backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

5 tác dụng của đi bộ nhanh ít người biết đến

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoa Vũ · Ngày cập nhật: 03/07/2021

    5 tác dụng của đi bộ nhanh ít người biết đến

    Bạn đã nghe nói đến đi bộ nhanh đúng cách? Đi bộ nhanh có tác dụng gì? Lợi ích của đi bộ nhanh 150 phút mỗi tuần chia đều trong 5 ngày sẽ khiến bạn ngạc nhiên đấy. Hãy cũng tìm hiểu những tác dụng của đi bộ nhanh để bổ sung bài tập này vào kế hoạch chăm sóc sức khỏe của mình nhé.

    1. Tác dụng của đi bộ nhanh giúp giảm cân

    Đi bộ nhanh có giảm cân không là câu hỏi được khá nhiều người quan tâm. Vận động thể chất rất quan trọng với việc giảm cân. Đi bộ là một ví dụ điển hình. Bạn đi bộ càng nhanh, càng nhiều calo bị đốt cháy. Tác dụng của đi bộ nhanh còn bao gồm tăng cường trao đổi chất, củng cố và tăng khối lượng cơ, giúp chắc xương. Do đó đi bộ nhanh có tác dụng giúp cơ thể giữ thăng bằng tốt hơn và vận động nhịp nhàng hơn.

    Hoạt động thể chất như đi bộ nhanh trong 30 phút mỗi ngày sẽ giúp bạn đốt cháy 150 calo. Nếu bạn muốn đốt cháy nhiều lượng calo hơn thì hãy đi bộ với tốc độ nhanh trong thời gian lâu hơn.

    Ví dụ, bạn sẽ đốt cháy nhiều calo hơn nếu đi bộ với tốc độ 6km/1 giờ trong 35 phút so với tốc độ 3km/1 giờ trong vòng 20 phút.

    Bạn không nên đi bộ nhanh quá sức vì sẽ làm tăng nguy cơ bị đau nhức, chấn thương và kiệt sức. Bạn nên bắt đầu tập với những chuyến đi ngắn và cường độ thấp rồi tăng dần lên. Bên cạnh bài tập đi bộ giảm cân, bạn cần kết hợp thói quen ăn uống lành mạnh thì giảm cân mới hiệu quả.

    2. Đi bộ nhanh có tác dụng gì: cải thiện sức khỏe tim mạch

    đi bộ nhanh có tác dụng gì với tim mạch

    Các nghiên cứu cho thấy đi bộ nhanh trong 5 ngày một tuần sẽ giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Lợi ích của đi bộ nhanh đối với sức khỏe tim mạch được thực hiện thông qua những cải thiện một cách toàn diện lên các tình trạng:

    • Béo phì
    • Nồng độ cholesterol LDL và triglyceride trong máu
    • Tiểu đường type 2
    • Tình trạng xơ vữa của mạch máu

    Phòng tránh được những yếu tố trên sẽ giúp kiểm soát được huyết áp và cải thiện sức khỏe trái tim.

    Tác dụng của đi bộ nhanh dần còn áp dụng cho những người đang hồi phục sau các bệnh lý tim mạch. Tuy nhiên bạn luôn cần những đánh giá và hướng dẫn từ bác sĩ để thực hiện bài tập một cách an toàn.

    Nếu bị mắc bệnh tim, bạn nên tìm gặp bác sĩ để kiểm tra về mức độ an toàn trước khi thực hiện bài tập đi bộ nhanh. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện bài kiểm tra căng thẳng để theo dõi ảnh hưởng của việc tập thể dục đến tốc độ và nhịp tim của bạn.

    3. Tác dụng của đi bộ nhanh giúp hạ huyết áp

    Những tác dụng của đi bộ nhanh lên hệ tim mạch và huyết áp có tác động tương hỗ lẫn nhau. Như đã nói bên trên, đi bộ nhanh giúp tim khỏe, đập nhịp nhàng và ổn định hơn. Việc trái tim không cần gồng mình lên để bơm máu là yếu tố quan trọng trong phòng ngừa và chữa trị cao huyết áp.

    đi bộ nhanh có tác dụng gì? hạ huyết áp

    Ngoài ra, lợi ích của đi bộ nhanh trong giảm mỡ máu còn giúp cho thành mạch máu không bị thu hẹp và có độ đàn hồi tốt. Điều này giúp máu lưu thông dễ dàng, giảm sức ép máu lên thành mạch. Điều này ngược lại sẽ giảm được gánh nặng cho tim và về lâu dài giữ huyết áp ở mức ổn định.

    Đi bộ nhanh trong 30 – 45 phút từ 5 – 6 ngày/1 tuần sẽ giúp bạn kiểm soát huyết áp. Bạn có thể kết hợp thêm một hoạt động thể thao yêu thích để hỗ trợ giảm huyết áp như đi bộ, bơi lội, đạp xe, chạy bộ, nâng tạ…

    Trong khi luyện tập, bạn hãy để cơ thể của mình đổ nhiều mồ hôi nhưng không đến nỗi bị hụt hơi hoặc không thể trò chuyện khiến bạn tăng nguy cơ bị chấn thương.

    4. Tác dụng của đi bộ nhanh với bệnh nhân tiểu đường tuýp 2

    Đối với bệnh nhân tiểu đường tuýp 2, đi bộ nhanh là một bài tập vừa sức. Tác dụng của đi bộ nhanh trong tiêu thụ và giảm nồng độ glucose máu sẽ tăng độ nhạy glucose của hormone insulin. Bài tập đi bộ nhanh sẽ giúp đối kháng lại tình trạng thiếu vận động ở bệnh nhân tiểu đường thông qua làm săn chắc cơ bắp mà lại ít tạo áp lực cho các khớp xương. Lợi ích của đi bộ nhanh còn nằm ở việc giải tỏa thái độ tiêu cực và khiến người bệnh lạc quan hơn.

    Bạn lưu ý chỉ nên tập thể dục vừa phải vì nếu tập luyện quá sức sẽ tạo ra nhiều hormone gây căng thẳng và làm tăng lượng đường máu. 

    Khi đi bộ nhanh, bạn nên mang giày vừa vặn, thoải mái và mang tất (vớ) cotton không chà xát để ngăn ngừa mụn nước gây nhiễm trùng nghiêm trọng nếu bị bệnh tiểu đường. Bạn cũng cần kiểm tra lượng đường huyết để ăn nhẹ trước khi tập nếu đường huyết dưới 100 và uống nhiều nước trong và sau khi tập luyện.

    5. Đi bộ nhanh có tác dụng gì: cải thiện sức khỏe tinh thần

    lợi ích của đi bộ nhanh với sức khỏe tinh thần

    Nghiên cứu chỉ ra rằng tác dụng của đi bộ nhanh có thể giúp bạn tăng cường sự tự tin, cải thiện chất lượng giấc ngủ và thúc đẩy não bộ hoạt động tốt hơn. Qua đó bài tập này cũng hỗ trợ bạn điều trị chứng trầm cảm, giảm thiểu căng thẳng, lo lắng và mệt mỏi. Người lớn tuổi duy trì việc đi bộ rất tốt trong phòng ngừa và cải thiện suy giảm trí nhớ.

    Cần lưu ý rằng, dù tình trạng sức khỏe như thế nào, bạn luôn phải vận động để khỏe hơn. Nếu bạn đang có các bệnh lý cần sự quan tâm sát sao như tim mạch, đái tháo đường, huyết áp,… bạn nên tham khảo cẩn thận ý kiến bác sĩ để biết cách phòng tránh tác hại ngoài ý muốn.

    Hoa Vũ HELLO BACSI

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Hoa Vũ · Ngày cập nhật: 03/07/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo