backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Lá ổi chữa tiểu đường được không và cách nấu lá ổi trị tiểu đường

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Minh Phú · Ngày cập nhật: 08/12/2023

    Lá ổi chữa tiểu đường được không và cách nấu lá ổi trị tiểu đường

    Từ xa xưa, ông bà ta đã biết sử dụng lá ổi để giải quyết nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau như hỗ trợ tiêu hóa, chữa hôi miệng, trị mụn… Ngày nay, y học hiện đại đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra chiết xuất từ lá ổi có tác dụng làm giảm lượng đường huyết, ổn định mức cholesterol máu mà không để lại tác dụng phụ. Vậy cụ thể tác dụng của lá ổi chữa tiểu đường như thế nào?

    Bài viết sau đây, Hello Bacsi mời bạn tìm hiểu những vấn đề xoay quanh chuyện lá ổi trị bệnh tiểu đường, tiểu đường uống lá ổi có được không và cần lưu ý những gì nhé!

    Lá ổi chữa tiểu đường như thế nào?

    Lá ổi đã được ứng dụng từ rất lâu trong cổ học Ayurveda Ấn Độ hay các bài thuốc cổ phương Trung Hoa nhằm hạ sốt, giảm viêm và điều trị các bệnh tiêu hóa.

    Lá ổi chữa tiểu đường, cụ thể làm giảm lượng đường huyết sau ăn là thông tin đã được đăng tải trên chuyên san Nutrition and Metabolism. Lợi ích này dựa trên việc chiết xuất lá ổi có khả năng ức chế hoạt động của alpha-glucosidase – một enzyme đảm nhiệm vai trò phân giải tinh bột cùng các loại carbohydrate thành đường đơn (glucose). Nghiên cứu cũng có so sánh hiệu quả của dịch chiết lá ổi với voglibose, thuốc dùng trong điều trị bệnh tiểu đường thuộc nhóm ức chế men alpha-glucosidase. Nhưng kết quả lại cho thấy chiết xuất từ lá ổi mang lại hiệu quả kém hơn là dùng thuốc. Do đó, việc dùng lá ổi trị tiểu đường cần cân nhắc tác dụng phụ và thời gian sử dụng để đạt hiệu quả.

    Mặc dù vậy, các nhà khoa học vẫn nhận thấy chiết xuất từ lá ổi giúp cải thiện các triệu chứng khác của bệnh tiểu đường như kháng insulin và tăng mỡ máu. Việc sử dụng lá ổi chữa tiểu đường còn giúp ổn định huyết áp, hạn chế nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

    Bên cạnh đó, lá ổi và quả ổi còn chứa chất chống oxy hóa như vitamin A, vitamin C và các loại vitamin, khoáng chất như vitamin B2, K, E, canxi, sắt, photpho,… cung cấp nhiều dưỡng chất cho cơ thể, giúp nâng cao thể trạng cho người tiểu đường.

    Nhìn chung, trà lá ổi hay trà búp ổi chữa tiểu đường, được xem là một giải pháp hứa hẹn trong việc hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa bệnh tiểu đường tuýp 2 thông qua chế độ ăn uống.

    Những điều cần lưu ý khi dùng lá ổi chữa tiểu đường

    dùng lá ổi chữa tiểu đường được không

    Nước sắc lá ổi gần như lành tính và không gây bất kỳ phản ứng phụ nào. Ngay cả nghiên cứu được đề cập ở trên cũng cho biết những đối tượng tham gia không bị ngộ độc hay tương tác với các loại thuốc điều trị đang sử dụng. Tuy nhiên, tốt hơn hết bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị trước khi dùng.

    Cách nấu lá ổi trị tiểu đường

    Nếu được bác sĩ đồng ý, bạn có thể tự làm nước sắc hay nước trà lá ổi chữa tiểu đường tại nhà bằng cách:

  • Rửa sạch 30g lá ổi để loại bỏ hết bụi bẩn trên mặt lá
  • Cho toàn bộ lá vào nồi nước đang sôi
  • Đun sôi chừng vài phút rồi tắt bếp
  • Lọc lấy phần nước, để nguội rồi sử dụng ngay.
  • Có thể thực hiện tương tự với công thức trà búp ổi chữa tiểu đường. Với búp ổi, bạn có thể lấy khối lượng là 100g/ lần nấu. 

    Liều lượng và cách sử dụng trà lá ổi chữa tiểu đường ở từng người bác sĩ sẽ có hướng dẫn cụ thể. Điều quan trọng nhất là bạn vẫn phải tuân thủ dùng thuốc, chế độ ăn uống điều độ và kiểm tra đường huyết thường xuyên. Một lưu ý nho nhỏ là nước lá ổi không nên dùng cho bệnh nhân bị táo bón vì sẽ khiến tình trạng này thêm nặng hơn.

    Bài thuốc chữa tiểu đường từ lá ổi, sa kê và đậu bắp

    Nguyên liệu cần chuẩn bị:

    • 50 gam lá ổi non
    • 100 gam lá sa kê
    • 100 gam đậu bắp tươi

    Cách thực hiện:

    • Rửa sạch các nguyên liệu với nước.
    • Cho tất cả vào nồi đun với lượng nước vừa phải
    • Sử dụng nước nấu từ các loại thảo dược này để uống trong ngày thay nước lọc

    Hãy đọc thêm: 6 loại trà tiểu đường thông dụng, ngăn ngừa biến chứng bệnh

    Những tác dụng khác của lá ổi

    ngoài lá ổi chữa tiểu đường, lá ổi có tác dụng gì

    Ngoài công dụng hỗ trợ điều trị tiểu đường, lá ổi còn mang đến nhiều công dụng như:

    • Chữa tiêu chảy: Trong lá ổi và búp ổi non có chứa tanin và một số chiết xuất gây ức chế hoạt động của vi khuẩn Staphylococcus aureus E.coli. Từ đó, lá ổi có khả năng kháng khuẩn, ngăn sự phát triển của hại khuẩn đường ruột gây tiêu chảy và viêm dạ dày ruột.
    • Thúc đẩy việc giảm cân: Lá ổi không những giàu dinh dưỡng mà còn ngăn chuyển hóa carbohydrate phức tạp thành đường đơn, từ đó hỗ trợ giảm cân. Đây cũng là một phần nguyên nhân giúp lá ổi có tiềm năng chữa bệnh tiểu đường.
    • Phòng ngừa ung thư: Với sự có mặt của các chất chống oxy hóa, lá ổi có tác dụng làm giảm quá trình hình thành của các gốc tự do – nguyên nhân gây dẫn tới sự hình thành của các tế bào ung thư. 
    • Tác dụng của lá ổi đối với da: Với tính kháng khuẩn cộng thêm hàm lượng vitamin C dồi dào, lá ổi có thể giúp hạn chế tình trạng mụn trứng cá và ngăn các dấu hiệu lão hóa sớm. Bạn có thể giã nát lá rồi đắp lên vùng da bị ảnh hưởng.

    Các lưu ý trong việc sử dụng lá ổi chữa tiểu đường

    Tuy có nhiều lợi ích, tác dụng tốt đối với sức khỏe, tuy nhiên, khi muốn sử dụng lá ổi trị tiểu đường, bạn cũng cần lưu ý tới các vấn đề sau:

    • Chỉ sử dụng lá ổi với tần suất vừa phải. Việc quá lạm dụng lá ổi có thể gây ra các tác dụng phụ hoặc gây ra tình trạng dị ứng.
    • Người bị bệnh chàm cần đặc biệt lưu ý khi sử dụng lá ổi bởi các chiết xuất có trong lá ổi có thể gây kích ứng da.
    • Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng lá ổi nếu bạn đang mắc phải các bệnh mãn tính tim mạch, loãng xương, các bệnh lý liên quan đến thận,…
    • Dùng lá ổi trong thời gian điều trị bằng thuốc tây có thể làm giảm các tác dụng của thuốc.

    Vừa rồi là những chia sẻ về chủ đề lá ổi chữa tiểu đường và trả lời được câu hỏi lá ổi có tác dụng gì hay hiệu quả với bệnh tiểu đường ra sao. Hy vọng qua đó, bạn đã có cho mình những thông tin bổ ích trong việc điều trị và ngăn ngừa những biến chứng của bệnh tiểu đường tuýp 2.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Minh Phú · Ngày cập nhật: 08/12/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo