backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Thuốc đặc trị nấm móng tay được dùng khi nào?

Tham vấn y khoa: Dược sĩ Dương Thái Hưng · Dược · Hello Bacsi


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 27/12/2023

    Thuốc đặc trị nấm móng tay được dùng khi nào?

    Các thuốc đặc trị nấm móng tay có dạng uống và bôi tại chỗ nhưng không phải trường hợp nào cũng cần sử dụng đến các thuốc này vì chúng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ và tương tác thuốc không mong muốn.

    Nấm móng tay là tình trạng nhiễm nấm ở móng làm thay đổi hình dạng và màu sắc của móng. Phần lớn nấm móng do chủng nấm dermatophyte (như Trichophyton rubrum) gây ra, thường gây nấm móng chân nhiều hơn nấm móng tay. Một số trường hợp khác nấm móng được gây ra bởi các chủng nấm khác như Aspergillus, Scopulariopsis, Fusarium hoặc Candida (thường gây nấm móng tay). Nếu bệnh gây ra các biến chứng hoặc triệu chứng khó chịu thì bạn có thể cần dùng đến thuốc đặc trị nấm móng tay theo chỉ định của bác sĩ.

    Dấu hiệu và triệu chứng nấm móng tay

    Các dấu hiệu và triệu chứng thường thấy khi bị nấm móng tay là:

    • Bề mặt móng xù xì, xuất hiện các đốm màu vàng hoặc trắng
    • Trắng bề mặt, móng phủ một lớp vảy trắng như phấn từ từ lan rộng từ dưới bề mặt móng
    • Móng dễ gãy, mủn
    • Móng có sọc dọc hoặc ngang
    • Móng có thể đổi màu, dày lên và vỡ vụn ở rìa móng
    • Bên dưới móng cũng có thể bị tổn thương và bong tróc móng

    Ban đầu, người bệnh thường bị nấm ở một hoặc hai móng nhưng nếu không chú ý chăm sóc, điều trị thì nấm có thể từ từ lan ra nhiều móng. Nấm móng do Candida có thể gây viêm quanh móng khiến vùng chân móng rất đau, sưng đỏ và có mủ, gây ngứa nhiều xung quanh móng.

    nấm móng tay

    Bạn có thể quan tâm:

    Các loại thuốc đặc trị nấm móng tay

    Thực tế, không phải trường hợp nấm móng tay nào cũng cần được điều trị với thuốc. Nếu người bệnh không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, không gây biến chứng thì không cần thiết phải dùng thuốc đặc trị nấm móng tay. Việc sử dụng thuốc kháng nấm đường uống có thể gây ngộ độc gan và tương tác thuốc nghiêm trọng.

    Một số trường hợp cần được điều trị nấm móng tay bằng thuốc gồm:

    • Thường xuyên bị nhiễm trùng do nấm móng “mở đường” cho vi khuẩn gây bệnh (nhất là với nấm móng chân)
    • Có nguy cơ nhiễm trùng cao như người bệnh đái tháo đường
    • Người bị suy giảm miễn dịch, có khả năng sẽ bị nhiễm nấm toàn thân hoặc nguy cơ nhiễm trùng cao
    • Có các triệu chứng khó chịu
    • Nấm móng gây mất thẩm mỹ, tác động tâm lý xã hội

    Thời gian điều trị nấm móng tay thường mất khoảng 6 tuần. Do đó, người bệnh cần kiên trì, tuân thủ điều trị để khỏi bệnh hoàn toàn, tránh tái phát. Thuốc đặc trị nấm móng tay gồm thuốc uống và thuốc bôi tại chỗ.

    Thuốc uống điều trị nấm móng tay

    Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng nấm đường uống sau khi có chẩn đoán nhiễm vi nấm bằng các xét nghiệm cụ thể. Thuốc dùng đường uống có hiệu quả nhanh hơn so với thuốc bôi và thường chỉ định cho các trường hợp nấm móng nặng, gồm:

    • Terbinafine. Đây là thuốc đầu tay để điều trị bệnh nấm móng khi đã xác định. Liều dùng thông thường là 250mg/ lần/ ngày, dùng trong 6 tuần khi bị nấm móng tay hoặc thêm 250mg mỗi ngày trong 1 tuần/ tháng đến khi móng sạch đạt tỷ lệ khỏi 75-80%.
    • Itraconazole. Thuốc kháng nấm này tồn tại lâu trong mô, có phổ kháng nấm da rộng. Liều dùng là 200mg/ lần, 2 lần mỗi ngày, dùng 1 tuần/ tháng trong vòng 3 tháng đạt tỷ lệ khỏi 40-50%.

    Các thuốc kháng nấm đường uống có thể gây ra nhiều tác dụng phụ, đáng chú ý nhất là độc tính trên gan, làm tổn thương gan và khả năng tương tác với những thuốc khác. Do đó, bạn cần đến gặp bác sĩ ngay khi có các triệu chứng nghiêm trọng bất thường khi dùng thuốc, cũng như thông báo với bác sĩ các loại thuốc đang sử dụng (nếu có) để tránh gặp phải những tương tác nặng nề.

    Người bệnh không nhất thiết phải uống thuốc đặc trị nấm móng tay cho đến khi ra móng mới và hết phần móng bất thường vì thuốc vẫn còn ái lực trên móng để phát huy hiệu quả sau khi ngừng uống. Tuy nhiên, nguy cơ tái phát khi đó có thể cao hơn. Móng mới phát triển sẽ trở về hình dạng bình thường còn phần móng bị ảnh hưởng do nấm sẽ không phục hồi như cũ.

    thuốc trị nấm móng tay

    Thuốc bôi điều trị nấm móng tay

    Một số thuốc bôi thường được dùng điều trị nấm móng tay là ciclopirox, efinaconazole, naftifine, tavaborole, terbinafine. Để đạt được hiệu quả tốt, bạn cần rửa và cạo sạch phần móng bị tổn thương, bôi thuốc lên bề mặt móng và quanh móng đều đặn 2-3 lần/ ngày, nên bôi vào buổi tối trước khi ngủ, có thể dùng băng quấn lại để giữ thuốc qua đêm. Thời gian bôi thuốc kéo dài ít nhất là 3 tháng.  Lưu ý, sau khi bôi thuốc điều trị nấm móng tay cần tránh rửa tay hoặc đụng vào các vật dụng khác để thuốc không bị rửa trôi.

    Ngoài thuốc bôi, còn có loại thuốc sơn móng tay kháng nấm tại chỗ, như efinaconazole 10%, ciclopirox 8% hoặc amorolfine 5%. Các thuốc này có thể giúp cải thiện tỷ lệ khỏi bệnh khi dùng bổ trợ cho thuốc uống, nhất là trong những trường hợp kháng thuốc.

    Ngoài ra, một số ít trường hợp bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật loại bỏ móng cũ để móng mới mọc ra thay thế nếu tình trạng nấm móng tay quá nặng và gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống người bệnh.

    Làm sao để phòng ngừa nấm móng tay tái phát?

    Để hạn chế khả năng nấm móng tái phát, bạn cần:

    • Cắt ngắn móng, giữ vệ sinh móng sạch sẽ
    • Tránh dùng chung các dụng cụ cắt móng, tốt nhất nên khử trùng trước và sau khi dùng
    • Dưỡng ẩm không để cho da bị khô vì nấm có thể xâm nhập qua các vết nứt nhỏ trên da
    • Hạn chế tiếp xúc với chất tẩy rửa như nước rửa chén, xà bông giặt đồ, không để cho móng ẩm ướt sẽ tạo điều kiện để nấm phát triển.

    Nấm móng tay không phải là một vấn đề quá nghiêm trọng, có thể tự chăm sóc tại nhà mà không cần dùng đến thuốc đặc trị nấm móng tay. Tuy nhiên, bạn không nên chủ quan để tình trạng nhiễm nấm diễn tiến nặng sẽ gây ra nhiều đau đớn, khó chịu và mất nhiều thời gian để điều trị dứt điểm.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Dược sĩ Dương Thái Hưng

    Dược · Hello Bacsi


    Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 27/12/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo