backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Tổng quan về các phương pháp điều trị ung thư phổi

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Kiến Bình · Ung thư - Ung bướu · BV Ung Bướu TP. Cần Thơ


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 13/02/2023

    Tổng quan về các phương pháp điều trị ung thư phổi

    Lựa chọn phương pháp điều trị ung thư phổi sẽ tùy thuộc vào loại ung thư phổi đang mắc phải (ung thư phổi tế bào nhỏ hay ung thư phổi không tế bào nhỏ), kích thước và vị trí khối u, mức độ lan rộng và sức khỏe tổng thể của bệnh nhân.

    Các phương pháp điều trị ung thư phổi phổ biến nhất bao gồm: phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, liệu pháp nhắm mục tiêu và liệu pháp miễn dịch. Thông thường, ung thư phổi không tế bào nhỏ được điều trị bằng một trong các phương pháp này hoặc kết hợp chúng. Còn người bệnh ung thư phổi tế bào nhỏ được điều trị bằng hóa trị và xạ trị. Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu cụ thể hơn trong bài viết này nhé!

    Phẫu thuật điều trị ung thư phổi

    Trong phác đồ điều trị ung thư phổi, phẫu thuật là lựa chọn điều trị chính khi bệnh còn ở giai đoạn đầu, khối u chỉ nằm trong một thùy phổi mà chưa lan rộng. Bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ khối u trong phổi bằng cách phẫu thuật cắt thùy phổi chứa u. Ngoài ra, các hạch bạch huyết xung quanh cũng được nạo vét. Phẫu thuật có thể tiến hành qua mổ mở hoặc nội soi, hiện đại hơn có thể bằng robot.

    phẫu thuật điều trị ung thư phổi

    Có 3 loại phẫu thuật trong điều trị ung thư phổi bao gồm:

    • Cắt bỏ thùy phổi: loại bỏ một hoặc nhiều thùy của một phổi có chứa khối u.
    • Cắt bỏ toàn bộ phổi: buộc phải loại bỏ toàn bộ một bên phổi khi ung thư đã lan rộng.

    Ngoài ra, nếu khối u có kích thước lớn, bác sĩ có thể đề nghị hóa trị hoặc xạ trị để thu nhỏ khối u trước khi phẫu thuật. Đồng thời, khi có nguy cơ cao tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật hoặc ung thư có thể tái phát, bác sĩ có thể đề nghị hóa trị hoặc xạ trị sau phẫu thuật.

    Bệnh nhân có thể lo lắng về khả năng thở nếu một phần hoặc toàn bộ phổi bị cắt bỏ, tuy nhiên, một người vẫn có thể thở được bình thường với một lá phổi.

    Tương tự như các loại phẫu thuật khác, phẫu thuật điều trị ung thư phổi cũng có thể dẫn đến các tai biến và biến chứng sau đây:

    • Viêm phổi 
    • Chảy máu 
    • Thuyên tắc phổi.

    Người ta ước tính rằng khoảng 1/5 ca phẫu thuật ung thư phổi sẽ dẫn đến tai biến hoặc biến chứng. Những tai biến hoặc biến chứng này thường có thể được điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật thêm một lần nữa.

    Xạ trị trong điều trị ung thư phổi

    Xạ trị là phương pháp sử dụng chùm tia bức xạ có năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư.

    Đối với ung thư phổi, xạ trị ngoài là chủ yếu. Có thể xạ trị đơn thuần hoặc kết hợp với hóa trị (còn được gọi là hóa xạ trị đồng thời).

    xạ trị điều trị ung thư phổi

    Hiện nay có rất nhiều phương pháp xạ trị kỹ thuật cao đã và đang được áp dụng như: Xạ trị điều biến cường độ tia, xạ trị điều biến thể tích, xạ trị định vị thân,….

    Tác dụng phụ của xạ trị trong điều trị ung thư phổi bao gồm:

    • Đau ngực
    • Mệt mỏi
    • Ho 
    • Viêm loét da vùng xạ
    • Thiếu máu
    • Giảm bạch cầu
    • Giảm tiểu cầu
    • Chán ăn,…

    Các tác dụng phụ sẽ hết sau khi liệu trình xạ trị được hoàn thành.

    Hóa trị

    Hóa trị trong điều trị ung thư phổi là việc dùng một hoặc kết hợp nhiều loại thuốc khác nhau để tiêu diệt tế bào ung thư. Thuốc thường được truyền qua đường tĩnh mạch ở cánh tay hoặc uống.

    Hóa trị có thể được sử dụng trước khi phẫu thuật để thu nhỏ khối u, tăng cơ hội phẫu thuật thành công. Hóa trị dùng sau khi phẫu thuật thì nhằm mục đích tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư nào còn sót lại và ngăn ngừa ung thư tái phát hay tiến triển, nhằm làm gia tăng thời gian sống còn.

    Như đã nói ở trên, hóa trị cũng có thể sử dụng đơn thuần hoặc được kết hợp với xạ trị (hóa xạ đồng thời).

    hóa trị trong điều trị ung thư phổi

    Các tác dụng phụ của hóa trị có thể bao gồm:

    • Mệt mỏi
    • Khó chịu
    • Loét miệng
    • Rụng tóc
    • Hệ thống miễn dịch suy yếu khiến bạn dễ bị nhiễm trùng hơn.
    • Thiếu máu
    • Giảm bạch cầu
    • Giảm tiểu cầu
    • Chán ăn,…

    Những tác dụng phụ này sẽ dần hết sau khi điều trị xong.

    Liệu pháp nhắm mục tiêu trong điều trị ung thư phổi

    Liệu pháp nhắm mục tiêu (hay liệu pháp sinh học) là các loại thuốc được thiết kế để ngăn chặn sự phát triển và lây lan của tế bào ung thư phổi, có cơ chế tác động chọn lọc hơn, ít gây tác dụng phụ hơn so với hóa trị. Phương pháp này tập trung vào những đột biến bất thường cụ thể hiện diện trong các tế bào ung thư. Bằng cách này, thuốc sẽ khiến tế bào ung thư chết đi.

    Tuy nhiên, liệu pháp nhắm mục tiêu chỉ thích hợp cho những người có một số đột biến gen nhất định. Bác sĩ có thể yêu cầu tiến hành làm xét nghiệm đột biến gen trên mẫu bệnh phẩm sinh thiết u phổi để xem liệu pháp này có phù hợp với bạn hay không, cũng như lựa chọn loại thuốc phù hợp với từng đột biến và tiên lượng.

    Các loại thuốc điều trị ung thư phổi theo liệu pháp nhắm mục tiêu được dùng qua đường uống, chủ yếu dành cho những người bị ung thư giai đoạn cuối.

    Tác dụng phụ bao gồm:

    • Các triệu chứng giống cúm, chẳng hạn: ớn lạnh, sốt cao và đau cơ
    • Mệt mỏi
    • Tiêu chảy
    • Ăn mất ngon
    • Loét miệng
    • Cảm thấy không khỏe,…

    Một điều cần lưu ý là giá thành của phương pháp điều trị này là khá cao, không phải bệnh nhân nào cũng có điều kiện kinh tế để sử dụng.

    Liệu pháp miễn dịch

    Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư phổi là một nhóm thuốc kích thích hệ thống miễn dịch chống lại và tiêu diệt các tế bào ung thư. Hệ thống miễn dịch của chúng ta không tấn công ung thư, để chúng lây lan bởi vì tế bào ung thư sản xuất các protein giúp hệ thống miễn dịch không thể nhận ra chúng. Liệu pháp miễn dịch hoạt động bằng cách can thiệp vào quá trình đó.

    Liệu pháp miễn dịch thường dành cho những người bị ung thư phổi tiến triển  hoặc đã di căn đến các bộ phận khác trong cơ thể. Phương pháp này có thể được sử dụng riêng hoặc kết hợp với hóa trị.

    Một loại thuốc miễn dịch có thể được sử dụng là pembrolizumab (nếu bệnh nhân có tăng biểu hiện PD-L1). 

    Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm:

    • Mệt mỏi hoặc suy nhược
    • Tiêu chảy
    • Ăn mất ngon
    • Đau khớp hoặc đau cơ
    • Da trở nên khô hoặc ngứa,…

    Hy vọng thông qua bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về các phương pháp điều trị ung thư phổi mới nhất và phổ biến nhất hiện nay. Việc xét nghiệm tầm soát, chẩn đoán và điều trị bệnh càng sớm sẽ càng tăng cơ hội điều trị thành công và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Trần Kiến Bình

    Ung thư - Ung bướu · BV Ung Bướu TP. Cần Thơ


    Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 13/02/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo