backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Sovepred: Thuốc chống viêm dạng viên nén sủi bọt

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Dược sĩ - Giảng viên Lê Thị Mai · Dược · Đại học Nguyễn Tất Thành


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 24/10/2022

Sovepred: Thuốc chống viêm dạng viên nén sủi bọt

Sovepred có dạng viên nén sủi bọt với thành phần chính là prednisolone, một loại corticosteroid thường được chỉ định trong các trường hợp chống viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch. 

Tác dụng

Tác dụng của thuốc Sovepred là gì?

Sovepred được chỉ định trong các trường hợp: 

  • Viêm khớp dạng thấp. 
  • Lupus ban đỏ toàn thân. 
  • Một số thể viêm mạch như: Viêm động mạch thái dương và viêm quanh động mạch nút.
  • Bệnh sarcoid.
  • Hen phế quản. 
  • Viêm loét đại tràng.
  • Thiếu máu tan huyết. 
  • Giảm bạch cầu hạt. 
  • Những bệnh dị ứng nặng gồm cả phản vệ.
  • Một số loại ung thư như bệnh bạch cầu cấp, u lympho, ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối. 

Một số tác dụng khác của thuốc không được liệt kê trên nhãn thuốc đã được phê duyệt nhưng bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng. Bạn chỉ sử dụng thuốc này để điều trị một số bệnh lý chỉ khi có chỉ định của bác sĩ. 

Bạn có thể tìm hiểu thêm về thuốc: Corticosteroid

Liều dùng

Liều dùng thuốc sovepred là gì

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Bạn hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Liều dùng thuốc Sovepred cho người lớn như thế nào?

Thuốc cần được sử dụng theo chỉ dẫn của bác sĩ. Tùy theo mức độ bệnh nặng hay nhẹ, khả năng đáp ứng và dung nạp với thuốc mà liều dùng cho mỗi bệnh nhân là khác nhau. Điểm chung là chỉ nên uống thuốc một lần vào buổi sáng và sau khi kiểm soát được bệnh cần giảm liều từ từ tới liều thấp nhất có hiệu quả.

Trường hợp cần phải điều trị với thuốc Sovepred kéo dài, nên dùng liệu trình cách ngày cho 1 liều duy nhất vào buổi sáng theo nhịp tiết corticoid tự nhiên trong 24h để giảm tác dụng phụ.

Lưu ý: Khi muốn ngưng thuốc cần giảm liều từ từ. 

Liều dùng thuốc Sovepred tham khảo cho người lớn như sau: 

  • Liều khởi đầu: 0,35 – 1,2mg/kg/ngày.
  • Liều duy trì: 5 – 15mg/ngày. 

Liều dùng thuốc Sovepred cho trẻ em như thế nào?

Liều dùng dựa theo mức độ bệnh nặng hay nhẹ, đáp ứng và cân nặng của trẻ. Liều dùng Sovepred tham khảo cho trẻ em: 

  • Liều khởi đầu: 0,5 – 2mg/kg/ngày. 
  • Liều duy trì: 0,25 – 0,5mg/kg/ngày. 

Liều dùng thuốc Sovepred trong điều trị các bệnh lý cụ thể như thế nào?

  • Một số bệnh lý mãn tính như rối loạn nội tiết, bệnh huyết học, bệnh về da: Liều khởi đầu 5-10mg/ngày và điều chỉnh đến liều thấp nhất có hiệu quả. 
  • Tăng sản bẩm sinh tuyến thượng thận: Liều dùng 2,5 – 10mg/ngày. 
  • Những tình trạng dị ứng hay thấp khớp cấp (sốt thấp khớp): Liều tham khảo 20-30mg/ngày. 
  • Lupus ban đỏ, thấp tim, viêm đa cơ: Liều khởi đầu 30mg/ngày.

Cách dùng

Bạn nên dùng thuốc Sovepred như thế nào?

Sovepred là dạng viên nén sủi bọt nên cần được hòa tan vào nước trước khi uống. Vì là thuốc nhóm corticosteroid nên tốt nhất là uống trong bữa ăn sáng. 

Bạn nên làm gì trong trường hợp dùng quá liều?

Triệu chứng quá liều Sovepred có thể bao gồm hội chứng Cushing, yếu cơ và loãng xương, chỉ xảy ra khi dùng thuốc dài ngày. 

Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất. Ngoài ra, bạn cần ghi lại và mang theo danh sách những loại thuốc bạn đã dùng, bao gồm cả thuốc kê toa và thuốc không kê toa.

Đồng thời, bạn cũng cần thảo luận lại với bác sĩ để cân nhắc tạm dừng hoặc ngừng hẳn việc dùng thuốc. 

Cách dùng thuốc sovepred

Bạn nên làm gì nếu quên một liều?

Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, bạn hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.

Tác dụng phụ

Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng thuốc Sovepred?

Tác dụng không mong muốn của Sovepred thường xảy ra khi bệnh nhân dùng thuốc liều cao và kéo dài. 

Một số tác dụng phụ thường gặp của Sovepred bao gồm: 

  • Mất ngủ, thần kinh dễ bị kích động.
  • Tăng cảm giác ăn ngon miệng, khó tiêu.
  • Lông rậm hơn. 
  • Tiểu đường. 
  • Đau khớp. 
  • Đục thuỷ tinh thể, glaucom (cườm nước).
  • Chảy máu cam.

Sau đây là một số tác dụng phụ ít gặp khi dùng Sovepred: 

  • Chóng mặt, cơn co giật, loạn tâm thần, giả u não, nhức đầu 
  • Tâm trạng thay đổi thất thường, mê sảng, ảo giác, sảng khoái. 
  • Phù mạch, tăng huyết áp. 
  • Mụn trứng cá, teo da, tăng sắc tố da, thâm tím.
  • Hội chứng dạng Cushing. 
  • Ức chế trục tuyến yên – thượng thận. 
  • Chậm lớn. 
  • Hội chứng không dung nạp glucose. 
  • Rối loạn điện giải: Giảm kali huyết, nhiễm kiềm, giữ natri và nước, tăng glucose huyết.
  • Vô kinh.
  • Các vấn đề về tiêu hóa như : Loét dạ dày – tá tràng, buồn nôn, nôn, chướng bụng, viêm loét thực quản, viêm tuỵ. 
  • Yếu cơ, loãng xương, gãy xương. 
  • Một số phản ứng quá mẫn khác.

Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ và có thể xảy ra những tác dụng phụ khác. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

Thận trọng/Cảnh báo

thận trọng khi dùng thuốc Sovepred

Trước khi dùng thuốc Sovepred, bạn nên lưu ý những gì?

Sovepred cần được chống chỉ định trong các trường hợp: 

  • Quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của thuốc. 
  • Các trường hợp nhiễm khuẩn nặng trừ sốc nhiễm khuẩn và lao màng não. 
  • Người đang dùng vắc xin chứa virus sống. 
  • Nhiễm khuẩn da do virus, nấm hoặc lao. 

Thận trọng khi dùng Sovepred trong các trường hợp:

  • Người bệnh loãng xương. 
  • Người vừa thực hiện nối thông ruột non hoặc nối thông mạch máu. 
  • Người bệnh rối loạn tâm thần, loét dạ dày – tá tràng, đái tháo đường, tăng huyết áp, suy tim và trẻ đang lớn.

Khi dùng thuốc điều trị toàn thân cho người bệnh cao tuổi, do nguy cơ có những tác dụng không mong muốn, cần dùng với liều thấp nhất trong thời gian ngắn nhất có thể. 

Nếu ngừng thuốc đột ngột sau thời gian dài điều trị hoặc có stress, bệnh nhân có nguy cơ bị suy tuyến thượng thận cấp. 

Khi dùng thuốc Sovepred liều cao lưu ý có nguy cơ ảnh hưởng đến tác dụng của tiêm chủng vắc-xin. 

Những điều bạn cần lưu ý khi dùng thuốc Sovepred trong trường hợp đặc biệt (mang thai, cho con bú, phẫu thuật,…)

Chỉ sử dụng thuốc Sovepred cho phụ nữ có thai và cho con bú khi thật cần thiết. 

Tương tác thuốc

Thuốc Sovepred có thể tương tác với những thuốc nào?

Thuốc Sovepred có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc khác mà bạn đang dùng hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Để tránh tình trạng tương tác thuốc, tốt nhất là bạn viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc, bạn không tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.

Một số tương tác thuốc có liên quan đến thuốc Sovepred bao gồm: 

  • Prednisolone có tác động đến quá trình chuyển hoá của một số thuốc như: cyclosporine, erythromycin, phenobarbital, phenytoin, carbamazepine, ketoconazole, rifampicin.
  • Phenytoin, phenobarbital, rifampicin và các thuốc lợi tiểu giảm kali huyết có thể làm giảm hiệu lực của Sovepred.
  • Prednisolone có thể gây tăng glucose huyết nên nếu đang điều trị đái tháo đường, bệnh nhân cần dùng liều insulin cao hơn.
  • Tránh dùng đồng thời thuốc chống viêm không steroid với prednisolone vì có thể gây loét dạ dày.

Thuốc Sovepred có thể tương tác với thực phẩm, đồ uống nào?

Thức ăn, rượu và thuốc lá có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá.

Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến thuốc Sovepred?

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào (Xem lại ở mục Thận trọng/Cảnh báo).

Bảo quản thuốc

Bạn nên bảo quản Sovepred như thế nào?

Bạn nên bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh ẩm và tránh ánh sáng. Không bảo quản trong phòng tắm hoặc trong ngăn đá. Bạn nên nhớ rằng mỗi loại thuốc có thể có các phương pháp bảo quản khác nhau. Vì vậy, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn bảo quản trên bao bì hoặc hỏi dược sĩ. Giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ em và thú nuôi.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Dược sĩ - Giảng viên Lê Thị Mai

Dược · Đại học Nguyễn Tất Thành


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 24/10/2022

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo