backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

4

Hỏi bác sĩ
Lưu

7 cách giúp bạn vượt qua trầm cảm vì vỡ nợ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoa Vũ · Ngày cập nhật: 28/02/2020

    7 cách giúp bạn vượt qua trầm cảm vì vỡ nợ

    Bạn có thể bị trầm cảm vì vỡ nợ khi công ty phá sản, làm ăn thua lỗ, bị lừa đảo tiền bạc… Nếu bạn muốn nhanh chóng thoát khỏi tình trạng bế tắc vì nợ nần thì hãy kiên cường đứng lên từ những vấp ngã để làm lại cuộc đời nhé.

    Nếu tình trạng nợ nần kéo dài, bạn có thể gặp các triệu chứng của trầm cảm vì vỡ nợ dưới đây:

  • Đau đầu
  • Dễ nóng giận
  • Có ý định tự tử
  • Ám ảnh và khó ngủ
  • Thường xuyên sợ hãi
  • Giảm khả năng tập trung
  • Tránh né các mối quan hệ
  • Cảm thấy đau đớn về thể chất
  • Triệu chứng trầm cảm sẽ ngày càng tăng lên nếu bạn ở trong gia đình nghèo khó, thiếu thốn tiền bạc hay gặp những áp lực về gia đình.

    Các nhà nghiên cứu từ Đại học Southampton (Anh) đã xem xét mối quan hệ giữa các vấn đề sức khỏe và nợ không có đảm bảo trên 34.000 người tham gia khảo sát. Kết quả đã được công bố trên tạp chí Tâm lý học lâm sàng cho thấy những người mắc nợ có nguy cơ mắc bệnh tâm lý cao gấp ba lần so với những người không mắc nợ. Nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy những người mắc nợ có nhiều khả năng bị trầm cảm, sử dụng ma túy, rối loạn lo âu, thậm chí tìm đến cái chết do cảm thấy quá bế tắc về tài chính. (*)

    Tại Việt Nam, bệnh nhân trầm cảm vì vỡ nợ cũng ngày càng gia tăng ở các bệnh viện tâm lý khi mà các doanh nhân ở Việt Nam làm ăn thua lỗ và nợ nần chồng chất dẫn đến khủng hoảng tâm lý.

    Tình trạng vỡ nợ sẽ khiến cuộc sống của bạn gần như là bế tắc nếu bạn bị trầm cảm và không còn động lực để cố gắng. Hãy cùng tìm hiểu những cách đối mặt với tình trạng vỡ nợ để bạn mạnh mẽ thay đổi cuộc đời và tiến lên những bước thang của sự thành công nhé.

    1. Nói chuyện với những người tích cực

    Bạn không nên nói chuyện với những người bi quan trong cuộc sống khi đối mặt với tình trạng trầm cảm vì bạn sẽ dễ dàng buồn chán hơn. Nếu nói chuyện với người tích cực, bạn sẽ cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa, tinh thần lạc quan hơn và hình thành những suy nghĩ tích cực đối với những khó khăn trong cuộc sống.

    2. Tìm kiếm sự trợ giúp

    nhờ sự giúp đỡ để tránh trầm cảm vì vỡ nợ

    Nếu số nợ là không quá lớn nhưng bạn không thể xoay xở để trả trong thời gian ngắn thì bạn hãy nhờ đến sự trợ giúp từ gia đình hoặc người thân. Gia đình ban đầu có thể gây áp lực cho bạn đôi chút nhưng họ lại chính là những người thấu hiểu và quan tâm bạn hơn cả. Họ sẽ tiếp thêm sức mạnh và cùng bạn vượt qua những thời khắc khó khăn này.

    Nếu số nợ là quá lớn, bạn có thể nhờ đến cố vấn tài chính hoặc tìm đến công ty có dịch vụ tư vấn tài chính mà bạn tin tưởng. Bạn cũng có thể hỏi kinh nghiệm từ những người đã từng sử dụng dịch vụ này để không bị lừa đảo và khiến “tiền mất tật mang” nhé.

    3. Không ngừng phát triển bản thân

    Bạn có thể học hỏi và phát triển bản thân mình bằng những cách dưới đây:

    • Bổ sung kiến thức về ngành nghề bạn thích: Nếu bạn thích lĩnh vực quảng cáo sản phẩm, bạn có thể bổ sung kiến thức thêm về marketing. Nếu thích nấu ăn thì bạn có thể đăng ký học những lớp bí kíp nấu ăn để nâng cao tay nghề. Hãy bổ sung kiến thức, bạn sẽ tìm ra cách làm lại cuộc đời.

    • Học hỏi kinh nghiệm làm giàu: Bạn có thể học hỏi kinh nghiệm làm giàu khi tham gia những khóa hội thảo về kinh doanh. Bạn cũng có thể xem các chương trình khởi nghiệp trên tivi để học hỏi về cách khởi nghiệp như “Shark Tank Việt Nam”, …

    • Đọc sách về tư duy làm giàu: Mục tiêu xây dựng thói quen đọc sách cũng là cách giúp bạn thư giãn và định hướng để thành công trong cuộc sống. Bạn có thể tìm đọc những cuốn sách như “Bí mật tư duy triệu phú”, “Suy nghĩ và làm giàu”, “Làm gì để hết nợ nần”…

    4. Tiếp tục duy trì công việc

    duy trì công việc để không bị trầm cảm vì vỡ nợ

    Khi lo âu và buồn chán, bạn sẽ không còn động lực để tiếp tục làm việc. Tuy nhiên, bạn nên tiếp tục làm những công việc phù hợp với lĩnh vực mình am hiểu để phát triển bản thân và có cơ hội thăng tiến ở tại nơi làm việc.

    Bạn cũng cần sử dụng tiền một cách khôn ngoan nếu có kế hoạch đầu tư tiền vào một lĩnh vực kinh doanh nào. Nếu bạn bỏ nhiều vốn khi chưa có kinh nghiệm trong kinh doanh thì sẽ rất dễ dàng rơi vào tình trạng thất bại và đổ nợ lần nữa.

    Bạn không nên nghe những lời chào mời kiếm được nhiều tiền hơn từ số vốn ban đầu bạn bỏ ra trên các trang mạng xã hội vì bạn có thể gặp nhiều rủi ro bị mất tiền và lừa đảo.

    5. Xây dựng thói quen sinh hoạt lành mạnh

    • Ăn uống dinh dưỡng: Bạn nên ăn uống điều độ và chú ý đến chế độ dinh dưỡng dành riêng cho người bị trầm cảm như ăn các loại trái cây, rau củ, các loại thịt… Ngoài ra bạn cũng cần tránh những thực phẩm không tốt cho sức khỏe như thức ăn nhanh, các chất kích thích, đồ ăn chế biến sẵn…

    • Tập luyện thể thao: Tập thể thao sẽ giúp tinh thần bạn lạc quan hơn, thư giãn não bộ, hỗ trợ điều trị bệnh trầm cảm và nhiều loại bệnh khác. Bạn có thể tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe, bơi lội, tập yoga…

    • Thư giãn cơ thể: Bạn nên cho cơ thể nghỉ ngơi để tâm trí thoái mải và ổn định tâm trạng như tắm nước ấm, massage cơ thể, ngủ nhiều hơn…

    6. Học cách trả nợ thông minh

    học cách trả nợ thông minh

    Bạn có thể sẽ khiến các triệu chứng bệnh tâm lý trở nên tồi tệ hơn nếu không quản lý chi tiêu một cách hợp lý hay không chuẩn bị kế hoạch trả nợ chi tiết.

    Dưới đây là cách trả nợ thông minh bạn có thể tham khảo:

    – Liệt kê tất cả các thu nhập và các khoản phải chi trả trong một tháng của bạn.

    – Tính tổng các khoản nợ và tiền lãi mà bạn phải trả hàng tháng để giúp bạn lập kế hoạch cho chi tiêu.

    – Tiết kiệm việc sử dụng điện hoặc những khoản chi tiêu không cần thiết để giảm mức chi cho hóa đơn tiền điện, nước, ăn ở, mua sắm, sinh hoạt… Khi chi tiêu giảm xuống thì bạn có thể nâng mức trả nợ hàng tháng lên.

    – Ưu tiên trả nợ có mức lãi suất cao nhất để mức lãi suất sẽ thấp dần xuống.

    – Liên hệ với các chủ nợ để thay đổi mức thanh toán nếu bạn thấy mình không thể đáp ứng việc trả nợ.

    – Xem xét làm thêm công việc bán thời gian để có dư mức thu nhập cho việc trả nợ.

    Ngoài lên kế hoạch trả nợ, bạn cũng nhớ chuẩn bị ngân sách cho những trường hợp khẩn cấp để không bị áp lực tài chính như những lúc bị đau ốm hay bệnh tật. Những khoản tiền khẩn cấp cho người thân cũng nên được bạn chuẩn bị cẩn thận như đóng tiền học cho con, nuôi dưỡng người thân lớn tuổi…

    7. Điều trị tâm lý

    Bạn nên tìm đến bác sĩ tâm lý để cải thiện sức khỏe tinh thần khi không thể kiểm soát hành vi chi tiêu và tình trạng căng thẳng hay có ý định tự tử.

    Việc giải quyết nợ nần sẽ là một trong những cách nhanh nhất giúp bạn vượt qua trầm cảm vì vỡ nợ. Vì thế, bạn hãy tạo động lực cho bản thân để kiên trì làm việc và tích góp trả nợ, tránh nản chí khi thu nhập của bạn không nhiều nhưng số nợ quá lớn.

    Bạn lưu ý không nên vay mượn tiền từ các tổ chức xã hội đen hay tín dụng đen trong những giờ phút túng quẫn. Đây là hành động không chỉ trái với quy định của pháp luật mà còn khiến bạn gặp nhiều rủi ro bị hành hung và khả năng trả được nợ là khá thấp. Bạn hãy tin tưởng vào những nỗ lực của bản thân, tình hình tài chính rồi sẽ ngày càng cải thiện hơn.

    Hoa Vũ HELLO BACSI

    (*) Sciencedirect The relationship between personal unsecured debt and mental health Mối quan hệ giữa nợ cá nhân không đảm bảo và sức khỏe tinh thần.  

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Hoa Vũ · Ngày cập nhật: 28/02/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo