backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Giải đáp thắc mắc ung thư phổi di căn có chữa được không?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Kiến Bình · Ung thư - Ung bướu · BV Ung Bướu TP. Cần Thơ


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 24/04/2022

    Giải đáp thắc mắc ung thư phổi di căn có chữa được không?

    Được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi di căn có thể là một cú sốc rất lớn đối với bệnh nhân. Tuy nhiên, nhiều người vẫn mang hi vọng và tìm hiểu ung thư phổi di căn có chữa được không? Việc điều trị ung thư phổi di căn diễn ra như thế nào để họ có thể giảm triệu chứng bệnh, kéo dài sự sống lâu nhất?

    Mời bạn cùng Hello Bacsi đi tìm lời giải đáp cho vấn đề này trong bài viết ngay sau đây nhé!

    Ung thư phổi di căn có chữa được không?

    Ung thư phổi di căn là khi các tế bào ung thư đã lan đến các cơ quan khác trong cơ thể, rồi phát triển một khối u mới tại đó (ví dụ như gan, não, xương,…).

    Ung thư phổi di căn thường được chẩn đoán khi ung thư phổi ở giai đoạn IV.

    ung thư phổi di căn có chữa được không?

    Ung thư phổi di căn có chữa được không? Thật không may, bệnh ung thư phổi di căn đã ở giai đoạn cuối và thường không thể chữa khỏi hoàn toàn. Việc điều trị thường tập trung làm chậm sự phát triển và ngăn chặn mức độ tiến triển của tế bào ung thư, giúp người bệnh dễ chịu hơn và kéo dài sự sống thêm một thời gian hoặc chí ít cũng giải quyết được triệu chứng cho người bệnh.

    Các phương pháp điều trị ung thư phổi di căn

    ung thư phổi di căn có chữa được không khi di căn xa

    Nguyên tắc và mục tiêu điều trị

    Điều trị theo nguyên tắc cá thể hóa theo từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ cân nhắc đến tất cả các yếu tố sau:

    • Bệnh lý: Loại ung thư phổi, kết quả xét nghiệm đột biến gen, giai đoạn bệnh, các phương pháp điều trị trước đó,…
    • Bệnh nhân: Thể trạng, tuổi, các bệnh lý kết hợp đi kèm, hoàn cảnh kinh tế – xã hội của người bệnh, nguyện vọng của bệnh nhân,…
    • Cơ sở y tế: Điều kiện trang thiết bị, nguồn lực, trình độ nhân viên,…

    Đối với bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn IV (giai đoạn di căn/giai đoạn cuối), việc điều trị chỉ mang tính chất giảm nhẹ triệu chứng, gia tăng chất lượng cuộc sống và cố gắng kéo dài thời gian sống còn lâu nhất có thể. 

    Phương pháp điều trị đặc hiệu chủ yếu dùng trong giai đoạn này là các biện pháp điều trị mang tính chất toàn thân bao gồm hóa trị bằng các thuốc gây độc tế bào, điều trị nhắm trúng đích, điều trị miễn dịch,… Các biện pháp xử trí tại chỗ – tại vùng như phẫu thuật, xạ trị cũng được cân nhắc áp dụng tùy tình hình cụ thể của từng bệnh nhân.

    Hóa trị

    Hóa trị đóng vai trò chủ yếu trong giai đoạn này. Hóa trị là phương pháp sử dụng các thuốc mang tính chất gây độc tế bào để kìm hãm hoặc tiêu diệt ung thư. Có nhiều nhóm thuốc hóa trị khác nhau. Tùy theo các yếu tố kể trên mà bác sĩ sẽ lựa hóa trị đơn chất hoặc hóa trị phối hợp. Chu kỳ điều trị có thể kéo dài từ 6 – 8 đợt, mỗi đợt cách nhau 3 tuần, thường mỗi đợt bệnh nhân chỉ cần điều trị 1 ngày và có thể xuất viện vào cuối ngày.

    Bên cạnh đó, hóa trị cũng có thể dẫn đến một số tác dụng phụ như nôn ói, tiêu chảy, rụng tóc, chán ăn, khó ngủ, thiếu máu,… tùy thuộc cơ địa mỗi người bệnh mà có thể ít hay nhiều, nặng hay nhẹ. Bác sĩ sẽ sử dụng các loại thuốc hỗ trợ và các biện pháp khác nhằm kiểm soát các độc tính này và giúp đảm bảo chất lượng cuộc sống tốt hơn cho bệnh nhân. 

    Xạ trị

    Xạ trị cũng đóng một vai trò không nhỏ trong ung thư phổi, tuy nhiên là đối với các giai đoạn sớm hơn. Còn ở trường hợp giai đoạn cuối, xạ trị cũng chỉ mang tính chất làm giảm nhẹ triệu chứng đối với các tình huống di căn xa hoặc u xâm lấn gây triệu chứng.

    Hiện nay, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và y học tiên tiến, việc ra đời các máy xạ trị thế hệ mới cùng với những phương pháp xạ trị hiện đại, cũng như việc phối hợp hóa – xạ trị đồng thời đã phần nào nâng cao hiệu quả của phương pháp này trong ung thư.

    Phẫu thuật

    Tương tự như xạ trị, phẫu thuật chỉ mang tính chất triệt căn đối với ung thư phổi giai đoạn sớm. Còn đối với giai đoạn muộn, phẫu thuật chỉ nhằm mang vai trò sinh thiết để xác định chẩn đoán di căn hoặc có kết quả giải phẫu bệnh, hóa mô miễn dịch, đột biến gen của mô di căn (thường gặp nhất là hạch thượng đòn), để từ kết quả đó có thể có kết quả chẩn đoán chính xác và lựa chọn các thuốc điều trị phù hợp.

    Bên cạnh đó, phẫu thuật còn nhằm giải quyết triệu chứng cho bệnh nhân như dẫn lưu màng phổi (trong trường hợp có tràn dịch màng phổi dai dẳng), đặt buồng tiêm dưới da để bơm thuốc, phẫu thuật thần kinh, chỉnh hình nhằm cố định xương hoặc giải áp chèn ép tủy,…

    Nhắm trúng đích và Miễn dịch

    Một bước tiến lớn trong điều trị ung thư phổi đó là sự ra đời và liên tục cải tiến của các nhóm thuốc điều trị nhắm trúng đích và miễn dịch, điều đó đã mở ra một kỷ nguyên mới cho việc điều trị ung thư phổi giai đoạn muộn, góp phần mang lại hi vọng cho bệnh nhân trong việc kéo dài thời gian sống còn.

    Tùy theo kết quả đột biến gen và miễn dịch, bác sĩ sẽ lựa chọn loại thuốc nào phù hợp nhất cho bệnh nhân. Thuốc thường được dùng đơn thuần, không cần phải kết hợp với hóa trị và bệnh nhân hoàn toàn có thể uống thuốc tại nhà và chỉ cần đi tái khám lãnh thuốc hàng tháng. Thuốc thường được dùng kéo dài cho đến khi bệnh tiến triển. Việc sử dụng các nhóm thuốc này cũng ít có tác dụng phụ hơn so với hóa trị, nếu có thì cũng thường nhẹ nhàng và dễ kiểm soát hơn.

    Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại thì giá thành của các loại thuốc nhắm trúng đích, cũng như miễn dịch là rất đắt, không nhiều người bệnh có điều kiện kinh tế sử dụng, chi phí cho việc điều trị hàng tháng có thể lên tới vài chục cho đến vài trăm triệu đồng. Bảo hiểm y tế cũng chỉ mới thanh toán được một phần. Bên cạnh đó, các chương trình hỗ trợ cho bệnh nhân sử dụng các loại thuốc này cũng không thật sự nhiều. 

    Điều trị một số tình huống đặc biệt

    Di căn xương

    Bác sĩ sẽ sử dụng một loại thuốc chuyên dụng với tên gọi là thuốc chống tiêu xương để điều trị cho bệnh nhân trong trường hợp này. Thông thường là 12 chu kỳ, mỗi chu kỳ cách nhau khoảng 3 – 4 tuần, có thể sử dụng phối hợp đồng thời với hóa trị. 

    Ngoài ra, còn các biện pháp nhằm làm tăng cường tại chỗ như xạ trị tại chỗ hay sử dụng dược chất phóng xạ hoặc phẫu thuật như đã trình bày bên trên.

    Di căn não

    Đây là một trong những dấu hiệu tiên lượng xấu của bệnh ung thư do di căn não có thể gây ra các triệu chứng, dấu hiệu nguy hiểm, nặng nề hơn có thể đe dọa đến tính mạng bệnh nhân. Ở tình huống này, bác sĩ sẽ sử dụng một số loại thuốc để giúp kiểm soát triệu chứng, chống phù não, chống động kinh,…

    Ngoài ra, bác sĩ có thể áp dụng các phương pháp xạ trị như xạ phẫu bằng dao gamma hoặc xạ trị toàn bộ não.

    Chăm sóc giảm nhẹ

    Đối với những trường hợp bệnh nhân tuổi cao, tổng trạng yếu, có nhiều bệnh lý đi kèm, bệnh liên tục tiến triển và không phù hợp với các phương pháp điều trị kể trên hay kháng trị, tiên lượng sống còn ngắn thì sẽ được chuyển sang chăm sóc giảm nhẹ.

    Chăm sóc giảm nhẹ bao gồm việc sử dụng các loại thuốc và các phương pháp nhằm kiểm soát triệu chứng cho bệnh nhân, cố gắng nâng cao tổng trạng và chất lượng sống ở giai đoạn cuối đời.

    Bác sĩ sẽ quan tâm đến nhiều lĩnh vực quan trọng trong chăm sóc giảm nhẹ, bao gồm:

    • Tâm lý, tâm linh.
    • Gia đình, xã hội.
    • Các triệu chứng: Đau nhức, nôn ói, tiêu chảy,…
    • Dinh dưỡng.
    • Nguyện vọng của bệnh nhân.
    • Chuẩn bị cho cái chết.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Trần Kiến Bình

    Ung thư - Ung bướu · BV Ung Bướu TP. Cần Thơ


    Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 24/04/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo