backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Nhận biết dấu hiệu ung thư vòm họng ở phụ nữ

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ CKII Nguyễn Đức Trường · Ung thư - Ung bướu · Bệnh viện Thống Nhất TP. Hồ Chí Minh


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 24/10/2023

    Nhận biết dấu hiệu ung thư vòm họng ở phụ nữ

    Trước đây, ung thư vòm họng chủ yếu xuất hiện ở nam giới nhưng hiện nay, tỉ lệ mắc bệnh ở nữ giới cũng ngày một gia tăng. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn nhận ra những dấu hiệu ung thư vòm họng ở phụ nữ từ sớm.

    Vậy triệu chứng của ung thư vòm họng ở nữ giới là gì, hãy tìm hiểu ngay trong bài viết này nhé!

    Những dấu hiệu ung thư vòng họng ở phụ nữ

    Ung thư vòm họng thường rất khó nhận biết, bởi triệu chứng của bệnh thường tương tự như các vấn đề sức khoẻ khác. Trong hầu hết trường hợp, bệnh nhân có thể nhận thấy một hoặc nhiều cục u ở cổ, hoặc ở hai bên cổ về phía sau gáy. Chúng không mềm, không gây đau. Lúc này, ung thư từ vòm họng đã lan đến các hạch bạch huyết ở cổ và khiến hạch sưng lên. Khối u ở cổ sẽ không biến mất sau 3 tuần.

    dấu hiệu ung thư vòm họng ở phụ nữ là sưng hạch cổ

    Ngoài ra, một số dấu hiệu ung thư vòm họng ở phụ nữ mà bạn nên lưu ý bao gồm: 

    • Mất thính lực, thường chỉ ở 1 tai
    • Ù tai
    • Nhiễm trùng tai tái đi tái lại nhiều lần. Nhiễm trùng tai có thể là một dấu hiệu ung thư vòm họng ở phụ nữ nếu nó không xảy ra cùng với với các nhiễm trùng đường hô hấp trên, chẳng hạn như cảm lạnh.
    • Nghẹt mũi, thường chỉ ở một bên
    • Chảy máu cam 
    • Đau đầu 
    • Nhìn đôi
    • Tê ở phần dưới của khuôn mặt
    • Khó mở miệng
    • Khó nuốt
    • Khó thở hoặc khó nói
    • Đau mặt
    • Giọng khàn thô, rè, cứng nặng dần
    • Mệt mỏi và giảm cân không mong muốn. 

    Không phải cứ có những biểu hiện kể trên nghĩa là bạn bị ung thư. Nhiều dấu hiệu ung thư vòm họng ở phụ nữ dễ gây nhầm lẫn với các triệu chứng bệnh khác ít nghiêm trọng hơn. Vậy nên tốt nhất bạn nên đi khám bác sĩ ngay khi có dấu hiệu bất thường, hoặc khi các triệu chứng kể trên kéo dài quá 2 tuần, hoặc tái phát nhiều lần. 

    Các bước chẩn đoán ung thư vòm họng 

    chẩn đoán nhờ các dấu hiệu ung thư vòm họng ở phụ nữ

    Khi bạn đi khám vì nghi ngờ có các dấu hiệu ung thư vòm họng ở phụ nữ, bác sĩ sẽ hỏi về triệu chứng; khám cổ họng bằng đèn; kiểm tra đầu, cổ, miệng, mũi, cơ mặt và các hạch bạch huyết. Đôi khi, bác sĩ cũng cho bạn làm một bài kiểm tra thính giác. Bên cạnh đó, họ có thể chỉ định bạn thực hiện một số xét nghiệm chuyên sâu hơn như sau: 

    • Xét nghiệm virus Epstein – Barr trong máu vì ung thư vòm họng thường liên quan đến virus này
    • Nội soi vòm họng bằng ống nội soi được luồn vào cổ họng qua mũi hoặc miệng. Bạn sẽ được gây tê cục bộ vùng mũi và cổ họng
    • Xét nghiệm hình ảnh như MRI, CT hoặc PET-CT để tìm kiếm khối u và kiểm tra xem ung thư đã lan rộng hay chưa
    • Nội soi kép đồng bộ (Panendoscopy) kiểm tra toàn bộ khối u ở mũi, cổ họng, thanh quản, thực quản. Bạn sẽ được gây mê toàn thân.
    • Sinh thiết được dùng khi bác sĩ phát hiện thấy khối u. Họ sẽ lấy một mẫu mô nhỏ từ khối u trong quá trình nội soi để kiểm tra dưới kính hiển vi xem có phải ung thư hay không.

    Sau khi hoàn tất các xét nghiệm này, bác sĩ sẽ kết luận bạn có bị ung thư vòm họng hay không và xác định giai đoạn của ung thư. Từ đó, họ mới chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Trong đó, hai phương pháp chính trong điều trị là xạ trị và hóa trị, thường được kết hợp đồng thời. Phẫu thuật thường không được dùng trong điều trị ung thư vòm họng vì khối u vòm họng khó tiếp cận.

    Một số nghiên cứu cho thấy giới tính nữ được coi là yếu tố thuận lợi cho tiên lượng. Họ thường phát hiện sớm các dấu hiệu ung thư vòm họng ở phụ nữ hơn, ít tiến triển bệnh và ít tử vong liên quan đến ung thư hơn. Tỉ lệ sống sót sau 5 năm ở phụ nữ bị ung thư biểu mô vòm họng là trên 80% Vì vậy, đừng quá lo lắng mà bạn nên thăm khám sớm để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

    Nếu may mắn không mắc bệnh ung thư vòm họng, bạn vẫn nên xây dựng một lối sống khoa học với chế độ ăn cân đối và lành mạnh, tập thể dục hằng ngày, không hút thuốc lá và tránh xa khói thuốc để giảm nguy cơ mắc bệnh này.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Bác sĩ CKII Nguyễn Đức Trường

    Ung thư - Ung bướu · Bệnh viện Thống Nhất TP. Hồ Chí Minh


    Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 24/10/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo