backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Mãn kinh là gì? Độ tuổi mãn kinh, dấu hiệu, triệu chứng

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Văn Thuận · Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Đồng Nai - 2


Tác giả: Phong Huỳnh · Ngày cập nhật: 23/11/2023

Mãn kinh là gì? Độ tuổi mãn kinh, dấu hiệu, triệu chứng

Thời kỳ mãn kinh là giai đoạn mà các chức năng sinh lý của phụ nữ bị suy giảm. Đây cũng là cột mốc đánh dấu kết thúc chu kỳ kinh nguyệt (vô kinh) do gần như mất hoàn toàn chức năng nội tiết buồng trứng ở phụ nữ. Vậy cụ thể mãn kinh là gì? Thời kỳ mãn kinh có những triệu chứng cụ thể gì?

Hello Bacsi mời bạn tìm hiểu những thông tin liên quan đến thời kỳ mãn kinh ở phụ nữ để chủ động trong việc chăm sóc sức khỏe của bản thân hoặc người thân.

Mãn kinh là gì?

Thời kỳ mãn kinh (Menopause) là giai đoạn đánh dấu sự kết thúc của chu kỳ kinh nguyệt do suy giảm gần như hoàn toàn chức năng buồng trứng ở phụ nữ. Đây là tiến trình lão hóa tự nhiên của cơ thể. Khi đó, các chức năng sinh lý suy giảm, quá trình rụng trứng không còn diễn ra và cơ thể cũng ngừng việc sản xuất nội tiết tố estrogen từ buồng trứng.

Theo nguồn tin từ Bệnh viện Mayo Clinic Hoa Kỳ, thời kỳ mãn kinh của phụ nữ bắt đầu khi phụ nữ đã trải qua 12 tháng liên tục không có kinh nguyệt.

Độ tuổi mãn kinh là bao nhiêu?

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới – WHO năm 2022, thời kỳ mãn kinh ở phụ nữ thường xảy ra ở độ tuổi từ 45 – 55 tuổi.

Kết quả trong một nghiên cứu khác đăng trên Viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ – NIH, khi các chuyên gia thực hiện khảo sát sự chênh lệch và khác nhau về độ tuổi mãn kinh của phụ nữ ở các cấp quốc gia và cấp châu lục cho thấy: Thời kỳ mãn kinh của phụ nữ châu Á thường diễn ra ở độ tuổi từ 45 – 52 tuổi. Trong đó, phụ nữ ở các quốc gia Malaysia và Philippines có độ tuổi mãn kinh sớm hơn (khoảng 47-48 tuổi).

Trên thực tế, độ tuổi mãn kinh cũng có thể xảy ra sớm hoặc muộn hơn, tùy thuộc vào nhiều yếu tố gây ảnh hưởng như: Di truyền, chủng tộc, thói quen ăn uống, thói quen sinh hoạt, sức khỏe thể chất và tâm lý theo từng thời điểm…

Các giai đoạn của thời kỳ mãn kinh là gì?

Thông thường, thời kỳ mãn kinh diễn tiến dần theo tuổi tác và trải qua 3 giai đoạn sau:

1. Tiền mãn kinh (perimenopause)

Tiền mãn kinh hay chuyển tiếp mãn kinh (perimenopause) là giai đoạn xảy ra trước thời kỳ mãn kinh. Giai đoạn này có thể bắt đầu từ 8-10 năm trước khi phụ nữ chính thức bước vào thời kỳ mãn kinh.

Vào khoảng 1 – 2 năm cuối của thời kỳ tiền mãn kinh, sự sụt giảm estrogen trong cơ thể phụ nữ diễn ra nhanh hơn. Mặc dù chu kỳ kinh nguyệt vẫn diễn ra bình thường, phụ nữ vẫn có khả năng mang thai nhưng cơ thể phụ nữ lúc này cũng bắt đầu xuất hiện các triệu chứng của thời kỳ mãn kinh.

2. Mãn kinh (menopause)

Như đã đề cập, mãn kinh là một thời điểm đánh dấu bằng việc người phụ nữ không có kinh nguyệt trong 12 tháng liên tục. Ở thời kỳ này, buồng trứng sẽ dần ngừng sản xuất hormone estrogen và progesterone – 2 loại hormone nội tiết tố chính trong cơ thể phụ nữ.

Thời kỳ mãn kinh có thể sẽ diễn ra sớm hoặc muộn hơn so với bình thường:

  • Mãn kinh sớm (early menopause): Là khi phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh ở tuổi 45 hoặc sớm hơn độ tuổi dự kiến. Tình trạng này có thể xảy ra do tác dụng phụ của thuốc điều trị bệnh, thói quen sinh hoạt không lành mạnh trong thời gian dài hoặc mắc các bệnh lý liên quan đến buồng trứng…
  • Mãn kinh muộn (late menopause): Những phụ nữ mãn kinh sau tuổi 55 hoặc thậm chí là đến 60 tuổi mới mãn kinh thì được gọi là mãn kinh muộn.
  • 3. Hậu mãn kinh (postmenopause)

    Hậu mãn kinh là gì? Hậu mãn kinh (postmenopause) là khoảng thời gian sau khi phụ nữ đã trải qua 12 tháng liên tục không có kinh nguyệt. Do nội tiết tố estrogen trong cơ thể đã suy giảm nhiều nên phụ nữ dễ gặp phải các bệnh phụ khoa hoặc các vấn đề sức khỏe như loãng xương, tim mạch…

    Triệu chứng thường gặp của thời kỳ mãn kinh là gì?

    Thời kỳ mãn kinh khiến hormone nội tiết estrogen, progesterone và testosterone trong cơ thể phụ nữ bị xáo trộn và suy giảm. Lúc này, phụ nữ sẽ đối diện với các triệu chứng thường gặp như:

    • Đổ mồ hôi đêm
    • Căng tức ngực
    • Ngủ không ngon giấc
    • Bốc hỏa, nóng trong người
    • Tâm trạng thay đổi thất thường
    • Tóc rụng, khô da, khô mắt, khô miệng
    • Khô âm đạo gây khó khăn trong hoạt động tình dục
    • Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt trong nhiều tháng trước khi mãn kinh
    • Một số triệu chứng khác có thể kèm theo: Suy giảm ham muốn tình dục, tăng hoặc giảm cân mất kiểm soát, mau quên, đau nhức xương khớp, tim đập nhanh…
    Khi bước vào giai đoạn mãn kinh, các triệu chứng ở mỗi người sẽ khác nhau về mức độ, tần suất cũng như là số lượng triệu chứng xuất hiện trên cơ thể.

    Các triệu chứng của mãn kinh kéo dài bao lâu?

    Các triệu chứng có thể kéo dài từ khoảng 6 tháng đến 10 năm và dao động từ nhẹ đến trầm trọng. Sau đó, thời gian của các triệu chứng hậu mãn kinh có thể kéo dài khoảng 3 – 5 năm (trung bình là 3,84 năm) theo kết quả nghiên cứu đăng trên Viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ – NIH.

    Mãn kinh là gì

    Những lý do diễn ra thời kỳ mãn kinh là gì?

    Thời kỳ mãn kinh là kết quả của các nguyên nhân dưới đây:

    1. Tuổi tác

    Theo tiến trình tự nhiên, trữ lượng nang trứng ở buồng trứng của phụ nữ giảm dần. Điều này đồng nghĩa với chức năng của buồng trứng cũng suy giảm (suy buồng trứng), giảm nồng độ hormone estrogen, làm giảm khả năng mang thai và đối diện với các tình trạng lão hóa như khô âm đạo, teo âm đạo, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt…

    2. Suy giảm chứng năng buồng trứng sớm

    Suy buồng trứng sớm (premature ovarian insufficiency) là tình trạng buồng trứng mất đi chức năng bình thường trước tuổi 40. Lúc này, buồng trứng sẽ không sản xuất đủ lượng hormone estrogen hoặc không rụng trứng theo chu kỳ. Đây cũng là lý do khiến thời kỳ mãn kinh đến sớm hơn.

    3. Phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng

    Cắt bỏ buồng trứng là một thủ thuật y tế tương đối an toàn trong điều trị một số bệnh lý ở nữ. Tuy nhiên, sau khi cắt bỏ buồng trứng, phụ nữ có thể gặp một số ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe như:

    • Giảm nồng độ nội tiết tố estrogen
    • Ảnh hưởng đến đời sống tình dục
    • Mãn kinh sớm và đẩy nhanh quá trình lão hóa
    • Tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương và tim mạch.

    Nếu phải cắt bỏ hoàn toàn hai buồng trứng và tử cung, phụ nữ sẽ chính thức bước vào thời kỳ mãn kinh sớm, bỏ qua thời kỳ tiền mãn kinh.

    4. Điều trị ung thư bằng phương pháp hóa trị, xạ trị

    Tác dụng phụ của các phương pháp điều trị ung thư như: Hóa trị và xạ trị có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe cơ thể nói chung hay sức khỏe phụ khoa nói riêng. 

    Mới đây, theo kết quả nghiên cứu thu được từ Viện Y tế quốc gia – NIH, các chuyên gia cho biết, thời kỳ mãn kinh có thể xảy ra sớm hơn độ tuổi dự kiến do tác dụng phụ của quá trình điều trị ung thư, đặc biệt là điều trị ung thư vùng chậu. Tác dụng phụ của quá trình này sẽ làm suy giảm chức của năng của buồng trứng.

    Cách chẩn đoán thời kỳ mãn kinh là gì?

    Theo nguồn tin từ Cổng thông tin Y khoa – MDS phiên bản dành cho chuyên gia, chẩn đoán mãn kinh sẽ dựa vào đánh giá lâm sàng, xác định mốc thời gian phụ nữ bắt đầu bước vào tiền mãn kinh, đồng thời đánh giá các triệu chứng đang diễn ra trên cơ thể.

    Trong một số trường hợp cần thiết, để tăng kết quả chẩn đoán, bác sĩ có thể chỉ định phụ nữ tham gia một số xét nghiệm như:

    • Định lượng nội tiết buồng trứng và tuyến yên
    • Hormone kích thích tuyến giáp TSH
    • Đo nồng độ FSH (Ít khi thực hiện).
    Lưu ý: Thông thường, các kiểm tra xét nghiệm hormone sẽ được chỉ định trong tình huống có phẫu thuật cắt bỏ tử cung hoặc buồng trứng để chẩn đoán mãn kinh sớm, đồng thời sẽ không được chỉ định trong tình huống mãn kinh do sinh lý tự nhiên.

    Mãn kinh có cần can thiệp điều trị hay không?

    Sau khi tìm hiểu mãn kinh là gì, Hello Bacsi mời bạn đọc tiếp bài viết để tìm hiểu các phương pháp y tế cần can thiệp để điều trị mãn kinh. 

    Thực chất, thời kỳ mãn kinh theo tiến trình lão hóa tự nhiên không cần điều trị. Việc điều trị được nhắc đến ở đây là tập trung làm giảm mức độ triệu chứng và kiểm soát các biến chứng có thể xảy ra.

    Các phương pháp giúp giảm và kiểm soát các triệu chứng mãn kinh bao gồm:

    1. Liệu pháp hormone thay thế

    Liệu pháp hormone thay thế còn gọi là liệu pháp hormone mãn kinh hoặc liệu pháp hormone sau mãn kinh. Nó được sử dụng để điều trị các triệu chứng xảy ra trong thời kỳ mãn kinh ở phụ nữ.

    Tùy thuộc vào mức độ triệu chứng, tiền sử gia đình và thể trạng của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định bạn sử dụng loại hormone estrogen (hoặc kết hợp thêm hormone progesterone) với liều lượng cụ thể.

    Sử dụng phương pháp này trong thời gian dài có thể để lại một số tác dụng phụ và rủi ro. Do đó để đảm bảo an toàn, bạn nên tuân thủ nghiêm chỉ định của bác sĩ, cũng như không nên tự ý sử dụng thêm liều.

    2. Thuốc chứa estrogen

    Để giảm tình trạng khô âm đạo trong thời kỳ mãn kinh, bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng thuốc chứa estrogen dạng kem, viên nén hoặc vòng đặt âm đạo.

    3. Sử dụng các loại thuốc đặc trị

    Trong trường hợp phụ nữ trong độ tuổi mãn kinh không đáp ứng với liệu pháp hormone thay thế, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc đặc trị phù hợp với từng triệu chứng cụ thể, chẳng hạn như nhóm thuốc Serotonin giúp giảm cơn bốc hỏa, thuốc điều trị loãng xương, thuốc giảm rụng tóc…

    Các loại thuốc thường được sử dụng là: Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin (SSRI), thuốc ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine (SNRI) và gabapentin.

    4. Điều trị và phòng ngừa loãng xương

    Tùy theo sức khỏe của từng cá nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc để ngăn ngừa hoặc điều trị tình trạng loãng xương. Bác sĩ có thể sẽ gợi ý cho bạn các loại thuốc chứa vitamin D, canxi với mục đích giúp cho xương chắc khỏe hơn.

    Lưu ý: Thông tin các loại thuốc được liệt kê trong bài viết chỉ mang tính tham khảo. Bạn không nên tự ý sử dụng. Việc dùng thuốc cần theo hướng dẫn của bác sĩ. 

    Cách phòng ngừa các rối loạn ở thời kỳ mãn kinh là gì?

    Bên cạnh việc tìm hiểu mãn kinh là gì, bạn cũng sẽ cần biết thêm về việc làm thế nào để làm chậm hoặc phòng ngừa thời kỳ mãn kinh đến sớm. Những cách phòng ngừa ấy bao gồm:

    • Xây dựng lối sống lành mạnh: Tập thể dục thường xuyên có thể giúp phụ nữ mãn kinh cải thiện tâm trạng và làm thon gọn vóc dáng.
    • Không dùng chất kích thích: Phụ nữ ở mọi độ tuổi không nên hút thuốc lá và hạn chế tiêu thụ rượu, bia để đảm bảo sức khỏe. Từ đó giảm nguy cơ đối mặt với các triệu chứng mãn kinh trầm trọng.
    • Chế độ ăn uống lành mạnh: Các bữa ăn đầy đủ dưỡng chất là yếu tố quan trọng để phụ nữ duy trì sức khỏe, giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng diễn ra ở thời kỳ mãn kinh.
    • Trao đổi với bạn tình (chồng): Bạn nên chia sẻ cho bạn đời biết những khó khăn về sức khỏe mình đang đối mặt. Điều này sẽ giúp cả hai cùng tìm cách vượt qua hoặc giảm bớt áp lực về chuyện chăn gối.
    • Một vấn đề rất quan trọng là nên thăm khám phụ khoa định kỳ để được kê toa và hướng dẫn sử dụng các liệu pháp hormone thay thế khi cần thiết.

    Mãn kinh là gì

    Các câu hỏi thường gặp

    Phụ nữ cần làm gì khi bước vào thời kỳ mãn kinh?

    Những điều phụ nữ cần làm trước khi bước vào giai đoạn mãn kinh là gì? Theo Trung tâm sức khỏe Y tế – NHS, những điều phụ nữ nên làm khi bước vào giai đoạn mãn kinh là:

    • Khám phụ khoa định kỳ (khoảng 6 tháng/ lần)
    • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh
    • Tăng thêm thời gian nghỉ ngơi phù hợp
    • Ưu tiên chọn những thực phẩm giàu canxi
    • Tập thể dục thể thao thường xuyên (Yoga, đi bộ, thiền…)
    • Kết nối với những người đã từng trải qua giai đoạn này để học hỏi kinh nghiệm. 

    Phụ nữ mãn kinh có còn ham muốn tình dục không?

    Khi bước vào thời kỳ mãn kinh thì còn ham muốn tình dục không? Câu trả lời là phụ nữ ở giai đoạn mãn kinh vẫn còn ham muốn tình dục.

    Thực chất, mãn kinh không gây ảnh hưởng nhiều đến ham muốn tình dục mà chủ yếu là gây suy giảm estrogen trong cơ thể, khiến âm đạo bị khô. Điều này gây khó khăn, đau rát khi quan hệ. Tình trạng này diễn ra trong thời gian dài nên có thể dẫn đến suy giảm ham muốn.

    Phụ nữ mãn kinh có mang thai và sinh con được nữa không?

    Phụ nữ đã mãn kinh thì không có thể có thai và sinh con tự nhiên nhưng có thể có được nhờ các phương pháp hỗ trợ sinh sản.

    Kết luận

    Tóm lại, mãn kinh là gì? Mãn kinh là thời điểm đánh dấu sự kết thúc của chu kỳ kinh nguyệt hay còn gọi là vô kinh, do suy giảm chức năng buồng trứng.

    Hy vọng nội dung bài viết đã giúp bạn hiểu chi tiết mãn kinh là gì, cũng như biết cách nhận diện các triệu chứng ở thời kỳ mãn kinh này để chủ động chăm sóc sức khỏe cho bản thân hoặc người thân trong gia đình. 

    Bạn có thể quan tâm:

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Lê Văn Thuận

    Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Đồng Nai - 2


    Tác giả: Phong Huỳnh · Ngày cập nhật: 23/11/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo