backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Hiện tượng đổ mồ hôi trộm ở người lớn và trẻ là gì? Liệu có đáng lo?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 18/08/2023

    Hiện tượng đổ mồ hôi trộm ở người lớn và trẻ là gì? Liệu có đáng lo?

    Đổ mồ hôi trộm thực chất là tình trạng đổ mồ hôi vào ban đêm, trong lúc bạn đang ngủ. Điều này xảy ra phổ biến ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ. Đôi khi người lớn cũng gặp tình trạng ra mồ hôi trộm và nó có thể cảnh báo một số vấn đề về sức khỏe. 

    Vậy nguyên nhân ra mồ hôi trộm là gì, điều trị ra sao và có mẹo nào giúp bạn dễ chịu hơn không. Cùng tìm hiểu nhé!

    Đổ mồ hôi trộm là gì? Khi nào được gọi là mồ hôi trộm

    Đổ mồ hôi trộm vào ban đêm là mồ hôi ướt đẫm, đủ thấm ướt qua quần áo và ga trải giường, khiến bạn khó chịu và tỉnh giấc.

    Thông thường, đổ mồ hôi là cách để cơ thể hạ nhiệt, giúp giữ cho nhiệt độ cơ thể ở mức an toàn và thoải mái. Tuy nhiên, nhiều người cảm thấy cơ thể đột nhiên nóng bừng lên, sau đó đổ mồ hôi, da đỏ và tim đập nhanh. Họ tỉnh giấc với mồ hôi lạnh khắp người và hoang mang không biết đổ mồ hôi trộm là bệnh gì.

    Nguyên nhân đổ mồ hôi trộm là gì?

    Đổ mồ hôi trộm ở người lớn

    Ở phụ nữ trưởng thành

    Đổ mồ hôi trộm ở người lớn thường xảy ra ở phụ nữ hơn là nam giới, đặc biệt là phụ nữ mới sinh và trong thời kỳ tiền mãn kinh, mãn kinh. Sự thay đổi nội tiết tố liên quan đến hormone sinh sản, như estrogen và progesterone, có thể gây ra những thay đổi khó chịu về nhiệt độ cơ thể và khiến bạn cảm thấy quá nóng. Cơ thể bạn có thể phản ứng bằng một cơn bốc hỏa để hạ nhiệt, hoặc bạn có thể đổ mồ hôi quá nhiều khi đang ngủ.

    Trong thời kỳ tiền mãn kinh, buồng trứng giảm sản xuất cả 3 hormone estrogen, progesterone và testosterone, kinh nguyệt không đều. Tiền mãn kinh thường xảy ra ở độ tuổi từ 40 đến 50.

    Thay đổi nồng độ hormone trong thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh có thể khiến vùng dưới đồi (phần não kiểm soát thân nhiệt) gặp khó khăn trong việc điều chỉnh nhiệt độ cơ thể. Bạn có thể cảm thấy nóng đột ngột hoặc đỏ bừng ở mặt, cổ và ngực. Đáp lại, cơ thể bạn cố gắng tự làm mát bằng cách đổ mồ hôi quá nhiều.

    Những người bị suy buồng trứng nguyên phát có thể bị đổ mồ hôi đêm vì những lý do tương tự vì buồng trứng đã ngừng sản xuất estrogen trước 40 tuổi.

    Sự dao động hàm lượng nội tiết tố trong chu kỳ kinh nguyệt của bạn cũng có thể gây đổ mồ hôi ban đêm, nhưng không phải ở tất cả mọi người.

    Bên cạnh đó, nồng độ hormone dao động khi mang thai cũng có thể khiến bạn bị đổ mồ hôi đêm. Đổ mồ hôi trộm liên quan đến thai kỳ phổ biến hơn trong ba tháng đầu và ba tháng cuối thai kỳ. Việc đổ mồ hôi có thể tiếp tục một vài tuần sau khi sinh do nội tiết tố của bạn điều chỉnh về mức trước khi mang thai.

    Ở mọi giới tính

    Đổ mồ hôi trộm vừa có thể là triệu chứng của nhiều bệnh vừa có thể là tác dụng phụ của nhiều loại thuốc, bao gồm:

    • Bệnh truyền nhiễm: Bao gồm bệnh lao và HIV
    • Nhiễm khuẩn : Bao gồm viêm nội tâm mạc, viêm tủy xương và áp xe gan.
    • Nhiễm vi-rút: Bao gồm cảm lạnh , cúm và COVID-19 .
    • Bệnh nội tiết tố: Bao gồm cường giáp, khối u nội tiết và bệnh tiểu đường .
    • Lạm dụng chất kích thích: Bao gồm rượu bia, heroin và cocain.
    • Rối loạn thần kinh : Bao gồm rối loạn phản xạ tự chủ , bệnh lý thần kinh tự trị, u nang trong tủy sống và đột quỵ .
    • Ung thư: Bao gồm bệnh bạch cầu và ung thư hạch.
    • Rối loạn hành vi: Bao gồm rối loạn hoảng sợ và rối loạn lo âu.
    • Rối loạn giấc ngủ: Bao gồm ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn .
    • Bệnh tiêu hóa: bao gồm bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD).
    • Tác dụng phụ của phương pháp điều trị ung thư: Bao gồm các chất ức chế aromatase, tamoxifen, opioid và steroid.
    • Tác dụng phụ của các loại thuốc khác: Bao gồm một số thuốc chống trầm cảm và thuốc trị tiểu đường, steroid, acetaminophen, aspirin và thuốc cao huyết áp.

    Đổ mồ hôi ban đêm cũng có thể liên quan đến chứng tăng tiết mồ hôi – một tình trạng đổ mồ hôi quá nhiều mà không rõ nguyên nhân.

    Đổ mồ hôi trộm ở trẻ em

    trẻ bị đổ mồ hôi trộm

    Hệ thần kinh của trẻ em chưa phát triển hoàn thiện, cộng với quá trình trao đổi chất diễn ra mạnh mẽ nên thân nhiệt của trẻ thường cao hơn người lớn. Vì vậy, nếu phòng ngủ bí nóng, mặc đồ ngủ quá dày hoặc nhiều chăn mền dày sẽ khiến trẻ đổ mồ hôi trộm.

    Hầu hết trường hợp trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh bị đổ mồ hôi đêm không đáng ngại nếu chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, vận động thường xuyên và bổ sung vitamin đầy đủ. Tuy nhiên, một số ít trẻ bị ra mồ hôi trộm kéo dài, không do nhiệt độ phòng ngủ, có thể liên quan đến việc thiếu canxi, nhiễm trùng, bệnh tim bẩm sinh, chứng ngưng thở khi ngủ hay rối loạn hệ thần kinh thực vật.

    Đổ mồ hôi trộm có nguy hiểm không? Khi nào cần đi khám?

    Đổ mồ hôi là cách giúp cơ thể làm mát nhưng đôi khi vấn đề này kéo dài lại đáng lo. Hậu quả của việc ra nhiều mồ hôi ban đêm thường là:

    • Gây mất ngủ vì lạnh và khó chịu do cả người cùng chăn gối ẩm ướt
    • Mệt mỏi, kiệt sức do một lượng chất điện giải lớn như natri, kali bị mất đi theo mồ hôi
    • Viêm đường hô hấp do mồ hôi lạnh không được lau khô ngay, điều này xảy ra phổ biến hơn ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người lớn tuổi
    • Tăng nguy cơ mắc các bệnh ngoài da bao gồm viêm da, mụn nhọt, nấm da… vì làn da ẩm ướt tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút, vi khuẩn và nấm sinh sôi.

    Bạn nên đi khám bác sĩ nếu bị đổ mồ hôi đêm khi trời không nóng. Đặc biệt nếu bạn nhận thấy bản thân mình có thêm các triệu chứng khác thường như:

    • Sụt cân không rõ nguyên nhân
    • Sốt
    • Đau ở một khu vực cụ thể
    • Ho
    • Tiêu chảy

    Bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm để loại trừ nguyên nhân nghiêm trọng gây ra tình trạng này.

    Cách điều trị đổ mồ hôi trộm là gì?

    hiện tượng đổ mồ hôi trộm

    Bác sĩ sẽ đề xuất phương pháp điều trị sau khi xác định được nguyên nhân khiến bạn đổ mồ hôi ban đêm, chẳng hạn như:

    • Đối với chứng đổ mồ hôi ban đêm liên quan đến thời kỳ mãn kinh, bác sĩ có thể đề nghị liệu pháp thay thế hormone (HRT). Hãy hỏi bác sĩ xem liệu pháp hormone có phù hợp với bạn hay không.
    • Nếu một loại thuốc là nguyên nhân khiến bạn đổ mồ hôi trộm, bác sĩ sẽ xem xét đổi loại thuốc khác phù hợp hơn…
    • Trẻ em thiếu vi chất sẽ được bổ sung thông qua đường uống,…

    Cách giảm mồ hôi trộm tại nhà

    Ngoài việc điều trị phù hợp, tùy thuộc vào nguyên nhân khiến bạn đổ mồ hôi ban đêm, bạn có thể áp dụng những lời khuyên sau đây để cảm thấy thoải mái và mát mẻ hơn.

    • Mặc đồ ngủ rộng rãi làm bằng sợi tự nhiên như bông hoặc vải lanh.
    • Sử dụng bộ chăn ga mỏng nhẹ vào ban đêm, bạn có thể loại bỏ nếu cần.
    • Sử dụng quạt hoặc điều hòa không khí trong phòng ngủ.
    • Nhâm nhi nước lạnh suốt đêm.
    • Tập thể dục thường xuyên trong ngày, lựa chọn các bài tập thiền để ngủ ngon và giảm căng thẳng.

    Bên cạnh đó, bạn nên tránh các tác nhân phổ biến gây đổ mồ hôi trộm vào ban đêm ở người lớn trong vài giờ trước khi đi ngủ. Những tác nhân này bao gồm:

    • Rượu bia và các loại đồ uống có cồn khác
    • Hút thuốc lá
    • Cà phê và thức uống chứa caffein
    • Thức ăn cay, nóng
    • Tập thể dục hoặc các hoạt động thể chất ở cường độ cao.

    Trên đây là những thông tin cơ bản về chứng đổ mồ hôi trộm. Nếu bạn đang gặp tình trạng này kéo dài không do thời tiết, tốt hơn nên đi khám để có hướng khắc phục sớm, tránh ảnh hưởng tới sức khỏe.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 18/08/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo