, màu sắc qua trò chơi xếp hình, lego…
Ở độ tuổi này, trẻ có thể thể hiện nhu cầu và mong muốn của mình bằng lời nói. Ngôn ngữ của trẻ dần trở nên dễ hiểu và trẻ cũng có thể hiểu các hướng dẫn phức tạp hơn từ bạn. Ngoài ra cũng sẽ có lúc bạn gặp phải tình huống trẻ nói không ngừng nghỉ, hỏi liên tục và sử dụng thành thạo những câu cảm thán, từ ngữ đa dạng.

Cột mốc phát triển quan trọng
- Hiểu khái niệm đơn giản về thời gian
- Có thể đếm ít nhất đến 10 hoặc nhiều hơn
- Ghi nhớ và gọi tên ít nhất 4 màu
- Ghi nhớ một số chữ cái
- Gọi tên các sự vật quen thuộc
- Có thể viết được một số chữ cái, con số
- Có thể kể một câu chuyện rõ ràng, rành mạch
- Sử dụng chính xác các đại từ như con, cô, bác…
- Hiểu và thực hiện các mệnh lệnh gồm 3 bước, chẳng hạn: thay đồ, ăn sáng rồi đến trường học
- Hiểu được trình tự của một câu chuyện, cái gì diễn ra đầu tiên, tiếp đó là gì và kết thúc như thế nào
Bí quyết cho cha mẹ
Ở độ tuổi này, bạn cần tránh gây áp lực, bắt ép trẻ phải học đọc và học viết nếu bé chưa sẵn sàng. Thay vào đó, bạn hãy khuyến khích bé vẽ, viết thông qua trò chơi để con thấy hứng thú hơn.
- Duy trì thói quen đọc sách với trẻ. Hãy cho trẻ cơ hội đặt câu hỏi, khám phá thế giới trong quyển sách trẻ yêu thích.
- Đưa bé đến bảo tàng, công viên, những sự kiện dành cho thiếu nhi để trẻ có cơ hội khám phá những điều mới mẻ, gặp gỡ những người bạn mới.
- Trò chơi lego, xếp hình, đóng kịch… sẽ rất phù hợp để giúp trẻ phát triển nhận thức trong giai đoạn này.
- Khuyến khích trẻ kể về một ngày của mình bằng các câu hỏi gợi ý như: Hôm nay con chơi với ai, ở lớp con làm gì, con thích điều gì nhất…
- Cùng con chơi các trò chơi về từ vựng như đọc thơ, hát, tìm tên các con vật…
Khi nào cha mẹ cần lời tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa?

Mỗi đứa trẻ đều có một tốc độ phát triển khác nhau nên bé cưng nhà bạn không nhất thiết phải đạt được hết các mốc phát triển kể trên của trẻ 5 tuổi. Tuy nhiên, nếu bé có những biểu hiện sau, bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn:
- Trẻ gặp khó khăn khi chạy nhảy, không thể đứng bằng 1 chân ít nhất 10 giây
- Trẻ không quan tâm đến các hoạt động thể chất
- Trẻ gặp vấn đề về việc nhìn và nghe
- Trẻ không thể cầm bút
- Trẻ không thể tập trung vào bất kỳ hoạt động nào ít nhất 5 phút
- Không nói được tên của mình, không thể đếm đến 10, không thể gọi tên các màu
- Thường xuyên cáu giận, la hét, phản kháng dữ dội
- Ghét chơi với bạn bè cùng trang lứa, không thích ra khỏi nhà
- Không hiểu những gì người khác nói hoặc chỉ trả lời một cách hời hợt
- Không hiểu được các chỉ dẫn đơn giản hoặc các câu hỏi
- Không thích nói chuyện với người khác
- Không thể tự đánh răng, thay đồ, rửa tay…
5 tuổi là giai đoạn quan trọng đối với cả trẻ nhỏ lẫn người lớn, vì vậy, nếu bạn cảm thấy băn khoăn sợ rằng trẻ vẫn chưa sẵn sàng để đến trường thì cũng là một điều dễ hiểu. Nếu bạn cảm thấy quá lo lắng hoặc thấy trẻ có các dấu hiệu bất thường, hãy đưa con đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và có biện pháp can thiệp kịp thời nhé.
Ngân Phạm/HELLO BACSI