backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Phẫu thuật ung thư tuyến giáp: 3 điều bạn cần biết để không lo lắng!

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Kiến Bình · Ung thư - Ung bướu · BV Ung Bướu TP. Cần Thơ


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 11/11/2021

    Phẫu thuật ung thư tuyến giáp: 3 điều bạn cần biết để không lo lắng!

    Ung thư tuyến giáp là bệnh có tỷ lệ chữa khỏi hoàn toàn lên đến 98%. Đối với việc điều trị, phẫu thuật ung thư tuyến giáp là lựa chọn đầu tiên và đóng vai trò quan trọng. 

    Nếu so với các loại ung thư khác thì mức độ nguy hiểm của ung thư tuyến giáp tương đối thấp và có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu phát hiện và điều trị sớm. 

    Bệnh có 4 thể chính là ung thư tuyến giáp thể nhú, ung thư tuyến giáp thể nang, ung thư tuyến giáp thể tủy và ung thư tuyến giáp không biệt hóa. Dù khác nhau về đặc điểm nhưng phương pháp điều trị chính của 4 loại ung thư này vẫn là phẫu thuật ung thư tuyến giáp. Tuy nhiên, tùy thuộc vào từng loại mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp mổ phù hợp nhất.

    I. Phẫu thuật ung thư tuyến giáp có 2 loại chính

    Phẫu thuật ung thư tuyến giáp

    1. Cắt một phần tuyến giáp hay cắt thùy tuyến giáp

    Đối với phương pháp phẫu thuật ung thư tuyến giáp này, chỉ có phần thùy chứa tế bào ung thư bị loại bỏ. Thông thường, bác sĩ cũng sẽ cắt bỏ luôn phần eo tuyến giáp (một phần nhỏ của tuyến đóng vai trò như cầu nối giữa thùy trái và thùy phải).  

    Phẫu thuật cắt một phần tuyến giáp thường được chỉ định trong các trường hợp ung thư tuyến giáp thể nhú và thể nang có kích thước nhỏ đến trung bình (không quá 4cm) và chưa có dấu hiệu lan rộng ra ngoài tuyến giáp. Trong một số trường hợp, phương pháp này cũng có thể dùng để chẩn đoán ung thư tuyến giáp nếu kết quả sinh thiết không rõ ràng. 

    Ưu điểm của cách mổ ung thư tuyến giáp này là sau phẫu thuật, bạn có thể không cần phải uống thuốc bổ sung hormone tuyến giáp. Ngoài ra, phương pháp này cũng ít có nguy cơ gây ra tình trạng suy tuyến cận giáp, làm ảnh hưởng đến nồng độ canxi trong máu.  

    Tuy nhiên, sau phẫu thuật, phần tuyến giáp còn lại có thể gây nhiều trở ngại trong việc thực hiện một số xét nghiệm tầm soát ung thư tái phát, chẳng hạn như xét nghiệm thyroglobulin.

    2. Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp

    Đây là là phương pháp phẫu thuật ung thư tuyến giáp phổ biến nhất. Đối với cách điều trị này, toàn bộ tuyến giáp (bao gồm các thùy và eo tuyến giáp) sẽ được loại bỏ thông qua một vết rạch nhỏ khoảng 2,5cm phía trước cổ.  

    Phương pháp phẫu thuật ung thư tuyến giáp này thường được chỉ định trong trường hợp: 

    • Ung thư tuyến giáp thể nhú và thể nang có kích thước lớn hơn 4cm 
    • Đã có dấu hiệu lan ra bên ngoài bề mặt của tuyến giáp 
    • Lan ra các hạch bạch huyết bên dưới tuyến giáp, các hạch dọc theo hai bên cổ hoặc đã di căn đến các bộ phận khác như phổi, xương hoặc gan.  

    Sau phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp, bạn sẽ cần uống thuốc bổ sung hormone tuyến giáp (levothyroxine) hàng ngày. Tuy nhiên, ưu điểm của cách phẫu thuật này là có thể loại bỏ hết tế bào ung thư ở giai đoạn sớm và có thể dễ dàng kiểm tra tình trạng ung thư tái phát bằng cách quét phóng xạ và xét nghiệm thyroglobulin. 

    Trong quá trình thực hiện, bác sĩ cũng có thể tiến hành loại bỏ cách hạch bạch huyết gần đó nếu kết quả xét nghiệm cho thấy tế bào ung thư đã lan đến các bộ phận này. Điều này rất quan trọng trong điều trị ung thư tuyến giáp thể tủy và ung thư tuyến giáp không biệt hóa. 

    Đối với ung thư tuyến giáp thể nhú hoặc thể nang, đa phần chỉ có các hạch bạch huyết to, các hạch bạch huyết gần tuyến giáp có chứa tế bào ung thư mới bị loại bỏ. Còn với những hạch nhỏ có tế bào ung còn sót lại thì có thể được điều trị sau đó bằng I-ốt phóng xạ. 

    II. Mổ ung thư tuyến giáp có nguy hiểm không?

    Nói đến mổ ung thư thì ai cũng sợ hãi, chính vì vậy, rất nhiều người chẳng may mắc bệnh cảm thấy rất băn khoăn không biết ung thư tuyến giáp có nên mổ không, mổ ung thư tuyến giáp có nguy hiểm không. 

    Thực tế, có nên mổ hay không sẽ còn tùy thuộc vào chỉ định của bác sĩ, căn cứ trên nhiều yếu tố. Mục đích chính của việc mổ ung thư tuyến giáp là loại bỏ tối đa các tế bào ung thư ra khỏi cơ thể để tránh các tế bào này di căn sang các bộ phận khác.  

    Do đó, nếu bác sĩ đã chỉ định mổ thì phương pháp điều trị này là cần thiết, nó có thể giúp bạn sống lâu hơn và hạn chế những tác động xấu của tế bào ung thư đối với sức khỏe. 

    Phẫu thuật ung thư tuyến giáp được đánh giá là cách điều trị an toàn. Tuy nhiên, dù vậy, phương pháp này vẫn tiềm ẩn một số rủi ro hiếm gặp như:  

  • Khàn giọng hoặc mất giọng tạm thời/vĩnh viễn do dây thần kinh thanh quản (hoặc dây thanh âm) bị tổn thương trong quá trình phẫu thuật. 
  • Tổn thương tuyến cận giáp (tuyến nhỏ phía sau tuyến giáp có chức năng điều chỉnh nồng độ canxi), khiến lượng canxi trong máu thấp, gây co thắt cơ và cảm giác tê, ngứa ran. 
  • Chảy máu quá nhiều hoặc tụ máu ở cổ 
  • Nhiễm trùng sau mổ. 
  • III. Chăm sóc sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp như thế nào?

    phẫu thuật ung thư tuyến giáp

    Phẫu thuật ung thư tuyến giáp là cuộc phẫu thuật lớn và có thể mất khoảng 1 – 2 tuần hoặc lâu hơn để hồi phục. Trong thời gian này, bạn có thể gặp phải các vấn đề và một số thay đổi như: 

  • Cổ bị đau, cứng, tê và khó chịu do vết mổ. Bác sĩ có thể cho bạn dùng thuốc giảm đau để kiểm soát. Ngoài ra, bạn cũng có thể thử massage cổ, tập vật lý trị liệu để thư giãn các cơ ở cổ. Đồng thời, nên tránh nâng vật trong khoảng 2 tuần sau phẫu thuật. 
  • Giọng nói khàn, hơi khác so với bình thường và khó phát ra âm thanh có âm vực cao do dây thanh âm bị tổn thương trong quá trình phẫu thuật. Tình trạng này có thể tạm thời hoặc vĩnh viễn, tuy nhiên, việc mất giọng hoàn toàn thì rất hiếm gặp. 
  • Dinh dưỡng: Người bệnh có thể ăn uống sau phẫu thuật vài tiếng. Bạn nên ăn những món mềm, loãng, dễ nuốt. Khi chế biến, có thể ninh lâu hoặc thái nhỏ, xay nhuyễn đồ ăn. Chú ý duy trì chế độ ăn giàu dinh dưỡng 
  • Vết mổ và sẹo: Để tránh nhiễm trùng, bạn không được tự ý tháo băng vết mổ khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ. Ngoài ra, cần chú ý giữ vết mổ sạch sẽ, khô thoáng. Khi đã được tháo băng, hãy để vết mổ tiếp xúc nhiều với không khí nhưng cần tránh ánh nắng trực tiếp. Khi vết mổ lành có thể để lại sẹo dài khoảng 5 – 7 cm, ban đầu có màu đỏ nhưng sẽ mờ dần.  
  • Tập luyện: Duy trì chế độ tập luyện nhẹ nhàng, tránh vận động mạnh, xoay cổ nhiều và tránh đi bơi trong 2 tuần đầu sau phẫu thuật.  
  • Uống hormone tuyến giáp: Nếu phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp, bạn sẽ cần uống thuốc bổ sung hormone tuyến giáp mỗi ngày. Bạn có thể phải thực hiện xét nghiệm máu thường xuyên để kiểm tra nồng độ hormone tuyến giáp trong máu. Còn với trường hợp chỉ cắt 1 phần thì có thể không cần dùng thuốc. Ngoài ra, tình trạng thay đổi hormone tuyến giáp sau phẫu thuật cũng có thể ảnh hưởng đến tâm trạng. Do đó, nếu thấy lo lắng, hoảng sợ thì cần đi khám ngay.  
  • Nồng độ canxi trong máu thấp hơn bình thường, có thể gây đau đầu; ngứa ran ở bàn tay, bàn chân, môi và chuột rút. Nguyên nhân của tình trạng này là do tuyến cận giáp bị ảnh hưởng khi phẫu thuật. Để khắc phục, bạn có thể cần uống thêm viên bổ sung canxi và vitamin D.   
  • Sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp, tất cả các mô được loại bỏ đều sẽ được kiểm tra để xác định chắc chắn loại ung thư tuyến giáp bạn đang mắc phải cũng như để xem có cần điều trị tiếp hay không. Một số trường hợp có thể cần phải phẫu thuật một lần nữa để loại bỏ phần có sót lại hoặc thực hiện các cách điều trị khác theo chỉ định như I-ốt phóng xạ, thuốc nhắm trúng đích… 

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Trần Kiến Bình

    Ung thư - Ung bướu · BV Ung Bướu TP. Cần Thơ


    Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 11/11/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo