backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Suy buồng trứng sớm: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Văn Thu Uyên · Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


Tác giả: Võ Thiên Thảo Nguyên · Ngày cập nhật: 23/02/2024

Suy buồng trứng sớm: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

Suy buồng trứng sớm (hay suy buồng trứng nguyên phát) xảy ra khi buồng trứng ngừng hoạt động bình thường trước tuổi 40. Lúc này,  buồng trứng sẽ không tạo ra lượng hormone bình thường hoặc không rụng trứng thường xuyên nữa. Điều này gây rối loạn trong chu kỳ kinh nguyệt và thường dẫn đến vô sinh. 

Hello Bacsi mời bạn đọc tiếp bài viết để tìm hiểu cụ thể nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị suy buồng trứng sớm.

Suy buồng trứng sớm là gì?

Suy buồng trứng sớm là tình trạng xảy ra khi buồng trứng phụ nữ mất chức năng trước tuổi 40. 

Buồng trứng của phụ nữ là một trong những cơ quan sinh dục vừa có chức năng nội tiết (sản xuất hormone sinh dục) vừa có chức năng ngoại tiết (giải phóng trứng trong quá trình rụng trứng để thụ tinh với tinh trùng tạo thành phôi thai.

Chức năng hoạt động của buồng trứng bắt đầu khi phụ nữ bước vào tuổi dậy thì và có thể duy trì đến khi phụ nữ bước vào giai đoạn mãn kinh (khoảng từ 50 tuổi). 


Tình trạng suy buồng trứng sớm thường xảy ra đột ngột, gây ra một số rối loạn ở khoảng 1% phụ nữ. Tức tỷ lệ mắc phải tình trạng này là 1 trên 100 phụ nữ trước 40 tuổi và 1 trên 1000 phụ nữ trước 30 tuổi. 

Nguyên nhân gây suy buồng trứng sớm

Trong khoảng 90% trường hợp, nguyên nhân chính xác của tình trạng này vẫn chưa được xác định. Một số nghiên cứu cho thấy nó có liên quan đến các vấn đề với nang trứng khi chúng hoạt động bất thường. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, nguyên nhân của vấn đề về nang trứng vẫn chưa được xác định rõ. Một số lý do có liên quan đến tình trạng suy buồng trứng sớm bao gồm:

  • Rối loạn di truyền liên quan tới nhiễm sắc thể X như hội chứng Fragile X và hội chứng Turner
  • Mắc phải các bệnh tự miễn dịch, bao gồm viêm tuyến giáp và bệnh Addison, bệnh lupus ban đỏ hệ thống…
  • Hóa trị hoặc xạ trị khi điều trị ung thư
  • Rối loạn chuyển hóa
  • Tiếp xúc với các chất độc như khói thuốc lá, hóa chất và thuốc trừ sâu.

Dấu hiệu suy buồng trứng sớm

Vậy làm sao để biết suy buồng trứng sớm? Một số triệu chứng của suy buồng trứng nguyên phát giống như triệu chứng của thời kỳ mãn kinh hoặc nồng độ estrogen thấp. Chúng bao gồm:

suy buồng trứng sớm

  • Kinh nguyệt không đều hoặc vô kinh. Triệu chứng này có thể tồn tại trong nhiều năm. 
  • Nóng bừng và đổ mồ hôi đêm.
  • Khô âm đạo.
  • Tức giận, trầm cảm hoặc lo lắng.
  • Khó tập trung hoặc kém khả năng ghi nhớ
  • Ít ham muốn tình dục

Suy buồng trứng có nguy hiểm không?

Ban đầu, suy buồng trứng sớm có thể gây ra các triệu chứng như: Bốc hỏa, đổ mồ hôi ban đêm, tim đập nhanh hoặc đau đầu. Nếu không được chữa trị đúng, rủi ro sức khỏe về lâu dài có thể là vô sinh, loãng xương, các bệnh về tim mạch và thần kinh và tăng nguy cơ tử vong sớm.
Những phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh này cũng có các vấn đề về tâm lý bao gồm: Cáu kỉnh, hay quên, mất ngủ và kém tập trung. Hơn nữa, họ còn có thể bị teo âm đạo, lâu dần gây ảnh hưởng đến đời sống tình dục.

Cách chẩn đoán suy buồng trứng sớm

Để chẩn đoán, bác sĩ có thể hỏi bạn những thông tin về bệnh sử và tình trạng sức khỏe. Việc biết được chu kỳ kinh nguyệt điển hình của bạn, sức khỏe thai kỳ trước đó (nếu có) hoặc việc sử dụng biện pháp tránh thai sẽ rất hữu ích cho bác sĩ trong quá trình chẩn đoán bệnh.

Tiếp theo đó, bác sĩ có thể yêu cầu bạn xét nghiệm máu để đo mức độ hormone nhất định trong cơ thể bạn. Chúng bao gồm hormone kích thích nang trứng (FSH), estrogen và prolactin.

Ngoài ra, các xét nghiệm khác mà bác sĩ có thể sử dụng bao gồm:

  • Xét nghiệm máu (xét nghiệm karyotype) để tìm các rối loạn di truyền.
  • Siêu âm vùng chậu (để quan sát buồng trứng và tử cung của bạn).
  • Xét nghiệm để xác định tình trạng mang thai
  • Xét nghiệm kháng thể để kiểm tra các rối loạn tự miễn dịch.
  • Bác sĩ sẽ cung cấp chẩn đoán bệnh nếu bạn dưới 40 tuổi và:

    • Bạn không có kinh nguyệt hoặc kinh nguyệt bất thường.
    • Các xét nghiệm cho thấy mức độ hormone trong cơ thể bạn tương đương với mức độ của một người đang trong thời kỳ mãn kinh. 

    Điều trị suy buồng trứng sớm

    Cách điều trị suy buồng trứng sớm sẽ tùy thuộc vào độ tuổi, triệu chứng và liệu bạn có muốn mang thai hay không. Các phương pháp điều trị suy buồng trứng sớm thường là:

    Liệu pháp thay thế hormone

    Đây là liệu pháp cung cấp cho cơ thể những hormone mà buồng trứng không còn khả năng sản xuất. Nó sẽ giúp làm giảm các triệu chứng của suy buồng trứng sớm như: Đổ mồ hôi đêm, khô âm đạo. Ngoài ra, nó cũng sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh loãng xương và các tình trạng sức khỏe khác do suy buồng trứng sớm gây ra.

    Bác sĩ sẽ tiến hành kê toa theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như thuốc viên, kem, gel, miếng dán hoặc vòng âm đạo. Khi bắt đầu liệu pháp này, người bệnh sẽ tiếp tục điều trị cho đến khi thời kỳ mãn kinh tự nhiên bắt đầu.

    Điều trị suy buồng trứng sớm

    Các phương pháp điều trị khác

    • Uống canxi và vitamin D để giúp giảm nguy cơ loãng xương.
    • Tập thể dục thường xuyên. 
    Suy buồng trứng sớm cần bổ sung gì và suy buồng trứng sớm kiêng ăn gì? Theo nhiều nghiên cứu khoa học, chế độ ăn nhiều chất béo có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh suy buồng trứng sớm. Vì thế, phụ nữ cần hạn chế những thực phẩm chứa nhiều chất béo xấu để giảm nguy cơ mắc bệnh.
    Bên cạnh đó, để giữ cho xương chắc khỏe, bạn hãy lên một chế độ ăn giàu canxi. Một số những thực phẩm chứa canxi như: Các thực phẩm làm từ sữa, cá hồi, cá ngừ, hạnh nhân,…  Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng thêm các thực phẩm chức năng có chứa canxi và vitamin D khác. 

    Mong rằng bài viết trên đã mang đến cho bạn đầy đủ thông tin về tình trạng suy buồng trứng sớm và giải đáp những thắc mắc xoay quanh về tình trạng này.

    Bạn có thể quan tâm:

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Văn Thu Uyên

    Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


    Tác giả: Võ Thiên Thảo Nguyên · Ngày cập nhật: 23/02/2024

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo