backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

15 nguyên nhân khiến mũi có mùi hôi và cách khắc phục hiệu quả

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Song Hào · Tai - Mũi - Họng · Bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 23/08/2023

    15 nguyên nhân khiến mũi có mùi hôi và cách khắc phục hiệu quả

    Việc nhận thấy lỗ mũi có mùi hôi là tình trạng khiến không ít người cảm thấy khó chịu, tự ti, ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của nhiều người. Vậy, lỗ mũi có mùi hôi là bệnh gì? Cách khắc phục vấn đề này ra sao?

    Việc tìm ra căn nguyên dẫn đến tình trạng mũi có mùi hôi sẽ giúp bạn có hướng xử lý đúng đắn và hiệu quả. Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu 12 nguyên nhân khiến lỗ mũi có mùi hôi và mẹo giúp hỗ trợ chấm dứt tình trạng này thông qua bài viết dưới đây nhé!

    Vì sao mũi có mùi hôi? 

    1. Bệnh viêm xoang

    Viêm xoang cấp tính hoặc mãn tính là tình trạng xoang bị nhiễm trùng dẫn đến viêm, gây nghẹt mũi, sổ mũi, hơi thở có mùi, dịch tiết có mùi hôi, đổi màu nước mũi, chảy nước mũi sau… Tất cả những điều này đều có thể khiến cho mũi có mùi hôi. Thông thường, mũi có mùi hôi xảy ra ở những bệnh nhân bị viêm xoang mãn tính.

    Viêm xoang cấp tính thường kéo dài khoảng 3-8 tuần, trong khi các trường hợp mãn tính có thể kéo dài hơn 8 tuần. Bệnh thường do một loài vi khuẩn gây ra, tuy nhiên cũng có thể do virus hoặc nấm mốc gây ra.

    2. Viêm tiền đình mũi

    Một số người có thể ngửi thấy mùi hôi trong mũi do vi khuẩn phát triển quá mức ở lỗ mũi trước gây nhiễm trùng ở cửa mũi. Trường hợp này gọi là viêm tiền đình mũi.

    Viêm tiền đình mũi xảy ra do thường xuyên ngoáy hoặc xì mũi gây nhiễm trùng, có thể dẫn đến nổi mụn ở gốc lông mũi và đôi khi đóng vảy quanh lỗ mũi.

    Nếu nhiễm trùng nhẹ, bệnh có thể được điều trị tại vị trí nhiễm trùng bằng thuốc kháng sinh dạng bôi không kê đơn chứa hoạt chất bacitracin trong vài tuần. Nhiễm trùng nặng hơn thì bác sĩ có thể kê đơn cho bệnh nhân uống một đợt thuốc kháng sinh.

    3. Polyp mũi khiến mũi có mùi hôi

    polyp mũi khiến lỗ mũi có mùi hôi

    Polyp mũi là khối u nhỏ, mềm, hình giọt nước, lành tính, hình thành trên thành khoang mũi hoặc xoang. Những khối u này hình thành do phản ứng viêm mạn tính. Do đó, nếu bạn bị hen suyễn, dị ứng hoặc nhiễm trùng xoang thường xuyên, nguy cơ phát triển polyp mũi sẽ tăng lên. 

    Polyp mũi có thể khiến bạn cảm thấy trong mũi có mùi hôi. Trong trường hợp này, mùi hôi trong mũi có thể là vì chất lỏng tích tụ bên trong polyp mũi: 

    • Chất lỏng có thể đến từ lớp lót ẩm ướt của màng nhầy – có tác dụng làm ẩm đường hô hấp, ngăn không cho bụi và các chất lạ đến phổi. 
    • Chất lỏng cũng có thể là dịch tiết hô hấp. Điều này xảy ra khi các khối u polyp mũi trở thành chướng ngại vật cản trở quá trình dẫn lưu của dịch tiết từ mũi ra bên ngoài. Nếu dịch tiết ứ đọng trong một thời gian dài, bệnh nhân có thể bị ngứa mũi, nghẹt mũi và có mùi hôi khó chịu trong mũi.

    Tuy nhiên, vì các khối u này rất nhỏ, và các polyp lớn ít khi hình thành, nên bạn có thể không gặp phải hoặc nhận thấy triệu chứng này. Người bệnh cũng có thể bị giảm khứu giác và vị giác đáng kể.

    4. Sỏi mũi

    Sỏi mũi xảy ra khi các dị vật vô tình lọt vào trong mũi và “ẩn mình’ trong đó, chẳng hạn như mảnh đá nhỏ, hạt, cát hoặc dịch tiết khô. Các dị vật này sau đó vôi hóa, có thể tồn tại qua nhiều năm và tăng dần kích thước. 

    Sỏi mũi có thể bị nhiễm vi khuẩn nặng, dẫn đến tình trạng mũi có mùi hôi dai dẳng, chảy nước mũi một bên, tắc nghẽn mũi… Vì những triệu chứng này hoặc trong những đợt khám tai mũi họng định kỳ, sỏi mũi mới được tình cờ phát hiện thông qua nội soi mũi hoặc chụp CT.

    5. Bệnh Phantosmia khiến mũi có mùi hôi

    Bệnh Phantosmia, hay còn gọi là chứng ảo giác khứu giác, xảy ra khi một người ngửi thấy mùi của những vật không có ở đó (không có mùi thật nhưng vẫn ngửi thấy mùi). Phantosmia có thể phát triển sau khi bị nhiễm trùng đường hô hấp (cảm lạnh, cảm cúm, viêm xoang…), polyp mũi, hoặc đau nửa đầu, động kinh, chấn thương đầu, đột quỵ, tâm thần phân liệt, bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson…

    Hội chứng này khiến người bệnh cảm thấy ở trong mũi hoặc ở đâu đó xung quanh có mùi như:

    • Mùi thối rữa
    • Mùi mục nát
    • Mùi cháy
    • Mùi kim loại
    • Mùi tương tự như hóa chất
    • Mùi tương tự như phân

    Do đó, nếu bạn cảm thấy mũi có mùi hôi nhưng những người xung quanh không ngửi thấy bất kỳ mùi gì, rất có thể là bạn đang mắc phải hội chứng Phantosmia.

    6. Trĩ mũi (viêm mũi teo) khiến hơi thở từ mũi có mùi hôi

    Một trong những triệu chứng điển hình nhất của bệnh viêm mũi teohơi thở từ mũi có mùi hôi lạ. Điều này xảy ra do tình trạng viêm nhiễm kéo dài ở niêm mạc mũi với nhiều nguyên nhân khác nhau như di truyền, các bệnh tự miễn, chấn thương mũi… 

    Bởi vì bệnh gây ra sự tích tụ chất bẩn và dịch mũi màu xanh hoặc vàng, cũng như ứ đọng vảy trong hốc mũi, nên thường khiến mũi có mùi hôi khó chịu.

    7. Viêm mũi nhiễm trùng

    lỗ mũi có mùi hôi do nhiễm trùng

    Viêm mũi nhiễm trùng là bệnh thường do virus hoặc vi khuẩn gây ra. Sự tích tụ của những tác nhân này tại lỗ mũi khiến niêm mạc mũi bị phù nề, gây ra các triệu chứng như:

    • Nghẹt mũi
    • Chảy nước mũi
    • Sưng nóng và đau nhức mũi
    • Tiết dịch mủ kèm mùi hôi ở lỗ mũi
    • Đau rát cổ họng
    • Ớn lạnh…

    Nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, bệnh không chỉ khiến dịch mũi có mùi hôi nghiêm trọng hơn mà còn có thể gây nhiễm trùng sang các bộ phận khác.

    8. Sâu răng

    Sâu răng là một nguyên nhân gián tiếp khiến mũi có mùi hôi. Vi khuẩn gây sâu răng có thể dễ dàng di chuyển đến các vùng lân cận như vòm họng, amidan, mũi… Khi tình trạng nhiễm trùng ngày càng nặng, vi khuẩn gây sâu răng có thể khiến mũi có mùi hôi.

    Mặt khác, vi khuẩn gây sâu răng còn có thể giải phóng khí có mùi khó chịu như lưu huỳnh. Những khí này sau đó phát triển thành mùi hôi thối, có thể di chuyển qua các lỗ nhỏ phía sau miệng nối với xoang và gây ra mùi hôi trong mũi.

    9. Lỗ mũi có mùi hôi là bệnh gì? Ung thư mũi xoang

    Ung thư mũi xoang là tình trạng xuất hiện khối u ác tính bên trong niêm mạc mũi hoặc xoang mũi. Đây là một căn bệnh hiếm gặp nhưng nguy hiểm. Các triệu chứng điển hình của ung thư mũi xoang thường là:

    • Chảy máu cam
    • Nghẹt mũi một bên
    • Chảy dịch ở mũi
    • Mũi có mùi hôi
    • Ù tai
    • Khó nghe
    • Giảm thị lực
    • Mặt tê bì
    • Đau đầu…

    10. Hội chứng chảy dịch mũi sau

    lỗ mũi có mùi hôi do chảy dịch mũi sau

    Chất nhầy có mùi hôi trong mũi, đặc biệt là khi chất nhầy đặc lại và chảy ngược xuống phía sau cổ họng là dấu hiệu của chảy dịch mũi sau.

    Thông thường, chất nhầy giúp giữ cho niêm mạc mũi khỏe mạnh, làm ẩm không khí hít vào, phản ứng với nhiễm trùng để loại bỏ các tác nhân gây bệnh, đẩy các hạt lạ ra khỏi đường thở… Tuy nhiên, nếu bị cảm cúm, cảm lạnh, dị ứng, viêm xoang… thì chất nhầy sẽ đặc lại, khó thoát ra ngoài như bình thường.

    Chảy nước mũi sau có thể bắt đầu với các triệu chứng nhẹ, không có mùi hôi và không ảnh hưởng đến quá trình hô hấp. Nhưng nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, bệnh nhân sẽ cảm thấy khó thở hơn, nước mũi bắt đầu chuyển sang màu xanh hoặc màu vàng và có mùi hôi trầm trọng hơn.

    Chảy nước mũi sau còn có thể gây ra các triệu chứng như ho (đặc biệt là vào ban đêm) và đau họng. Trong một số trường hợp, dịch nhầy thoát ra kém có thể tích tụ trong tai giữa, gây đau tai và nhiễm trùng tai.

    11. Các vấn đề về tiêu hóa và sức khỏe khác

    Một số vấn đề về tiêu hóa, chẳng hạn như trào ngược axit, có thể gây ra hôi miệng và có vị khó chịu trong miệng. Bên cạnh đó, các vấn đề tiêu hóa còn có thể gây ra mùi hôi bất thường trong mũi.

    Một số tình trạng nghiêm trọng hơn cũng có thể liên quan đến tình trạng mũi có mùi hôi (nhưng điều này thường hiếm gặp) chẳng hạn như:

    • Bệnh tiểu đường, có thể gây ra mùi ngọt ngào.
    • Bệnh gan, có thể gây ra mùi mốc mạnh.
    • Bệnh thận, có thể gây ra mùi giống như amoniac.

    12. Một số nguyên nhân khác khiến mũi có mùi hôi

    12.1. Khô miệng

    Khô miệng xảy ra khi khoang miệng không sản xuất đủ nước bọt. Các triệu chứng khô miệng bao gồm khô nứt môi, có cảm giác khô rát, sưng tấy đường mũi và có mùi hôi trong mũi. 

    Nguyên nhân gây khô miệng có thể là do mất nước, thói quen thở bằng miệng, sử dụng một số loại thuốc như thuốc giảm đau, thuốc thông mũi, thuốc kháng histamin, thuốc lợi tiểu, tuổi già và có vấn đề với tuyến nước bọt (chẳng hạn như hội chứng Sjogren).

    12.2. Ăn một số thực phẩm nhất định

    Tất cả các loại thực phẩm đều “tỏa ra” mùi khi cơ thể chuyển hóa và tiêu hóa chúng. Tuy nhiên, một số loại thực phẩm và đồ uống có thể đọng lại trong miệng hoặc gây ra mùi khó chịu trong mũi, đặc biệt là tỏi, hành tây, cà phê và thức ăn cay. Do đó, nếu cảm thấy mũi có mùi hôi, hãy nhớ lại xem bạn có vừa ăn những thực phẩm này không nhé.

    12.3. Một số loại thuốc có thể khiến mũi có mùi hôi

    Tương tự như thức ăn và đồ uống, một số loại thuốc cũng có thể gây ra mùi hôi trong mũi. Những loại thuốc này bao gồm: 

    • Nhóm thuốc nitrat và nitrit
    • Thuốc amphetamine
    • Thuốc phenothiazine 

    12.4. Hút thuốc

    Việc hút thuốc lá chủ động hoặc thụ động đều có thể khiến mũi có mùi hôi. Thuốc lá có chứa các hóa chất làm ố và làm yếu răng và nướu, do đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh về răng và nướu. Thuốc lá cũng có thể gây hôi miệng, khiến hơi thở từ mũi có mùi hôi khó chịu.

    Không những thế, hút thuốc còn có thể làm giảm khả năng nếm và ngửi thức ăn đúng cách. Điều này có thể khiến người hút thuốc ngửi thấy mùi mà họ cho là hôi, nhưng thực tế có thể không có mùi khó chịu.

    Làm gì khi mũi có mùi hôi?

    lỗ mũi có mùi hôi

    Nhìn chung, mũi có mùi hôi là một tình trạng bất thường và thường là dấu hiệu cảnh báo một tổn thương xảy ra ở mũi hoặc các cơ quan lân cận. Do đó, nếu bạn nhận thấy cánh mũi, lỗ mũi, nước mũi hoặc hơi thở từ mũi có mùi hôi, và tình trạng này kéo dài 5-10 ngày nhưng vẫn chưa cải thiện, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được khám và điều trị.

    Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho mũi có mùi hôi như đã đề cập ở trên nên bạn cần thăm khám càng sớm càng tốt. Đặc biệt là nếu như bạn ngửi thấy mũi có mùi giống mùi amoniac thì cần phải đi kiểm tra thận ngay, vì đây là những triệu chứng thường gặp ở người bị bệnh thận mãn tính. Thế nhưng, vì mũi có mùi hôi amoniac lại dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác, nên người bệnh thường nảy sinh tâm lý chủ quan, đến khi bệnh bước vào giai đoạn cuối mới phát hiện thì quá trình điều trị khó đạt được hiệu quả.

    Việc điều trị mùi hôi trong mũi dựa trên nguyên nhân gây ra tình trạng này. Thông qua thăm khám, bác sĩ sẽ chẩn đoán được nguyên nhân và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Trong khi một số người có mùi hôi trong mũi có thể khắc phục tại nhà bằng các biện pháp như súc miệng bằng nước muối mỗi ngày, uống đủ nước, chăm sóc tốt răng miệng… thì một số bệnh nhân cần dùng thuốc uống, thuốc xịt, hay thậm chí phải phẫu thuật loại bỏ khối u.

    Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu hơn vì sao mũi có mùi hôi và cách khắc phục tình trạng này hiệu quả.

    Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin và đặt khám ngay tại: Bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn – Đặt lịch hẹn khám với ThS.BS Nguyễn Song Hào

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Song Hào

    Tai - Mũi - Họng · Bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn


    Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 23/08/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo