backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Ung thư tủy xương

Thông tin kiểm chứng bởi: Ban biên tập Hello Bacsi


Tác giả: Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng · Ngày cập nhật: 05/12/2023

Ung thư tủy xương

Ung thư tủy xương là một dạng ung thư máu bắt đầu từ tủy, nằm bên trong xương. Hầu hết những người bị ung thư tủy xương đều không có các yếu tố nguy cơ. Việc hiểu rõ về bệnh sẽ giúp bạn điều trị bệnh tốt hơn. Mời bạn cùng Hello Bacs tìm hiểu rõ hơn trong bài viết này nhé!

Tìm hiểu chung

Ung thư tủy xương là gì?

Tủy xương là các mô mềm, xốp lấp đầy trung tâm của xương. Công việc chính của tủy xương là tạo ra các tế bào máu, bao gồm: bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu.

Vậy, ung thư tuỷ xương là gì? Ung thư tủy xương là một dạng ung thư máu bắt đầu từ tủy, ảnh hưởng đến quá trình tạo ra các tế bào máu. Ung thư tủy thường không gây ra cục u hoặc khối u. Thay vào đó, nó làm hỏng xương và ảnh hưởng đến việc sản xuất các tế bào máu khỏe mạnh.

Các loại ung thư tủy xương

Có nhiều loại ung thư tủy xương, chẳng hạn như:

  • Đa u tủy xương. Đây là loại ung thư tủy xương phổ biến nhất, ảnh hưởng đến các tế bào plasma. Plasma là các tế bào bạch cầu giúp chống nhiễm trùng và bệnh tật. Trong đa u tủy, các tế bào ung thư plasma đẩy những tế bào bình thường, khỏe mạnh ra ngoài và tiêu diệt hoặc làm suy yếu xương.
  • U bạch huyết. Chúng thường bắt đầu ở các hạch bạch huyết, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến tủy xương. U lympho không Hodgkin bắt đầu trong các tế bào lympho, một loại tế bào bạch cầu. Các tế bào bạch cầu là một phần của hệ miễn dịch của cơ thể.
  • Bệnh bạch cầu. Nếu bạn có loại ung thư máu này, cơ thể sẽ tạo ra các tế bào máu bất thường. Những tế bào bất thường này ở tủy xương tranh chỗ với các tế bào máu khỏe mạnh. Thông thường, bệnh bạch cầu hình thành trong các tế bào bạch cầu, nhưng nó cũng có thể xảy ra ở các loại tế bào khác. Bệnh có thể phát triển nhanh (cấp tính) hoặc phát triển chậm (mãn tính). Có rất nhiều loại bệnh bạch cầu. Tất cả đều có các phương pháp điều trị khác nhau.
  • Bệnh bạch cầu thời thơ ấu. Đây là dạng ung thư phổ biến nhất ở trẻ em và thiếu niên. Khoảng 3 trong số 4 ca bệnh bạch cầu thời thơ ấu là bệnh bạch cầu cấp tính. Điều này bắt đầu trong tủy xương từ các dạng đầu tiên của các tế bào bạch cầu và tiến triển một cách nhanh chóng. Phần còn lại thường là bệnh bạch cầu tủy cấp tính. Loại ung thư này bắt đầu ở một dạng tế bào máu khác và có thể di chuyển nhanh vào máu và lan sang các phần khác của cơ thể.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng ung thư tủy xương

Trong giai đoạn đầu, các dấu hiệu ung thư tủy xương không rõ ràng và giống với các tình trạng bệnh lý khác. Nhiều trường hợp bệnh được phát hiện trong quá trình xét nghiệm máu định kỳ, khi nồng độ protein được phát hiện tăng cao và nghi ngờ mắc bệnh.

Khi bệnh tiến triển, một số triệu chứng sau đây có thể xảy ra:

  • Đau xương dai dẳng, thường ở lưng, xương sườn hoặc hông
  • Xương giòn, yếu và dễ gãy
  • Sốt, ớn lạnh
  • Sưng hạch bạch huyết, gan to hoặc lá lách
  • Tăng canxi máu (nồng độ canxi trong máu cao)
  • Tổn thương thận
  • Thiếu máu
  • Nhiễm trùng lặp đi lặp lại
  • Mờ mắt, chóng mặt, nhức đầu
  • Mệt mỏi, suy nhược
  • Giảm cân
  • Bầm tím, chảy máu bất thường
  • Chảy máu cam tái phát
  • Những đốm đỏ nhỏ trên da
  • Đổ mồ hôi quá nhiều, đặc biệt là vào ban đêm.

Khi nào nên đến gặp bác sĩ?

Gặp bác sĩ đa khoa nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào được liệt kê ở trên. Mặc dù chúng không có khả năng do ung thư gây ra, nhưng tốt nhất bạn nên được chẩn đoán chính xác.

Bác sĩ sẽ khám để kiểm tra xem bạn có bị đau xương, chảy máu, dấu hiệu nhiễm trùng và bất kỳ triệu chứng nào khác cho thấy bạn có thể bị ung thư tủy xương hay không. Họ cũng có thể sắp xếp xét nghiệm máu và nước tiểu.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây bệnh ung thư tủy xương là gì?

nguyên nhân ung thư tủy xương

Chưa rõ nguyên nhân nào dẫn đến bệnh ung thư tủy xương. Nguyên nhân ung thư tủy xương dường như phát triển từ sự kết hợp của các yếu tố di truyền và môi trường sống. Ung thư tủy xương được cho là xảy ra khi một số tế bào máu có những thay đổi (đột biến) trong vật liệu di truyền hoặc ADN của chúng. ADN của một tế bào chứa các hướng dẫn cho tế bào biết phải làm gì. Thông thường, ADN báo cho tế bào phát triển với tốc độ đã định và chết vào một thời điểm đã định. Trong bệnh ung thư tủy xương, các đột biến ra lệnh cho các tế bào máu tiếp tục phát triển và phân chia.

Khi điều này xảy ra, quá trình sản xuất tế bào máu trở nên mất kiểm soát. Theo thời gian, những tế bào bất thường này có thể lấn át các tế bào máu khỏe mạnh trong tủy xương, dẫn đến ít tế bào bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu khỏe mạnh hơn, gây ra các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh.

Những ai có nguy cơ mắc bệnh?

Yếu tố nguy cơ là yếu tố ảnh hưởng đến khả năng mắc bệnh. Các loại ung thư   khác nhau có các yếu tố rủi ro khác nhau. Tuy nhiên, nếu bạn có yếu tố nguy cơ không có nghĩa bạn sẽ bị bệnh. Hầu hết những người bị ung thư tủy xương không có yếu tố nguy cơ nào. Hãy nói chuyện với bác sĩ về những lo lắng của bạn.

Dưới đây là một số yếu tố nguy cơ gây ung thư tủy xương như:

♦ Đa u tủy. Nguy cơ mắc ung thư tủy xương loại này tăng lên khi bạn già đi. Bạn sẽ có nguy cơ cao nhất mắc bệnh nếu trên 65 tuổi. Đàn ông có nguy cơ nhiều hơn phụ nữ. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm:

  • Tiền sử gia đình có bệnh u tủy
  • Làm việc trong các ngành công nghiệp dầu khí
  • Béo phì hoặc thừa cân
  • Tiền sử mắc các bệnh tế bào plasma

♦ Bệnh bạch cầu. Bệnh này phổ biến hơn ở những người trên 60 tuổi. Các yếu tố nguy cơ bổ sung đối với ung thư hạch bạch huyết là:

  • Tiếp xúc với hóa chất như benzen, hóa trị và xạ trị cho các bệnh ung thư khác.
  • Tình trạng tự miễn như viêm khớp dạng thấp, lupus và hội chứng Sjogren
  • Một số bệnh nhiễm trùng như HIV hoặc viêm gan C
  • Thừa cân hoặc béo phì
  • Trong những trường hợp hiếm hoi như cấy ghép vú

♦ Bạch cầu cấp tính dòng tủy. Loại này phổ biến hơn ở nam giới. Các yếu tố nguy cơ bao gồm:

  • Hút thuốc
  • Tiếp xúc lâu dài với một số loại hóa chất như benzene
  • Điều trị bằng các thuốc trị bệnh ung thư khác
  • Tiếp xúc bức xạ, ngay cả với liều thấp như chụp X-quang hoặc chụp CT
  • Một số vấn đề về máu
  • Các bệnh bẩm sinh bao gồm hội chứng Down
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh này.
  • ♦ Bạch cầu mãn tính dòng tủy. Bạn có thể mắc bệnh này nếu:

    • Tiếp xúc với bức xạ liều cao (như từ một vụ tai nạn lò phản ứng hạt nhân).
    • Tuổi tác. Nguy cơ mắc bệnh tăng lên khi bạn già đi.
    • Giới tính. Nam giới thường khá phổ biến hơn nữ giới.

    ♦ Bệnh bạch cầu ở trẻ em. Hầu hết trẻ em mắc bệnh này không có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào. Các bác sĩ không biết chính xác nguyên nhân gây ra nó. Một số yếu tố có thể làm tăng cơ hội cho trẻ nhỏ hoặc thiếu niên mắc bệnh này bao gồm:

    • Các hội chứng bao gồm hội chứng Down, thiếu máu Fanconi hoặc các hội chứng di truyền khác
    • Mắc một dạng bệnh về tủy xương khác
    • Có anh chị em ruột mắc bệnh bạch cầu, đặc biệt cặp song sinh cùng trứng
    • Tiếp xúc với bức xạ liều cao (có thể xảy ra do điều trị ung thư trước đó)
    • Thuốc hóa trị và các hóa chất khác, như benzen
    • Liệu pháp ức chế miễn dịch (như ghép tạng người)

    Chẩn đoán và điều trị

    Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

    Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán ung thư tủy xương?

    chẩn đoán và điều trị ung thư tủy xương

    Bác sĩ sẽ kiểm tra tủy xương để xem nó có tạo ra một lượng tế bào máu bình thường hay không. Cách này được gọi là xét nghiệm tủy xương, gồm hút tủy xương và sinh thiết tủy xương.

    Với loại đầu tiên, bác sĩ sẽ lấy một lượng nhỏ dịch từ tủy xương bằng kim tiêm. Xét nghiệm này sẽ gợi ý cho bác sĩ một số vấn đề. Nó cũng sẽ cho bác sĩ biết nếu bạn bị sốt hoặc nhiễm trùng.

    Nếu bác sĩ cần thêm thông tin, họ sẽ yêu cầu sinh thiết tủy xương. Bác sĩ sẽ lấy một mẫu tủy nhỏ bằng cây kim lớn hơn.

    Cả hai loại xét nghiệm đều đơn giản và an toàn cho hầu hết mọi người.

    Những phương pháp điều trị ung thư tủy xương

    Điều trị tùy thuộc vào loại ung thư, mức độ lây lan của nó và các yếu tố khác.

    Ung thư tủy có chữa được không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bác sĩ sẽ chỉ định các lựa chọn điều trị bệnh dựa trên tuổi tác và sức khỏe tổng thể của bạn, loại bệnh ung thư tủy xương mắc phải và liệu nó có lan sang các bộ phận khác của cơ thể không, bao gồm cả hệ thống thần kinh trung ương.

    Các phương pháp điều trị chính là:

    • Hóa trị. Bác sĩ tiêm thuốc chống ung thư vào cơ thể hoặc sử dụng dạng uống. Chúng có thể được sử dụng kèm với phương pháp bức xạ hoặc các loại thuốc khác.
    • Liệu pháp miễn dịch. Điều trị này làm tăng cường hệ miễn dịch. Cách này có thể sử dụng các phiên bản nhân tạo của hệ thống miễn dịch của bạn để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc làm chậm sự tăng trưởng của chúng.
    • Thuốc trị liệu nhắm mục tiêu. Những loại thuốc này xác định những thay đổi xảy ra trong các tế bào gây ung thư của cơ thể. Chúng thường có tác dụng phụ ít nghiêm trọng hơn so với hóa trị.
    • Xạ trị. Tia X đặc biệt và tia gamma được sử dụng để tấn công và thu nhỏ các khối u. Bức xạ giết chết các tế bào ung thư bằng cách phá hủy ADN của chúng.
    • Ghép tế bào gốc.Trong thời gian hóa trị, các tế bào ung thư của tủy xương bị tiêu diệt. Với hóa trị liều cao, các tế bào gốc tạo máu trong tủy xương cũng bị phá hủy theo. Ghép tế bào gốc – còn được gọi là ghép tủy xương, tạo ra nhiều tế bào phát triển trong tủy xương. Sau khi hóa trị hoặc xạ trị, bạn sẽ nhận được chúng thông qua tiêm truyền tĩnh mạch.

    Hi vọng bài viết đã cung cấp đến bạn những thông tin hữu ích về một dạng ung thư máu nguy hiểm và khá phổ biến. Hiểu rõ về bệnh sẽ giúp bạn nhận biết sớm và điều trị kịp thời.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Thông tin kiểm chứng bởi:

    Ban biên tập Hello Bacsi


    Tác giả: Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng · Ngày cập nhật: 05/12/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo