backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Răng khôn mọc ngầm là gì? Có nên nhổ răng hay không?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lâm Trần Thảo Vy · Nha khoa · Nha khoa Cẩm Tú


Tác giả: Minh Phú · Ngày cập nhật: 14/09/2021

    Răng khôn mọc ngầm là gì? Có nên nhổ răng hay không?

    Vấn đề răng khôn mọc ngầm có những dấu hiệu gì? Có nên nhổ đi hay không? luôn được nhiều người quan tâm. Bài viết sau sẽ cung cấp cho bạn đầy đủ thông tin xoay quanh vấn đề này.

    Răng khôn là tên gọi của răng số 8. Đây là răng hàm lớn thứ ba có hình dạng chân và thân răng khá bất thường nên khi mọc ngầm sẽ khiến “khổ chủ” cảm thấy vô cùng khó chịu. Việc sớm phát hiện và xử lý chiếc răng “khó ưa” này sẽ giúp bạn tránh được những biến chứng về răng hàm mặt không đáng có.

    Răng khôn mọc ngầm là gì?

    Trước khi đi vào tìm hiểu răng khôn mọc ngầm là gì, bạn cần biết răng khôn thường mọc trong giai đoạn từ 18 – 25 tuổi, có trường hợp mọc sớm (từ 16 – 17 tuổi) hoặc muộn hơn (sau 30 tuổi).

    Nếu may mắn, răng khôn sẽ mọc thẳng và không xâm lấn những chiếc răng khác cùng hàm. Điều này đồng nghĩa với việc bạn cũng sẽ không cảm thấy quá đau đớn mỗi khi răng nhú lên. Nhưng răng khôn mọc ngầm lại khác, đây là hiện tượng mà răng nằm sâu bên trong xương hàm hoặc ngay dưới nướu nhưng lại không thể tách nướu trồi lên được.

    Có nhiều kiểu răng khôn mọc ngầm khác nhau, chẳng hạn như răng khôn mọc nghiêng, ngả về phía răng số 7; mọc vuông góc so với các răng khác hay mắc kẹt trong xương hàm. Dù mọc kiểu gì thì tình trạng này thường gây đau và kéo theo một loạt những tai biến nha khoa khác. Chưa kể, răng số 8 mọc ở vị trí quá sâu sẽ làm việc vệ sinh răng miệng thêm khó khăn, từ đó gia tăng nguy cơ sâu răng, viêm lợi hoặc những vấn đề sức khỏe khác.

    Răng số 8 mọc ngầm thường có những dấu hiệu gì?

    răng khôn mọc ngầm như thế nào

    Hai trong số những lý do chính khiến răng khôn mọc ngầm được các nha sĩ nhận định là do cung hàm bị thiếu chỗ và sự sai lệch trong quá trình mọc răng khiến chúng không thể trồi khỏi nướu được.

    Thông thường, răng ngầm hoàn toàn ít gây triệu chứng, tuy nhiên răng ngầm một phần hay răng mọc lêch có thể xuất hiện các triệu chứng sau đây:

    • Sưng nướu: khi nướu nứt ra để răng mọc và bị nhồi nhét thức ăn bên trong.
    • Hôi miệng hoặc có mùi vị lạ trong miệng: vì việc vệ sinh hằng ngày không sạch được thức ăn.
    • Chảy máu nướu: khi tình trạng viêm kéo dài không khắc phục triệt để được.
    • Đau, sưng quanh hàm: khi viêm nhiễm nhiều hơn.
    • Khó mở miệng: là biến chứng nặng khi để các tình trạng nêu trên kéo dài.

    Nếu thấy có bất kỳ những dấu hiệu lạ nào vừa liệt kê, bạn nên lập tức đến nha sĩ để thăm khám. Tại đây, bác sĩ sẽ kiểm tra bằng cách chụp X-quang hoặc CT nhằm đánh giá có phải răng khôn mọc ngầm hay không. Sau khi đưa ra kết luận bác sĩ sẽ thảo luận với bạn về các giải pháp để xử lý chiếc răng khôn này.

    Những biến chứng thường gặp do răng khôn mọc ngầm gây ra

    Như đã đề cập, nếu không sớm phát hiện và xử lý kịp thời, răng khôn mọc ngầm có thể gây ra một số hậu quả chẳng hạn:

    • Ảnh hưởng đến các răng lân cận: Thường gặp nhất là răng số 7 đảm nhiệm vai trò nhai, nghiền thức ăn. Cụ thể, răng số 8 mọc ngầm đâm thẳng vào răng số 7, nhẹ sẽ gây sâu âm thầm đến khi đau là răng 7 có thể tổn thương tủy rồi. Trường hợp nặng hơn có thể gây lung lay răng số 7.
    • Nang thân răng: Sự bất thường trong quá trình hình thành và phát triển mầm răng khôn trong xương hàm có thể tạo thành một nang thân răng. Nang ban đầu sẽ nhỏ, lâu dần sẽ phát triển thành khối to.Viêm nhiễm lâu ngày ở răng 7 không điều trị cũng là một nguyên nhân tạo thành nang thân răng ở răng khôn mọc ngầm. Nang thân răng tương đối phổ biến tuy đa phần là lành tính nhưng nếu không điều trị thích hợp người bệnh có thể đối mặt với nguy cơ bị biến dạng khuôn mặt, rụng răng hàng loạt, gãy xương hàm…
    • Bệnh về nướu: Việc gặp khó khăn trong vấn đề vệ sinh răng khôn mọc ngầm sẽ làm tăng nguy cơ phát triển tình trạng viêm, đau nướu hoặc các bệnh về nướu khác.
    • Gây rối loạn về phản xạ và cảm giác: Răng số 8 mọc ngầm sâu sẽ chèn ép lên các dây thần kinh xung quanh làm giảm hoặc mất cảm giác ở môi, da, niêm mạc, răng ở nửa cung hàm.
    • Chen chúc răng: do răng khôn mọc khi các răng đã hoàn thiện trên cung hàm nên nếu không đủ chỗ dẫn đến mọc ngầm, mọc kẹt sẽ xô đẩy gây lệch lạc các răng có sẵn mà biểu hiện dễ nhận thấy nhất là ở các răng cửa giữa hàm dưới. Vì vậy trong chỉnh nha, sau kết thúc điều trị, bác sĩ luôn chỉ định nhổ bỏ răng khôn mọc kẹt, lệch để giữ kết quả niềng răng được ổn định lâu dài.

    Có nên nhổ răng khôn mọc ngầm hay không?

    răng khôn mọc ngầm có nên nhổ

    Câu trả lời cho răng khôn mọc ngầm có nên nhổ hay không là còn tùy vào những biến chứng người bệnh gặp phải nếu giữ lại. Thông qua quá trình thăm khám, nếu nha sĩ nhận thấy răng khôn mọc ngầm không ảnh hưởng đến sức khỏe thì hướng giải quyết sẽ là để yên và theo dõi.

    Trái lại, khi nhận thấy các yếu tố rủi ro mà răng khôn có thể mang lại nếu vẫn duy trì nha sĩ phân tích lợi và hại để tư vấn bệnh nhân nhổ bỏ vào thời điểm phù hợp. Lưu ý rằng những người có răng số 8 nằm mắc kẹt trong xương hàm thì quá trình xử lý răng sẽ cần thực hiện tiểu phẫu.

    Hầu hết mọi người đã có thể sinh hoạt bình thường khoảng vài ngày sau khi nhổ răng. Quá trình lành thương nướu chỉ mất vài ngày nhưng quá trình lành thương xương mất đến nhiều tháng. Vì vậy với các răng nhổ khó, bác sĩ sẽ bổ sung kỹ thuật ghép xương nhân tạo vào ổ nhổ răng để thúc đẩy quá trình lành thương giúp người bệnh nhanh phục hồi và xương tái tạo nhanh hơn. Bác sĩ sẽ có căn dặn cụ thể về chế độ ăn uống và cách chăm sóc răng miệng phù hợp cho mỗi tình huống khác nhau.

    Những thông tin trong bài viết đã chia sẻ về các vấn đề của răng khôn mọc ngầm để bạn hiểu rõ hơn về tình trạng này. Tuy nhiên, nếu có bất kỳ thắc mắc nào khác liên quan đến sức khỏe răng miệng, cách tốt nhất là bạn vẫn nên đi khám và nhờ đến sự hỗ trợ của nha sĩ bạn nhé.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Lâm Trần Thảo Vy

    Nha khoa · Nha khoa Cẩm Tú


    Tác giả: Minh Phú · Ngày cập nhật: 14/09/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo