backup og meta
Chuyên mục

1

Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Bệnh bạch cầu (bệnh máu trắng)

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Kiến Bình · Ung thư - Ung bướu · BV Ung Bướu TP. Cần Thơ


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 27/10/2023

Bệnh bạch cầu (bệnh máu trắng)

Bệnh bạch cầu (hay còn gọi ung thư máu) bắt nguồn từ sự tăng sinh một loại tế bào non chưa biệt hóa hoặc biệt hóa rất ít (tế bào blast) có nguồn gốc tại tủy xương. Tốc độ tiến triển của bệnh sẽ khác nhau, tùy từng thể bệnh.

Hãy cùng tìm hiểu thêm thông tin về bệnh lý này qua bài viết sau đây nhé!

Tìm hiểu chung

Bệnh bạch cầu hay bệnh máu trắng là gì?

Bệnh bạch cầu, hay còn gọi là bệnh máu trắng là gì? Đây là một dạng bệnh ung thư máu bắt nguồn từ sự tăng sinh một loại tế bào non chưa biệt hóa hoặc biệt hóa rất ít (tế bào blast) có nguồn gốc tại tủy xương. Căn bệnh này có nhiều dạng. Bệnh bạch cầu xảy ra ở trẻ em phổ biến hơn ở người lớn.

Thông thường, các tế bào bạch cầu có chức năng giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng. Chúng thường phát triển và phân chia một cách có trật tự, khi cơ thể bạn cần chúng. Tuy nhiên ở những người mắc bệnh này, tủy xương tạo ra quá nhiều tế bào bạch cầu bất thường, khiến chúng không hoạt động đúng chức năng.

Các dạng bệnh bạch cầu (bệnh máu trắng)

Bệnh bạch cầu gồm 4 nhóm chính, được chia thành cấp tính, mạn tính, dòng tủy và dòng lympho.

Bệnh bạch cầu tủy cấp tính

Bệnh bạch cầu tủy cấp tính phổ biến ở người lớn hơn trẻ em, đặc biệt là ở nam giới. Bệnh tiến triển nhanh. Ngoài ra, các yếu tố môi trường (nhiễm bức xạ, hóa chất…) có thể kích hoạt bệnh.

Một số biểu hiện lâm sàng có thể gặp:

  • Hội chứng thiếu máu: Xảy ra nhanh, nặng dần với các biểu hiện da xanh, mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, nhịp tim nhanh. 
  • Hội chứng xuất huyết: Xuất huyết tự nhiên, hay gặp ở da và niêm mạc (dạng chấm, dạng nốt, dạng đám, dạng mảng, chảy máu mũi, chảy máu chân răng,…) hoặc có thể ở các tạng (đường tiêu hóa, tiết niệu, sinh dục, não – màng não,…).
  • Hội chứng nhiễm trùng: Sốt, viêm loét họng miệng, viêm phổi, nhiễm trùng da,…
  • Hội chứng thâm nhiễm: Gan to, lách to, hạch to, phì đại nướu răng, thâm nhiễm da, xương, thần kinh trung ương,…
  • Biểu hiện toàn thân: Mệt mỏi, gầy sút, chán ăn, thể trạng suy sụp nhanh.

Phương pháp chính điều trị dạng bệnh này là hóa trị. Đôi khi bác sĩ có thể đề nghị ghép tủy xương.

Bệnh bạch cầu tủy mạn tính

Tương tự như dòng tủy cấp tính, bệnh bạch cầu tủy mạn tính chỉ ảnh hưởng chủ yếu ở người lớn. Theo Viện Nghiên cứu Quốc gia về Ung thư của Hoa Kỳ, tỷ lệ sống 5 năm ở những người bệnh này là 65,1%.

Tuy nhiên, người bệnh i được điều trị với liệu pháp điều trị nhắm mục tiêu, tỷ lệ sống sót sau 5 năm có thể lên tới 90%. Bên cạnh đó cũng có thể được ghép tế bào gốc.

Bệnh bạch cầu cấp dòng lympho

Đây là bệnh bạch cầu ở trẻ nhỏ phổ biến nhất. Bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến người lớn, đặc biệt ở những người trên 65 tuổi. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm ở trẻ nhỏ cao hơn người lớn, trên 85%.

Các nhóm nhỏ của bệnh bạch cầu cấp dòng lympho gồm:

  • Bệnh bạch cầu cấp dòng lympho tế bào B
  • Bệnh bạch cầu cấp dòng lympho tế bào T
  • Bệnh bạch cầu dòng lympho mạn tính

    Bệnh bạch cầu mạn dòng lympho phổ biến nhất ở những người trên 55 tuổi, nhưng người trẻ tuổi vẫn có thể mắc bệnh. Bệnh thường xuất hiện nhiều ở nam giới và hiếm khi ảnh hưởng đến trẻ em. Người bệnh có tỷ lệ 85% sống sót sau 5 năm được chẩn đoán.

    Triệu chứng

    Triệu chứng bệnh bạch cầu

    Những dấu hiệu và triệu chứng bệnh bạch cầu (bệnh máu trắng) là gì?

    Các dấu hiệu và triệu chứng bệnh bạch cầu, bao gồm:

    • Sự đông máu kém. Trong bệnh lý này, các tế bào bạch cầu chưa trưởng thành lấn át tiểu cầu có vai trò quan trọng giúp đông máu. Điều này có thể khiến người bệnh dễ bị bầm tím hoặc chảy máu dễ dàng và chậm lành. Bạn cũng có thể có những đốm nhỏ màu đỏ đến tím trên cơ thể, đó là xuất huyết nhỏ.
    • Nhiễm trùng thường xuyên. Các tế bào bạch cầu có vai trò rất quan trọng để chống lại nhiễm trùng. Nếu chúng bị ức chế hoặc không hoạt động đúng, bạn có thể dễ bị nhiễm trùng thường xuyên. Lúc này, hệ miễn dịch có thể tấn công các tế bào cơ thể khỏe mạnh khác.
    • Thiếu máu. Số lượng bạch cầu bất thường phát triển quá nhanh sẽ khiến chúng lấn át dần tế bào hồng cầu. Khi lượng tế bào hồng cầu giảm, bạn có thể bị thiếu máu. Các triệu chứng điển hình của thiếu máu như thở khó hoặc nặng nhọc và da nhợt nhạt.
    • Các triệu chứng khác. Bạn có thể ảm thấy buồn nôn, sốt, ớn lạnh, đổ mồ hôi đêm, các triệu chứng giống cúm, sụt cân, đau xương và mệt mỏi. Nếu gan hoặc lá lách phì đại, bạn có thể cảm thấy no và sẽ ăn ít hơn, dẫn đến giảm cân. Giảm cân cũng có thể xảy ra ngay cả khi gan hoặc lách không phì đại. Tình trạng nhức đầu có thể chỉ ra rằng các tế bào ung thư đã xâm nhiễm hệ thống thần kinh trung ương (CNS).

    Tuy nhiên, các triệu chứng nêu trên cũng có thể là dấu hiệu của các tình trạng sức khỏe khác. Do đó, bạn cần phải làm các xét nghiệm cần thiết để xác nhận chẩn đoán bệnh bạch cầu.

    Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

    Bạn nên đến gặp bác sĩ nếu:

    • Bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào được liệt kê ở trên và không rõ nguyên nhân. Bạn cần làm kiểm tra số lượng tế bào máu.
    • Bạn bị chảy máu không rõ nguyên nhân, sốt cao hoặc co giật. Đây có thể là triệu chứng bệnh bạch cầu cấp tính, cần được điều trị ngay.
    • Bệnh đang thuyên giảm và bạn nhận thấy các dấu hiệu tái phát, chẳng hạn như nhiễm trùng hoặc dễ chảy máu.

    Nguyên nhân

    Nguyên nhân gây bệnh bạch cầu là gì?

    nguyên nhân bệnh bạch cầu

    Bệnh bạch cầu xảy ra khi các tế bào máu chưa biệt hóa (non) phát triển và phân chia liên tục, khiến cho số lượng bạch cầu bất thường trong máu rất nhiều.

    Các tế bào máu khỏe mạnh sẽ chết sau một thời gian và các tế bào mới được sản xuất trong tủy xương sẽ thay thế vào. Tuy nhiên, tế bào máu bất thường có thời gian sống dài hơn, do đó chúng sẽ tập trung trong máu ngày càng nhiều và lấn át, ngăn chặn các tế bào khỏe mạnh hoạt động.

    Các bác sĩ phân loại bệnh bạch cầu dựa trên tốc độ tiến triển  và loại tế bào bị ảnh hưởng.

    Loại phân loại đầu tiên là bệnh bạch cầu tiến triển nhanh như thế nào:

    • Bệnh bạch cầu cấp tính. Trong bệnh bạch cầu cấp tính, các tế bào máu bất thường là các tế bào máu chưa trưởng thành. Chúng không thể thực hiện các chức năng bình thường nhưng lại sinh sôi nhanh chóng, vì vậy bệnh nặng hơn một cách nhanh chóng. Bệnh bạch cầu cấp tính cần điều trị tích cực, kịp thời.
    • Bệnh bạch cầu mạn tính. Có nhiều loại bệnh bạch cầu mạn tính… Bệnh bạch cầu mạn tính liên quan đến các tế bào máu trưởng thành hơn. Các tế bào máu này tái tạo hoặc tích tụ chậm hơn và có thể hoạt động bình thường trong một khoảng thời gian. Một số dạng bệnh bạch cầu mạn tính ban đầu không có triệu chứng ban đầu và có thể không được chú ý hoặc không được chẩn đoán trong nhiều năm.

    Loại phân loại thứ hai là theo dòng tế bào bạch cầu bị ảnh hưởng:

    • Bệnh bạch cầu dòng lympho. Loại bệnh bạch cầu này ảnh hưởng đến các tế bào dòng lympho hình thành nên mô bạch huyết. Mô bạch huyết tạo nên hệ thống miễn dịch của cơ thể.
    • Bệnh bạch cầu nguyên bào dòng tủy. Loại bệnh bạch cầu này ảnh hưởng đến các tế bào dòng tủy. Tế bào tủy sinh ra hồng cầu, bạch cầu và tế bào sản xuất tiểu cầu.

    Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu (bệnh máu trắng)?

    Một số yếu tố làm tăng nguy cơ phát bệnh này gồm:

    • Bức xạ ion hóa tự nhiên hoặc nhân tạo
    • Nhiễm virus, chẳng hạn như virus T-lymphotropic ở người (HTLV-1) và HIV
    • Tiếp xúc benzen và một số hóa dầu
    • Đã từng điều trị một bệnh ung thư khác
    • Tiếp xúc với thuốc nhuộm tóc
    • Hút thuốc
    • Di truyền. Một số người dường như có nguy cơ mắc bệnh bạch cầu cao hơn do lỗi ở một hoặc một số gene di truyền.
    • Hội chứng Down. Những trẻ mắc hội chứng Down dường như có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, có thể là do những thay đổi nhiễm sắc thể nhất định.

    Chẩn đoán và điều trị

    Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

    bệnh bạch cầu có chữa được không

    Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán bệnh bạch cầu (bệnh máu trắng)?

    Các bác sĩ có thể phát hiện bệnh thông qua xét nghiệm máu thông thường, trước khi các triệu chứng bắt đầu. Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn mắc bệnh bạch cầu, họ có thể yêu cầu một số xét nghiệm sau:

    • Khám sức khỏe. Bác sĩ sẽ tìm các dấu hiệu thực thể, chẳng hạn như da nhợt nhạt do thiếu máu, sưng hạch bạch huyết và phì đại gan hoặc lá lách.
    • Xét nghiệm máu. Sau khi kiểm tra mẫu máu của bạn, bác sĩ có thể xác định xem mức độ bất thường của hồng cầu, bạch cầu hoặc tiểu cầu. Từ đó, họ có thể xác nhận chẩn đoán bệnh.
    • Xét nghiệm tủy xương. Bác sĩ có thể đề nghị một thủ thuật để lấy một mẫu tủy xương từ xương hông bằng kim dài và mỏng. Mẫu tủy xương sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để tìm kiếm các tế bào ung thư máu. Các xét nghiệm chuyên biệt về các tế bào ung thư của bạn có thể giúp bác sĩ xác định các lựa chọn điều trị phù hợp cho bạn.
    • Ngoài ra còn một số xét nghiệm miễn dịch và xét nghiệm về di truyền để giúp hỗ trợ chẩn đoán bệnh.

    Bệnh bạch cầu (bệnh máu trắng) có chữa được không?

    Việc điều trị căn bệnh này sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bác sĩ sẽ xác định các lựa chọn điều trị bệnh dựa trên tuổi tác, sức khỏe tổng thể, tình trạng kinh tế và loại bệnh bạch cầu mà bạn mắc phải và liệu bệnh có lan sang các bộ phận khác của cơ thể, bao gồm cả hệ thống thần kinh trung ương không.

    Các phương pháp điều trị bệnh bạch cầu có thể được sử dụng, bao gồm:

    Hóa trị

    Hóa trị là phương pháp điều trị chính cho bệnh bạch cầu. Bác sĩ sẽ sử dụng hóa chất để tiêu diệt các tế bào ung thư. Tùy thuộc vào loại bệnh mắc phải, bạn có thể được chỉ định một loại thuốc duy nhất hoặc kết hợp nhiều thuốc hóa trị. Những loại thuốc này có thể ở dạng thuốc viên, thuốc tiêm truyền hoặc tiêm tĩnh mạch.

    Liệu pháp miễn dịch

    Liệu pháp sinh học gồm các phương pháp điều trị giúp hệ miễn dịch của bạn nhận biết và tấn công các tế bào ung thư.

    Liệu pháp nhắm trúng đích

    Liệu pháp nhắm trúng đích sử dụng các loại thuốc tấn công chuyên biệt vào tế bào ung thư. Ví dụ như thuốc imatinib ngăn chặn hoạt động của một loại protein trong các tế bào ung thư của những người mắc bệnh bạch cầu dòng tủy mạn tính, từ đó bác sĩ có thể kiểm soát bệnh.

    Xạ trị

    Xạ trị sử dụng tia năng lượng cao để làm tổn thương các tế bào ung thư và ngăn chặn sự phát triển của chúng. 

    Ghép tế bào gốc

    Ghép tế bào gốc là một thủ thuật để thay thế tủy xương bệnh bằng tủy xương khỏe mạnh. Trước khi ghép tế bào gốc, bạn sẽ cần làm hóa trị hoặc xạ trị liều cao để tiêu diệt tủy xương bị bệnh. Sau đó, bác sĩ sẽ truyền tế bào gốc tạo máu vào cơ thể để giúp xây dựng lại tủy xương.

    Bạn có thể nhận được tế bào gốc từ người hiến hoặc của chính mình..

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Trần Kiến Bình

    Ung thư - Ung bướu · BV Ung Bướu TP. Cần Thơ


    Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 27/10/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo