backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Vì sao chữa ung thư vú lại phải cắt buồng trứng?

Tham vấn y khoa: Bệnh viện K · Ung thư - Ung bướu · Bệnh viện K


Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 08/09/2021

    Vì sao chữa ung thư vú lại phải cắt buồng trứng?

    Hiện nay, trong một số bệnh lý, người phụ nữ cần được loại bỏ buồng trứng để điều trị triệt để, chẳng hạn như xoắn buồng trứng, lạc nội mạc tử cung và thậm chí còn có cả ung thư vú. Tuy đã được chứng minh về tính an toàn nhưng thực tế, phương pháp này vẫn mang một số rủi ro tiềm ẩn. Đặc biệt, nếu người mắc ung thư vú là phụ nữ có tuổi đời còn rất trẻ, hậu quả của việc cắt buồng trứng có thể nghiêm trọng hơn mọi người nghĩ.

    Tại sao phụ nữ cần phải được phẫu thuật loại bỏ buồng trứng trong khi tế bào ung thư lại phát triển ở vú? Liệu phẫu thuật có ảnh hưởng gì đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống sau này của họ không? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc này. 

    Vì sao bị ung thư vú nhưng lại phải cắt buồng trứng?

    Theo thống kê, trên 80% trường hợp người mắc ung thư vú có thụ thể nội tiết dương tính (HR+). Những thụ thể này sẽ kích thích các tế bào đột biến phát triển mạnh khi có nội tiết tố (hormone), chủ yếu là estrogen, gắn vào. 

    Ở phụ nữ, estrogen chủ yếu được sản sinh ở buồng trứng. Vì vậy, không ít phụ nữ trẻ tuổi bị ung thư vú có thụ thể nội tiết dương tính được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ cả hai buồng trứng để làm giảm nồng độ nội tiết tố này, từ đó hạn chế tác động của hormone đến tế bào ung thư, góp phần kiểm soát khối u cũng như ngăn ngừa ung thư tái phát. 

    Mặc dù đã được chứng minh về hiệu quả cũng như an toàn, nhưng thực tế, việc cắt buồng trứng vẫn có thể dẫn đến một số vấn đề ngoài ý muốn, gây ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần của người bệnh. 

    Hậu quả của việc cắt buồng trứng đối với cơ thể

    Tương tự nhiều loại phẫu thuật khác, thủ thuật cắt buồng trứng cũng mang một số rủi ro tiềm ẩn gồm: 

    • Mệt mỏi trong nhiều ngày, có thể kéo dài đến 3 – 4 tuần đối với phẫu thuật nội soi và thậm chí 6 tuần đối với phẫu thuật mở ở bụng
    • Để lại sẹo, không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn gây đau nhức
    • Mất cảm giác ngon miệng
    • Giảm nhu động ruột
    • Tổn thương thần kinh hoặc một số cơ quan nội tạng gần đó
    • Xuất huyết hoặc nhiễm trùng
    • Thoát vị thành bụng
    • Tác dụng phụ của thuốc mê gây dị ứng hoặc ảnh hưởng đến hệ hô hấp hoặc tim (hiếm gặp)

    Hậu quả cắt buồng trứng đối với bệnh nhân ung thư vú

    Bên cạnh đó, đối với phụ nữ trẻ tuổi bị ung thư vú, việc cắt buồng trứng sẽ khiến người bệnh bước vào giai đoạn mãn kinh với những vấn đề liên quan đến thiếu hụt estrogen như: 

    • Bốc hỏa
    • Đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm
    • Loãng xương
    • Âm đạo bị khô và kích ứng
    • Giảm ham muốn tình dục
    • Làn da thô ráp, kém mịn màng, dễ lão hóa
    • Kém nữ tính hơn trước

    Phẫu thuật loại bỏ buồng trứng ảnh hưởng đến tâm lý phụ nữ trẻ như thế nào?

    Hàm lượng estrogen trong cơ thể quá thấp có nguy cơ ảnh hưởng đến quá trình sản sinh serotonin. Thiếu hụt chất dẫn truyền thần kinh này là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh trầm cảm. 

    Bên cạnh đó, các cảm xúc tiêu cực có thể trở nên tệ hơn khi phụ nữ biết rằng họ không chỉ mất đi sự nữ tính vốn có mà còn mất cả “thiên chức” làm mẹ do buồng trứng đã bị loại bỏ. 

    Thực tế, mỗi phụ nữ đều có hai buồng trứng hoạt động độc lập chịu trách nhiệm sản sinh nội tiết tố estrogen và progesterone, đồng thời cung cấp trứng để thụ thai. Nếu một buồng trứng bị hỏng hoặc phải loại bỏ vì nhiều nguyên nhân, phụ nữ vẫn có khả năng mang thai nếu buồng trứng còn lại vẫn khỏe mạnh. 

    Tuy nhiên, trong trường hợp ung thư vú có thụ thể nội tiết dương tính, phụ nữ bắt buộc phải loại bỏ cả hai buồng trứng theo phác đồ điều trị. Điều này cũng đồng nghĩa với việc họ sẽ mất đi thiên chức làm mẹ vĩnh viễn. Kết quả này thật sự tàn nhẫn đối với người bệnh, đặc biệt khi tuổi đời của họ còn quá trẻ.

    Cắt buồng trứng sẽ mất đi thiêng chức làm mẹ

    Cảm giác phiền muộn khi không thể mang thai cùng với những vấn đề tâm lý liên quan đến trầm cảm do thiếu serotonin và estrogen có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ cũng như cuộc sống của người phụ nữ. Như vậy, ngay cả khi ung thư vú được chữa trị thành công, họ vẫn phải tiếp tục chịu đựng nỗi đau tinh thần trong suốt quãng đời còn lại. 

    Vậy, liệu còn giải pháp nào để phụ nữ trẻ tuổi vừa có thể điều trị bệnh, vừa tránh được tối đa các ảnh hưởng về thể chất và tinh thần như trên?

    Biện pháp điều trị thay thế

    Với sự phát triển vượt bậc của nền y học hiện đại, phương pháp loại bỏ buồng trứng không còn là duy nhất để giảm hàm lượng estrogen ở phụ nữ trẻ tuổi nhằm kìm hãm tế bào ung thư ở vú phát triển. Thay vào đó, liệu pháp nội tiết có khả năng đem lại hiệu quả tương tự bằng cách tạm thời ức chế chức năng buồng trứng, cản trở quá trình sản sinh hormone. 

    Với phác đồ điều trị này, phụ nữ trẻ tuổi mắc ung thư vú vẫn còn cơ hội tiếp tục tận hưởng cuộc sống tươi đẹp. Đồng thời, để nâng cao hiệu quả chữa trị, bác sĩ còn có thể kết hợp thêm thuốc nhắm trúng đích đặc hiệu trong một số trường hợp. 

    Nhìn chung, tuy việc cắt bỏ buồng trứng có thể giúp điều trị ung thư vú nhưng mặt trái của nó lại đem đến những ảnh hưởng nặng nề đối với phụ nữ cả về tâm lý lẫn sức khỏe. Một số bệnh nhân có thể không cần cắt hoặc ức chế buồng trứng. Việc quyết định có ức chế hay cắt buồng trứng để điều trị ung thư vú có thụ thể nội tiết dương tính còn phải cân nhắc dựa trên tuổi, nguyện vọng của người bệnh, giai đoạn bệnh và mức độ ác tính của khối u. 

    VN2108278697

    Nội dung được thực hiện bởi Bệnh viện K với sự hỗ trợ của Công ty TNHH Novartis Việt Nam.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bệnh viện K

    Ung thư - Ung bướu · Bệnh viện K


    Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 08/09/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo