backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Bản dạng giới là gì? Phân biệt bản dạng giới, giới tính sinh học và xu hướng tính dục

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 26/03/2024

Bản dạng giới là gì? Phân biệt bản dạng giới, giới tính sinh học và xu hướng tính dục

Ngày nay, xã hội ngày càng công nhận và tôn trọng sự đa dạng giới trong cộng đồng. Mặc dù vậy, nhiều người vẫn còn nhầm lẫn giữa các khái niệm về giới, giới tính, bản dạng giới, xu hướng tính dục… Vậy, bản dạng giới là gì?

Sự phát triển của xã hội đã dần xóa bỏ những định kiến về giới tính. Thay vào đó, ngày càng có nhiều người thấu hiểu và khẳng định sự tồn tại của cộng đồng LGBT+. Tuy nhiên, quá trình tìm hiểu những định nghĩa khác nhau về “giới tính sinh học” (biological sex), “bản dạng giới” (gender identity), hay “xu hướng tình dục” (sexual orientation)… thường không dễ dàng. Trong bài viết này, Hello Bacsi sẽ giúp bạn hiểu rõ sự khác biệt giữa giới tính, xu hướng tính dục và bản dạng giới là gì. Có như vậy, chúng ta mới có thể giao tiếp thuận lợi và đồng cảm hơn cho những vấn đề mà cộng đồng LGBT+ đã và đang trải qua.

Giới tính sinh học (biological sex) là gì?

Trước khi biết được bản dạng giới là gì, mời bạn cùng tìm hiểu về giới tính sinh học.

Giới tính sinh học thường được xác định dựa trên các yếu tố sinh học nhất định, chẳng hạn như giải phẫu bên ngoài – cụ thể là cơ quan sinh sản, nhiễm sắc thể, gen và nội tiết tố. Dựa vào đó, chúng ta có thể xác định một người là nam (male) hay nữ (female) từ khi sinh ra.

Tuy nhiên, giới tính sinh học không chỉ có hai phân loại. Một số người không phân biệt nam hay nữ được gọi là “liên giới tính” (intersex). Cụm từ này mô tả những người mà ngay từ lúc sinh ra, cơ thể họ đã có những biến thể về cơ quan sinh dục và nhiễm sắc thể.

Ngày nay, để tránh sự mập mờ và không chính xác khi đề cập đến giới tính của một người, cụm từ “giới tính khi sinh” (sex assigned at birth) được khuyến khích sử dụng thay cho “giới tính” (sex) hay “giới tính sinh học” (biological sex).

Bản dạng giới (gender identity) là gì?

bản dạng giới

Giới tính có liên quan nhưng khác với bản dạng giới. Vậy, bản dạng giới là gì? Mời bạn cùng tìm hiểu.

1. Bản dạng giới gender identity là gì?

Bản dạng giới (gender identity), còn gọi là nhân dạng giới hay nhân dạng giới tính, đề cập đến trải nghiệm sâu sắc, nội tâm và nhận thức cá nhân của một người về giới tính của bản thân và mong muốn được người khác xưng hô như thế nào.

Bản dạng giới có thể giống hoặc khác với giới tính được ấn định khi sinh ra. Theo Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (American Psychiatric Association):

  • Hầu hết mọi người có bản dạng giới tương ứng với giới tính được xác định khi sinh ra, và được gọi là cisgender (người hợp giới).
  • Ngược lại, nếu một người có bản dạng giới không khớp với giới tính khi sinh ở nhiều mức độ khác nhau thì được gọi là transgender (người chuyển giới hay người hoán tính).

2. Sự khác biệt giữa bản dạng giới và thể hiện giới là gì?

Thể hiện giới (gender expression) đề cập đến việc con người có thể lựa chọn biểu hiện bản dạng giới của bản thân cho người khác thấy thông qua ngoại hình, phong cách, quần áo, kiểu tóc, kiểu trang điểm, tên gọi tự đặt, hành vi, giọng nói…

Thực tế, thể hiện giới không phải lúc nào cũng phản ánh bản dạng giới. Một người có thể có hành vi, thái độ và ngoại hình đồng nhất với một chuẩn mực giới cụ thể. Tuy nhiên, cách thể hiện giới này không nhất thiết phải phản ánh chính xác bản dạng giới của người đó.

Ngoài ra, một khái niệm liên quan mà bạn cần nắm rõ là vai trò giới (gender role). Vai trò giới liên quan đến những tiêu chuẩn xã hội gắn liền với từng giới, được hình thành từ lâu đời. Chẳng hạn như, nữ giới luôn là phái yếu, phải dịu dàng, trong khi nam giới luôn là phái mạnh, phải mạnh mẽ.

Nhìn chung

Bản dạng giới là ý thức bên trong của mỗi người về bản thân và giới tính của người đó. Khác với thể hiện giới được biểu hiện ra bên ngoài, bản dạng giới lại không được người khác nhìn thấy từ bên ngoài.
Bản dạng giới và thể hiện giới có thể khớp với nhau hoặc không. Cách một người thể hiện giới có thể phù hợp với những gì gia đình, bạn bè hoặc xã hội liên kết với giới tính, hoặc phù hợp với bản dạng giới của bản thân, hoặc không.

Xu hướng tính dục là gì?

Mặc dù đã hiểu rõ bản dạng giới là gì, nhưng nhiều người vẫn thường nhầm lẫn bản dạng giới và xu hướng tính dục là một. Thực tế, bản dạng giới và xu hướng tính dục gắn liền với nhau nhưng không giống nhau.

Xu hướng tính dục (sexual orientation) đề cập đến sự hấp dẫn lâu dài về mặt tình dục, thể chất (physical attraction) và/hoặc tình cảm, cảm xúc (emotional attraction) đối với người khác, bao gồm cả những người cùng giới và/hoặc những người thuộc các giới tính khác.

Bạn có thể biết đến các xu hướng tính dục thông qua các cụm từ thường gặp như toàn tính (pansexual), đồng tính (homosexual), dị tính (heterosexual), song tính (bisexual), vô tính (asexual). Trên thực tế, có đến 47 thuật ngữ khác nhau về xu hướng tính dục, giúp mọi người tự định danh bản thân theo cách phù hợp nhất.

Vậy, sự khác biệt giữa bản dạng giới và xu hướng tính dục là gì?

Bản dạng giới tách biệt với xu hướng tình dục. Mọi người thuộc bất kỳ giới tính nào đều có thể có bất kỳ xu hướng tính dục nào.
Hiểu đơn giản, bản dạng giới nói lên con người bạn, còn xu hướng tính dục nói lên yếu tố hấp dẫn và người khiến bạn bị thu hút về mặt thể chất, tình dục, tình cảm và cảm xúc.

Hệ nhị nguyên giới là gì?

hệ nhị nguyên giới

Đến đây, chắc hẳn bạn đã hiểu được bản dạng giới là gì. Tiếp theo đây, hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về hệ nhị nguyên giới.

Hệ nhị nguyên giới (gender binary), hay còn gọi là hệ nhị phân giới, là một hệ thống truyền thống trong xã hội, phân giới tính thành hai thái cực đối lập nhau, hoặc là nam, hoặc là nữ.

Tuy nhiên, giới tính không phải là một cán cân đơn giản như vậy. Thực tế cho thấy, giới tính giống như một quang phổ (spectrum) hơn. Nó có thể nằm ở một điểm bất kỳ, có thể giữ nguyên hoặc không cố định, có thể thay đổi theo thời gian.

Chính vì vậy mà hệ phi nhị nguyên giới ra đời. Những người không muốn bị gắn nhãn bởi hệ nhị nguyên giới sử dụng thuật ngữ “người phi nhị nguyên giới“ (nonbinary) để mô tả bản thân. Những người này không miêu tả bản thân hoặc giới tính của họ trong khuôn khổ nam hay nữ.

Ngoài ra, những người cảm thấy giới tính của bản thân thay đổi theo thời gian cũng có thể sử dụng thuật ngữ “linh hoạt giới” (genderfluid) để miêu tả sự biến đổi trong cách thể hiện giới tính.

Sự phát triển bản dạng giới ở trẻ em

bản dạng giới ở trẻ em

Như vậy là bạn đã biết được bản dạng giới là gì và sự khác biệt giữa bản dạng giới, giới tính sinh học, thể hiện giới, xu hướng tình dục… ra sao. Vậy, ở trẻ em thì quá trình phát triển và nhận thức bản dạng giới xảy ra như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu nhé!

Khi sinh ra, trẻ sơ sinh được xác định là nam hay nữ dựa trên đặc điểm sinh học. Tuy nhiên, khi lớn lên, sự tương tác giữa các đặc điểm sinh học, những ảnh hưởng trong quá trình phát triển và điều kiện môi trường sống sẽ tác động đến ý thức bên trong của trẻ về con người của bé, từ đó khiến bé có nhận thức về bản dạng giới của bản thân. Các bản dạng giới có thể là nam, nữ, cả hai, không nam không nữ…

Sự tự nhận thức về bản dạng giới phát triển theo thời gian, giống như cách cơ thể của trẻ phát triển. Hầu hết nhân dạng giới tính của trẻ em đều khớp với giới tính khi sinh ra. Tuy nhiên, đối với một số trẻ, sự tương thích giữa giới tính khi sinh và bản dạng giới không quá rõ ràng.

1. Bản dạng giới phát triển ở trẻ em như thế nào?

Bản dạng giới ở trẻ em thường phát triển theo 3 giai đoạn sau:

  • Khoảng 2 tuổi: Trẻ nhận thức được sự khác biệt về thể chất giữa bé trai và bé gái. Hầu hết trẻ em trong độ tuổi từ 18-24 tháng đều có thể nhận biết và gọi tên các nhóm giới tính. Bé cũng có thể xác định người khác là con gái, phụ nữ, hoặc là con trai, đàn ông.
  • Trước 3 tuổi: Hầu hết trẻ có thể dễ dàng tự nhận bản thân là con trai hay con gái.
  • Đến 4 tuổi: Hầu hết trẻ đều có nhận thức ổn định về bản dạng giới của bản thân là gì.

Trong khoảng thời gian này, bé cũng học được hành vi về vai trò giới tính, nghĩa là làm những việc mà con trai làm, hoặc làm những việc con gái thường làm. Tuy nhiên, việc trẻ có những sở thích khác giới hoặc chơi những trò chơi không phù hợp với giới tính khi sinh được xem là một phần bình thường trong quá trình phát triển và khám phá giới tính của bé, bất kể bản dạng giới tương lai của trẻ là gì.

Nhìn chung, theo thời gian, tất cả trẻ em đều có xu hướng phát triển cái nhìn rõ ràng hơn về bản thân và giới tính của bé. Ở độ tuổi 5 hoặc 6, hầu hết trẻ đều cứng nhắc về giới tính và sở thích. Những cảm giác này có xu hướng trở nên linh hoạt hơn khi bé lớn lên.

Có thể bạn chưa biết

  • 80% người trưởng thành thuộc nhóm transgender cho biết họ “khác biệt” ngay từ khi còn học tiểu học.
  • 96% người trưởng thành thuộc nhóm transgender nhận ra bản thân thuộc nhóm này trước khi bước vào độ tuổi trưởng thành.
  • Trung bình, phải đến khi được 15 tuổi thì những trẻ đa dạng giới mới có đủ vốn từ để hiểu và nói về bản dạng giới của mình.

2. Trẻ em thường biểu hiện bản dạng giới của bé như thế nào?

biểu hiện của trẻ theo bản dạng giới

Trẻ em thuộc nhóm người hoán tính có bản dạng giới khác với giới tính khi sinh. Trong nhiều trường hợp, trẻ có thể chọn nói ra cảm giác của mình. Bé có thể xác định rõ ràng bản thân là con trai, con gái, hoặc không phải hay không hoàn toàn là nam hay nữ. Thậm chí, có trẻ còn nhấn mạnh rằng bé có giới tính khác với giới tính khi sinh.

Ngoài ra, các bé cũng thường thể hiện bản dạng giới thông qua những cách như sau:

  • Quần áo, cách ăn mặc
  • Kiểu tóc
  • Đồ chơi (mong muốn mãnh liệt được chơi đồ chơi thường dành cho bé khác giới)
  • Trò chơi nhập vai
  • Tên hoặc biệt danh yêu thích
  • Hành vi xã hội (hung hăng, thống trị, dịu dàng, nhẹ nhàng…)
  • Một số hành vi trong nhà vệ sinh hoặc phòng tắm, chẳng hạn như bé gái nhất quyết tiểu đứng
  • Phong cách, cử chỉ, ngôn ngữ cơ thể cho thấy bé nam tính hay nữ tính
  • Các mối quan hệ xã hội, bao gồm cả giới tính của bạn bè và những người mà bé bắt chước phong cách
  • Ác cảm với việc mặc đồ tắm theo giới tính khi sinh
  • Thích đồ lót dành cho người khác giới

Nếu trẻ có những thể hiện giới đã đề cập, đừng vội khẳng định bản dạng giới hay giới tính của bé là gì. Hãy quan sát trẻ một thời gian. Nếu trẻ vẫn tiếp tục có những biểu hiện này khi lớn lên, đó có thể là con người thật của bé.

Tuy nhiên, cần nhớ rằng, bản dạng giới và thể hiện giới có thể khác nhau. Đặc biệt, ở những nơi mà tình trạng đa dạng giới vẫn chưa được tôn trọng và chấp nhận, một số trẻ có thể cố gắng cư xử theo hướng giống với giới tính khi sinh của bé, nhưng khác với bản dạng giới.

3. Cha mẹ nên làm gì để hỗ trợ bé?

Tất cả trẻ em đều cần có cơ hội khám phá các vai trò giới tính khác nhau. Do đó, cha mẹ cần đảm bảo môi trường sống của trẻ phản ánh sự đa dạng vai trò giới, đồng thời tạo điều kiện cho bé khám phá đa dạng giới thông qua các hình thức như:

  • Sách hoặc câu đố dành cho trẻ em có nội dung về đàn ông và phụ nữ trong các vai trò giới khác với khuôn mẫu, chẳng hạn như sách về những ông bố nội trợ, những bà mẹ đi làm, nam y tá, nữ cảnh sát…
  • Đa dạng loại đồ chơi cho bé lựa chọn, như búp bê, xe đồ chơi, siêu nhân hành động, hình khối…
  • Để trẻ tự do lựa chọn môn thể thao, hoạt động ngoại khóa, sở thích… gắn liền với giới tính của bé.

Ngoài ra, nếu cha mẹ nhận thấy trẻ có những thể hiện giới khác với giới tính khi sinh, hãy hỗ trợ bé hiểu hơn bản dạng giới là gì thông qua những cách sau:

  • Lắng nghe cảm xúc và suy nghĩ của trẻ về bản dạng giới.
  • Trò chuyện và đặt câu hỏi cho con mà không phán xét hay gắt gỏng.
  • Cho phép trẻ thể hiện giới ở nơi công cộng hoặc tại các hoạt động gia đình.
  • Để bé tiếp xúc với những người bạn, tham gia những hoạt động có sự hội tụ của đa dạng giới.
  • Đừng cho rằng việc thể hiện giới tính của trẻ là một hình thức nổi loạn hoặc hành vi thách thức người khác.
  • Đừng cố làm xấu hổ hoặc trừng phạt trẻ chỉ vì bé thể hiện giới tính.
  • Không cho phép những người khác trong gia đình coi thường hoặc chế giễu việc thể hiện giới tính của trẻ.
  • Hiểu rằng việc bị phân biệt đối xử vì có bản dạng giới khác biệt không phải là lỗi của bé.
  • Nói lời tích cực và thể hiện sự chấp thuận của bạn đối với trẻ bất kể bản dạng giới của con là gì.
  • Làm quen, kết nối với các gia đình khác có con thuộc nhóm người có bản dạng giới khác với giới tính khi sinh. Cách này giúp giảm bớt cảm giác bị cô lập của trẻ.
  • Nói chuyện với giáo viên về trường hợp của trẻ, đồng thời thảo luận cách ngăn chặn sự thiên vị và bắt nạt trẻ chỉ vì bé có bản dạng giới khác với giới tính khi chào đời.

Có thể bạn chưa biết

  • Học sinh đa dạng về giới tính thường cảm thấy không an toàn ở trường, tránh những không gian dành riêng cho giới tính nhất định (như nhà vệ sinh) và bị quấy rối ở trường.
  • Học sinh hiếm khi báo cáo các vụ việc phân biệt đối xử và những người báo cáo thì cảm thấy không được bảo vệ.
  • Những học sinh đa dạng về giới gặp phải các yếu tố gây căng thẳng liên quan đến giới ở trường có nhiều khả năng trốn học, nghỉ học, có điểm trung bình thấp hơn, có mức độ trầm cảm cao hơn, có nguy cơ sử dụng chất gây nghiện và thực hiện các hành vi nguy hiểm, tự tử cao hơn.
  • Một số học sinh có thể sống với bản dạng giới của mình khi ở trường nhưng không phải ở nhà, hoặc ngược lại.

Những câu hỏi thường gặp về bản dạng giới

Phân biệt bản dạng giới, giới tính sinh học và xu hướng tính dục
Phân biệt bản dạng giới, giới tính sinh học và xu hướng tính dục

1. Có bao nhiêu bản dạng giới? 

Nếu bạn thắc mắc bản dạng giới gồm những gì, có bao nhiêu loại bản dạng giới, các loại bản dạng giới là gì… thì thực chất là không có số lượng cố định về bản dạng giới. Bản dạng giới trải dài trên một quang phổ, và nó có thể vô hạn. Mỗi người có thể cảm thấy một điểm nhất định trên quang phổ mang lại cảm giác thoải mái và chính xác nhất cho bản thân. Cảm giác này có thể thay đổi theo thời gian.

Các loại bản dạng giới phổ biến bao gồm hợp giới, hoặc thuộc nhóm phi nhị nguyên giới như vô giới (agender), linh hoạt giới (genderfluid), song giới (bigender), androgyne…

2. Các yếu tố ảnh hưởng đến bản dạng giới là gì?

Hiện nay, vẫn chưa có nghiên cứu cho thấy yếu tố chính xác ảnh hưởng đến bản dạng giới là gì. Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng, nhiều yếu tố khác nhau đóng một vai trò nhất định trong việc ảnh hưởng đến bản dạng giới của con người, bao gồm yếu tố di truyền, xã hội, văn hóa, sự lựa chọn của cá nhân…

3. Cách tự nhận biết bản dạng giới là gì?

Nhiều người băn khoăn không biết cách để nhận biết bản dạng giới là gì? Sau đây là các bước giúp bạn hiểu rõ bản thân và giới tính của mình, từ đó tự xác định bản dạng giới:

  • Bước 1: Tìm hiểu bản dạng giới là gì, ý nghĩa của giới tính sinh học, thể hiện giới, xu hướng tính dục và để ý xem bạn cảm thấy như thế nào về những khái niệm này.
  • Bước 2: Suy nghĩ về các bản dạng giới và cảm nhận xem loại nào khiến bạn cảm thấy thoải mái. Bạn cũng có thể trò chuyện với bạn bè thuộc nhiều giới tính khác nhau để hiểu rõ hơn cảm xúc của bản thân.

Hi vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ bản dạng giới là gì. Điều quan trọng cần nhớ là nhân dạng giới không phải lúc nào cũng giống với giới tính sinh học. Bản dạng giới phụ thuộc vào cách mà bạn nhận thức bản thân là ai và xác định giới tính của mình là gì, và điều này có thể thay đổi theo thời gian.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 26/03/2024

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo