backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Trẻ 10 tuổi và những cột mốc phát triển quan trọng cha mẹ cần biết

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 26/05/2020

    Trẻ 10 tuổi và những cột mốc phát triển quan trọng cha mẹ cần biết

    Không chỉ phát triển mạnh về thể chất, trẻ 10 tuổi còn thể hiện sự thay đổi rõ rệt trong suy nghĩ và lý luận làm nhiều cha mẹ bất ngờ.

    10 tuổi là cột mốc quan trọng đánh dấu sự thay đổi vượt bậc của trẻ nhỏ cả về thể chất lẫn tinh thần. Ở độ tuổi này, trẻ vẫn rất cần sự hỗ trợ và bảo vệ của cha mẹ. Chính vì vậy, bạn hãy dành nhiều thời gian ở bên cạnh để chia sẻ và hiểu hơn về những gì con đang trải qua nhằm có biện pháp trợ giúp và can thiệp phù hợp nhé.

    10 tuổi, một số bé nghĩ rằng mình đã lớn, đã trưởng thành và có rất nhiều hành động bắt chước người lớn. Tuy nhiên, không phải bé nào cũng như vậy, có những bé vẫn còn rất trẻ con. Thực tế, 10 tuổi là giai đoạn có rất nhiều sự thay đổi, đây là một giai đoạn dần chuyển tiếp từ trẻ con sang người lớn với rất nhiều khó khăn, thử thách mà trẻ cần bạn bên cạnh để hướng dẫn và vượt qua.

    Sự phát triển thể chất ở trẻ 10 tuổi

    Ở độ tuổi này, nhiều trẻ bắt đầu tăng trưởng rất nhanh. Các bé gái thường phát triển nhanh hơn và có xu hướng cao hơn các bé trai cùng tuổi.

    Một số bé trai 10 tuổi bắt đầu có dấu hiệu dậy thì, trong khi một số khác phải đợi đến khi 11, 12 hoặc thậm chí 13. Sự chênh lệch về tăng trưởng này có thể tạo sự khó chịu bởi nhiều trẻ cảm thấy mình quá khác biệt so với các bạn.

    Cột mốc quan trọng

    • Trẻ kiểm soát tốt cả kỹ năng vận động thô và vận động tinh, quan tâm nhiều đến các hoạt động đòi hỏi sự phối hợp giữa kỹ năng và sức mạnh, sự bền bỉ, khéo léo, tinh mắt và sự cân bằng.
    • Bắt đầu có dấu hiệu dậy thì như da nhờn, tăng tiết mồ hôi, rậm lông vùng sinh dục và dưới cánh tay.

    Cha mẹ cần lưu ý gì?

    Dù trẻ 10 tuổi đã có các dấu hiệu trưởng thành nhưng các bé vẫn cần đi ngủ sớm. Trẻ ở độ tuổi này nên ngủ từ 9 đến 10 giờ mỗi đêm để đảm bảo cơ thể tiết ra đủ lượng hormone tăng trưởng cần thiết.

    Sự phát triển cảm xúc ở trẻ 10 tuổi

    trẻ 10 tuổi

    Ở tuổi lên 10, trẻ đã nhận thức được rằng mình là ai. Nhiều trẻ còn bắt đầu suy nghĩ đến việc học ở trường trung học nào và bắt đầu thiết lập các mối quan hệ xã hội mới.

    Ở giai đoạn này, nhiều bé gái đã bước vào tuổi dậy thì và dần có những thay đổi về tâm sinh lý. Trẻ có thể có các cảm xúc như phấn khích, hồ nghi, lo lắng và thậm chí bối rối.

    Ngoài ra, cảm xúc của trẻ cũng có những biến động rất lớn bởi giai đoạn này trẻ phải đối mặt với những thay đổi mạnh mẽ về thể chất và những thay đổi khác trong cuộc sống. Thậm chí, điều này còn có thể làm ảnh hưởng đến việc học của trẻ ở trường và gây trở ngại cho vấn đề hòa nhập và giao lưu với bạn bè.

    Đặc biệt, trẻ cũng bắt đầu muốn vượt qua giới hạn, phớt lờ ý kiến của người lớn khiến việc dạy dỗ trẻ trở nên khó khăn hơn. Lúc này, bạn cần tiếp tục thể hiện sức ảnh hưởng của mình lên con, cương quyết và rõ ràng trong việc dạy dỗ con, cho con cảm nhận cha mẹ tôn trọng con không có nghĩa con được quyền vượt qua những ranh giới về cách ứng xử, đạo đức…

    Cột mốc quan trọng

    • Ngưỡng mộ và bắt chước những anh chị lớn hơn
    • Bắt đầu đặt câu hỏi về quyền lợi và nghĩa vụ của mình

    Cha mẹ cần lưu ý gì?

    Trong giai đoạn này, bạn cần giúp con học cách đối phó với những cảm xúc khó chịu như thất vọng, tức giận, tội lỗi, lo lắng, buồn bã và chán nản.

    Sự phát triển xã hội của trẻ 10 tuổi

    Mối quan hệ của trẻ với một người bạn cùng giới tính cũng ngày càng trở nên bền chặt và trở thành bạn thân nhất của nhau. Tuy nhiên, đôi lúc, bé cũng thể hiện sự ghen tị với các bạn khác.

    Với bạn khác giới, trẻ bắt đầu thể hiện sự quan tâm với các hành vi thu hút sự chú ý như vuốt tóc, khẽ chớp mắt, cười duyên (nữ) hoặc thể hiện sự mạnh mẽ, bảnh trai (nam).

    Ở giai đoạn này, trẻ cũng có thể cảm nhận được cảm xúc của người khác và có khả năng hiểu các ngôn ngữ cơ thể. Trẻ cũng có cảm giác gần gũi với cha mẹ, anh chị em và gia đình mình. Tuy nhiên, đôi lúc trẻ cũng sẽ hay cãi nhau, thậm chí là đánh nhau với anh chị em.

    Cột mốc quan trọng

    • Giữ bí mật các cuộc trò chuyện cùng bạn bè với ba mẹ
    • Chơi thân với một bạn cùng giới tính
    • Thích làm việc theo nhóm và thích các hoạt động hợp tác

    Cha mẹ cần lưu ý gì?

    Cho phép con có quyền riêng tư với bạn bè. Điều này sẽ rất quan trọng đối với sự phát triển lành mạnh của trẻ.

    Sự phát triển nhận thức ở trẻ 10 tuổi

    trẻ 10 tuổi

    Cha mẹ có thể thấy ở độ tuổi này, trẻ bắt đầu có khả năng suy nghĩ và lắng nghe gần như người trưởng thành. Trẻ có khả năng sử dụng ngôn ngữ tốt, có thể trò chuyện cả ngày với bạn bè đồng lứa, với thầy cô giáo và người khác. Trẻ cũng thích thú sử dụng khả năng đọc viết của mình để chat, nhắn tin hay nói chuyện qua điện thoại…

    Đối với nhiều trẻ, đây cũng là giai đoạn khả năng học hỏi và nhận thức của con phát triển nhanh chóng. Điều này là một bước chuẩn bị cho những năm học trung học khi trẻ bắt đầu xử lý các tài liệu phức tạp hơn trong các môn học.

    Trong toán học, trẻ có thể xử lý phân số, trau dồi kỹ năng nhân, chia và hiểu các khái niệm hình học phức tạp. Trẻ có thể hiểu thế nào là đối xứng, biết cách sử dụng công thức để tính diện tích và thể tích của các hình. Ngoài ra, trẻ cũng có thể sử dụng logic và tư duy trừu tượng để giải quyết các vấn đề toán học.

    Với các môn học khác như lịch sử hoặc tự nhiên xã hội, trẻ có thể nghiên cứu và biết cách tổng hợp tài liệu từ sách và trang web để thuyết trình. Đặc biệt, trẻ sẽ vô cùng hào hứng đưa ra những sáng kiến của mình để mọi người lắng nghe và nhận xét.

    Bên cạnh đó, trẻ cũng có sự độc lập hơn trong việc quản lý và sắp xếp việc học nên bạn sẽ không cần phải giám sát quá nhiều.

    Các cột mốc quan trọng

    • Học được cách phán đoán
    • Thể hiện sự quan tâm đến các môn thể thao hoặc văn hóa, âm nhạc
    • Dành nhiều thời gian để thực hiện các hoạt động mà trẻ thích.

    Cha mẹ cần lưu ý gì?

    Khuyến khích các thói quen học tập tốt ở trẻ nhỏ. Thiết lập thời gian làm bài tập về nhà và khu vực làm bài tập. Tạo ra các quy tắc về việc học cho trẻ, chẳng hạn như không xem ti vi, không sử dụng điện thoại trong thời gian làm bài tập về nhà.

    Các mốc quan trọng khác

    Trẻ em ở độ tuổi này bắt đầu chú trọng hơn vào ngoại hình. Chính vì vậy, bạn cần nói chuyện một cách tích cực với trẻ khi nhắc đến hình ảnh cơ thể. Tránh chỉ trích cơ thể mình hay trẻ (chẳng hạn như tự chê mình) và làm gương cho trẻ trong việc duy trì những thói quen ăn uống lành mạnh.

    Bạn có thể thấy trẻ có yêu cầu rất lớn về quyền riêng tư. Ở độ tuổi này, trẻ ngày càng nhận thức rõ hơn về cơ thể mình và muốn giữ riêng tư khi tắm và mặc quần áo. Trẻ cũng chú ý nhiều hơn và muốn bắt chước bạn bè những thứ như quần áo, kiểu tóc…

    Khi nào bạn cần quan tâm?

    Nếu những cơn bùng nổ cảm xúc của trẻ thỉnh thoảng mới xảy ra, bạn sẽ không cần lo lắng quá nhiều. Tuy nhiên, nếu tần suất những cơn giận dữ của trẻ quá thường xuyên hoặc sự giận dữ đó làm ảnh hưởng đến các mối quan hệ, bạn sẽ cần can thiệp và hỗ trợ để tránh dẫn đến những vấn đề lớn.

    Nếu bạn thấy trẻ có sự thay đổi về hành vi hoặc tính cách (chẳng hạn như khó ngủ, chán ăn hoặc không muốn đến trường), hãy nói chuyện với bác sĩ nhi khoa hoặc giáo viên của trẻ.

    Ngân Phạm/HELLOBACSI 

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 26/05/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo