backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Thiên kiến xác nhận là gì? Confirmation bias trong tâm lý học

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Sương · Tâm thần · Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP HCM


Tác giả: Phong Huỳnh · Ngày cập nhật: 18/03/2024

Thiên kiến xác nhận là gì? Confirmation bias trong tâm lý học

Trong tâm lý học, thiên kiến xác nhận (hay thiên kiến thiên lệch) là khái niệm chỉ trạng thái vô thức tìm kiếm những thông tin, giúp củng cố cho niềm tin hoặc giả thuyết của chính mình ở một người. Cụ thể hơn, thiên kiến xác nhận là gì mà có khả năng ảnh hưởng đến việc ra quyết định và xác định xu hướng tìm kiếm thông tin của chúng ta?

Bên cạnh việc tìm hiểu khái niệm thiên kiến xác nhận là gì, bạn cũng cần biết thêm về các dạng của thiên kiến xác nhận. Từ đó, bạn có thể nhận diện và tìm cách thoát khỏi tình trạng khi vô thức mắc phải khuynh hướng này.

Thiên kiến xác nhận là gì?

Theo định nghĩa của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ – APA, thiên kiến xác nhận (confirmation bias) là xu hướng tìm kiếm và thu thập những thông tin, bằng chứng giúp xác nhận cho những kỳ vọng, niềm tin và giả thuyết mà chúng ta đưa ra trước đó.
Tình trạng này khiến chúng ta chỉ nhìn thấy những thông tin giúp củng cố quan điểm bản thân, chỉ có một cái nhìn phiến diện về vấn đề, và bỏ qua hầu hết các thông tin trái chiều đối với giả thuyết mà chúng ta đưa ra.
Những người có thiên kiến xác nhận có xu hướng tìm kiếm, phân tích, ghi nhớ và coi trọng tích lũy những bằng chứng ủng hộ quan điểm cá nhân họ. Trong khi đó, họ lại bỏ qua, gạt bỏ hoặc đánh giá thấp những bằng chứng không ủng hộ quan điểm của họ. 

Ví dụ về thiên kiến xác nhận là gì?

Ví dụ bạn có thiên kiến xác nhận tiêu cực về sức khỏe của mình, khi bạn có triệu chứng đau bụng, bạn sẽ đưa ra giả thuyết là bạn đang mắc bệnh đau dạ dày nghiêm trọng. Thay vì đến gặp bác sĩ để được khám bệnh và chẩn đoán, bạn lại tìm kiếm các thông tin trên internet hoặc hỏi ý kiến của những người xung quanh để xác nhận là bạn đang bị đau dạ dày thật. Lúc này, bạn sẽ có khuynh hướng chọn tin vào những thông tin và ý kiến cùng chiều với giả thuyết của bạn. Đồng thời, bạn cũng sẽ bỏ ngoài tai những thông tin bác bỏ giả thuyết của bạn.

Chưa kể, nếu những niềm tin và ý kiến đó đều xác nhận tình trạng của bạn thì bạn sẽ cảm thấy lo lắng về sức khỏe của mình. Hậu quả là tình trạng lo lắng kéo dài sẽ lại càng khiến bạn cảm thấy đau dạ dày hơn (stress-related stomach pain).

Các dạng thiên kiến xác nhận

Theo Trang thông tin Tâm lý học – Simply Psychology, thiên kiến xác nhận được phân ra thành 3 loại: Thiên kiến tìm kiếm thông tin, thiên kiến phân tích và trí nhớ thiên kiến.

1. Thiên kiến tìm kiếm thông tin

Thiên kiến xác nhận tìm kiếm thông tin là gì? Thiên kiến xác nhận tìm kiếm thông tin (biased search for information) là xu hướng tìm kiếm thông tin một chiều (phiến diện) để củng cố cho niềm tin và giả thuyết đặt ra trước đó. Bên cạnh đó, tưởng chừng như việc đặt câu hỏi sẽ mang tính khách quan nhưng bạn cũng có xu hướng đặt câu hỏi theo hướng khẳng định. Bạn thường sẽ tiến hành tìm kiếm bằng những câu hỏi đóng với nội dung giả thuyết theo hướng “có”. 

Ví dụ

Niềm tin của bạn là ‘ăn chay sẽ giúp sống thọ hơn’. Khi tìm kiếm thông tin trên Google, bạn sẽ thường đặt câu hỏi như ‘Ăn chay có giúp sống thọ không?’ hoặc ‘Điều gì khiến người ăn chay sống thọ?’. Kết quả bạn nhận được phần lớn sẽ là những nghiên cứu trên những người ăn chay có tuổi thọ cao, lúc này niềm tin và giả thuyết của bạn sẽ được củng cố. 

2. Thiên kiến phân tích

Thiên kiến phân tích (biased interpretation) là xu hướng phân tích dữ liệu theo cách ủng hộ cho quan điểm và giả thuyết ban đầu. Điều này diễn ra khi người phân tích luôn đánh giá cao những bằng chứng xác nhận hơn là những bằng chứng chống lại quan điểm và giả thuyết của mình. Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng những người này cũng không có xu hướng thay đổi quan điểm dù cho đã biết được những bằng chứng ngược lại do cách phân tích thiên kiến của họ. 

Ví dụ

Để làm rõ khái niệm này, trường Đại học Stanford đã thực hiện một nghiên cứu về ‘hình phạt tử hình’. Trong đó, những người tham gia nghiên cứu được chia thành hai nhóm, một nhóm ủng hộ và một nhóm chống lại quan điểm hình phạt tử hình. Kết quả cho thấy, mặc dù cả hai nhóm đều cùng đọc tài liệu và nghiên cứu như nhau; nhưng mỗi nhóm vẫn phân tích và đưa ra luận điểm ủng hộ cho quan điểm của mình, đồng thời bác bỏ những chứng cứ chống lại quan điểm của nhóm.

3. Trí nhớ thiên kiến

Trí nhớ thiên kiến (biased memory) là xu hướng chọn lọc ký ức phù hợp nhằm ủng hộ cho quan điểm hiện tại. Để xác nhận niềm tin cá nhân, bạn có xu hướng ghi nhớ thông tin một cách có chọn lọc. 

Ví dụ

Trong một cuộc khảo sát, những người tham gia được yêu cầu đánh giá tính cách của cô gái A, xem cô ấy phù hợp với công việc bán hàng hay nhân viên thư viện. Kết quả khảo sát cho thấy, những người tham gia khảo sát là nhân viên bán hàng có khuynh hướng nhớ lại và liệt kê những tính cách hướng ngoại của cô ấy. Trong khi đó, những nhóm khác thì không nhận xét như vậy. 

Dấu hiệu nhận biết khi mắc phải thiên kiến xác nhận

Khi tìm hiểu thiên kiến xác nhận là gì, nhiều người nghĩ rằng, bản thân họ sẽ không mắc phải hiệu ứng này. Tuy nhiên trên thực tế, chúng ta thường xuyên mắc phải hiệu ứng này trong vô thức mà không hề nhận ra.

Do đó, các chuyên gia đã đưa ra một số dấu hiệu để bạn có thể nhận biết khi nào mình đang mắc phải hiệu ứng confirmation bias trong tâm lý học:

  • Đánh giá các thông tin dựa trên quan điểm và kiến thức của bản thân mà không kiểm chứng lại.
  • Chỉ tìm kiếm, thu thập những thông tin củng cố cho quan điểm và niềm tin hiện tại.
  • Chỉ tìm kiếm những thông tin xác nhận niềm tin của bạn và bỏ qua hoặc không đánh giá cao, không để tâm những thông tin không có lợi cho niềm tin đó.
  • Đánh giá cao những quan điểm và ý kiến ủng hộ cho quan điểm của bản thân; thay vì phải xem xét và đánh giá một cách khách quan.
Thiên kiến xác nhận là gì
Thiên kiến xác nhận xảy ra khi chúng ta chỉ chọn tin vào những gì chúng ta muốn tin

Vì sao chúng ta thường mắc phải thiên kiến xác nhận?

Chúng ta có thể vô thức vấp phải thiên kiến xác nhận bởi ba lý do sau:

1. Quá trình xử lý thông tin

Theo góc nhìn của tâm lý học và khoa học não bộ, việc xử lý và ghi nhớ thông tin một cách có chọn lọc là do sự giới hạn tiếp nhận và xử lý thông tin của não bộ (capacity limits of information processing in the brain). Bên cạnh đó, thiên kiến xác nhận đóng vai trò như một bộ lọc, giúp chúng ta chỉ tập trung vào những thông tin cần thiết và loại bỏ những thông tin ngoài lề.

2. Bảo vệ lòng tự tôn

Lòng tự tôn là giá trị hình ảnh mà mỗi người tự đề ra. Chúng ta muốn bảo vệ hình ảnh đó bằng cách cam kết với niềm tin của mình. Kết quả là ta có xu hướng tìm kiếm thông tin để ủng hộ cho niềm tin đó.

Nhà tâm lý người Mỹ Robert Cialdini đã trình bày điều này thông qua 6 quy tắc thuyết phục, trong đó có nguyên tắc ‘cam kết và tương đồng – commitment and consistency’. Theo nguyên tắc này, khi đã cam kết với một điều gì đó, chúng ta cần tin tưởng và bảo vệ niềm tin đó để tránh bị xem là người không đáng tin cậy trong mắt người khác.

3. Giảm thiểu bất hòa nhận thức

Bất hòa nhận thức (cognitive dissonance) là trạng thái mâu thuẫn nội tâm của một người, khi họ có cùng hai niềm tin trái ngược nhau; tình trạng này vô tình gây ra sự mâu thuẫn và khó chịu trong nội tâm của họ.

Do đó, thiên kiến xác nhận thường được sử dụng như một cách để giảm sự bất hòa nhận thức trong suy nghĩ. Chẳng hạn, bạn đang cảm thấy lo lắng khi sắp phải đi khám tổng quát, thiên kiến xác nhận sẽ tìm kiếm thông tin giúp củng cố cho tầm quan trọng của việc đi khám, đồng thời giúp bạn giảm cảm giác lo lắng, cụ thể như ‘khám tổng quát sẽ tốt cho bạn; phòng bệnh hơn chữa bệnh; chẳng may có bệnh thì cũng đã phát hiện kịp thời…

Cách thoát khỏi tình trạng thiên kiến xác nhận

Sau khi hiểu thiên kiến xác nhận là gì, có lẽ bạn cũng mong mình có được cái nhìn đa chiều để tránh tình trạng tin tưởng vào một niềm tin một cách mù quáng. Vậy làm thế nào để nhận ra và thoát khỏi thiên kiến xác nhận?

Theo các chuyên gia tâm lý, để thoát khỏi thiên kiến xác nhận bạn hãy áp dụng 3 cách sau:

1. Thay đổi suy nghĩ nội tâm

Để tránh bị ảnh hưởng bởi thiên kiến xác nhận, bạn nên bắt đầu bằng việc đánh giá lại các nghiên cứu và các nguồn thông tin mà bạn đã tiếp nhận. Bên cạnh đó, bạn cần đặt thêm nhiều câu hỏi để thách thức và kiểm chứng lại các kết luận từ các thông tin đó. Ngoài ra, bạn có thể áp dụng những cách sau đây:

  • Tìm đọc thêm các nghiên cứu đối lập, phản biện.
  • Kiểm tra độ tin cậy của thông tin mà bạn tiếp cận, bằng cách đọc thêm nhiều nguồn khác nhau trong cùng một chủ đề, chúng có tài liệu tham khảo từ các nguồn thông tin chính thống hay không…
  • Giữ thái độ cởi mở đón nhận các thông tin và bằng chứng trái chiều.

2. Cho phép bản thân được thử và sai

Thông thường, chúng ta không muốn bản thân bị đánh giá thấp, nhất là những khi niềm tin của ta bị người khác phản biện hoặc không được nhiều nghiên cứu ủng hộ. 

Tuy nhiên, đôi khi việc sợ hãi mắc sai lầm thường khiến chúng ta hành động cố chấp với những nhận định mù quáng. Do đó, chúng ta cần cởi mở với bản thân, cho phép mình được thử và sai để có cơ hội mở rộng góc nhìn và trải nghiệm nhiều điều thú vị mới.

3. Đánh giá niềm tin của bạn một cách khách quan

Một cách nữa mà bạn có thể áp dụng để tránh thiên kiến xác nhận đó là kiểm tra niềm tin của bạn trong cuộc sống hàng ngày. Vì những thông tin mà bạn tiếp cận hàng ngày sẽ ngày càng củng cố cho niềm tin đó là đúng. 

Ví dụ, niềm tin của bạn luôn cho rằng những người thừa cân, béo phì thường lười biếng vận động thể chất. Như vậy, khả năng cao là bạn chưa từng biết đến sự chăm chỉ tập luyện của các vận động viên sumo với những bài tập sumo training. Khi đó, bạn hãy thử một lần xem qua những buổi tập ấy, bạn sẽ có thêm nhiều góc nhìn mới.

Để có thể nhận diện được niềm tin của bản thân, bạn cần rèn luyện thêm khả năng tự nhận thức bản thân – self awareness.

Kết luận

Tóm lại, thiên kiến xác nhận là một hiện tượng tâm lý mà con người có xu hướng tìm kiếm, thu thập và ghi nhớ thông tin một cách có chọn lọc; sao cho những thông tin ấy vừa ủng hộ và vừa giúp củng cố cho niềm tin cá nhân của họ.

Qua bài viết này, Hello Bacsi tin rằng bạn đọc đã hiểu rõ hơn về khái niệm thiên kiến xác nhận là gì và cũng biết cách nhận diện các dấu hiệu và biết cách thoát khỏi hiệu ứng này.

Bạn có thể quan tâm:

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Sương

Tâm thần · Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP HCM


Tác giả: Phong Huỳnh · Ngày cập nhật: 18/03/2024

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo