backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Ung thư phổi giai đoạn 2: Triệu chứng, điều trị và tiên lượng

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 18/09/2023

    Ung thư phổi giai đoạn 2: Triệu chứng, điều trị và tiên lượng

    Trước đây, người bị ung thư phổi giai đoạn 2 thường có tỷ lệ sống sót trung bình không cao. Tuy nhiên, những phương pháp điều trị mới đã giúp kéo dài thời gian sống cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống. Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu cụ thể hơn trong bài viết ngay sau đây nhé!

    Ung thư phổi giai đoạn 2 là gì?

    Ung thư phổi giai đoạn 2 thường là loại ung thư phổi không tế bào nhỏ vẫn còn ở giai đoạn cục bộ, khi đó bạn đã xuất hiện khối u ở trong phổi và có thể lan đến các hạch bạch huyết xung quanh nhưng chưa di căn rộng hơn. Khi khối u lan rộng ra ngoài được gọi là ung thư phổi tiến triển. Khoảng 30% người bệnh ung thư phổi được chẩn đoán khi họ ở giai đoạn 1 hoặc 2 và có tiên lượng sống tốt hơn đáng kể so với giai đoạn sau của bệnh.

    Ung thư phổi giai đoạn 2 được chia thành 2 giai đoạn bao gồm:

    • Giai đoạn 2A có nghĩa là ung thư phổi có kích thước từ 4 cm đến 5 cm nhưng không có tế bào ung thư trong bất kỳ hạch bạch huyết nào.
    • Giai đoạn 2B có nghĩa là:
  • Ung thư có kích thước lên tới 5cm và có các tế bào ung thư trong các hạch bạch huyết gần phổi bị ảnh hưởng.
  • Hoặc khối u có kích thước từ 5cm đến 7cm nhưng không có tế bào ung thư trong bất kỳ hạch bạch huyết nào.
  • Hoặc ung thư không ở bất kỳ hạch bạch huyết nào nhưng đã lan vào một hoặc nhiều khu vực sau: thành ngực (xương sườn, cơ hoặc da), dây thần kinh gần phổi (dây thần kinh cơ hoành) hoặc các lớp bao phủ tim (màng phổi trung thất và màng ngoài tim).
  • Hoặc ung thư nhỏ hơn 7cm nhưng có nhiều hơn một khối u trong cùng một thùy phổi.
  • Ung thư phổi giai đoạn 2 sống được bao lâu?

    Ung thư phổi giai đoạn 2 sống được bao lâu? Không có một câu trả lời chính xác cho vấn đề này. Tiên lượng có thể khác nhau đáng kể tùy từng bệnh nhân. Một số yếu tố ảnh hưởng đến tiên lượng này bao gồm:

    • Loại và vị trí ung thư phổi cụ thể: Ung thư phổi giai đoạn 2 bao gồm ung thư ở phổi và các tế bào ung thư nhỏ đã lan đến hạch bạch huyết, hay các tế bào ung thư lớn hơn nhưng chưa lan rộng.
    • Tuổi tác: Những người trẻ tuổi mắc ung thư phổi có cơ hội sống kéo dài hơn so với người bệnh đã lớn tuổi.
    • Giới tính: Tuổi thọ của phụ nữ bị ung thư phổi ở mỗi giai đoạn ung thư phổi cao hơn so với đàn ông.
    • Sức khỏe chung tại thời điểm chẩn đoán: Nếu bạn khỏe mạnh toàn diện tại thời điểm chẩn đoán sẽ giúp kéo dài thời gian sống cũng như khả năng chịu đựng các phương pháp điều trị.
    • Khả năng đáp ứng điều trị: Tác dụng phụ của các phương pháp điều trị như phẫu thuật, hóa trị, liệu pháp nhắm mục tiêu và xạ trị khác nhau giữa những người khác nhau và có thể hạn chế khả năng chịu đựng điều trị của bạn.
    • Các tình trạng sức khỏe khác: Các tình trạng bệnh khác như khí phế thũng hoặc bệnh tim có thể làm giảm tuổi thọ ở người ung thư phổi giai đoạn 2.
    • Biến chứng của ung thư phổi: Các biến chứng như cục máu đông có thể làm giảm thời gian sống của người bệnh.
    • Hút thuốc: tiếp tục hút thuốc sau khi chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn 2 dường như sẽ làm giảm tỷ lệ sống.

    Tỷ lệ sống sót trung bình (tỷ lệ người bệnh dự kiến sống được khoảng 5 năm sau khi được chẩn đoán mắc bệnh) khi ung thư phổi giai đoạn 2 là khoảng 30%. Đối với những người bệnh có khối u lớn và chưa lan đến bất kỳ hạch bạch huyết nào, tỷ lệ sống sót có thể cao hơn.

    Tuy nhiên, thống kê trên chỉ đánh giá dựa trên các số liệu trong quá khứ. Hiện nay, nhiều phương pháp điều trị ung thư phổi đã được phê duyệt trong giai đoạn 2011–2015 mang đến cho người bệnh nhiều cơ hội hơn rất nhiều.

    ung thư phổi giai đoạn 2

    Ung thư phổi giai đoạn 2 có chữa được không?

    Ung thư phổi giai đoạn 2 có chữa được không? Khả năng chữa khỏi và tỷ lệ sống sót trung bình của người bệnh ung thư phổi giai đoạn 2 đang ngày được cải thiện, không chỉ nhờ vào những phương pháp điều trị mới. Những tiến bộ y khoa cũng giúp cải thiện chất lượng cuộc sống đáng kể cho những người mắc bệnh ung thư phổi.

    Nếu bạn mắc phải ung thư phổi, hãy thăm khám sớm để được điều trị kịp thời.

    Tùy thuộc vào phương pháp điều trị

    Phẫu thuật

    Đối với người bị ung thư phổi giai đoạn 2, phẫu thuật thường là một lựa chọn điều trị (có thể có hoặc không các phương pháp điều trị bổ trợ như hóa trị và xạ trị). Trước đây, phẫu thuật ung thư phổi được thực hiện thường xuyên thông qua phẫu thuật cắt bỏ phổi, bác sĩ tiến hành một vết mổ lớn ở ngực và có liên quan đến việc tách xương sườn. Hiện nay, phẫu thuật xâm lấn tối thiểu có thể thay thế và ít rủi ro hơn.

    Phẫu thuật với hỗ trợ quay video, bác sĩ chỉ tạo một vết mổ nhỏ ở thành ngực. Sau đó, phần ung thư của phổi (hoặc thùy) được loại bỏ bằng cách sử dụng các thiết bị y tế đặc biệt.

    Những người trải qua phẫu thuật với hỗ trợ quay video sẽ nhập viện trong thời gian ngắn hơn và ít có khả năng phát triển hội chứng đau sau phẫu thuật như khi phẫu thuật lồng ngực.

    Đối với những người tiến hành xạ trị sau phẫu thuật, việc điều trị cũng được cải thiện hơn. Các kỹ thuật bức xạ mới cũng ít gây tổn thương mô hơn bình thường.

    Các phương pháp điều trị khác

    Các liệu pháp nhắm mục tiêu (liệu pháp điều trị trúng đích) cho những người bị đột biến gen EGFR, sắp xếp lại ROS1 và sắp xếp lại ALK đã và đang thay đổi khả năng điều trị bệnh ung thư phổi giai đoạn 2.

    Liệu pháp miễn dịch cũng đang tạo nên những hy vọng với hai loại thuốc mới được phê duyệt vào năm 2015, ngay cả đối với những người mắc bệnh ung thư tiến triển. Ngoài ra, bạn cũng nên xem những lời khuyên giúp cải thiện cuộc sống cho bệnh ung thư phổi mà bác sĩ có thể chưa đề cập đến.

    Tùy thuộc vào loại ung thư

    Ung thư phổi không phải tế bào nhỏ

    Nếu bạn đủ sức khỏe, bạn thường được phẫu thuật để loại bỏ: một phần phổi của bạn (cắt bỏ thùy, cắt bỏ phân đoạn hoặc cắt bỏ nêm) hoặc toàn bộ phổi (pneumonectomy).

    Sau khi phẫu thuật, bác sĩ có thể đề nghị bạn hóa trị để giảm nguy cơ ung thư tái phát. Điều này được gọi là hóa trị bổ trợ. Nếu bác sĩ phẫu thuật không thể loại bỏ hết ung thư, bạn có thể phải xạ trị sau ca phẫu thuật.

    Nếu bạn không đủ sức khỏe để phẫu thuật, bạn có thể được chỉ định xạ trị hoặc hóa trị.

    Ung thư phổi tế bào nhỏ

    Phương pháp điều trị chính là hóa trị, sau đó là xạ trị vùng ngực. Nếu bạn đủ sức khỏe, bạn có thể được hóa xạ trị. Điều này có nghĩa là bạn được hóa trị cùng lúc với xạ trị.

    Sau khi điều trị xong, bạn có thể phải xạ trị vùng đầu. Điều trị này được gọi là xạ trị dự phòng (PCR). Bạn cần thực hiện điều trị xạ trị dự phòng vì ung thư phổi tế bào nhỏ di căn lên não là tình trạng khá phổ biến. Phương pháp xạ trị nhằm mục đích tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư nào có thể đã lan đến não nhưng vẫn còn quá nhỏ để nhìn thấy trên phim chụp.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 18/09/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo