backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Ibrafen là thuốc gì? Chỉ định, cách dùng, lưu ý khi sử dụng

Tham vấn y khoa: Dược sĩ Dương Thái Hưng · Dược · Hello Bacsi


Tác giả: Nguyễn Ngọc Phượng · Ngày cập nhật: 25/12/2023

    Ibrafen là thuốc gì? Chỉ định, cách dùng, lưu ý khi sử dụng

    Ibrafen là thuốc không kê đơn của công ty cổ phần dược phẩm OPV. Ibrafen được chỉ định giảm đau, kháng viêm trong các trường hợp đau đầu, đau răng, đau cơ, đau bụng kinh. Trên thị trường hiện có 2 dạng bào chế của Ibrafen: viên nén và siro.

    Siro Ibrafen 30ml, 60ml tương đối phổ biến, được sử dụng cho trẻ từ 3 tháng tuổi. Dạng viên nén Ibrafen 200mg cũng khá quen thuộc trên thị trường. Tìm hiểu về thuốc Ibrafen ngay để dùng thuốc hiệu quả và an toàn!

    Thuốc Ibrafen là gì?

    Ibrafen là thuốc giảm đau, hạ sốt, kháng viêm không kê đơn thuộc nhóm kháng viêm không steroid (NSAID). Trên thị trường, Ibrafen có 2 dạng bào chế là viên nén và siro.

    ibrafen
    Thuốc Ibrafen có chứa hoạt chất ibuprofen
    • Hoạt chất: Ibuprofen. Ibuprofen là dẫn xuất của acid propionic có tác dụng hạ sốt, giảm đau và chống viêm. Tác dụng hạ sốt kém nên ít dùng trong chỉ định này. Ngược lại, tác dụng chống viêm, giảm đau mạnh và tác dụng chống viêm xuất hiện tối đa sau 2 ngày điều trị.
    • Dạng bào chế: viên nén Ibrafen 200mg, siro 30ml, siro 60ml
    • Viên nén Ibrafen 200mg: Viên nén bao phim, hình thuôn dài, màu hồng cam, hai mặt lồi, trên hai mặt viên có in chữ Ibrafen 200 màu đen. Đóng gói hộp 10 vỉ x 10 viên; hộp 1 chai 100 viên; hộp 1 chai 400 viên.
    • Siro: Hỗn dịch uống với thành phần chính là 100mg Ibuprofen/ 5ml hỗn dịch. Đóng gói hộp 1 chai 30ml và 60ml.
  • Nhà sản xuất: Công ty cổ phần dược phẩm OPV.
  • Thuốc hạ sốt Ibrafen giá bao nhiêu?

    • Ibrafen chai 30ml: 38.000 – 50.000 đồng
    • Ibrafen chai 60ml: 47.000 – 60.000 đồng

    Chỉ định của Ibrafen

    Các tác dụng của Ibrafen gồm:

    • Hạ sốt.
    • Giảm đau và viêm từ nhẹ đến vừa trong các trường hợp sau:  Cảm cúm, đau răng, nhức đầu, đau họng, đau của hệ thống cơ quan vận động.
    • Dùng ibuprofen có thể giảm bớt liều thuốc chứa thuốc phiện trong điều trị đau sau đại phẫu thuật hay đau do ung thư. 
    • Viêm khớp dạng thấp, viêm khớp dạng thấp thiếu niên.
    • Chứng còn ống động mạch ở trẻ sơ sinh thiếu tháng, dưới 34 tuần.
    • Đau bụng kinh.

    Liều dùng – cách dùng thuốc Ibrafen

    Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

    1.Viên nén Ibrafen 200mg

    • Giảm đau và hạ sốt: uống khởi đầu liều 200mg – 400mg . Sau đó, nếu cần thiết, uống lặp lại liều này mỗi 4 – 6 giờ. Không vượt quá 1200 mg/ngày (6 viên 200mg hoặc 3 viên 400mg).
    • Viêm khớp: liều duy trì: 1200 – 1800 mg/ngày (6 đến 9 viên 200mg hoặc 3 đến 41/2 viên 400mg).
    • Đau bụng kinh (thống kinh): 400 mg/lần x 3 đến 4 lần/ngày.

    2. Siro Ibrafen 100mg/ 5ml

    Thuốc được bào chế dạng hỗn dịch uống nên bệnh nhân sử dụng thuốc bằng đường uống. Lắc kỹ lọ thuốc trước khi uống. Dùng sau bữa ăn.

    Liều dùng:

    • Trẻ em từ 3 tháng đến 12 tuổi: Không nên dùng cho trẻ em dưới 5 kg. Đối với đau và sốt: 20-30mg/kg/ngày chia làm nhiều lần.
    • Trẻ từ 3 – 6 tháng (cân nặng hơn 5kg): 2,5ml, 3 lần/ngày. Không sử dụng quá 24 giờ.
    • Trẻ từ 6 – 12 tháng: 2,5ml, 3 lần/ngày.
    • Trẻ em 1 – 2 tuổi: 2,5ml, 3 – 4 lần/ngày.
    • Trẻ em 3 – 7 tuổi: 5ml, 3 – 4 lần/ngày.
    • Trẻ em 8 – 12 tuổi: 10, 3 – 4 lần/ngày.

    Các liều nên dùng cách nhau mỗi 6 – 8 giờ, và khoảng cách giữa 2 lần dùng thuốc cách nhau ít nhất 4 giờ. 

    Lưu ý:

    • Không dùng cho trẻ em dưới 3 tháng tuổi.
    • Đối với trẻ em 3 – 5 tháng tuổi: Nếu các triệu chứng của trẻ xấu đi hoặc nếu các triệu chứng kéo dài hơn 24 giờ, tham khảo ý kiến bác sĩ.
    • Đối với trẻ em 6 tháng tuổi trở lên: Nếu triệu chứng xấu đi hoặc nếu triệu chứng kéo dài trên 3 ngày, tham khảo ý kiến bác sĩ.

    liều dùng ibrafen

    Quá liều Ibrafen

    Không có nhiều trường hợp ngộ độc cấp tính ibuprofen được báo cáo. Tác dụng không mong muốn do quá liều ibuprofen thường phụ thuộc vào lượng thuốc uống và thời gian uống. Mỗi người có khả năng đáp ứng với thuốc không giống nhau nên liều gây ngộ độc cũng không giống nhau.

    Hầu hết các bệnh nhân đã tiêu hóa lượng đáng kể ibuprofen có biểu hiện triệu chứng trong vòng 4 đến 6 giờ.

    • Triệu chứng quá liều được báo cáo nhiều nhất bao gồm đau bụng, buồn nôn, nôn, thờ ơ và ngủ gà, có thể xảy ra đau đầu, cơn co cứng, ức chế thần kinh trung ương, co giật, hạ huyết áp, nhịp nhanh, thở nhanh và rung nhĩ.
    • Có báo cáo nhưng hiếm về nhiễm toan chuyển hóa, hôn mê, suy thận cấp, tăng kali huyết, ngừng thở (chủ yếu ở trẻ nhỏ), ức chế hô hấp và suy hô hấp. 
    • Có sự liên quan rất ít giữa nồng độ ibuprofen trong máu và các phản ứng nghiêm trọng xảy ra khi quá liều ibuprofen.

    Trong trường hợp quá liều đáng kể, có thể xảy ra suy thận và tổn thương gan. Quá liều một lượng lớn nhìn chung có thể dung hòa được nếu không có thuốc nào khác được sử dụng cùng.

    Xử trí: Thường là điều trị triệu chứng và hỗ trợ. Nếu đã uống quá liều thì cần áp dụng những biện pháp sau đây nhằm tăng đào thải và bất hoạt thuốc: rửa dạ dày, gây nôn và lợi tiểu, cho uống than hoạt hay thuốc tẩy muối. Nếu nặng: thẩm tách máu hoặc truyền máu.

    Vì thuốc gây toan hóa và đào thải qua nước tiểu nên về lý thuyết sẽ có lợi khi cho truyền dịch kiềm và lợi tiểu. Cần phải theo dõi, kiểm soát nguy cơ hạ huyết áp, chảy máu dạ dày và toan hóa máu.

    Ở trẻ em tính liều theo trọng lượng cơ thể có thể giúp dự đoán trước nguy cơ độc tính nhưng nên đánh giá trên từng cá thể. Liều dưới 100 mg/kg ít xảy ra độc tính ở trẻ em. Liều 100 – 400 mg/kg cần uống khi đói và theo dõi trẻ tại cơ sở y tế 4 giờ sau khi uống thuốc.Với liều trên 400 mg/kg cần can thiệp bằng thuốc ngay lập tức, theo dõi chặt chẽ, điều trị hỗ trợ, không khuyến cáo sử dụng các thuốc gây nôn do nguy cơ gây co giật và hít vào dạ dày.

    Chống chỉ định thuốc Ibrafen

    • Bệnh nhân mẫn cảm với Ibuprofen, aspirin hay các thuốc kháng viêm không steroid khác (hen, viêm mũi, nổi mày đay sau khi dùng aspirin).
    • Bệnh nhân quá mẫn với bất kỳ thành phần tá dược nào của thuốc.
    • Bệnh nhân bị loét dạ dày tá tràng đang tiến triển hoặc có tiền sử loét đường tiêu hóa hoặc chảy máu dạ dày ruột tái diễn (có ít nhất 2 lần riêng biệt có bằng chứng loét hoặc chảy máu). 
    • Bệnh nhân có tiền sử chảy máu hoặc thủng dạ dày ruột có liên quan đến việc sử dụng NSAID trước đó.
    • Trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi. 
    • Trẻ sơ sinh thiếu tháng đang có chảy máu như chảy máu dạ dày, xuất huyết trong sọ và trẻ có giảm tiểu cầu và rối loạn đông máu.
    • Trẻ sơ sinh có nhiễm khuẩn hoặc nghi ngờ nhiễm khuẩn chưa được điều trị.
    • Trẻ sơ sinh thiếu tháng nghi ngờ viêm ruột hoại tử.
    • Trẻ sơ sinh bị suy thận.
    • Phụ nữ có thai ở 3 tháng cuối thai kỳ.
    • Kết hợp với thuốc kháng đông đường uống, heparin, thuốc hạ đường huyết nhóm sulfonylurea, muối lithi, ticlopidine.
    • Người bệnh bị hen hay bị co thắt phế quản, rối loạn chảy máu, bệnh tim mạch, tiền sử loét dạ dày tá tràng, suy gan hoặc suy thận (mức lọc cầu thận dưới 30 ml/phút).
    • Người bệnh bị suy tim sung huyết (độ IV theo phân loại của NYHA), bị giảm khối lượng tuần hoàn do thuốc lợi niệu hoặc bị suy thận (tăng nguy cơ rối loạn chức năng thận).
    • Người bệnh mắc một trong nhóm bệnh mô liên kết (có nguy cơ bị viêm màng não vô khuẩn, cần chú ý là tất cả người bệnh bị viêm màng não vô khuẩn đều đã có tiền sử mắc một bệnh tự miễn).
    • Bệnh nhân trong tình trạng liên quan đến chảy máu hoặc tăng xu hướng chảy máu.
    • Bệnh nhân mất nước nặng (do nôn, tiêu chảy hoặc bù nước không đủ).

    Lưu ý khi sử dụng thuốc Ibrafen

    • Thận trọng khi dùng ibuprofen đối với người cao tuổi.
    • Rối loạn thị giác như nhìn mờ là dấu hiệu chủ quan và có liên quan đến tác dụng phụ của thuốc nhưng sẽ hết khi ngừng dùng ibuprofen. Khi rối loạn thị giác xảy ra trong thời gian điều trị, phải đi khám mắt.
    • Bệnh nhân có tiền sử loét dạ dày tá tràng, thoát vị hoành, xuất huyết tiêu hóa phải được theo dõi cẩn thận trong thời gian điều trị. Khởi đầu điều trị, theo dõi thể tích nước tiểu và chức năng thận ở bệnh nhân suy tim, xơ gan, thận hư, suy thận mãn tính, hoặc bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc lợi tiểu, đặc biệt ở người có tuổi.
    • Cũng như các thuốc NSAID khác, ibuprofen có thể che giấu dấu hiệu nhiễm trùng.
    • Nên tránh sử dụng ibuprofen cùng với các NSAID do nguy cơ tác dụng hiệp đồng.
    • Cần theo dõi chức năng gan thường xuyên khi sử dụng ibuprofen lâu dài.
    • Cần thận trọng và theo dõi chặt chẽ bệnh nhân suy giảm chức năng thận khi sử dụng ibuprofen.
    • Ibuprofen có thể tạm thời ức chế chức năng tiểu cầu máu (kết tập tiểu cầu) có thể làm cho thời gian chảy máu kéo dài.
    • Không dùng thuốc quá hạn sử dụng.

    Sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú

    Phụ nữ có thai

    Trong giai đoạn ba tháng đầu hoặc ba tháng giữa của thai kỳ, không nên sử dụng ibuprofen, trừ khi thật sự cần thiết. Nếu sử dụng ibuprofen cho phụ nữ đang cố gắng thụ thai hoặc trong ba tháng đầu/ba tháng giữa của thai kỳ, nên sử dụng liều thấp nhất có thể cũng như liệu trình điều trị càng ngắn càng tốt. Ibuprofen có thể ức chế co bóp tử cung và làm chậm quá trình chuyển dạ. Ibuprofen cũng có thể gây tăng áp lực phổi nặng và suy hô hấp nặng ở trẻ sơ sinh do đóng sớm ống động mạch trong tử cung. Ibuprofen ức chế chức năng tiểu cầu, làm tăng nguy cơ chảy máu. Do ức chế tổng hợp prostaglandin nên có thể gây tác dụng phụ trên hệ tim mạch của thai.

    Trong giai đoạn ba tháng cuối của thai kỳ, phải hết sức hạn chế sử dụng đối với bất cứ thuốc chống viêm nào. Các thuốc này chống chỉ định tuyệt đối trong vài ngày trước khi sinh.

    Phụ nữ cho con bú

    Trong những nghiên cứu hạn chế có được đến nay, ibuprofen xuất hiện trong sữa mẹ với hàm lượng rất thấp. Ít khả năng xảy ra nguy cơ cho trẻ ở liều bình thường với mẹ. Nếu có thể, nên tránh sử dụng ibuprofen cho những bà mẹ đang cho con bú vì nguy cơ ức chế prostaglandin tiềm tàng ở trẻ sơ sinh.

    Thận trọng khi sử dụng Ibrafen cho phụ nữ có thai và cho con bú
    Thận trọng khi sử dụng Ibrafen cho phụ nữ có thai và cho con bú

    Ảnh hưởng lên khả năng lái xe và vận hành máy móc

    Khi sử dụng ibuprofen, thời gian phản ứng của bệnh nhân có thể bị ảnh hưởng. Vì vậy cần tính đến tác động này đối với những hoạt động đòi hỏi cảnh giác cao, ví dụ như lái xe hoặc điều khiển máy móc. Điều này càng cần quan tâm hơn khi sử dụng thuốc kết hợp với rượu.

    Tác dụng không mong muốn

    Thường gặp:

    • Toàn thân: Sốt, mỏi mệt.
    • Tiêu hóa: Chướng bụng, buồn nôn, nôn.
    • Thần kinh trung ương: Nhức đầu, hoa mắt chóng mặt, bồn chồn.
    • Da: Mẩn ngứa, ngoại ban.

    Ít gặp: 

    • Toàn thân: Phản ứng dị ứng (đặc biệt co thắt phế quản ở người bệnh bị hen), viêm mũi, nổi mày đay.
    • Tiêu hóa: Ðau bụng, chảy máu dạ dày – ruột, làm loét dạ dày tiến triển.
    • Thần kinh trung ương: Lơ mơ, mất ngủ, ù tai.
    • Mắt: Rối loạn thị giác
    • Tai: Thính lực giảm.
    • Máu: Thời gian máu chảy kéo dài.

    Hiếm gặp: 

    • Toàn thân: Phù, nổi ban, hội chứng Stevens – Johnson, rụng tóc.
    • Thần kinh trung ương: Trầm cảm, viêm màng não vô khuẩn, nhìn mờ, rối loạn nhìn màu, giảm thị lực do ngộ độc thuốc.
    • Máu: Giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu trung tính, tăng bạch cầu ưa eosin, giảm bạch cầu hạt, thiếu máu.
    • Gan: Rối loạn co bóp túi mật, các thử nghiệm thăm dò chức năng gan bất thường, nhiễm độc gan.
    • Tiết niệu – sinh dục: Viêm bàng quang, đái ra máu, suy thận cấp, viêm thận kẽ, hội chứng thận hư.
    • Da: nhạy cảm với ánh sáng, viêm da tróc vảy.

    Tương tác thuốc

    • Ibuprofen và các thuốc kháng viêm không steroid khác làm tăng tác dụng ngoại ý của các kháng sinh nhóm quinolon lên hệ thần kinh trung ương và có thể dẫn đến co giật.
    • Magnesi hydroxyd làm tăng sự hấp thu ban đầu của Ibrafen 200; nhưng nếu nhôm hydroxyd cùng có mặt thì không có tác dụng này.
    • Với các thuốc kháng viêm không steroid khác: phối hợp thuốc làm tăng nguy cơ chảy máu và loét dạ dày tá tràng.
    • Methotrexat: phối hợp thuốc làm tăng độc tính huyết học của Methotrexat
    • Digoxin: phối hợp thuốc có thể làm tăng nồng độ digoxin huyết tương.
    • Warfarin: hiệp đồng tác dụng với warfarin gây chảy máu dạ dày. Phối hợp hai thuốc này làm tăng nguy cơ gây chảy máu dạ dày cao hơn khi dùng từng thuốc đơn độc.
    • Ibuprofen khi dùng đồng thời với aspirin làm tăng nguy cơ gây chảy máu dạ dày. Ngoài ra, ibuprofen làm giảm tác dụng của aspirin trên tim mạch và làm tăng nguy cơ tim mạch.
    • Ibuprofen làm tăng nồng độ huyết tương của lithi lên 12 – 67% và giảm thải trừ lithi qua thận. Có thể phải giảm liều lithi ở một số bệnh nhân và cần hiệu chỉnh liều lithi khi ngừng dùng ibuprofen.
    • Có một số bằng chứng về hiệp đồng tác dụng ức chế prostaglandin khi dùng đồng thời ibuprofen với các thuốc ức chế enzym chuyển hay đối kháng thụ thể angiotensin II làm giảm hiệu quả của các nhóm thuốc này trên huyết áp.
    • Sử dụng đồng thời corticoid và thuốc chống NSAID làm tăng nguy cơ loét dạ dày.

    Bảo quản Ibrafen

    Ở nhiệt độ dưới 30°C, nơi khô ráo, tránh ánh sáng.

    Hy vọng qua bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về tác dụng và lưu ý khi dùng thuốc Ibrafen nhé.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Dược sĩ Dương Thái Hưng

    Dược · Hello Bacsi


    Tác giả: Nguyễn Ngọc Phượng · Ngày cập nhật: 25/12/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo