backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Đau mạn sườn phải và 5 nhóm bệnh lý liên quan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 15/05/2023

    Đau mạn sườn phải và 5 nhóm bệnh lý liên quan

    Đau ở vùng dưới xương sườn còn được gọi là đau mạn sườn hay đau hạ sườn. Trong đó, đau mạn sườn phải là một tình trạng phổ biến nhưng không phải ai cũng hiểu rõ cơn đau này là biểu hiện cho những bệnh gì. 

    Trong bài viết sau đây, hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu các nguyên nhân gây đau tức hạ sườn phải phổ biến và cách để đối phó với tình trạng này nhé! 

    Đau mạn sườn phải là biểu hiện của bệnh gì? 

    Mạn sườn phải (hạ sườn phải) là thuật ngữ mô tả vùng bụng ở dưới bờ sườn. Đây cũng chính là vị trí của các cơ quan nội tạng quan trọng như túi mật, gan hay thận. Khi các cơ quan nội tạng ở khu vực này gặp trục trặc, chúng có thể gây đau tức mạn sườn phải liên tục, ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày của bạn.

    Các vấn đề ở tuyến tụy và gan 

    đau mạn sườn phải do gan và tuyến tụy

    Đa số các trường hợp đau mạn sườn phải đều do các bệnh lý liên quan đến tuyến tụy và gan. Đây là hai cơ quan liên quan mật thiết với nhau và với các cơ quan khác của hệ tiêu hóa. Vì thế, bất kỳ rối loạn nào liên quan đến hoạt động tiêu hóa của cơ thể đều có ảnh hưởng ít nhiều đến tuyến tụy và gan. Ví dụ, sỏi mật hay viêm túi mật cũng gây đau ở vùng bụng gần mạn sườn. Đồng thời, tại gan và tụy cũng có thể tự phát triển các bệnh lý gây nên triệu chứng đau mạn sườn phải. 

    Bên cạnh đau tức mạn sườn, các triệu chứng sau đây cũng báo hiệu gan và tuyến tụy đang gặp vấn đề: 

    • Buồn nôn hay nôn mửa
    • Vàng da, vàng mắt 
    • Nước tiểu sẫm màu
    • Đi phân xanh 
    • Mệt mỏi và có thể có triệu chứng sốt. 

    Đau mạn sườn phải có thể là zona thần kinh

    Bệnh zona thần kinh gây ra bởi virus varicella-zoster (cùng loại virus gây ra bệnh thủy đậu). Bệnh lý này thường gây đau ở một bên thân người kèm theo phát ban mẩn đỏ. 

    Hiện nay, zona thần kinh chưa có cách chữa trị dứt điểm mà chỉ có thể kiểm soát triệu chứng. Ngoài ra, bạn cũng có thể tiêm vắc xin để phòng chống bệnh zona thần kinh và các cơn đau dây thần kinh về sau. 

    Đau mạn sườn phải: Các vấn đề về thận

    Đau mạn sườn phải cũng rất có thể do các vấn đề về thận. Nếu bạn có dấu hiệu đau tức dưới sườn phải kèm theo triệu chứng đi tiểu nhiều lần trong ngày, tiểu ra máu, sốt và ớn lạnh thì có khả năng đó là các biểu hiện của sỏi thận

    Ngoài ra, bệnh thận đa nang, nhiễm trùng hoặc tắc nghẽn do cục máu đông cũng có thể gây ra triệu chứng đau tức ở vùng thận. Khi xuất hiện những triệu chứng tiết niệu kèm theo đau tức vùng thận (một hoặc cả hai bên thân người) thì bạn nên nhanh chóng đi khám bác sĩ. Đây đều là các vấn đề khẩn cấp cần được chăm sóc y tế kịp thời. 

    đau mạn sườn phải do thận

    Các vấn đề về cột sống có thể gây đau mạn sườn phải

    Các vấn đề về cột sống như thoát vị đĩa đệm hay viêm khớp, thoái hóa cột sống cũng có thể gây ra cơn đau lưng lan đến cả vùng hạ sườn. Cơn đau này thường xảy ra ở vùng hạ sườn phải hoặc trái hoặc đôi lúc là cả hai bên. 

    Những dấu hiệu sau đây cho thấy triệu chứng đau mạn sườn phải có liên quan đến vấn đề cột sống: 

    • Cơn đau cảm giác như dao cắt và lan từ một bên cột sống xuống đến chi dưới
    • Tê hoặc ngứa ran không rõ nguyên nhân, thường là ở bàn chân. 
    • Đau lưng mãn tính.
    • Khó để vặn mình, uốn cong người hay giảm biên độ chuyển động của thân người. 

    Các vấn đề về cơ 

    Các búi cơ ở vùng ngực, lưng, bụng đều có thể là nguồn gốc của cơn đau mạn sườn. Khi bạn mang vác vật nặng không đúng cách hoặc lạm dụng các cơ ở vùng hạ sườn đều có thể gây nên chấn thương cơ dẫn đến đau nhức. Các trường hợp ít vận động đặc biệt là ngồi nhiều giờ liền trong ngày như dân văn phòng cũng có nguy cơ bị đau cơ vùng mạn sườn. 

    Bị đau mạn sườn phải, nên làm gì? 

    Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến triệu chứng đau tức ở vùng hạ sườn. Tùy vào nguyên nhân mà sẽ có cách đối phó với những cơn đau mạn sườn phải không quá nghiêm trọng như sau: 

    • Nghỉ ngơi và thư giãn kết hợp cùng vật lý trị liệu nếu đau mạn sườn phải do căng cơ. 
    • Nếu nguyên nhân do viêm khớp và các vấn đề cột sống khác, bệnh nhân có thể cần dùng đến các thuốc NSAIDs và vật lý trị liệu để giảm đau. 
    • Các trường hợp được xác định là đau do nhiễm trùng ở thận hay đường tiết niệu, bác sĩ sẽ kê toa thuốc kháng sinh để giải quyết các tác nhân gây bệnh.
    • Nếu sỏi thận gây đau, tùy vào kích thước của sỏi mà sẽ có cách xử trí phù hợp. Khi sỏi còn nhỏ, bạn chỉ cần uống nhiều nước và có chế độ ăn uống hợp lý là đã có thể làm tiêu sỏi. Tuy nhiên, trường hợp đau mạn sườn phải dữ dội do sỏi thận có kích thước lớn gây tắc nghẽn thì cần dùng các thủ thuật can thiệp như tán sỏi bằng sóng xung kích hay nội soi niệu quản để loại bỏ sỏi thận. 
    • Một số ít trường hợp cần phẫu thuật khi bị đau mạn sườn phải, chẳng hạn một số trường hợp hiếm gặp cơn đau do ung thư gây ra. 

    Khi nào nên đến gặp bác sĩ? 

    đau mạn sườn phải cần làm gì

    Đau mạn sườn phải không hề dễ chịu, chúng gây khó chịu và ảnh hưởng đến hầu hết các hoạt động thường ngày. Hơn thế nữa, một số trường hợp đau mạn sườn là dấu hiệu cảnh báo cho các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cần sớm được kiểm soát. Vì vậy, hãy ngay lập tức đi khám bác sĩ nếu bạn phát hiện các triệu chứng sau: 

    • Đau mạn sườn phải kèm theo sốt cao và ớn lạnh, buồn nôn hay nôn mửa. 
    • Đi tiểu thường xuyên. 
    • Có máu trong nước tiểu hay nước tiểu có màu đỏ, đỏ nâu. 
    • Đau hạ sườn không thuyên giảm dù đã áp dụng các phương pháp giảm đau tại nhà. 
    • Táo bón, tiêu chảy hoặc chướng bụng. 
    • Phát ban trên da. 

    Bạn có thể xem thêm: Đau xương sườn: 6 nguyên nhân có thể bạn chưa biết

    Đau mạn sườn phải cần được điều trị đúng cách để giải quyết tận gốc nguyên nhân gây nên triệu chứng này. Vì vậy, tốt hơn hết là bạn nên nhanh chóng đi khám bác sĩ khi có triệu chứng này lặp đi lặp lại. Ngoài ra, để hạn chế nguy cơ đau tức hạ sườn phải, bạn đừng quên cân bằng giữa giữa các hoạt động thường nhật và nghỉ ngơi cũng như luôn đảm bảo duy trì tư thế đúng kể cả khi đứng, ngồi hoặc nằm nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 15/05/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo