backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Các loại kháng sinh răng lợi: Hiểu để dùng đúng

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Dược sĩ - Giảng viên Lê Thị Mai · Dược · Đại học Nguyễn Tất Thành


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 27/11/2022

    Các loại kháng sinh răng lợi: Hiểu để dùng đúng

    Nhiễm trùng răng thường xảy ra khi bạn vệ sinh răng miệng không đúng cách hoặc do can thiệp nha khoa trước đó. Thông thường, bác sĩ có thể chỉ định một số kháng sinh răng lợi để loại bỏ ổ nhiễm trùng, ngăn chặn biến chứng gây nguy hại cho sức khỏe. 

    Trong bài viết này, hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu cụ thể về các loại kháng sinh răng lợi thường được bác sĩ chỉ định trong điều trị nhiễm khuẩn răng miệng nhé! 

    Các loại thuốc kháng sinh răng lợi phổ biến 

    các loại kháng sinh răng lợi

    Có rất nhiều loại kháng sinh có khả năng chống lại các loại vi khuẩn gây nhiễm trùng răng miệng. Bên cạnh phổ tác dụng, bác sĩ còn dựa vào việc bệnh nhân có dị ứng kháng sinh nào hay không để đưa ra chỉ định điều trị. Dưới đây là một trong các kháng sinh răng lợi đầu tay của bác sĩ: 

    Amoxicillin 

    Amoxicillin – một kháng sinh nhóm beta-lactam, là lựa chọn kháng sinh răng hàng đầu, vì cho phổ kháng khuẩn rộng và ít gây tác dụng phụ trên đường tiêu hóa. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều kháng sinh khác, amoxicillin cũng có thể gây một số tác dụng phụ phổ biến như buồn nôn, tiêu chảy,… Hãy thông báo sớm với bác sĩ về các phản ứng khó chịu bạn gặp phải khi đang dùng thuốc. 

    Liều dùng amoxicillin (nếu bệnh nhân không dị ứng với penicillin) trong điều trị nhiễm khuẩn răng miệng theo khuyến cáo từ Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ (ADA) như sau: dùng đường uống, liều 500mg ba lần một ngày trong 3 đến 7 ngày.

    Penicillin 

    Penicillin cũng là một kháng sinh nhóm beta-lactam, thường được xem như chỉ định ưu tiên thứ 2 trong điều trị nhiễm khuẩn răng, sau amoxicillin. Tuy nhiên, đây được xem là một kháng sinh lâu đời và có tỷ lệ dị ứng, kháng thuốc cao nên cần xem xét cẩn thận tiền sử dị ứng với penicillin của bệnh nhân trước khi chỉ định. 

    Liều dùng penicillin theo khuyến cáo từ Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ như sau: dùng đường uống, liều 500 mg bốn lần mỗi ngày trong 3 đến 7 ngày.

    Cephalexin 

    Cephalexin là một kháng sinh nhóm cephalosporin, có tác dụng diệt khuẩn. Đây là loại kháng sinh răng lợi thường được chỉ định trong trường hợp bệnh nhân có tiền sử dị ứng nhẹ với penicillin, ampicillin hoặc amoxicillin. 

    Liều dùng khuyến cáo từ ADA như sau: 500 mg bốn lần một ngày, trong 3 đến 7 ngày.

    Đau răng uống kháng sinh gì? Clindamycin 

    Clindamycin là một loại kháng sinh có khả năng chống lại nhiều loại vi khuẩn, trong đó có nhiễm khuẩn răng miệng. Loại kháng sinh răng này thường được chỉ định trong những trường hợp bệnh nhân có tiền sử dị ứng nghiêm trọng với penicillin, ampicillin hoặc amoxicillin, với các triệu chứng như phát ban, sưng tấy hoặc tụt huyết áp.  

    Liều dùng clindamycin được ADA khuyến cáo như sau: dùng đường uống, liều 300 mg bốn lần một ngày trong 3 đến 7 ngày.

    Azithromycin

    Tương tự như clindamycin, azithromycin là một kháng sinh macrolid phổ rộng được chỉ định trong điều trị nhiều loại nhiễm khuẩn khác nhau, bao gồm là một kháng sinh răng lợi hiệu quả để thay thế  penicillin, ampicillin hoặc amoxicillin do người bệnh dị ứng nghiêm trọng với những loại thuốc này. 

    ADA khuyên dùng kháng sinh azithromycin trong điều trị nhiễm khuẩn răng miệng với liều tấn công 500 mg vào ngày đầu tiên, tiếp theo là 250 mg trong 4 ngày tiếp theo. 

    Các loại kháng sinh răng lợi khác có thể được chỉ định nếu những loại thuốc kể trên không hiệu quả, chẳng hạn như amoxicillin và clavulanate (Augmentin) hoặc metronidazole.

    Trong trường hợp có biến chứng áp xe răng, bạn cần được điều trị tại bệnh viện bằng cách truyền kháng sinh và dẫn lưu ổ áp xe. Với trường hợp này, loại kháng sinh răng tốt nhất là amoxicillin và clavulanate.

    Một số lưu ý khi dùng kháng sinh răng lợi chống nhiễm khuẩn răng miệng 

    Chỉ sử dụng kháng sinh răng lợi khi cần thiết

    Một số trường hợp nhiễm khuẩn răng miệng có thể được đẩy lùi bằng biện pháp vệ sinh nha khoa đơn thuần. Chỉ sử dụng kháng sinh khi cần thiết để giúp làm giảm tình trạng kháng kháng sinh

    Kháng kháng sinh là tình trạng thuốc được chỉ định không còn khả năng tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng răng miệng, thường do việc lạm dụng thuốc kéo dài. 

    Vì vậy, nếu bạn chỉ bị đau và không sưng, bác sĩ có thể chỉ định một số biện pháp can thiệp nha khoa (chẳng hạn cắt bỏ tủy hoặc chữa tủy, rạch dẫn lưu với viêm tủy, viêm quanh chóp, áp xe quanh chóp cấp tính) mà không cần đến kháng sinh. Trường hợp bạn có các dấu hiệu sưng, đau và sốt thì thuốc kháng sinh răng lợi có thể là một phần trong kế hoạch điều trị cùng với các thủ thuật nha khoa. 

    lưu ý khi sử dụng kháng sinh răng lợi

    Tuân thủ chỉ dẫn điều trị của bác sĩ và chú ý đến tác dụng phụ của thuốc 

    Bạn cần tuân thủ điều trị với liệu trình kháng sinh răng đã được bác sĩ chỉ định. Dù cho các triệu chứng nhiễm khuẩn đã thuyên giảm, bạn vẫn cần duy trì uống thuốc đúng theo liệu trình ban đầu. Nếu không nhiễm trùng tái phát sẽ khó để điều trị dứt điểm. 

    Khi dùng thuốc kháng sinh răng, bạn cũng có thể gặp phải các tác dụng phụ sau: 

    • Phát ban (dấu hiệu dị ứng thuốc kháng sinh). 
    • Buồn nôn.
    • Nhiễm trùng nấm men.
    • Bệnh tiêu chảy. 

    Trong đó, tiêu chảy nặng khi dùng kháng sinh có thể là một triệu chứng của nhiễm trùng đường ruột do vi khuẩn Clostridioides difficile gây ra. Đây là một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng và cần được điều trị kịp thời. Vì thế, khi phát hiện bất cứ triệu chứng bất thường nào khi dùng các loại thuốc kháng sinh răng miệng, hãy thông báo ngay cho bác sĩ, bạn nhé! 

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Dược sĩ - Giảng viên Lê Thị Mai

    Dược · Đại học Nguyễn Tất Thành


    Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 27/11/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo