backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Đính đá lên răng thẩm mỹ là gì? Quy trình gắn đá lên răng và những lưu ý

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lâm Trần Thảo Vy · Nha khoa · Nha khoa Cẩm Tú


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 30/10/2022

    Đính đá lên răng thẩm mỹ là gì? Quy trình gắn đá lên răng và những lưu ý

    Đính đá lên răng thẩm mỹ là một “trào lưu” làm đẹp cho răng đang được giới trẻ ưa chuộng. Sự lấp lánh của những viên đá đính trên răng sẽ làm cho nụ cười của bạn trở nên đặc sắc và thu hút hơn. Nhưng liệu bạn đã thật sự hiểu rõ về việc đính đá lên răng?

    Tham khảo những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi để biết được đính đá răng thẩm mỹ là gì, có những phương pháp gắn đá lên răng nào, quy trình gắn đá lên răng ra sao cũng như cần lưu ý gì khi đính đá vào răng.

    Đính đá răng thẩm mỹ là gì?

    Nha khoa thẩm mỹ đã trở thành một khía cạnh quan trọng của nha khoa trong nhiều năm qua, kéo theo sự phát triển của các kỹ thuật làm đẹp cho răng mới mẻ. Trong đó, sự ra đời của hình thức đính đá lên răng thẩm mỹ là một bước tiến mới của nha khoa thẩm mỹ. Vậy, đính đá lên răng thẩm mỹ là gì?

    Đính đá lên răng là một hình thức làm đẹp mới cho răng. Hiểu một cách đơn giản, thủ thuật nha khoa thẩm mỹ này được thực hiện bằng cách đính một hoặc nhiều viên đá quý hay kim cương nhỏ lên một hoặc nhiều chiếc răng khác nhau. 

    Việc dùng đá đính lên răng ngày càng trở nên phổ biến, nhất là ở giới nghệ sĩ và giới trẻ thuộc độ tuổi từ 18-35. Mục đích của việc gắn đá lên răng là làm cho nụ cười trở nên lôi cuốn, lấp lánh hơn, cũng như khẳng định cá tính của mỗi người.

    Thông thường, răng khểnh là vị trí gắn đá được nhiều người lựa chọn nhất. Nguyên nhân là vì việc đính đá lên răng khểnh vừa là vị trí nổi bật trên hàm răng, vừa làm sáng cả khuôn hàm. Thế nhưng, bạn cũng đừng hụt hẫng nếu không có răng khểnh, vì việc gắn đá lên răng có thể được thực hiện ở bất cứ răng nào bạn muốn. Lời khuyên là bạn nên thực hiện đính đá lên răng trên một chiếc răng ở phía trước miệng, cách xa vùng nướu.

    Đá đính lên răng có thể là những viên đá quý như ruby ​​đỏ, sapphire xanh, kim cương… với nhiều hình thù khác nhau (hình thoi, hình ngôi sao, hình tam giác, hình giọt nước, hình trái tim, hình tròn…). Ngoài ra, bạn cũng có thể lựa chọn gắn pha lê nha khoa để tiết kiệm chi phí. Pha lê nha khoa là thủy tinh được gắn trên một lá nhôm mỏng để tạo nên một nụ cười lấp lánh với giá thành rẻ hơn. Tuy nhiên, nhược điểm của việc gắn đá nha khoa lên răng là độ gắn kết không bền như đá quý.

    Các phương pháp đính đá lên răng thẩm mỹ

    đính đá lên răng

    Hiện nay, có 2 phương pháp gắn đá lên răng phổ biến, bao gồm đính đá lên răng khoan lỗ và đính đá lên răng không cần khoan lỗ. Mỗi phương pháp gắn đá lên răng đều có ưu điểm và nhược điểm riêng như sau:

    Đính đá lên răng có khoan lỗ

    Cách đính đá lên răng này được thực hiện khi viên đá cần đính lên răng có phần đế nhọn và diện tích tiếp xúc với răng nhỏ. Vì mặt tiếp xúc giữa đá và răng ít, nên nha sĩ cần phải khoan một lỗ nhỏ trên bề mặt răng theo tỷ lệ phù hợp. 

    Ưu điểm của cách đính đá lên răng bằng hình thức khoan lỗ là đảm bảo độ bền cao và tính thẩm mỹ vượt trội. Tuy nhiên, phương pháp này cũng có những nhược điểm nhất định.

    Nhược điểm đầu tiên của phương pháp này là khiến răng có một lỗ hở, khi tháo bỏ viên đá hoặc khi đá đính lên răng bị rớt thì sẽ trông không được đẹp. Lúc này, giải pháp thích hợp là tiếp tục gắn viên đá khác hoặc trám răng để bít lỗ hở lại.

    Khuyết điểm thứ hai của phương pháp đính đá vào răng có khoan lỗ là dễ gây ra các bệnh về răng miệng nếu đã bị rơi ra và không được lấp lỗ lại. Nguyên nhân là vì thức ăn dễ mắc kẹt vào trong lỗ hở trên răng. Nếu không vệ sinh kỹ thì sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển trong răng, gây ra nhiều vấn đề răng miệng.

    Đính đá lên răng không khoan lỗ

    Phương pháp này được nhiều người ưa chuộng và lựa chọn hơn. Chỉ cần viên đá có phần đế bằng, diện tích tiếp xúc với răng lớn thì việc áp dụng cách gắn đá lên răng không cần khoan lỗ sẽ vô cùng đơn giản. Nha sĩ chỉ cần sử dụng chất kết dính chuyên dụng có độ bám dính cao để dán đá trực tiếp lên răng.

    Ưu điểm đầu tiên của phương pháp này là quy trình thực hiện nhanh chóng, không đòi hỏi kỹ thuật quá phức tạp. Lợi ích thứ hai là khi tháo đá ra thì cũng không gây mất thẩm mỹ cho răng, cũng như không ảnh hưởng đến men răng, giúp bảo vệ răng gốc một cách tốt nhất. Ngoài ra, cách đính đá lên răng không cần khoan lỗ này còn mang lại sự tiện lợi, nghĩa là bạn có thể chỉ cần gắn đá khi cần và tháo bỏ ngay sau đó mà không phải lo ngại bất kỳ điều gì. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là khả năng đá bị sút cao hơn.

    Quy trình đính đá lên răng được thực hiện như thế nào? 

    Để sở hữu một nụ cười tỏa sáng, lấp lánh đúng nghĩa, bạn cần trải qua quy trình đính đá lên răng như sau:

    1. Quy trình gắn đá răng khoan lỗ

    đính đá lên răng

    Đối với phương pháp đính đá răng khoan lỗ, quy trình thực hiện gắn đá lên răng được tiến hành theo các bước sau:

    • Bước 1: Thăm khám và tư vấn:

    Trước tiên, nha sĩ sẽ khám tổng quát răng và kiểm tra kỹ lưỡng tình trạng răng cần gắn đá để xem răng có đủ điều kiện đính đá hay không.

    Kế tiếp, nha sĩ sẽ tư vấn vị trí đính đá răng đẹp nhất cũng như kích thước đá và loại đá phù hợp. Thông thường, vị trí răng nanh (răng số 3) sẽ được lựa chọn để gắn đá. Nhưng nếu răng bị mọc khuất vào trong thì nha sĩ sẽ tư vấn một vị trí gắn đá khác.

    • Bước 2: Vệ sinh vùng răng miệng chuẩn bị gắn đá:

    Nha sĩ sẽ bắt đầu làm sạch bề mặt răng cần gắn đá để vị trí đính đá lên răng này không còn vôi răng hay mảng bám nào.

    • Bước 3: Đính đá vào răng:

    Đầu tiên, để tránh gây đau hay ê buốt răng cho người được gắn đá lên răng, nha sĩ sẽ tiến hành tiêm thuốc gây tê ở quanh chiếc răng đính đá. Trong đa số trường hợp, nha sĩ chỉ cần tạo một lỗ nhỏ trên răng, không gây đau nhức thì có thể không cần gây tê.

    Khi thuốc tê có tác dụng, nha sĩ sẽ dùng khoan chuyên dụng để khoan một hoặc nhiều lỗ nhỏ trên răng dựa trên số lượng đá cần gắn. Kích thước lỗ khoan sẽ phụ thuộc vào kích thước và hình dáng của đá gắn lên răng.

    Sau 3-5 phút khoan lỗ trên răng, nha sĩ sẽ chiếu đèn và bôi keo nha khoa chuyên dụng rồi  gắn đá vào răng.

  • Bước 4: Hoàn tất quy trình:

  • Khi đá đã dính chặt trên răng, nha sĩ sẽ bắt đầu đánh bóng răng, loại bỏ vết keo thừa trên răng và hoàn tất quá trình đính đá lên răng.

    2. Quy trình làm răng đính đá không cần khoan lỗ

    đính đá lên răng

    Các bước đính đá răng không cần khoan lỗ khá đơn giản, không gây đau trước, trong và sau khi gắn đá.

  • Bước 1: Thăm khám và tư vấn:

  • Tương tự như phương pháp gắn đá lên răng có khoan lỗ, nha sĩ sẽ khám tổng quát răng và kiểm tra kỹ lưỡng tình trạng răng cần gắn đá để xem răng có đủ điều kiện đính đá hay không.

    Sau đó, nha sĩ sẽ tư vấn vị trí đính đá răng đẹp nhất cũng như kích thước đá và loại đá phù hợp.

    • Bước 2: Vệ sinh vùng răng miệng chuẩn bị gắn đá:

    Để vị trí đính đá răng này không còn vôi răng hay mảng bám nào, nha sĩ sẽ tiến hành làm sạch cao răng bằng cách đánh bóng rồi để răng khô hoàn toàn. Sau đó, dung dịch axit orthophotphoric 37% sẽ được sử dụng để làm nhám răng cần gắn đá trong khoảng 30 giây. Bước này giúp nâng cao khả năng kết dính giữa răng và viên đá. Kế đến, nha sĩ sẽ rửa sạch dung dịch làm nhám răng bằng nước và làm khô răng trong khoảng 10 giây.

    • Bước 3: Đính đá vào răng:

    Nha sĩ bôi một chất kết dính chuyên dụng lên răng và để nguyên trong khoảng 20 giây. Sau đó, nha sĩ sẽ bôi composite (một loại nhựa được sử dụng trong nha khoa) lên răng. Tiếp theo, nha sĩ sẽ cố định viên đá vào composite. Sau đó, nha sĩ chỉ cần thực hiện một số điều chỉnh nhỏ nếu cần, rồi chiếu đèn làm cứng trong khoảng 20-60 giây hoặc lâu hơn một chút để viên đá được dính chặt vào composite.

    • Bước 4: Hoàn tất quy trình:

    Khi đá đã dính chặt trên răng, nha sĩ sẽ bắt đầu đánh bóng răng, loại bỏ vết keo cùng composite thừa trên răng và hoàn tất quá trình đính đá răng.

    Quy trình đính đá lên răng thẩm mỹ khá đơn giản, không đòi hỏi quá nhiều kỹ thuật phức tạp. Chỉ cần khoảng 15-20 phút là bạn đã có được chiếc răng đính đá xinh lung linh rồi đấy. Tuy nhiên, đừng vì vậy mà tìm cách tự đính đá lên răng tại nhà. Hãy đến nha khoa để được thực hiện đính đá lên răng đúng quy trình, đúng kỹ thuật để đảm bảo an toàn cho nụ cười và sức khỏe răng miệng của bạn, cũng như đảm bảo được độ bền của đá.

    Những lưu ý sau khi đính đá lên răng

    đính đá lên răng

    Mặc dù quy trình gắn đá lên răng khá đơn giản, nhưng quá trình chăm sóc sau khi gắn đá lại đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận và rất nhiều sự kiên nhẫn. Điều này để đề phòng các vấn đề về viêm nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng sau khi đính đá lên răng cũng như để giữ cho đá được gắn trên răng lâu nhất có thể. Vậy, sau khi gắn đá lên răng, bạn cần lưu ý những gì?

    Chăm sóc răng miệng:

    Sau khi gắn đá lên răng, bạn nên đánh răng thật nhẹ nhàng, tránh dùng lực quá mạnh khi đánh răng, nhất là xung quanh chiếc răng đính đá, để tránh làm mòn men răng cũng như giúp đá gắn trên răng lâu hơn. Sử dụng bàn chải lông mềm để đánh răng đều đặn 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi tối là lời khuyên dành cho bạn.

    Bạn cũng nên sử dụng nước súc miệng hoặc súc miệng bằng nước muối sinh lý sau khi ăn để làm sạch khoang miệng hiệu quả, loại bỏ mảng bám thức ăn, ngăn chặn vi khuẩn sinh sôi và phát triển. Điều này cần được tuân thủ nghiêm ngặt nếu bạn gắn đá lên răng bằng phương pháp khoan lỗ.

    Một số người khuyên bạn dùng chanh để chải răng nhằm giữ độ sáng của đá và độ trắng của răng. Tuy nhiên, bạn không nên áp dụng cách này hàng ngày vì có thể gây mòn men răng.

    Ngoài ra, bạn cũng không nên chạm vào vị trí gắn đá lên răng thường xuyên, nếu không, viên đá có thể bị rơi ra theo thời gian.

    Chế độ ăn uống: 

    Hạn chế ăn thức ăn cứng, dai và dính, nhất là nhai/cắn những món ăn này ở vùng răng gắn đá để ngăn ngừa nguy cơ đá bị rớt ra khỏi răng.

    Bạn cũng cần tránh những món ăn, thức uống đậm màu như cà phê, trà đặc, chocolate… và nói “không” với thuốc lá. Nguyên nhân là vì đây là những tác nhân có thể khiến cho răng và viên đá bị ố vàngxỉn màu, gây mất thẩm mỹ.

    Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết được đính đá lên răng là gì và quy trình gắn đá lên răng diễn ra như thế nào. 

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Lâm Trần Thảo Vy

    Nha khoa · Nha khoa Cẩm Tú


    Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 30/10/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo