backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Ung thư vú sống được bao lâu?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Kiến Bình · Ung thư - Ung bướu · BV Ung Bướu TP. Cần Thơ


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 15/11/2023

    Ung thư vú sống được bao lâu?

    Ung thư vú là loại bệnh ung thư phổ biến nhất và là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong do ung thư ở phụ nữ. Vì những điều này mà nhiều bệnh nhân lo lắng không biết ung thư vú sống được bao lâu? Cùng Hello Bacsi đi tìm lời giải đáp trong bài viết ngay sau đây nhé!

    Ung thư vú sống được bao lâu?

    Không ai có thể cho bạn biết chính xác người bị ung thư vú sống được bao lâu. Bởi tỷ lệ sống còn sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Chúng bao gồm:

    • Loại ung thư vú, cấp độ của tế bào ung thư
    • Giai đoạn ung thư vú khi được chẩn đoán, kích thước của khối u và mức độ lan rộng (di căn) đến hạch bạch huyết và các cơ quan khác
    • Tuổi tác và tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân.
    • Đã từng điều trị trước đó chưa và mức độ đáp ứng với điều trị.
    • Tế bào ung thư có chứa thụ thể hormone hay không
    • Xét nghiệm ung thư có dương tính với HER2 hay không

    Vậy, ung thư vú sống được bao lâu? Theo một thống kê tại Anh, tỷ lệ sống sót trung bình của ung thư vú như sau:

    • Khoảng 95% bệnh nhân ung thư vú có thể sống sót từ 1 năm trở lên sau khi chẩn đoán
    • Khoảng 85% phụ nữ sẽ sống sót từ 5 năm trở lên sau khi chẩn đoán
    • Khoảng 75% trường hợp sẽ sống sót từ 10 năm trở lên sau khi chẩn đoán.

    Tùy vào giai đoạn bệnh

    Ung thư vú sống được bao lâu? Tỷ lệ sống sót của bệnh ung thư vú nhìn chung là tốt, đặc biệt là khi được chẩn đoán sớm. Theo thống kê tại Anh, tỷ lệ sống sót trung bình trong 5 năm của bệnh nhân ung thư vú theo từng giai đoạn cụ thể như sau:

    • Ung thư vú giai đoạn 1 (I) sống được bao lâu hay ung thư vú giai đoạn đầu sống được bao lâu? Tiên lượng của bệnh ung thư vú giai đoạn đầu khá tốt. Gần 100% trường hợp sẽ sống sót từ 5 năm trở lên sau khi được chẩn đoán. 
    • Ung thư vú giai đoạn 2 (II) sống được bao lâu? Tỷ lệ sống sót sau 5 năm của ung thư vú giai đoạn II là khoảng 90%.
    • Ung thư vú giai đoạn 3 (III) sống được bao lâu? Tỷ lệ sống sót sau 5 năm của ung thư vú giai đoạn III là khoảng từ 70%.
    • Ung thư vú giai đoạn cuối sống được bao lâu hay ung thư vú giai đoạn 4 (IV) sống được bao lâu? Khi bệnh đã di căn đến các cơ quan xa như xương, gan, phổi hay não, tiên lượng sẽ rất kém. Chỉ khoảng 25% bệnh nhân ung thư vú giai đoạn IV có thể sống sót sau 5 năm trở lên. Bệnh không thể chữa khỏi vào giai đoạn này nhưng có thể được kiểm soát bằng điều trị trong vài năm.

    Ung thư vú sống được bao lâu tùy vào khả năng đáp ứng với điều trị

    ung thư vú sống được bao lâu tùy vào đáp ứng điều trị

    Phẫu thuật

    Phẫu thuật có vai trò quan trọng trong điều trị ung thư vú. Đây là cách cơ bản giúp kiểm soát khối u vú vẫn còn khu trú. Phẫu thuật ung thư vú có thể bao gồm:

    • Cắt bỏ khối u (phẫu thuật bảo tồn vú). Trong quá trình cắt bỏ khối u vú, bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ khối u và một phần nhỏ của mô khỏe mạnh xung quanh để giảm tối đa các tế bào ung thư còn sót lại. Phẫu thuật này chỉ phù hợp với những khối u nhỏ dưới 2 cm và chỉ khu trú trong vú.
    • Cắt bỏ toàn bộ vú. Đây là một phẫu thuật để loại bỏ tất cả các mô vú bao gồm các tiểu thùy, ống dẫn, mô mỡ và một số vùng da, kể cả núm vú và quầng vú. Phẫu thuật cắt bỏ vú triệt để là loại bỏ toàn bộ mô vú, hầu hết da và nạo hạch nách. Có thể phẫu thuật tái tạo lại tuyến vú nếu thuận lợi. 
    • Loại bỏ hạch bạch huyết (nạo vét hạch nách). Nếu ung thư được phát hiện ở các hạch bạch huyết trọng điểm, bác sĩ sẽ loại bỏ các hạch bạch huyết ở nách thông qua một đường rạch riêng.
    • Cắt bỏ cả hai vú. Một số phụ nữ bị ung thư ở một vú có thể chọn cắt bỏ cả hai vú nếu họ có nguy cơ cao mắc ung thư ở vú còn lại do di truyền hoặc tiền sử gia đình.

    Ung thư vú khu trú và chưa lan đến các hạch bạch huyết có tiên lượng tốt hơn ung thư vú lan đến hạch. Ung thư vú sống được bao lâu sau phẫu thuật cũng phụ thuộc nhiều vào tình trạng của các hạch bạch huyết ở nách. Số lượng hạch bạch huyết có tế bào ung thư càng cao thì tiên lượng càng kém.

    Xạ trị

    Ung thư vú sống được bao lâu nếu xạ trị? Khi kết hợp xạ trị sau phẫu thuật bảo tồn vú hay di căn hạch nách (có xem xét một số yếu tố khác sau phẫu thuật) giúp giảm nguy cơ tái phát ung thư khoảng 50% sau 10 năm, giảm nguy cơ tử vong do ung thư vú khoảng gần 20% sau 15 năm. Xạ trị có lợi cho các khối u lớn hơn 5 cm, khối u xâm lấn da hoặc thành ngực, ung thư đã lan đến nhiều hạch bạch huyết.

    Liệu pháp hormone (liệu pháp nội tiết)

    Liệu pháp hormone có thể được sử dụng trước hoặc sau phẫu thuật, hoặc kết hợp với các phương pháp điều trị khác để làm giảm nguy cơ ung thư vú tái phát. Nếu ung thư đã lan rộng, liệu pháp hormone có thể giúp thu nhỏ và kiểm soát sự phát triển của khối u.

    Nhìn chung, các khối u đáp ứng với hormone thường có tiên lượng tốt hơn.

    Hóa trị

    Có thể giảm 25% nguy cơ tái phát trong 10-15 năm khi hóa trị liệu bằng các thuốc như doxorubicin, epirubicin, cyclophosphamide, docetaxel, paclitaxel trong chu kỳ 6 tháng (thường khoảng 6 đến 8 chu kỳ).

    Điều trị bổ trợ ung thư vú dương tính với thụ thể (HR+) giai đoạn đầu bằng tamoxifen hoặc anastrozole trong ít nhất 5 năm đã được chứng minh là làm giảm 50% tỷ lệ tái phát trong 10 năm đầu, giảm 30% tỷ lệ tử vong trong 15 năm đầu.

    Liệu pháp nhắm mục tiêu

    Liệu pháp nhắm mục tiêu được chỉ định cho khoảng 17% bệnh ung thư vú sản xuất quá mức yếu tố tăng trưởng biểu bì 2 (HER2). Trastuzumab, loại thuốc đầu tiên được phê duyệt, là kháng thể đơn dòng nhắm trực tiếp vào protein HER2. Khi kết hợp với hóa trị trong điều trị ung thư vú dương tính với HER2, nó làm giảm nguy cơ tái phát đến 52% và giảm nguy cơ tử vong 33% so với chỉ hóa trị đơn thuần. Hiện nay, Pertuzumab cũng là một tác nhân kháng HER2 khác ra đời nhằm nâng cao hiệu quả điều trị, bệnh nhân có điều kiện kinh tế có thể sử dụng cả Trastuzumab và Pertuzumab được gọi là liệu pháp kháng HER2 kép.

    Biến chứng làm tăng nguy cơ tử vong ở bệnh nhân ung thư vú

    ung thư vú sống được bao lâu nếu có biến chứng

    Tiên lượng sống có thể kém đi nếu xảy ra biến chứng sau điều trị, dù là điều trị bằng phương pháp nào.

    Các biến chứng phẫu thuật ung thư vú bao gồm:

  • Nhiễm trùng
  • Đau đớn
  • Chảy máu
  • Sưng cánh tay (phù hạch bạch huyết)
  • Sẹo vĩnh viễn
  • Thay đổi hoặc mất cảm giác ở vùng ngực, cánh tay, lưng.
  • Xạ trị có thể dẫn đến các biến chứng sau:

    • Đau và thay đổi màu da vùng ngực
    • Mệt mỏi
    • Các vấn đề về tim và phổi
    • Bệnh thần kinh.

    Các biến chứng của hóa trị bao gồm:

    • Buồn nôn, nôn
    • Tiêu chảy
    • Rụng tóc
    • Mất trí nhớ
    • Khô âm đạo
    • Mãn kinh sớm
    • Vấn đề sinh sản
    • Tổn thương thần kinh
    • Tổn thương tim và thận.

    Các biến chứng đi kèm với liệu pháp hormone bao gồm:

    • Nóng bừng
    • Đổ mồ hôi ban đêm
    • Khô âm đạo
    • Mệt mỏi
    • Buồn nôn
    • Bất lực ở nam giới bị ung thư vú
    • Loãng xương
    • Tăng nguy cơ đông máu.

    Hi vọng bài viết này đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc ung thư vú sống được bao lâu. Trong bốn thập kỷ qua, tỷ lệ sống sót của hầu hết bệnh nhân ung thư vú đã được cải thiện đáng kể. Điều quan trọng cần nhớ là tỷ lệ sống ở trên chỉ là ước tính, con số có thể thay đổi tùy từng trường hợp. Hãy trao đổi với bác sĩ để biết chính xác tiên lượng cụ thể trong trường hợp của mình.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Trần Kiến Bình

    Ung thư - Ung bướu · BV Ung Bướu TP. Cần Thơ


    Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 15/11/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo