backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Bệnh tiểu đường không nên uống gì? 5 đồ uống người tiểu đường nên tránh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 19/09/2023

    Bệnh tiểu đường không nên uống gì? 5 đồ uống người tiểu đường nên tránh

    Đối với người bệnh tiểu đường, việc giữ lượng đường trong máu ở trong giới hạn an toàn là điều quan trọng nhất. Do đó, phần lớn người mới được chẩn đoán thường tập trung vào việc chuyển từ ăn thực phẩm không lành mạnh sang những lựa chọn tốt hơn cho sức khỏe. Trong khi đó, đồ uống lại dễ dàng bị bỏ qua. Vậy, người bệnh tiểu đường không nên uống gì?

    Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu 6 loại đồ uống tác động xấu nhất đến đường huyết.

    Đồ ngọt đứng đầu trong danh sách bệnh tiểu đường không nên uống gì

    Trong số những đồ uống hàng đầu mà người mắc bệnh tiểu đường nên tránh đều có điểm chung là chứa đường. Mọi người đều biết đến soda và nước ngọt, nhưng nhiều thủ phạm giấu mặt khác cũng có thể chứa nhiều đường.

    Một lon hay một ly đồ uống có đường có thể chứa lượng carbohydrate ngang bằng một đĩa thức ăn. Tuy nhiên, thức uống ngọt lại chứa ít hoặc thậm chí không chứa các chất dinh dưỡng khác như trong một bữa ăn cân bằng.

    Đồ uống chứa nhiều đường có thể làm tăng đột ngột lượng đường trong máu lên trên mức mục tiêu (tăng đường huyết) vì cơ thể hấp thụ đường trong chất lỏng nhanh hơn hầu hết các loại thực phẩm khác. Tăng đường huyết đôi khi có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như hôn mê hoặc tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

    Bệnh tiểu đường không nên uống gì? Top 6 loại đồ uống cụ thể bạn nên tránh

    Dưới đây là 6 loại thức uống hàng đầu người bệnh tiểu đường không nên uống và gợi ý lựa chọn thay thế cho bạn.

    1. Nước ngọt có đường, soda

    600 ml soda chứa 51-77g đường.

    Bạn có thể lựa chọn các loại nước ngọt dành cho người ăn kiêng để thay thế. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ, đây chỉ là sự thay thế tạm thời khi bạn quá thèm nước ngọt. Về lâu dài, người bệnh tiểu đường nên giảm cả đồ uống có đường và đồ uống dành cho người ăn kiêng, tập trung vào tổng lượng nước uống vào.

    người bệnh tiểu đường không nên uống gì: soda, nước ngọt

    2. Trà ngọt

    Mỗi 600ml trà ngọt chứa khoảng 26-50g đường. Lượng đường trong trà ngọt khiến nó lọt vào danh sách “bệnh tiểu đường không nên uống gì”. Những loại trà bạn mua ngoài đường, trà đóng lon/chai sẵn khá khó để xác định lượng carbohydrate. Hơn thế nữa, nhiều loại trà có chứa caffeine. Bệnh nhân tiểu đường cũng nên theo dõi lượng caffein nạp vào cơ thể vì chất này có liên quan đến tăng huyết áp, tăng mỡ máu và tăng đường huyết sau khi ăn.

    Bạn có thể thay thế chúng bằng trà không đường và tạo ngọt bằng đường dành cho người tiểu đường. Bạn nên pha tại nhà với đường kiêng và chỉ sử dụng trong thời gian ngắn.

    3. Đồ uống dạng sệt

    Chúng bao gồm sinh tố, smoothie. Mỗi 600ml chứa khoảng 83g đường. 

    Thật khó để lựa chọn được loại đồ uống chế biến sẵn nào để thay thế đồ uống dạng sệt. Tuy nhiên, bạn có thể tự làm chúng tại nhà, cắt bỏ đường và sữa, lựa chọn các loại nguyên liệu có chỉ số Gl của thực phẩm thấp và tính toán, kiểm soát lượng carbohydrate nạp vào. 

    4. Cà phê sữa

    Mỗi 600ml cà phê sữa chứa khoảng 75-84g đường. Đây là lý do mà người bệnh tiểu đường không nên uống gì phải kể đến cà phê sữa đầu tiên.

    Nếu quá yêu thích cà phê, bạn có thể sử dụng cà phê đen với đường kiêng. Hãy làm mọi cách để cắt giảm carbohydrate trong mỗi ly cà phê bạn uống hằng ngày.

    người bệnh tiểu đường không nên uống gì: cà phê sữa

    5. Đồ uống thể thao

    Người bệnh tiểu đường không nên uống gì, bạn sẽ không ngờ tới đồ uống thể thao. Thế nhưng, mỗi 600ml đồ uống thể thao có chứa khoảng 34g đường. Ngoài ra, đây là thức uống người bệnh tiểu đường nên tránh vì nhiều lý do khác nữa như:

    • Hầu hết đồ uống điện giải đều không có vị ngọt như thông thường nên ít người để ý và tránh
    • Quảng cáo đồ uống thể thao được thực hiện bởi những người nổi tiếng, vận động viên chuyên nghiệp – là người có lối sống lành mạnh, nên dễ bị hiểu nhầm rằng đây là đồ uống sử dụng được hằng ngày.
    • Nhiều chất trong đồ uống thể thao khi dư thừa sẽ không có lợi cho bệnh tiểu đường và sức khỏe chung, chẳng hạn như natri.

    Bạn chỉ nên uống đồ uống thể thao không đường hoặc dành cho người ăn kiêng. Dù vậy, hãy hạn chế, không sử dụng thường xuyên nhé!

    6. Người bệnh tiểu đường không nên uống gì? Liệu bia rượu có đáng lo?

    Uống quá nhiều rượu bia và đồ uống có cồn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Những thức uống này cũng chứa nhiều calo và có thể dẫn đến tăng cân – một yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường. Rượu bia còn làm tăng nguy cơ hạ đường huyết nếu bạn đang đói; đang điều trị với insulin hoặc một số thuốc trị tiểu đường khác như sulphonylureas. Nhiều người còn nhầm lẫn giữa triệu chứng hạ đường huyết và say rượu, dẫn tới không xử lý kịp thời và để lại nhiều hậu quả đáng tiếc.

    Dù vậy, người bệnh tiểu đường không nên uống gì thì cũng không cần kiêng tuyệt đối bia rượu. Bạn vẫn có thể nhâm nhi loại đồ uống này trong lượng cho phép. Đó là:

    • Với nam giới trưởng thành và dưới 65 tuổi: Không quá 2 ly rượu mạnh hoặc 2 lon bia mỗi ngày.
    • Với nữ giới trưởng thành hoặc nam giới trên 65 tuổi: Không quá 1 ly rượu mạnh hoặc 1 lon bia mỗi ngày.

    Nước mới là tiêu chuẩn vàng

    Sau khi đã biết bệnh tiểu đường không nên uống gì, Hello Bacsi mong muốn bạn nhớ rằng nước lọc mới là thức uống tốt nhất. Bởi vì, nước lọc không chứa calo, không có carbohydrate và phù hợp cho mọi bữa ăn hay kể cả tiệc tùng.

    Nếu uống nước lọc khiến bạn thấy nhạt miệng, bạn có thể thêm vào nước lọc một ít trái cây cắt lát hoặc lá bạc hà tươi. Chúng hầu như không ảnh hưởng đến calo hay carbohydrate của nước bạn nạp vào vì hàm lượng rất thấp. Tuy nhiên, nếu bạn ăn trái cây, bạn vẫn sẽ nạp đường và calo đấy nhé!

    Nhìn chung, người bệnh tiểu đường không nên uống gì thì 6 đồ uống kể trên là đứng đầu. Dù vậy không có nghĩa là bạn phải kiêng tuyệt đối. Lâu lâu, bạn có thể nuông chiều bản thân một chút bằng cách uống các loại đồ uống trên, nhưng chỉ với lượng ít và thỉnh thoảng thôi nhé! Hãy nhớ cắt giảm được càng nhiều đường càng tốt và tính cả nó vào kế hoạch ăn uống cân đối hằng ngày.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 19/09/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo