backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Cấu tạo tử cung, vị trí và chức năng tử cung trong cơ thể phụ nữ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Văn Thu Uyên · Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


Tác giả: Phong Huỳnh · Ngày cập nhật: 04/03/2024

Cấu tạo tử cung, vị trí và chức năng tử cung trong cơ thể phụ nữ

Tử cung là cơ quan thuộc cấu tạo bộ phận sinh dục nữ, có vai trò đặc biệt quan trọng đến sức khỏe sinh sản của nữ giới.

Trong bài viết này, HelloBacsi mời bạn cùng tìm hiểu về vai trò; cấu tạo của tử cung là gì và những vấn đề sức khỏe thường gặp ở tử cung.

Tử cung là gì?

Tử cung (Uterus) còn gọi là dạ con, là một cơ quan thuộc hệ thống sinh sản của phụ nữ, hình dáng giống quả lê lộn ngược, nằm giữa bàng quang và trực tràng. Tử cung cũng chính là nơi trứng đã thụ tinh làm tổ và phát triển, nuôi dưỡng thai nhi trong suốt thai kỳ của phụ nữ.

Cấu tạo tử cung của phụ nữ

Cấu tạo tử cung bao gồm ba phần chính là: Đáy tử cung, thân tử cung và cổ tử cung.

Cấu tạo tử cung
Cấu tạo tử cung bao gồm ba phần chính: Đáy tử cung, thân tử cung và cổ tử cung

Đáy tử cung

Đáy tử cung (Fundus of uterus): Là phần lồi to trên cùng và rộng nhất của tử cung. Đây là nơi hai vòi trứng cắm vào thông với tử cung.

Thân tử cung

Thân tử cung (Body of uterus / corpus): Là phần chính của tử cung. Phần cơ của đáy và thân tử cung có cấu tạo gồm 3 lớp cơ là cơ dọc, cơ vòng và cơ đan chéo. Mỗi lớp cơ có vai trò và chức năng khác nhau. Trong đó, cơ đan chéo có chức năng co bóp và cầm máu sau khi nhau thai bong ra trong quá trình sinh con. 

Cổ tử cung

Cổ tử cung (Cervix): Là phần nằm thấp nhất của tử cung và kết nối với âm đạo. Cổ tử cung được chia thành cổ trong và cổ ngoài cổ tử cung, trong đó cổ trong hay ống cổ tử cung được lót bởi các tế bào tuyến tiết nhầy giúp tiết ra chất nhầy tạo điều kiện cho tinh trùng di chuyển vào gặp trứng và đồng thời bảo vệ tử cung.

Eo tử cung

Eo tử cung (Isthmus) là phần tiếp nối giữa thân tử cung và cổ tử cung.

Vai trò, chức năng của tử cung

Tử cung đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe và chức năng sinh sản của phụ nữ. Ba vai trò chính của tử cung bao gồm:

  • Tham gia vào chu kỳ kinh nguyệt: Niêm mạc tử cung thay đổi theo các giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt.
  • Thụ tinh: Tử cung là nơi trứng đã được  thụ tinh vào làm tổ. Đây cũng là nơi thai nhi hình thành và phát triển.
  • Mang thai: Tử cung có khả năng giãn nở và thay đổi kích thước linh hoạt để nuôi dưỡng thai nhi trong suốt thai kỳ; từ quá trình phôi thai đến khi thai nhi to lớn, khỏe mạnh và được đưa ra ngoài (sinh đẻ).
  • Chức năng khác: Hỗ trợ lưu lượng máu chảy đến buồng trứng. Nơi chứa các dây thần kinh kích hoạt cơn cực khoái trong quan hệ tình dục.
  • Kích thước của tử cung

    Về mặt giải phẫu học, tử cung có kích thước trung bình với chiều dài từ 4 – 8cm, chiều rộng 4 – 5cm và độ dày từ 2 – 3cm. Thể tích khoang tử cung trung bình từ 80 – 200ml và nặng khoảng 30 – 40g.

    Tuy nhiên, trên thực tế, kích thước tử cung có sự khác nhau và chênh lệch ở mỗi người. Phụ nữ chưa từng mang thai thường có kích thước tử cung nhỏ hơn kích thước tử cung của phụ nữ đã từng mang thai.

    Tử cung thay đổi như thế nào trong quá trình mang thai?

    Theo Hiệp hội Mang thai Hoa Kỳ – American Pregnancy, các chuyên gia cho biết, trong thời kỳ mang thai, độ dài cổ tử cung sẽ tăng lên. Đồng thời, cổ tử cung sẽ dày hơn theo sự thay đổi trọng lượng của thai nhi.

    • Giai đoạn ban đầu (tuần đầu tiên – tuần 12): Thời gian đầu mới mang thai, kích thước thai nhi vẫn còn nhỏ nên vẫn vừa vặn nằm trong khung xương chậu. Cho đến khoảng tuần thứ 12 của thai kỳ, thai nhi bắt đầu lớn dần nên tử cung cũng tăng dần kích thước lên, kích cỡ khoảng bằng quả cam hoặc quả bưởi nhỏ.
    • Giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ (tuần 13 – 27): Trong giai đoạn này, kích thước tử cung cũng sẽ tăng dần để luôn phù hợp với sự phát triển của thai nhi. Từ tuần thứ 13 đến tuần thứ 27, kích thước tử cung có thể đã tăng gấp đôi so với ban đầu; kích cỡ có thể so sánh với một quả đu đủ.
    • Giai đoạn 3 tháng cuối (từ tuần 28 trở đi): Trong những tuần cuối thai kỳ, tử cung sẽ tăng kích thước đến mức cực đại. Cho đến khi đủ tháng, phần đáy tử cung sẽ di chuyển từ vùng mu lên đến khung xương sườn. Khi đến giai đoạn chuyển dạ, thai nhi sẽ bắt đầu xoay và đi xuống thấp hơn ở vùng khung chậu để sẵn sàng cho quá trình sinh nở.
    • Giai đoạn sau khi sinh: Sau khi sinh, tử cung dần trở lại kích thước ban đầu. Thông thường quá trình này mất khoảng 4-8 tuần.

    Những vấn đề có thể xảy ra ở tử cung

    Cấu tạo phức tạp của tử cung giúp tử cung đảm nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng trong cơ thể phụ nữ. Tử cung có thể gặp phải một số vấn đề, bệnh lý sau đây:

    Những vấn đề có thể xảy ra ở tử cung:

    • Sa tử cung: Là tình trạng tử cung trượt khỏi vị trí ban đầu trong khung chậu.
    • Bệnh viêm vùng chậu: Là tình  trạng nhiễm trùng cơ quan sinh dục.
    • U xơ tử cung: Là khối u lành tính, xuất phát từ cơ tử cung, có thể lồi về phía niêm mạc tử cung hay ở trong lớp cơ tử cung hoặc lồi về phía lớp thanh mạc tử cung. Polyp tử cung: Polyp cổ tử cung hoặc polyp nội mạc tử cung là sự phát triển quá mức của tế bào lớp niêm mạc tử cung lồi vào trong buồng tử cung.
    • Ung thư cổ tử cung: Là bệnh lý ác tính, phát sinh từ các tế bào của cổ tử cung (phần dưới của tử cung kết nối với âm đạo).
    • Lạc nội mạc tử cung: Là tình trạng các mô như lớp niêm mạc bên trong tử cung phát triển ở bên ngoài hoặc ngay tại tử cung trong độ tuổi sinh sản của phụ nữ.

    Bạn có thể quan tâm:

    Các câu hỏi thường gặp

    Tử cung nằm ở vị trí nào trong cơ thể người phụ nữ?

    Tử cung nằm ở trong khung chậu phía sau bàng quang và phía trước trực tràng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt tử cung cũng có thể nằm ở một số vị trí khác như với các trường hợp sa tử cung.

    Các tình trạng bất thường trong cấu tạo của tử cung là gì?

    Theo thông tin từ Cổng thông tin Y khoa Hoa Kỳ – Mediline Plus, bên cạnh cấu tạo bình thường, tử cung còn có các kiểu cấu tạo bất thường khác, hay cũng có thể gọi là dị dạng, bao gồm:

    • Tử cung đôi hoặc tử cung kép (didelphys)
    • Tử cung một bên hoặc tử cung một sừng (unicornuate)
    • Tử cung hai sừng hay tử cung hình trái tim (bicornuate)
    • Tử cung có vách ngăn (septate)
    • Không có tử cung (absent uterus).
    Cấu tạo tử cung
    Cấu tạo tử cung trong các hình dáng khác nhau – Đây là các hình dáng (dị tật) phổ biến của tử cung

    Làm sao để nhận biết dấu hiệu bất thường ở tử cung?

    Nếu bạn có các dấu hiệu dưới đây thì khả năng cao là tử cung của bạn đang gặp một số vấn đề liên quan đến lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung, polyp tử cung…

    • Chảy máu âm đạo bất thường
    • Dịch âm đạo bất thường, có mùi hôi khó chịu trong thời gian dài
    • Cảm thấy đau và khó chịu khi đi tiểu hoặc khi quan hệ
    • Đau âm ỉ vùng chậu và lưng dưới
    • Chu kỳ kinh nguyệt không đều kéo dài
    • Tăng hoặc giảm nhiều cân đột ngột.

    Kết luận

    Tóm lại, tử cung là cơ quan thuộc hệ thống sinh sản phụ nữ. Cấu tạo của tử cung bao gồm ba phần chính đó là đáy tử cung, thân tử cung và cổ tử cung; ngoài ra còn có một phần nhỏ gọi là eo tử cung. Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu được khái niệm về tử cung là gì, cấu tạo của tử cung và một số vấn đề thường gặp ở tử cung để chủ động chăm sóc sức khỏe.

    Bạn có thể quan tâm:

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Văn Thu Uyên

    Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


    Tác giả: Phong Huỳnh · Ngày cập nhật: 04/03/2024

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo