backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Người mắc bệnh ung thư xương nên ăn gì?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 05/01/2022

    Người mắc bệnh ung thư xương nên ăn gì?

    Từ lâu, dinh dưỡng đã đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe con người. Vai trò của dinh dưỡng sẽ càng quan trọng hơn khi bạn đang chiến đấu với căn bệnh ung thư xương.

    Ung thư xương và các liệu trình điều trị bệnh có thể tác động đến sự thèm ăn của bạn. Đồng thời, chúng còn thay đổi khả năng dung nạp một số loại thực phẩm hay chuyển hóa chất dinh dưỡng đúng cách. Bạn sẽ cần đến một chế độ ăn uống giàu protein, đôi lúc nhiều calo, trước và trong quá trình điều trị bệnh ung thư xương để cơ thể có đủ năng lượng vượt qua nó.

    Trong khoảng thời gian này, nhóm thực phẩm bạn nên dùng có thể hoàn toàn khác so với lúc trước. Mục tiêu của bạn là duy trì cân nặng ổn định. Các bác sĩ có thể khuyến khích dùng thực phẩm chứa nhiều calo nếu bạn cảm thấy cơ thể yếu dần hoặc sụt cân không mong muốn.

    Bạn có thể muốn đọc thêm: Thực đơn dành cho người bệnh đa u tủy xương.

    Người bị bệnh ung thư xương thường mất cảm giác ngon miệng

    Các phương pháp điều trị bệnh ung thư xương có thể gây đau đớn và buồn nôn cho người bệnh. Từ đó, sự thèm ăn của họ sẽ có xu hướng bị ảnh hưởng và dần dần mất đi cảm giác ngon miệng.

    Theo nhiều chuyên gia dinh dưỡng, sự thèm ăn không biểu hiện việc cơ thể đang cần được tiếp nạp thêm năng lượng. Do đó, những người mắc bệnh ung thư xương nên cố gắng ăn uống đầy đủ chất, kể cả khi họ không có chút cảm giác ngon miệng nào.

    Chế độ ăn uống trước khi điều trị bệnh ung thư xương

    Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh là một trong những biện pháp tốt nhất để chuẩn bị cho quá trình điều trị bệnh ung thư xương. Một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ cho phép bạn tiến vào quá trình điều trị với những “lợi thế” như:

    • Duy trì sức khỏe vốn có
    • Xây dựng và bảo vệ các mô khỏe mạnh
    • Tăng cường hệ miễn dịch nhằm phòng ngừa nhiễm trùng

    Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng tốt còn giúp bạn dễ dàng đối phó với tác dụng phụ đến từ liệu pháp điều trị cũng như tăng khả năng chịu đựng đối với những loại thuốc cần liều lượng cao. Mặt khác, các chuyên gia còn nhận định rằng, việc ăn uống đầy đủ chất còn có khả năng tăng hiệu quả của một số phương pháp điều trị ung thư.

    Lúc này, chế độ ăn uống của bạn nên bao gồm:

    • Thực phẩm giàu protein như trứng, thịt, thịt gia cầm, cá, đậu, các loại đậu, hạt và các sản phẩm làm từ sữa
    • Thực phẩm có hàm lượng calo cao như bơ và bơ thực vật, các sản phẩm làm từ sữa, nước sốt và nước thịt, salad trộn và đồ ngọt

    Bệnh ung thư xương 1

    Bạn không nhất định phải bó buộc trong một khuôn khổ khi tăng cường protein và calo vào thực đơn hàng ngày. Bạn có thể phối hợp nhiều loại thực phẩm để thực đơn mỗi ngày phong phú hơn, ví dụ như:

    • Thêm trứng vào món thịt hầm, khoai tây nghiền hoặc mì nước
    • Sử dụng sữa bột để pha vào thức uống, chẳng hạn như trà sữa

    Bạn có thể muốn tìm hiểu: 8 cách tăng cường lượng protein cho người mắc bệnh ung thư.

    Chế độ ăn uống trong quá trình điều trị bệnh ung thư xương

    Phương pháp điều trị ung thư xương ảnh hưởng đáng kể đến các loại dinh dưỡng mà cơ thể cần hấp thụ. Dưới đây là một số lời khuyên để giúp bạn duy trì dinh dưỡng hợp lý trong quá trình điều trị.

    Phẫu thuật

    Cơ thể bạn cần thêm calo và protein để chữa lành và hồi phục các mô. Hãy cố gắng ăn uống đầy đủ khi bạn vẫn còn thèm ăn. Nếu tác dụng phụ từ ca phẫu thuật khiến bạn mất cảm giác ngon miệng, hãy chia nhỏ các bữa ăn trong ngày và thường xuyên uống nhiều nước để tránh tình trạng cơ thể mất nước. Ngoài ra, bạn cần hạn chế ăn các món chiên hoặc nhiều dầu mỡ vì chúng có thể khó tiêu hóa, không phù hợp với thể trạng lúc này của bạn.

    Xạ trị

    Khi phải trải qua xạ trị, bạn nên cố gắng ăn ít nhất một giờ trước mỗi lần điều trị. Hãy chia các bữa ăn chính thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, đặc biệt nếu bạn cảm thấy thực phẩm không ngon hoặc gây tiêu chảy. Khi khẩu vị quay lại, bạn có thể lên lịch các bữa ăn như bình thường.

    Hóa trị

    Tác dụng phụ từ thuốc hóa trị có thể khiến bạn buồn nôn, gây cản trở cho việc ăn uống. Vì vậy, bất cứ khi nào bạn thèm ăn, hãy tận dụng cơ hội bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể. Nếu cảm thấy không khỏe hoặc chán ăn, hãy ăn từng ít một và ăn nhiều lần trong ngày. Bạn nên chọn ăn thực phẩm giàu protein nhằm bổ sung năng lượng chống lại mệt mỏi thường đi kèm với hóa trị. Ngoài ra, hãy tránh thực phẩm chiên hoặc dầu mỡ.

    Chế độ ăn uống sau khi điều trị bệnh ung thư xương

    Khi điều trị ung thư xương kết thúc, bạn sẽ cần chuyển về chế độ ăn truyền thống hơn. Chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp bạn xây dựng một kế hoạch ăn uống hợp lý và lành mạnh bao gồm:

    • Ăn nhiều trái cây và rau củ quả. Đặc biệt, các loại thực phẩm cần đa dạng
    • Nhiều thực phẩm giàu tinh bột có lợi cho sức khỏe như bánh mì ngũ cốc nguyên hạt và ngũ cốc
    • Ăn ít chất béo. Hãy chọn thực phẩm nướng hoặc hấp thay vì chiên
    • Sữa ít béo và các sản phẩm từ sữa
    • Hạn chế thức uống chứa cồn như bia, rượu…

    Bệnh ung thư xương 2

    Bạn có thể quan tâm: 8 thực phẩm bổ sung protein cho người sau điều trị ung thư.

    Chất bổ sung cho người bệnh ung thư xương

    Bạn cũng có thể giải quyết một số vấn đề thiếu hụt dinh dưỡng của mình bằng cách sử dụng chất bổ sung. Một số hợp chất bổ sung được đề nghị bao gồm:

    • Một loại vitamin tổng hợp có chứa vitamin A, C, E, vitamin B và khoáng chất vi lượng, chẳng hạn như magiê, canxi, kẽm và selen
    • Axit béo omega-3, như dầu cá, có khả năng hỗ trợ giảm viêm và cải thiện các tế bào miễn dịch
    • Canxi citrate và vitamin D để hỗ trợ xương
    • Bổ sung men vi sinh để duy trì sức khỏe ở đường tiêu hóa cũng như hệ miễn dịch

    Lưu ý: Hãy chủ động tham vấn với bác sĩ về bất kỳ chất bổ sung nào trước khi bắt đầu sử dụng chúng. Bạn cũng có thể nhờ các chuyên gia dinh dưỡng giải đáp thắc mắc về những thực phẩm cụ thể bạn nên và không nên ăn.

    Bạn có thể muốn tìm hiểu: Bất ngờ với lợi ích của men vi sinh trong chăm sóc da.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 05/01/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo