backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Thuốc hạ sốt và những điều bạn cần biết

Tác giả: Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng · Đa khoa · Bệnh viện Đại học Y dược Hà Nội


Ngày cập nhật: 16/03/2020

    Thuốc hạ sốt và những điều bạn cần biết

    Khi bị sốt, chúng ta luôn tìm cách làm giảm sốt nhanh chóng và hiệu quả. Ngày nay, trên thị trường có rất nhiều thuốc hạ sốt được bán rộng rãi, làm người dùng hoang mang không biết loại thuốc nào tốt. Thêm vào đó, mỗi loại thuốc hạ sốt sẽ có những tác dụng phụ khác nhau, nên việc nắm rõ thông tin thuốc là điều quan trọng.

    Nếu bị sốt, bạn có thể lựa chọn một trong hai loại thuốc hạ sốt không cần toa chính sau: acetaminophen và các thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs). Các thuốc kháng viêm không steroid bao gồm ibuprofen, aspirin và naproxen. Nói chung, không có loại thuốc hạ sốt cụ thể nào tốt nhất. Thay vào đó, bạn nên so sánh các dạng thuốc, tác dụng phụ và các yếu tố khác để chọn một loại thuốc giảm sốt phù hợp nhất cho bạn hoặc con bạn. Dưới đây là những thông tin cần thiết giúp bạn đưa ra quyết định tốt nhất.

    Acetaminophen (Tylenol)

    acetaminophen

    Acetaminophen là một loại thuốc hạ sốt và giảm đau. Cách thức hoạt động của thuốc này vẫn chưa rõ. Acetaminophen không giảm sưng hay viêm. Thay vào đó, nó có khả năng thay đổi cách cơ thể cảm nhận đau đớn. Thuốc cũng giúp làm mát cơ thể và hạ sốt.

    Các dạng thuốc và biệt dược

    Acetaminophen được sản xuất dưới nhiều dạng, bao gồm:

  • Viên nén
  • Viên nén phóng thích kéo dài
  • Viên nhai
  • Viên nén hòa tan
  • Viên nang
  • Dung dịch chất lỏng hoặc hỗn dịch
  • Siro
  • Các thuốc này thường được uống. Acetaminophen cũng có sẵn ở dạng viên đặt trực tràng. Các nhãn hiệu phổ biến có chứa acetaminophen bao gồm Tylenol, Feverall và Mapap.

    Các tác dụng phụ

    Khi uống theo chỉ dẫn, acetaminophen thường an toàn và dung nạp tốt. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nó có thể gây các tác dụng phụ như:

    • Buồn nôn
    • Nôn
    • Gây khó ngủ
    • Phản ứng dị ứng
    • Phản ứng da nghiêm trọng, bao gồm phát ban nặng

    Các cảnh báo khác

    Quá liều

    Do acetaminophen được tìm thấy trong nhiều loại thuốc không cần toa, do đó bạn dễ bị sử dụng quá nhiều. Bạn không nên uống hơn 4.000mg acetaminophen trong vòng 24 giờ.

    Giới hạn này bao gồm acetaminophen từ tất cả các thuốc khác nhau, thuốc theo toa hoặc không theo toa. Để an toàn, bạn tránh dùng nhiều hơn một sản phẩm có chứa acetaminophen cùng một lúc.

    Trong trường hợp quá liều, bạn hãy đi cấp cứu ngay lập tức.

    Tổn thương gan

    Nếu bạn uống quá nhiều acetaminophen, có thể gây tổn thương gan. Trong trường hợp nặng, thuốc có thể dẫn đến suy gan, cần được ghép gan hoặc tử vong. Vì vậy, bạn chỉ uống một loại thuốc có chứa acetaminophen tại một thời điểm và luôn cẩn thận làm theo hướng dẫn về liều lượng trên bao bì thuốc.

    Rượu

    Dùng thuốc acetaminophen cùng uống rượu cũng có thể gây tổn thương gan. Nói chung, bạn không nên dùng acetaminophen nếu uống rượu mỗi ngày.

    Sốt kéo dài hoặc phản ứng thuốc

    Ngưng dùng acetaminophen nếu cơn sốt của bạn nặng hơn hoặc kéo dài hơn 3 ngày. Đồng thời ngưng sử dụng thuốc nếu bạn phát triển các triệu chứng mới như đỏ da hoặc sưng phù. Trong những trường hợp này, hãy gọi cấp cứu ngay. Chúng có thể là dấu hiệu của một tình trạng nghiêm trọng hơn.

    Tương tác thuốc

    Acetaminophen có thể tương tác với các thuốc khác. Tương tác thuốc là khi một chất thay đổi cách hoạt động của một loại thuốc. Điều này có thể gây hại hoặc ngăn chặn tác dụng của thuốc. Ví dụ về các loại thuốc có thể gây tương tác nguy hiểm khi sử dụng với acetaminophen bao gồm:

    Nhóm thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs)

    aspirin

    Các thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) bao gồm các loại thuốc như:

    Các thuốc này giúp giảm viêm, đau và hạ sốt. Chúng hoạt động bằng cách ngăn chặn cơ thể sản xuất prostaglandin, chất này thúc đẩy tình trạng viêm và sốt bằng cách phát ra các tín hiệu hóa học khác nhau trong cơ thể.

    Các dạng thuốc và các biệt dược

    Ibuprofen

    Ibuprofen có ở các dạng sau:

    • Viên nén
    • Viên nhai
    • Viên nang
    • Hỗn dịch

    Các thương hiệu phổ biến chứa ibuprofen bao gồm Advil và Motrin.

    Aspirin

    Aspirin có ở các dạng sau:

    • Viên nén
    • Viên nén phóng thích chậm
    • Viên nhai
    • Kẹo cao su

    Aspirin cũng có dạng đặt như viên đạn trực tràng. Các thương hiệu phổ biến có chứa aspirin bao gồm Bayer Aspirin và Ecotrin.

    Naproxen

    Naproxen có ở các dạng sau:

    • Viên nén
    • Viên nén phóng thích chậm
    • Viên nang
    • Hỗn dịch

    Thương hiệu thuốc phổ biến chứa naproxen là Aleve.

    Các tác dụng phụ

    Tác dụng phụ thường gặp nhất của thuốc kháng viêm không steroid là rối loạn dạ dày. Để giúp ngăn ngừa rối loạn dạ dày, bạn nên dùng ibuprofen hoặc naproxen với thức ăn hoặc sữa. Bạn có thể dùng aspirin với thức ăn hoặc một ly nước đầy.

    Thuốc kháng viêm không steroid cũng có thể có các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn. Các tác dụng phụ nghiêm trọng của ibuprofen hoặc naproxen có thể bao gồm:

    • Các vấn đề dạ dày như chảy máu và loét dạ dày
    • Các vấn đề về tim như nhồi máu cơ tim và đột quỵ
    • Các vấn đề về thận

    Các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn của aspirin có thể bao gồm:

    • Các vấn đề dạ dày như chảy máu và loét dạ dày
    • Các phản ứng dị ứng, với các triệu chứng như:
    • Khó thở
    • Khò khè
    • Sưng phù mặt
    • Mề đay
    • Sốc

    Các cảnh báo khác

    Bạn nên trao đổi với bác sĩ trước khi dùng thuốc kháng viêm không steroid nếu có bất kỳ tình trạng sức khỏe nào dưới đây.

    Tiền sử bệnh tim

    Nếu có tiền sử bệnh tim, bạn có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ khi dùng ibuprofen hoặc naproxen. Nguy cơ cao hơn nếu bạn uống các thuốc này với liều cao hơn so với khuyến cáo hoặc sử dụng thuốc trong một thời gian dài.

    Bệnh sử có các vấn đề về loét hoặc chảy máu dạ dày

    Nếu nằm trong nhóm này, bạn có nguy cơ cao bị loét hoặc chảy máu khi dùng ibuprofen hoặc naproxen. Nguy cơ còn cao hơn nếu bạn:

    • Dùng thuốc trong một thời gian dài
    • Dùng các thuốc kháng viêm không steroid khác
    • Dùng thuốc làm loãng máu hoặc steroid
    • Trên 60 tuổi

    Sốt kéo dài hoặc phản ứng thuốc

    Một số trường hợp bạn không nên tiếp tục điều trị sốt với thuốc kháng viêm không steroid, gồm:

    • Sốt cao hơn hoặc kéo dài hơn 3 ngày
    • Phát triển bất kỳ triệu chứng mới
    • Da đỏ hoặc sưng phù
    • Ù tai hoặc nghe kém
    • Có dấu hiệu của chảy máu dạ dày

    Các dấu hiệu chảy máu dạ dày bao gồm:

    • Ngất xỉu
    • Có máu trong chất nôn hoặc chất nôn có màu giống như bã cà phê
    • Phân có máu hoặc phân đen
    • Đau dạ dày không cải thiện

    Dừng uống thuốc và đến gặp bác sĩ nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào như trên. Các triệu chứng này có thể là dấu hiệu của một tình trạng nghiêm trọng hơn.

    Rượu

    Nếu uống rượu mỗi ngày, bạn có nguy cơ loét hoặc chảy máu cao hơn khi dùng ibuprofen, aspirin hoặc naproxen. Dùng các thuốc kháng viêm không steroid cùng với uống rượu có thể gây ra các vấn đề dạ dày nghiêm trọng.

    Các vấn đề ở trẻ em

    Tránh dùng aspirin ở trẻ em/thanh thiếu niên dưới 12 tuổi và đang hồi phục từ các triệu chứng của bệnh thủy đậu hoặc cúm.

    Gọi cấp cứu ngay nếu con bạn xuất hiện buồn nôn và ói mửa cùng với những thay đổi hành vi nhất định, bao gồm các hành vi hung hăng, lú lẫn hoặc mất năng lượng. Những thay đổi hành vi có thể là dấu hiệu sớm của một tình trạng hiếm gặp được gọi là hội chứng Reye. Nếu không chữa trị, hội chứng Reye có thể đe dọa tính mạng.

    Tương tác thuốc

    Các thuốc kháng viêm không steroid có thể tương tác với các thuốc khác mà bạn đang sử dụng, ví dụ như:

    Hướng dẫn sử dụng thuốc hạ sốt theo tuổi

    Thuốc hạ sốt có thể ảnh hưởng khác nhau đến mọi người ở các độ tuổi. Các hướng dẫn dùng thuốc theo tuổi giúp xác định thuốc hạ sốt nào là tốt nhất cho bạn hoặc con bạn.

    Người lớn (tuổi từ 18 tuổi trở lên)

    Acetaminophen, ibuprofen, naproxen và aspirin thường an toàn để hạ sốt ở người lớn.

    Trẻ em (từ 4–17 tuổi)

    Acetaminophen và ibuprofen thường an toàn để giảm sốt ở trẻ em 4–17 tuổi. Không dùng aspirin cho trẻ em trừ khi bác sĩ chỉ định.

    Naproxen an toàn cho trẻ trên 12 tuổi. Nếu con bạn dưới 12 tuổi, hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi cho trẻ uống naproxen.

    Trẻ em (từ 3 tuổi trở xuống)

    Acetaminophen và ibuprofen thường an toàn để giảm sốt ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, hãy nói chuyện với bác sĩ trước nếu con bạn dưới 2 tuổi. Không dùng aspirin cho trẻ em trừ khi bác sĩ chỉ định.

    Đối với trẻ nhỏ dưới 3 tháng, hãy gọi bác sĩ trước khi cho trẻ dùng bất kỳ loại thuốc nào.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tác giả:

    Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng

    Đa khoa · Bệnh viện Đại học Y dược Hà Nội


    Ngày cập nhật: 16/03/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo