backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Đau khớp gối ở người già: Chăm sóc sao cho hiệu quả?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Lưu Thái Quỳnh Chi · Ngày cập nhật: 22/02/2022

    Đau khớp gối ở người già: Chăm sóc sao cho hiệu quả?

    Đau đầu gối là than phiền thường gặp ở người cao tuổi (người già) với nguyên nhân chủ yếu liên quan đến thoái hóa khớp (sụn khớp đầu gối bị mòn) [1], [3]. Bên cạnh đó, rất nhiều bạn trẻ cũng quan tâm đến tình trạng đau khớp gối ở người già để biết cách chăm sóc, hỗ trợ điều trị hiệu quả hơn.

    Hầu hết người già thường có xu hướng cho rằng đau khớp nói chung và đau khớp gối nói riêng là diễn tiến tự nhiên của tuổi già. Do đó, họ vẫn nghĩ rằng đau khớp là tình trạng sức khỏe bình thường và hay âm thầm chịu đựng hơn là đến gặp bác sĩ để được điều trị [2]. Điều này liệu có gây ra hậu quả gì trong tương lai không? Hãy cùng tìm hiểu về chứng đau khớp gối ở người già cũng như làm thế nào để chăm sóc người già tại nhà hiệu quả nhé.

    Đặc điểm đau khớp gối ở người già

    Đau khớp gối thường gặp ở người lớn tuổi [3]. Ước tính tỷ lệ mắc hàng năm do bệnh nhân tự báo cáo nằm trong khoảng từ 1/3 (33%, đau hầu hết các ngày trong tháng hoặc lâu hơn) đến 1/2 (47%, đau trong hoặc xung quanh đầu gối trong 1 năm vừa qua). Hầu hết đau khớp gối ở người già do thoái hóa khớp gối [1].

    Tuổi già là nguyên nhân thường gặp nhất dẫn đến thoái hóa khớp gối. Thoái hóa khớp còn được gọi là viêm khớp do hao mòn [8]. Đó là tình trạng lớp đệm tự nhiên giữa các khớp, vốn là sụn, bị mòn đi và các đầu xương của khớp gối cọ xát vào nhau nhiều hơn. Điều này dẫn đến đau, sưng, cứng khớp, giảm khả năng di chuyển và đôi khi hình thành các tế bào xương (gai xương) [4], [8].

    Đau bất cứ nơi nào trên cơ thể đều gây khó chịu, nhưng đau đầu gối có thể khiến di chuyển khó khăn. Hơn nữa, viêm khớp gối ở người già có thể trở nên đau khi hoạt động và giảm khi nghỉ ngơi nên gây hạn chế hoạt động [8]. Thoái hóa khớp gối ảnh hưởng đến nhiều loại vận động như đi bộ, leo cầu thang, thậm chí ngồi hoặc nằm [6]. Việc hạn chế vận động này là một rào cản chính để người già có thể tham gia sinh hoạt và vui chơi cùng con cháu.

    Câu chuyện của bà An*

    Bà An năm nay 70 tuổi. Bà bị đau đầu gối từ một năm nay. Thời gian đầu bà cảm thấy đau ê ẩm khi trái gió trở trời. Bà cho rằng cơn đau này là phản ứng tự nhiên của tuổi già nên cố gắng chịu đựng và tự thích nghi với nó. Thỉnh thoảng bà mua thuốc giảm đau ở nhà thuốc về uống. Tuy nhiên, tần suất cũng như cường độ cơn đau mỗi lúc một tăng, có những lúc đau khủng khiếp làm bà khó khăn khi đi lại, thậm chí cả khi ngồi, nằm nghỉ ngơi. Cô con gái và người giúp việc phải dìu bà. Bà không thể tham gia chuyến du lịch Đà Lạt cùng con và cháu ngoại vào mùa hè năm nay như dự tính. Việc hạn chế vận động làm bà lên 10 ký và càng lên cân, đầu gối của bà càng đau đớn. Bà nghĩ, có lẽ mình tàn phế và sẽ phải ngồi xe lăn thôi.

    Tình trạng đau khớp gối ở người già
    Ảnh: Shutterstock.com – 1607343931

    Tại sao cần chăm sóc tại nhà cho người già bị đau khớp gối

    Đau khớp gối ở người già có thể bị gây ra bởi những vấn đề ngắn hạn lẫn dài hạn [5].

    Đầu gối lão hóa có thể bị đau và hạn chế vận động nhưng vẫn có cách để kiểm soát và giảm các triệu chứng [4]. Nhiều khó chịu trong thời gian ngắn ở đầu gối không cần bác sĩ giúp đỡ và có thể tự phục hồi. Các biện pháp khắc phục tại nhà cũng có thể giúp giải quyết nhiều vấn đề lâu dài với chứng đau đầu gối [5].

    Hơn nữa người già có thể mô tả triệu chứng không chính xác, trí nhớ giảm sút khiến họ có thể sử dụng thuốc không đúng liều hoặc đúng thời gian. Bởi thế tại nhà, người thân hoặc người chăm sóc có thể giúp người già điều chỉnh lối sống bằng cách khuyến khích chế độ ăn uống lành mạnh và hỗ trợ hoạt động thể chất. Họ cũng có thể đưa đón người già đi làm vật lý trị liệu, hỗ trợ mua sắm và chuẩn bị bữa ăn, quản lý sử dụng thuốc, đồng thời giúp người già đi lại trong nhà hoặc lên xuống cầu thang [4].

    Chăm sóc đau khớp gối ở người già tại nhà sao cho hiệu quả

    Người già bị đau khớp gối cần phối hợp với người chăm sóc để thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà không dùng thuốc và dùng thuốc thật hiệu quả như sau:

    Không dùng thuốc

    Giảm cân: duy trì cân nặng hợp lý, nghiên cứu cho thấy những bệnh nhân thừa cân giảm 5% trọng lượng cơ thể đã có những cải thiện đáng kể về mức độ đau và khả năng vận động [4].

    Chế độ ăn: chế độ ăn tốt cho sức khỏe là chế độ ăn giàu trái cây, rau và chất xơ, ít thịt, mỡ động vật và các loại chất béo khác [5].

    Luyện tập thể dục: những môn thể dục phù hợp với người già và chứng đau gối thường xuyên: đi bộ, đạp xe, bơi lội, thái cực quyền (tai chi), yoga đều có lợi. [5]

    Tư thế đúng và các biện pháp hỗ trợ: có thể giúp giảm thiểu căng thẳng đầu gối bao gồm: tránh ngồi lâu trên chiếc ghế thấp và trường kỷ, tránh ngồi trên đầu gối, tránh ngồi lâu và không cử động trong thời gian dài, vì các khớp có thể bị cứng và đau nếu không cử động được. Mang giày hỗ trợ, tránh những đôi giày có vòm bị gãy, vì chúng có thể dẫn đến lực bất thường và mòn ở đầu gối [5].

    Xoa bóp: không đủ bằng chứng làm giảm đau nhưng có thể mang lại những lợi ích khác, chẳng hạn như kiểm soát căng thẳng.

    ▪ Thực hiện ở tư thế ngồi với đầu gối hướng về phía trước và bàn chân đặt trên sàn. Nắm nhẹ hai bàn tay lại, sau đó vỗ vào đùi trên, dưới và giữa 10 lần. Lặp lại ba lần.

    ▪ Ngồi với hai bàn chân phẳng trên sàn, đặt gót bàn tay lên trên đùi và lướt đến đầu gối, sau đó thả ra. Lặp lại năm lần. Thực hiện tương tự cho mặt ngoài và mặt trong của đùi.

    ▪ Nhấn bốn ngón tay vào mô đầu gối và di chuyển lên xuống năm lần. Lặp lại tất cả các động tác xung quanh đầu gối.

    ▪ Đặt lòng bàn tay lên trên đùi, lướt xuống đùi, qua đầu gối và ngược lên đùi ngoài.

    ▪ Xoa bóp cơ đùi sẽ tác động có lợi lên đầu gối [5].

    Thiết bị hỗ trợ: Nếu đau đầu gối ở người già gây hạn chế khả năng vận động, bác sĩ vật lý trị liệu có thể đề xuất dùng thiết bị hỗ trợ trong cuộc sống hàng ngày, ví dụ như nẹp đầu gối hoặc khung tập đi được làm riêng [7].

    Dùng thuốc

    Thuốc giảm đau bao gồm thuốc không cần kê toa và thuốc cần kê toa. Lưu ý, không sử dụng quá 10 ngày đối với thuốc giảm đau không cần kê toa mà không có ý kiến của bác sĩ. Nếu sau 10 ngày sử dụng thuốc không cần kê toa mà cơn đau không được cải thiện, bác sĩ sẽ cân nhắc chọn lựa thuốc cần kê toa để kiểm soát cơn đau [8].

    Các loại thuốc có thể giúp kiểm soát cơn đau khớp gối ở người già, bao gồm:

    Thuốc giảm đau kháng viêm không steroid uống hoặc bôi tại chỗ (NSAIDs): Khi chọn NSAIDs cho một bệnh nhân cụ thể, bác sĩ phải xem xét hiệu quả cũng như nguy cơ tác dụng phụ đi kèm, các tương tác liên quan đến các thuốc dùng đồng thời, các yếu tố thuộc về bệnh nhân, và chi phí [9] để bệnh nhân, nhất là người già, có thể tuân thủ dùng thuốc, từ đó giúp kiểm soát cơn đau tốt.

    NSAIDs được khuyến cáo sử dụng thận trọng đối với người cao tuổi do tác dụng phụ của nhóm thuốc giảm đau này trên hệ tiêu hóa, tim mạch, thận… và chỉ nên được dùng trong thời gian ngắn khi cơn đau bùng phát. [17]

    Dẫu vậy, do lợi ích mà NSAIDs mang lại cho bệnh nhân đau khớp (được FDA phê duyệt bán theo toa và không kê toa (OTC), được sử dụng để giảm sốt và đau, chẳng hạn như những cơn đau đầu, cảm lạnh, cúm và viêm khớp,…) [16] và không phải NSAID nào cũng ảnh hưởng trên hệ tiêu hóa và tim mạch giống nhau [18, 19] nên bác sĩ sẽ chọn NSAID điều trị cho bệnh nhân có nguy cơ cao như người già theo các khuyến cáo trên thế giới. Ví dụ như, đối với bệnh nhân có nguy cơ về tiêu hóa, khuyến cáo ưu tiên dùng các NSAIDs ức chế chọn lọc COX-2 như coxibs, cũng như kết hợp với PPI để bảo vệ dạ dày (liều gấp đôi nếu bệnh nhân điều trị dài hạn, liều duy nhất kéo dài 30 ngày nếu bệnh nhân đang điều trị) [13]. Trong khi đó, bệnh nhân bị cao huyết áp nên dùng NSAID kết hợp thuốc chẹn calci hoặc dùng một thuốc nhóm coxib ít ảnh hưởng lên huyết áp [14, 15].

    Capsaicin tại chỗ [5]

    ● Tiêm steroid vào khớp [5]

    Tramadol [5]

    Paracetamolduloxetine, là một loại thuốc chống trầm cảm [5].

    Các chuyên gia không khuyến khích sử dụng opioid, ngoại trừ tramadol [5].

    Ngoài ra, người già đau khớp gối có thể nghỉ ngơi để khớp gối có thời gian lành vết thương nhưng cũng không nên dừng tất cả các hoạt động. Chườm đá giảm đau, chườm nóng để thư giãn cơ, nằm kê cao chân giảm sưng, châm cứu giảm đau [5].

    Trở lại câu chuyện của bà An: gia đình đưa bà An đến bệnh viện chuyên khoa để khám. Sau khi khám, lắng nghe nguyện vọng của bà An và gia đình là trì hoãn việc thay khớp, bác sĩ đã cho bà An sử dụng một loại thuốc giảm đau kháng viêm đường uống ít tác dụng phụ để giảm đau. Đồng thời, bác sĩ dinh dưỡng cũng tư vấn cho bà chế độ ăn thích hợp, giúp giảm 10 ký. Ngoài ra, bà được người nhà đưa đi tập vật lý trị liệu, xoa bóp. Một thời gian sau bà bắt đầu tự tập đi bộ và sau đó tham gia tập thái cực quyền ở công viên gần nhà. Cuộc sống dần trở lại bình thường như trước và mọi người trong gia đình đang rất vui vẻ chuẩn bị cùng nhau về thăm quê ở Hà Nội. Một chuyến đi thật vui vẻ, đầm ấm và hạnh phúc đang chờ đón gia đình bà.

    *Tên nhân vật trong bài chỉ mang tính minh họa.

    PP-CEL-VNM-0477

    VIATRIS đồng hành nâng cao kiến thức bệnh học cộng đồng.

    HelloBacsi.com cung cấp đường dẫn trong mục các chủ đề liên quan, bài cùng chuyên mục và bài có nhiều người đọc vì mục đích thuận tiện tra cứu. VIATRIS không kiểm duyệt các đường dẫn trong trang này và cũng không chịu trách nhiệm về nội dung hay hoạt động của các trang liên kết này.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Lưu Thái Quỳnh Chi · Ngày cập nhật: 22/02/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo