backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Mồ hôi dầu

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 24/10/2023

    Mồ hôi dầu

    Đổ mồ hôi là một trong những cách tự nhiên giúp làm mát cơ thể mà còn để loại bỏ độc tố. Tuy nhiên, lượng mồ hôi tiết ra và tính chất của chúng bất thường có thể cảnh báo một tình trạng bệnh lý cần được quan tâm. Bạn vẫn thường nghe đến tình trạng đổ mồ hôi dầu. Vậy, mồ hôi dầu là gì, có nguy hiểm không và cách trị ra sao?

    Cùng Hello Bacsi tìm hiểu rõ hơn về tình trạng này trong bài viết ngay sau đây nhé!

    Mồ hôi dầu là gì?

    Cơ thể con người có hai loại tuyến mồ hôi khác nhau là eccrine và apocrine. Trong đó, mồ hôi do tuyến eccrine tiết ra là dạng mồ hôi bình thường, có thành phần chủ yếu là nước và muối nên sẽ nhẹ, đọng trên trán hoặc chảy xuống lưng. Loại mồ hôi này thường không mùi, sẽ xuất hiện khi bạn hoạt động nhiều vào những ngày nắng nóng. Sau đó, mồ hôi có thể bay hơi khỏi da và thấm ướt áo. Các tuyến mồ hôi eccrine nằm khắp cơ thể, đặc biệt là ở lòng bàn chân, lòng bàn tay, trán, má và nách.

    Vậy, mồ hôi dầu là gì? Đây là loại mồ hôi tiết ra từ tuyến apocrine. Loại mồ hôi này thường sẽ tiết ra khi bạn cảm thấy lo lắng hay căng thẳng cực độ. Mồ hôi dầu có tính chất đặc, nhớt và thành phần chứa axit béo (lipid) cùng protein. Tuyến apocrine được tìm thấy gần các túi nang lông dày đặc như dưới cánh tay (vùng nách), vùng quanh háng, vùng sinh dục, thậm chí là trên mặt hay trên da đầu.

    Mồ hôi dầu có nguy hiểm không?

    Tình trạng bàn tay, mặt ra nhiều mồ hôi dầu chảy thành giọt, tóc mồ hôi dầu gây bết rít hay đổ mồ hôi ở nách khiến vùng nách ướt đẫm, ố vàng và có mùi hôi đều có thể không gây nguy hiểm về mặt sức khỏe. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài khiến nhiều người khó chịu, gây xấu hổ, thậm chí là làm mất đi sự tự tin của bản thân.

    Bên cạnh đó, mồ hôi dầu cũng có thể nặng mùi hơn so với mồ hôi bình thường. Như đã nói ở trên, mồ hôi dầu chứa protein và lipid, đây là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn trên da phát triển. Lượng vi khuẩn tự nhiên trên da sử dụng protein và chất béo trong mồ hôi dầu làm thức ăn và sản sinh ra mùi cơ thể. Khi có quá nhiều vi khuẩn trên da kết hợp với mồ hôi dầu khó bay hơi sẽ gây ra mùi hôi khó chịu.

    Cách trị mồ hôi dầu hiệu quả ngay tại nhà

    Ngay khi bạn đang cố gắng tỏ ra bình tĩnh và tự tin thì khuôn mặt, bàn tay và nách ướt đẫm mồ hôi, tóc bết rít lại. Điều này gây tự tin trong các cuộc giao tiếp và hầu hết mọi người đều mong muốn thoát khỏi tình trạng này càng sớm càng tốt.

    cách trị mồ hôi dầu

    Vậy, mồ hôi dầu có chữa được không? Bạn có thể thử áp dụng một số cách trị mồ hôi dầu toàn thân sau đây:

    • Cách chữa mồ hôi dầu toàn thân hiệu quả nhất là rửa tay, vệ sinh cơ thể thường xuyên bằng sữa tắm dành cho người mồ hôi dầu hoặc xà phòng kháng khuẩn. Sau đó, bạn hãy lau khô thật kỹ lưỡng để ngăn vi khuẩn sinh sôi trên da.
    • Cách trị mồ hôi dầu ở mặt tại nhà đơn giản nhất là tẩy trang và rửa mặt sạch sẽ vào mỗi tối trước khi đi ngủ.
    • Cách trị mồ hôi dầu ở tóc là bạn có thể dùng loại dầu gội trị mồ hôi dầu phù hợp, đồng thời, thường xuyên cắt tỉa và chải chuốt mái tóc để giảm sự phát triển của vi khuẩn trên thân tóc, ngăn mồ hôi bám xung quanh gây bết rít và mùi hôi khó chịu.
    • Giữ cho vùng cơ thể thường đổ mồ hôi và có mùi luôn khô ráo, sạch sẽ bằng cách dùng thuốc chống mồ hôi và kem tẩy lông.
    • Chất chống mồ hôi hoạt động hiệu quả giúp giảm tình trạng ẩm ướt do tiết mồ hôi quá nhiều. Hãy dùng chất chống mồ hôi kết hợp chất khử mùi ít nhất một lần mỗi ngày, nên dùng vào ban đêm trước khi đi ngủ để đạt hiệu quả tối đa. Tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu để ngừa kích ứng da.
    • Chất khử mùi chứa cồn làm cho da có tính axit cao hơn và ngăn ngừa vi khuẩn phát triển. Chất này cũng thường chứa hương thơm để giúp che giấu mùi hôi. Chất khử mùi có thể được sử dụng ở nách, hoặc trên tay chân của bạn.
    • Luôn mang theo bên mình một gói khăn giấy nhỏ, có khả năng khử mùi càng tốt để lau khô tay, mặt hoặc nách trong ngày khi cần thiết.
    • Luôn mang theo một chai nước bên mình để uống thường xuyên trong ngày. Nếu bạn bị mất nước, cơ thể sẽ tự động điều tiết đổ mồ hôi nhiều hơn để làm mát cơ thể.
    • Thay quần áo thường xuyên, tránh mặc quần áo bó sát và ưu tiên các loại quần áo rộng thoáng, có chất liệu từ sợi bông tự nhiên, có thể thấm hút mồ hôi tốt.
    • Lựa chọn tất và giày phù hợp. Sử dụng loại tất thấm hút mồ hôi và vệ sinh tất, giày thường xuyên.
    • Tập thể dục, hít thở sâu, tập yoga, thiền định, nghe nhạc, nghỉ ngơi thường xuyên và ngủ đủ giấc để giảm căng thẳng, nhằm ngăn ngừa đổ mồ hôi dầu do căng thẳng ngay từ đầu.
    • Loại bỏ lông khỏi những khu vực ra nhiều mồ hôi dầu và có mùi (như nách). Điều này sẽ giúp làm giảm sự phát triển của vi khuẩn tại khu vực này, do đó cũng giúp giảm mùi hôi.
    • Điều chỉnh chế độ ăn bằng cách hạn chế thức ăn cay nóng, thực phẩm có mùi nồng như tỏi và hành, giảm uống rượu hay thức uống chứa caffeine bởi đây đều là những tác nhân khiến bạn dễ đổ mồ hôi có mùi hơn.

    Nếu mồ hôi dầu và mùi cơ thể tiếp tục là vấn đề đáng xấu hổ và gây khó chịu đối với bạn sau khi thử các phương pháp ở trên, đừng ngần ngại trao đổi với bác sĩ để được thăm khám và điều trị. Bác sĩ sẽ chỉ định một số phương pháp điều trị chuyên sâu hơn như kê đơn thuốc, tiêm botulinum hoặc các phương pháp khác để giúp giải quyết tình trạng này và giảm mùi cơ thể.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 24/10/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo