backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư phổi: Cơ hội giúp bệnh nhân khỏe mạnh hơn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hồng Nhung · Ngày cập nhật: 06/08/2021

    Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư phổi: Cơ hội giúp bệnh nhân khỏe mạnh hơn

    Ung thư phổi là một trong những căn bệnh phổ biến lấy đi mạng sống của nhiều người mỗi năm. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh của bệnh nhân, bác sĩ có thể lựa chọn liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư phổi để giúp bệnh nhân khỏe mạnh hơn.

    Theo trang Bạch Mai, mỗi năm Việt Nam có 20.000 người mắc mới ung thư phổi và 22.000 người tử vong vì căn bệnh này. Đa số các trường hợp mắc ung thư phổi là ung thư phổi không tế bào nhỏ (chiếm tới 80-85%), còn lại là ung thư phổi tế bào nhỏ.

    Một số bệnh nhân mắc ung thư phổi không tế bào nhỏ tiến triển NSCLC (non-small-cell lung cancer) có thể lựa chọn điều trị bằng liệu pháp miễn dịch. Các nhà khoa học phát minh và phát triển liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư đã nhận giải Nobel y học năm 2018. Liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư dựa trên nguyên lý tăng cường miễn dịch của cơ thể bệnh nhân, giúp nhận biết và tiêu diệt các tế bào ung thư.

    Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư phổi

    liệu pháp miễn dịch

    Các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện các liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư phổi. Các liệu pháp bao gồm các thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch (checkpoint inhibitors), vắc xin ung thư và truyền tế bào (adoptive cell therapy). Ngoài lựa chọn điều trị riêng lẻ, các nhà khoa học và các bác sĩ cũng xem xét hiệu quả khi kết hợp các liệu pháp này để đạt hiệu quả tối ưu nhất.

    Tính đến tháng 1-2020, có 4 loại thuốc thuộc nhóm liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ tiến triển đã được cấp phép bao gồm:

    • Atezolizumab (Tecentriq)
    • Durvalumab (Imfinzi)
    • Nivolumab (Opdivo)
    • Pembrolizumab (Keytruda)

    Cả 4 loại thuốc này đều thuộc nhóm thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch (checkpoint inhibitors).

    Các điểm kiểm soát miễn dịch đóng vai trò quan trọng giúp ức chế hoạt động của hệ miễn dịch nguyên phát, nhờ đó hệ miễn dịch không tấn công và làm tổn thương các cơ quan khỏe mạnh của cơ thể.

    Tuy nhiên, các tế bào ung thư lại sử dụng cơ chế này để đánh lừa hệ miễn dịch khiến hệ miễn dịch không thể tấn công chúng, nhờ đó tế bào ung thư phát triển và tăng trưởng. PD-1 là một trong những điểm kiểm soát được tế bào ung thư sử dụng. Những thuốc ngăn chặn điểm kiểm soát PD-1 cho phép hệ miễn dịch nhận diện tế bào ung thư, tấn công và tiêu diệt tế bào ung thư hiệu quả.

    Các lựa chọn điều trị bằng liệu pháp miễn dịch

    lựa chọn các liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư phổi

    Các thứ tự lựa chọn liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư phổi sẽ phụ thuộc vào tình trạng ung thư phổi mà bệnh nhân mắc phải.

    Liệu pháp miễn dịch là liệu pháp điều trị đầu tiên

    Các kết quả nghiên cứu cho thấy thuốc pembrolizumab thường phát huy hiệu quả tốt nhất giúp tiêu diệt những khối u ở phổi có biểu hiện protein PD-L1 ở mức cao. Trung bình cứ 3 bệnh nhân ung thư phổi tế bào nhỏ ở giai đoạn muộn thì có 1 người biểu hiện PD-L1 rất cao.

    Nếu bệnh nhân ung thư phổi di căn có hơn một nửa số tế bào biểu hiện PD-L1 thì có thể dùng pembrolizumab để điều trị ngay mà không phải sử dụng hóa trị hay các loại thuốc điều trị khác trước. Bác sĩ thường sử dụng atezolizumab và pembrolizmab ở dạng kết hợp với các liệu pháp điều trị khác.

    Nếu khối u có mang các đột biến ví dụ đột biến EGFR, ALK thì bệnh nhân nên xem xét sử dụng liệu pháp điều trị nhắm trúng đích hay còn gọi là thuốc đích trước. Vì trong trường hợp này, thuốc đích sẽ giúp làm nhỏ khối u hiệu quả hơn liệu pháp miễn dịch.

    Bác sĩ có thể chỉ định thuốc pembrolizumab là liệu pháp điều trị đầu tiên cho những bệnh nhân mắc ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn III nhưng không thể phẫu thuật hoặc hóa trị kết hợp xạ trị.

    Liệu pháp miễn dịch là liệu pháp điều trị thứ hai

    Bác sĩ có thể đề cập về lựa chọn liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư phổi giai đoạn cuối cho bệnh nhân không đáp ứng với hóa trị platinum. Bác sĩ cũng có thể sử dụng cách này cho bệnh nhân từng đáp ứng hóa trị nhưng sau đó ung thư tái phát trở lại sau khi điều trị bằng hóa trị hoặc các liệu pháp khác.

    Tất các bệnh nhân mắc ung thư phổi không tế bào nhỏ đã từng thử hóa trị (dù biểu hiện protein PD-L1 cao hay thấp) đều có thể sử dụng cả nivolumab và atezolizumab. Kể cả khi kết quả sinh thiết cho thấy khối u không biểu hiện PD-L1, liệu pháp miễn dịch vẫn có thể phát huy hiệu quả ở mức độ nào đó.

    Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể dùng Pembrolizumab và durvalumab để điều trị ung thư phổi tiến triển sau khi đã dùng các liệu pháp khác nhưng không hiệu quả.

    Khi nào không áp dụng liệu pháp miễn dịch?

    liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư phổi

    Mặc dù liệu pháp miễn dịch đã được cấp phép trong điều trị ung thư phổi từ tháng 3-2015 nhưng không phải bệnh nhân nào mắc ung thư phổi không tế bào nhỏ tiến triển cũng có thể áp dụng.

    Bệnh nhân ung thư phổi áp dụng liệu pháp miễn dịch có thể sẽ không an toàn nếu thuộc trường hợp mắc các bệnh tự miễn như lupus, bệnh viêm tuyến giáp, bệnh Crohn, bệnh viêm khớp dạng thấp…

    Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ khám và kiểm tra kỹ để phát hiện các nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm mạn tính hoặc cấp tính trước khi xem xét điều trị bằng liệu pháp miễn dịch cho bệnh nhân.

    Tác dụng phụ của liệu pháp miễn dịch

    tác dụng phụ khi dùng liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư phổi

    Tác dụng phụ thường gặp khi điều trị ung thư bằng liệu pháp miễn dịch bao gồm: mệt mỏi, ho, buồn nôn, ngứa, nổi mẩn da, chán ăn, táo bón, đau khớp và tiêu chảy.

    Ngoài ra, bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng phụ hiếm gặp hơn sau đây:

    • Phản ứng truyền dịch: Một số người có thể gặp phản ứng truyền dịch khi dùng thuốc thuộc nhóm liệu pháp miễn dịch. Tác dụng phụ này giống như một phản ứng dị ứng và có thể biểu hiện sốt, ớn lạnh, đỏ bừng mặt, phát ban, ngứa da, chóng mặt, thở khò khè và khó thở. Khi đang dùng thuốc, nếu bệnh nhân thấy bất kỳ triệu chứng nào kể trên thì cần trao đổi ngay với y tá hoặc bác sĩ.

    • Phản ứng tự miễn: Các loại thuốc này hoạt động trên nguyên tắc ức chế các điểm kiểm soát miễn dịch của cơ thể. Trong một số trường hợp, hệ miễn dịch có thể kích hoạt quá mức và tấn công các cơ quan trong cơ thể như phổi, ruột, gan, các tuyến sản sinh hormone, thận và các cơ quan khác. Tình trạng này giống như bệnh tự miễn và có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng tới sức khỏe, thậm chí có thể đe dọa tính mạng.

    Bệnh nhân và người chăm sóc cần báo cáo các tác dụng phụ (kể cả những triệu chứng chưa được ghi nhận và đề cập ở trên) để bác sĩ điều chỉnh và hỗ trợ kịp thời. Nếu gặp các triệu chứng nghiêm trọng, bệnh nhân sẽ phải ngưng điều trị và bác sĩ có thể kê corticosteroid liều cao để ức chế hệ miễn dịch.

    Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư phổi sẽ phù hợp với một số bệnh nhân mắc ung thư phổi không tế bào nhỏ tiến triển. Nếu bệnh nhân có những bệnh tự miễn đi kèm thì không nên áp dụng liệu pháp miễn dịch vì có thể không an toàn. Trong quá trình điều trị bệnh, bệnh nhân cũng nên theo dõi những tác dụng phụ mà mình mắc phải khi dùng liệu pháp miễn dịch để kịp thời báo bác sĩ nhằm có hướng điều trị phù hợp.

    Hồng Nhung HELLO BACSI

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Hồng Nhung · Ngày cập nhật: 06/08/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo