backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Ung thư đầu cổ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 27/03/2023

Ung thư đầu cổ

Mỗi năm trên thế giới, ung thư đầu cổ có hơn 650.000 ca mắc và khoảng 330.000 ca tử vong. Các khối u ác tính có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trong vùng đầu – mặt – cổ. Tùy theo loại ung thư, vị trí và kích thước mà người bệnh sẽ được chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.

Khi các tế bào trong cơ thể phát triển mạnh ngoài tầm kiểm soát tạo thành một khối u có khả năng lây lan thì được gọi là ung thư. Nếu sự bất thường này xuất hiện ở một vài vị trí trong đầu và cổ họng thì được gọi chung là ung thư đầu cổ, ngoại trừ ung thư não, mắt, tuyến giáp, da đầu cổ và thực quản.

Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu tiếp căn bệnh này qua bài viết sau đây.

Tìm hiểu chung

Ung thư đầu cổ là gì?

Ung thư đầu cổ là một tên gọi chung cho các loại ung thư xảy ra tại vùng đầu và cổ. Khối u thường bắt nguồn từ các tế bào vảy ở niêm mạc bề mặt nhầy, ẩm bên trong đầu, cổ (như ở trong miệng, mũi và cổ họng). Ung thư cũng có khi bắt đầu từ các tuyến nước bọt nhưng không phổ biến.

Các vị trí ung thư phổ biến là:

  • Thanh quản
  • Khoang miệng (bao gồm môi, 2/3 phía trước của lưỡi, lợi, niêm mạc bên trong má và môi, sàn (đáy) miệng dưới lưỡi, xương trên cùng của miệng và vùng nướu nhỏ phía sau răng khôn).
  • Hầu họng (bao gồm vòm họng, hầu họng, gốc lưỡi và amidan.

Các vị trí ung thư ít phổ biến hơn gồm vòm hầu, khoang mũi và các xoang cánh mũi, hạ hầu và các tuyến nước bọt.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng ung thư đầu cổ

triệu chứng ung thư đầu cổ

Các triệu chứng ung thư đầu và cổ có thể bao gồm một khối u ở cổ hoặc vết loét trong miệng hoặc cổ họng không lành và có thể gây đau, đau họng không biến mất, khó nuốt, thay đổi giọng nói và khàn giọng. Những triệu chứng này cũng có thể được gây ra bởi các tình trạng khác ít nghiêm trọng hơn. Điều quan trọng là phải thăm khám với bác sĩ để xác định nguyên nhân:

Các triệu chứng ung thư đầu cổ tùy theo vị trí khối u có thể bao gồm:

  • Khoang miệng. Một mảng trắng hoặc đỏ trên nướu, lưỡi hoặc niêm mạc miệng; sự phát triển hoặc sưng hàm khiến răng giả không vừa khít hoặc trở nên khó chịu; và chảy máu bất thường hoặc đau trong miệng.
  • Hầu họng. Đau khi nuốt; đau ở cổ hoặc cổ họng không biến mất; đau hoặc ù tai; hoặc khó nghe.
  • Thanh quản. Khó thở hoặc khó nói, đau khi nuốt hoặc đau tai.
  • Xoang cạnh mũi và hốc mũi. Xoang bị tắc và không thông; nhiễm trùng xoang mãn tính không đáp ứng với điều trị bằng kháng sinh; chảy máu mũi; nhức đầu thường xuyên, sưng tấy hoặc các vấn đề khác về mắt; đau ở răng trên; hoặc các vấn đề với răng giả.
  • Tuyến nước bọt. Sưng dưới cằm hoặc xung quanh xương hàm, tê hoặc tê liệt các cơ ở mặt, hoặc đau ở mặt, cằm hoặc cổ không biến mất.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ung thư đầu cổ là gì?

rượu thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư đầu cổ

Tỷ lệ mắc các loại ung thư này tăng theo tuổi. Hầu hết bệnh nhân là từ 50 – 70 tuổi nhưng tỷ lệ người trẻ tuổi ngày bị bệnh ngày càng tăng lên. Bệnh lý này phổ biến ở nam giới hơn ở phụ nữ. Tuy nhiên, tùy theo vị trí giải phẫu, tỷ lệ mắc bệnh theo giới tính sẽ khác nhau và đang thay đổi vì số lượng phụ nữ hút thuốc lá tăng lên.

Các nguyên nhân gây ung thư đầu cổ bao gồm:

  • Uống rượu và hút thuốc lá: Rượu và thuốc lá là những yếu tố nguy cơ chính làm tăng khả năng bị ung thư đầu cổ. Tất cả loại thuốc lá bao gồm cả xì gà, thuốc lào, thuốc lá không khói (thuốc lá nhai, hít) đều có liên quan đến nguy cơ ung thư này (ngoại trừ ung thư tuyến nước bọt). Các loại bia rượu cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh, cụ thể là ung thư miệng, hầu họng và thanh quản.
  • Nhiễm các loại vi rút u nhú ở người (HPV): Nhiễm HPV gây ung thư, đặc biệt là HPV loại 16 , là một yếu tố nguy cơ gây ung thư vòm họng liên quan đến amidan hoặc gốc lưỡi. Khoảng 3/4 số ca ung thư vòm họng là do nhiễm HPV mãn tính.
  • Ngậm trầu cau: Ngậm trầu trong miệng, một phong tục phổ biến ở Đông Nam Á, có liên quan chặt chẽ với việc tăng nguy cơ ung thư miệng.
  • Tiếp xúc nghề nghiệp: Một số nghề nghiệp hay tiếp xúc với những hóa chất độc hại cũng làm tăng nguy cơ bị ung thư vòm họng. Các công việc trong ngành xây dựng, dệt may, gốm sứ, khai thác gỗ hay chế biến thực phẩm có thể khiến bạn tiếp xúc với bụi gỗ, formaldehyde, amiang, niken và nhiều hóa chất khác.
  • Tiếp xúc với bức xạ: Sử dụng bức xạ lên đầu và cổ để điều trị ung thư, là một yếu tố nguy cơ gây ung thư tuyến nước bọt.
  • Nhiễm vi rút Epstein-Barr: Nhiễm vi rút Epstein-Barr là một yếu tố nguy cơ gây ung thư vòm họng và ung thư tuyến nước bọt.
  • Rối loạn di truyền: Một số rối loạn di truyền, chẳng hạn như bệnh thiếu máu Fanconi có thể làm tăng nguy cơ phát triển các tổn thương tiền ung thư và ung thư sớm trong đời.
  • Tiếp xúc với tia cực tím (UV): Tia cực tím từ ánh nắng mặt trời hay tắm nắng nhân tạo cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến ung thư môi.
  • Chế độ ăn uống: Ăn quá nhiều thực phẩm ướp muối (như thịt và cá ướp muối) có thể làm tăng nguy cơ ung thư vòm họng.
  • Vệ sinh răng miệng kém: Không chăm sóc răng và nướu có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh nha chu và ung thư miệng.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

thăm khám sức khỏe định kỳ

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán ung thư đầu cổ?

Bác sĩ sẽ tiến hành các bước giúp chẩn đoán xem bạn có bị ung thư đầu cổ thông qua:

  • Thăm khám lâm sàng
  • Sinh thiết
  • Chẩn đoán hình ảnh và nội soi để đánh giá mức độ tiến triển khối u

Khám sức khỏe định kỳ là cách tốt nhất để phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe trước khi chúng gây ra triệu chứng. Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng bất thường ở đầu, cổ (như đau họng, khàn tiếng, đau tai) kéo dài hơn 2–3 tuần, hãy tìm gặp bác sĩ chuyên khoa.

Khi muốn xác định rõ hơn, bác sĩ sẽ yêu cầu làm sinh thiết. Một mẫu mô ở vị trí có khối u hay nghi ngờ ung thư sẽ được lấy và đem đi quan sát trong phòng thí nghiệm.

Tiếp đến, các chẩn đoán hình ảnh (như chụp CT, MRI hay PET) được thực hiện để đánh giá kích thước của khối u nguyên phát, ảnh hưởng đến khu vưc lân cận và đã di chuyển đến hạch bạch huyết cổ hay chưa.

Những phương pháp điều trị ung thư đầu cổ

Nếu phát hiện sớm, các loại ung thư này có khả năng được chữa khỏi. Phương pháp điều trị bao gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa trị hoặc kết hợp. Tuy nhiên, quá trình điều trị thường gây ra những tác dụng phụ ảnh hưởng đến nhiều chức năng sống khác nên người bệnh cần thời gian hồi phục sau điều trị.

Tùy vào ví trị khối u, giai đoạn ung thư và một số yếu tố liên quan khác mà bác sĩ sẽ cân nhắc để đưa ra hướng điều trị cho các loại ung thư đầu cổ phù hợp, an toàn và ít tác dụng phụ cho bệnh nhân.

Phòng ngừa

Bạn có thể làm gì để giảm nguy cơ bị ung thư đầu và cổ?

Nếu muốn giảm thiểu nguy cơ phát triển ung thư tại vùng đầu cổ, bạn hãy:

  • Bỏ hút thuốc
  • Hạn chế hoặc tránh uống rượu bia
  • Hỏi ý kiến bác sĩ về việc tiêm vắc-xin phòng ngừa HPV
  • Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục
  • Sử dụng son dưỡng môi có khả năng chống tia UV, đội nón rộng vành khi đi dưới trời nắng
  • Khám sức khỏe định kỳ để có thể phát hiện sớm bệnh ung thư.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 27/03/2023

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo