backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Lá dứa trị tiểu đường có thật không? Cách dùng thế nào?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Minh Phú · Ngày cập nhật: 10/01/2024

    Lá dứa trị tiểu đường có thật không? Cách dùng thế nào?

    Ngoài dùng để nấu chè, nấu xôi, ít ai biết rằng lá dứa còn được dùng trong hỗ trợ điều trị tiểu đường tuýp 2. Lợi ích này còn được ghi lại trong những quyển y thư cổ của Thiền sư Tuệ Tĩnh – ông Tổ nghề thuốc Nam ta. Bài viết sau sẽ lý giải vì sao lá dứa lại tốt cho người bệnh tiểu đường.

    Mặc dù cùng chung tên gọi nhưng lá dứa và lá của cây dứa (thơm) lại là 2 loại khác nhau cả về hình dáng lẫn công dụng.

    Tìm hiểu lá dứa vì sao lại có thể hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường

    Trước khi bàn đến lá dứa trị tiểu đường như thế nào, bạn cần phân biệt rõ lá dứa và lá của cây dứa (thơm).

    Lá dứa (hay còn gọi là dứa thơm, lá nếp) là loại thảo mộc phổ biến ở các nước Đông Nam Á. Không như lá của quả dứa cứng cáp và đầy gai nhọn, lá dứa chữa bệnh tiểu đường lại có hình dáng thon, dài như lưỡi gươm nhưng tụm ở gốc thành hình nan quạt. Chưa kể nhờ vào sắc xanh mướt tuyệt đẹp cộng với mùi thơm đặc trưng nên loại lá này còn được ứng dụng rộng rãi trong ẩm thực Việt.

    Quay lại chủ đề chính, một nghiên cứu tại Indonesia cho biết, việc sử dụng dịch chiết từ lá dứa có tác dụng giảm lượng đường huyết, cũng như cải thiện khả năng kháng lại insulin ở chuột béo phì. Riêng với chuột khỏe mạnh bình thường thì nước lá dứa sau khi dùng sẽ làm giảm đường huyết sau ăn thông qua ức chế enzyme alpha-glucosidase (vai trò tiêu hóa chất đường bột thành glucose tạo năng lượng cho cơ thể) và thúc đẩy hoạt động của insulin. Tác dụng này được cho là đến từ hàm lượng cao các polyphenol và chất chống oxy hóa khác trong lá dứa.

    Trong một khảo sát về khả năng trị tiểu đường của lá dứa trên 30 người lớn khỏe mạnh, sau khi thực hiện xét nghiệm dung nạp glucose qua đường uống thì những người đã uống nước lá dứa trước đó có đường huyết ổn định hơn so với những người chỉ dùng nước lọc. Tuy nhiên, cần có nhiều nghiên cứu hơn để chứng thực lợi ích này.

    Cách sử dụng lá dứa cho người bệnh tiểu đường

    cách dùng lá dứa trị tiểu đường
    Lá dứa có hiệu quả trong việc kiểm soát mức đường huyết nhưng tốt nhất vẫn tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng

    Lưu ý

    Quả thực, lá dứa có hiệu quả trong việc kiểm soát mức đường huyết. Nhưng tốt hơn hết bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng. Tuyệt đối không chỉ dùng mỗi loại lá này chữa bệnh thay cho thuốc đang dùng.

    Nếu nhận được sự đồng ý, bạn có thể tham khảo cách chế biến lá dứa như sau.

    Cách 1: Đối với lá dứa tươi

    • Lá dứa mua ở chợ hoặc tại các cửa hàng nông sản sau đó lấy một nắm, rửa sạch để ráo nước. Nếu kỹ hơn nữa, bạn có thể rửa lá nếp với nước muối pha loãng rồi rửa lại lần nữa với nước sạch để loại bỏ hết bụi bẩn
    • Lá sau khi rửa đem cho vào nồi (khoảng 3 lít nước) nấu sôi
    • Đến khi nước sôi thì giảm lửa lại nấu đến khi nước chuyển sang màu xanh thì tắt bếp, chắt lấy nước. Có thể dùng như trà ấm hoặc nguội. Bạn có thể uống từ 2 – 3 ly mỗi ngày và uống trước bữa ăn 20 – 30 phút.

    Ngoài cách nấu nước lá dứa trị tiểu đường, bạn có thể dùng nước lá dứa để nấu với cơm.

    Cách 2: Đối với lá dứa khô

    Để kéo dài thời gian bảo quản và tiết kiệm thời gian chuẩn bị, chúng ta có thể lựa chọn lá dứa khô. Cách làm lá dứa khô tại nhà gồm:

  • Chọn lá dứa tươi, không bị dập, nát và rửa sạch.
  • Thái thành từng khúc dài khoảng 5 – 7cm.
  • Phơi lá dứa dưới ánh nắng mặt trời hoặc sấy khô. Lưu ý sau khi phơi vẫn có thể thấy được màu xanh của lá.
  • Cách pha trà từ lá dứa khô:

    • Mỗi lần nấu chừng 10 lá khô, cắt nhỏ. Nấu với 2.5 lít nước, khi thấy còn lại chừng 2 lít là có thể dùng được.
    • Hoặc dùng 20 – 30 gam lá dứa khô hãm với 500ml nước sôi trong khoảng 30 phút.

    Nên uống hết trong 1 ngày không để qua đêm. Uống trước mỗi bữa ăn chừng 20 phút.

    Dù áp dụng cách nào đi chăng nữa thì việc kiểm tra đường huyết sau khi dùng là rất quan trọng. Trường hợp đường huyết rối loạn hoặc bản thân bạn có biểu hiện lạ nên ngừng sử dụng ngay.

    Ngoài hỗ trợ chữa tiểu đường, công dụng của lá dứa còn có gì?

    Dưới đây là những công dụng tuyệt vời khác của lá dứa với sức khỏe:

  • Ngăn ngừa tình trạng cao huyết áp: cao huyết áp và tiểu đường có mối liên hệ mật thiết với nhau. May mắn là lá nếp có khả năng giảm hấp thụ cholesterol máu, bảo vệ người bệnh khỏi chứng cao huyết áp và xơ vữa động mạch.
  • Giảm đau do viêm khớp: cổ học Ayurvedic của Ấn Độ có đề cập đến bài thuốc dùng hỗn hợp dầu dừa và lá dứa để giảm đau do viêm khớp. Lợi ích này thực tế đến từ các hoạt chất alkaloid và glycosides có tác dụng chống viêm hiệu quả.
  • Giảm lo âu, căng thẳng: lá dứa ngoài hỗ trợ trị tiểu đường thì còn thúc đẩy tâm trạng cho người sử dụng. Điều này nhờ vào hàm lượng tannin dồi dào sẽ xua tan căng thẳng.
  • Bảo vệ sức khỏe răng miệng: việc nhai lá dứa sẽ khử mùi hôi miệng giúp bạn có hơi thở thơm tho hơn. Dân gian còn sử dụng lá này để cầm máu nướu răng nhưng tác dụng này cần có thêm nghiên cứu chứng thực.
  • Vừa rồi là những chia sẻ xoay quanh vấn đề lá dứa trị tiểu đường. Hy vọng qua đó bạn đã biết thêm được một phương pháp ổn định đường huyết đơn giản mà dễ thực hiện. Tuy nhiên, trước khi áp dụng bất cứ loại thảo dược nào, điều cần nhớ là phải tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Minh Phú · Ngày cập nhật: 10/01/2024

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo